25/09/2014 14:32 GMT+7

Nicolas Ancion viết tiểu thuyết trong 24g tại Việt Nam

VŨ VIẾT TUÂN ghi
VŨ VIẾT TUÂN ghi

TTO - Ngày 24-9, nhà văn người Bỉ, Nicolas Ancion có mặt ở Việt Nam. Anh sẽ hoàn thành một cuốn tiểu thuyết trong vòng 24 giờ (12 giờ tại Hà Nội và 12 giờ tại TP.HCM).

 Nhà văn người Bỉ, sẽ hoàn thành cuốn tiểu thuyết trong 24 giờ tại Việt Nam - Ảnh: V.V.Tuân
Nhà văn người Bỉ, sẽ hoàn thành cuốn tiểu thuyết trong 24 giờ tại Việt Nam - Ảnh: V.V.Tuân

Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam tổ chức chuyến thăm kéo dài đến ngày 1-10 này.

Trước đó, nhà văn Nicolas Ancion đã tạo nên kỳ tích khi viết và xuất bản trực tuyến hai cuốn tiểu thuyết trong 24 giờ tại Bruxells, Bỉ năm 2010, và tại New York, Mỹ năm 2013.

Trước khi thực hiện 12 giờ viết đầu tiên, chiều ngày 24-9, tác giả Nicolas Ancion đã có buổi giao lưu cởi mở với độc giả Hà Nội. Nhiều câu hỏi của độc giả đã được nhà văn giải đáp một cách thú vị.

Vì sao anh chọn Việt Nam làm nơi để viết cuốn tiểu thuyết trong 24 giờ?

- Một ước mơ chợt nảy đến trong tôi: tôi muốn hoàn thành 5 cuốn sách trong 24 giờ tại 5 nước của 5 châu lục khác nhau trên thế giới.

Cho nên khi Nhã Nam liên hệ nhân dịp cuốn sách “Chuyện tầng năm” của tôi được chuyển thể sang tiếng Việt, tôi chợt nghĩ, sao mình không thực hiện điều ấy tại Việt Nam, một quốc gia châu Á? Nên tôi đã đưa ra lời đề nghị được sang Việt Nam để thực hiện cuốn sách trong vòng 24 giờ như ở Mỹ và Bỉ.

Tôi thấy sẽ thuận lợi khi ở Việt Nam, bởi tôi chỉ phải viết 12 tiếng liên tục tại Hà Nội, và sau đó bay vào TP.HCM để viết tiếp trong 12 tiếng còn lại. Nhưng tôi chưa biết sẽ phải gọi đó là hai tác phẩm, hay là hai nửa của một tác phẩm được viết ở hai nơi khác nhau? Tôi sẽ sáng tác ra một câu chuyện ở hai thành phố này sao cho chúng phải có mối liên hệ và sự kết nối với nhau.

Trước khi đến Việt Nam, anh đã tìm hiểu về văn hóa Việt Nam hay chưa? Cuốn tiểu thuyết viết trong 24 giờ sắp tới, anh muốn nói điều gì về văn hóa Việt Nam?

- Tôi biết Việt Nam đã lâu qua một người bạn, và tên Việt Nam đã tồn tại trong tôi từ rất lâu rồi. Tôi thích đi du lịch khám phá những vùng đất mới. Ở mỗi nơi đã đi qua, đều tạo cho tôi một ham muốn được viết cái gì đó. Việt Nam là một nơi như vậy. 

Tôi nghĩ việc viết cuốn tiểu thuyết trong 24 giờ cũng như một giấc mơ. Trước khi đi ngủ, chúng ta chưa biết sẽ mơ những gì, chỉ đến khi bước vào giấc mơ ta mới biết. Trong các tác phẩm của mình, tôi đều muốn vẽ lên chân dung về con người, chân dung các thành phố, mà ở đó có nhiều thân phận con người. Hiện tại tôi chỉ có thể nói như vậy về cuốn tiểu thuyết sắp viết tại đất nước các bạn.

Tôi không tin khi chỉ còn vài tiếng nữa nhà văn bắt tay viết câu chuyện trong 24 giờ tại Việt Nam, mà đến bây giờ, anh vẫn chưa có ý tưởng nào về câu chuyện ấy?

