10/05/2022 14:00 GMT+7

Những yếu tố của ngôi trường hạnh phúc: Trẻ được là chính mình

MỸ DUNG
MỸ DUNG

Ngôi trường hạnh phúc là nơi các triết lý, hành động giáo dục đều lấy học sinh làm trung tâm dựa trên sự thấu hiểu từng đứa trẻ và đưa thành tựu đến cho trẻ theo cách riêng.

Những yếu tố của ngôi trường hạnh phúc: Trẻ được là chính mình - Ảnh 1.

Đại diện báo Tuổi Trẻ tặng hoa các chuyên gia tham dự talk show - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày 9-5, tại talk show "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui: Ngôi trường hạnh phúc - Trẻ được là chính mình" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trường quốc tế Canada tổ chức, các chuyên gia giáo dục, tâm lý, y học đã bàn về cách tạo cho học sinh môi trường vui vẻ, nơi học sinh được tự do sáng tạo và tìm ra những đam mê của chính bản thân.

Học sinh phải là cái "rốn" của mọi hoạt động ở trường

Chia sẻ từ những lần trò chuyện với con và cách nhà trường đã làm gì để học sinh thấy vui vẻ khi đến trường, thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM, rút ra rằng: "Trẻ vui là trẻ được hoạt động. Khi bắt đầu mỗi ngày bằng niềm vui, học sinh sẽ có một năng lượng rất lớn".

Vì thế, Trường THPT Nguyễn Du đầu tư vào các hoạt động như dạy kỹ năng, yoga, thiền, âm nhạc suốt 7 năm qua với phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Bên cạnh đó, trường cũng đầu tư vào môi trường học đường đẹp, có đầy đủ công năng để học sinh có thể tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp với tư cách là người chủ của ngôi trường.

Những yếu tố của ngôi trường hạnh phúc: Trẻ được là chính mình - Ảnh 2.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Nhà trường không cấm học sinh nữ đi giày cao gót, các em có thể trang điểm nhẹ, các em cũng không bị gò ép phải ngồi theo sắp xếp, các em cũng được sử dụng điện thoại di động… Môi trường xung quanh đẹp, lúc nào cũng như trạng thái chuẩn bị đón Noel, sân khấu nhà trường rộng và mỗi tháng đều có sự kiện… và ở đó các hoạt động đều dựa trên sở thích và chính sự bình chọn của các em", thầy Huỳnh Thanh Phú kể.

Cũng dựa trên triết lý giáo dục coi trọng hạnh phúc của học sinh, Trường quốc tế song ngữ Canada (BCIS) có hẳn các chương trình mang đến hạnh phúc cho học sinh như: dạy học sinh về chánh niệm, hỗ trợ học sinh phát huy điểm mạnh…

"Đầu tuần, trường có một giờ cố định được dẫn dắt bởi một chuyên viên về chánh niệm, hướng dẫn giáo viên để họ có thể linh hoạt vận dụng giúp học sinh sống trong từng phút giây, tận hưởng mọi thứ trong từng phút giây bằng sự chú tâm và tri ân những điếu tốt mà mình đang nhận được", cô Nguyễn Thị Thu Huyền, hiệu trưởng Trường quốc tế song ngữ Canada nói và cho biết thêm trường cũng luôn luôn quan tâm đến mỗi cá nhân học sinh. 

Khi học sinh vào trường, các em đều được xem xét đánh giá để hiểu cặn kẽ những điểm mạnh, điểm yếu về mọi mặt như học thuật, tính cách, sở thích… Giáo viên và học sinh cũng thường xuyên tương tác với nhau và những thay đổi của học sinh về cảm xúc cũng sẽ được giáo viên gửi đến chuyên viên và chuyên viên sẽ có cách tiếp cận từng học sinh để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Những yếu tố của ngôi trường hạnh phúc: Trẻ được là chính mình - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Thị Thu Huyền, hiệu trưởng