- Thực ra, cứ mỗi phút trôi qua, tôi lại có vài ba ý tưởng nảy đến trong đầu. Như từ lúc ngồi nghe và trả lời câu hỏi của các bạn, tôi đã có mấy chục ý tưởng tìm đến. Cái điện thoại rơi của bạn cũng là một ý tưởng…

Với hai tác phẩm đã viết trong 24 giờ tại Bỉ và Mỹ, anh có hài lòng với tác phẩm của mình hay không? 

- Có người phải mất 10 năm mới sáng tác được một truyện ngắn, và cũng có thể sáng tác một cuốn tiểu thuyết dài trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Đối với tôi, yếu tố viết nhanh hay viết chậm đều không phải là vấn đề quan trọng.

Trong khi tôi viết marathon cuốn sách trong 24 giờ, thì độc giả cũng được đọc và phản hồi trực tuyến. Cuốn sách tôi viết trong 24 giờ tại Mỹ, sau đó đã được in thành sách dùng cho sinh viên Mỹ học tiếng Pháp.

Những ý kiến của độc giả trực tuyến có ảnh hưởng đến quá trình sáng tác của nhà văn hay không?

- Có chứ! Tôi vừa viết trực tuyến, vừa nhận và đọc phản hồi trực tiếp của độc giả. Có thể tôi sẽ đi theo hướng tích cực của những phản hồi đó, hoặc tôi sẽ làm hoàn toàn ngược lại với mong muốn tạo ra thú vị bất ngờ.

Như khi tôi đang viết trực tuyến cuốn sách trong 24 giờ tại Bỉ, thì có một nhà phê bình văn học đã phê bình trực tuyến từng chương mục mà tôi viết. Ông có đánh giá một nhân vật của tôi rất hay, cho rằng phần tiếp theo chắc chắn nhân vật này sẽ rất thú vị. Nhưng sau đó, tôi đã cho nhân vật ấy biến mất hoàn toàn khỏi câu chuyện: nhân vật của tôi bị bệnh và qua đời.

Nhà văn viết tiểu thuyết trong 24 giờ là người có thể sáng tác ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh, không cần đến yếu tố của cảm xúc…

- Tôi nghĩ là hoàn toàn không phải như vậy. Cảm xúc, cảm hứng đã nằm sẵn trong trái tim của người sáng tác rồi. Nhà văn Đôt-xtôi-ép-xki của Nga, khi bị nợ nần thúc bách, ông đã hoàn thành một cuốn sách trong một tuần. Và tác phẩm đó đã trở thành kinh điển của văn học thế giới. Nhà văn Pháp Guyxtavơ Flôbe phải viết đi viết lại, sửa chữa đến 60 lần mới cho ra đời một tác phẩm, và nó cũng trở thành tác phẩm rất hay.

Tôi quan niệm, văn chương cũng như hội họa, có họa sĩ sáng tác trong vài tiếng đã để lại tác phẩm để đời, có người sáng tác trong vài năm cũng chưa ra được tác phẩm gì. Trước đây, tôi cũng đã từng viết, sửa chữa một cuốn sách trong 10 năm, nhưng sau khi đọc lại tôi thấy nó tệ quá, và tôi đã không viết tiếp tác phẩm đó nữa.

Từ 8 giờ sáng đến 20 giờ ngày 25-9, nhà văn Nicolas Ancion sẽ viết liên tục, trực tuyến cuốn tiểu thuyết trong 24 giờ tại quán café L’Espace, 24, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Anh sẽ viết tiếp 12 giờ tiếp theo tại TP.HCM vào ngày 30-9.

Ngày 27-9, tác giả Nicolas Ancion cùng TS. Trần Ngọc Hiếu tọa đàm với chủ đề “Văn chương ngày nay còn lợi ích gì” tại Hội chợ sách “Hà Nội – thành phố vì hòa bình”. Anh cũng có nhiều hoạt động giao lưu với sinh viên các trường đại học tại Hà Nội và TP.HCM.

VŨ VIẾT TUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên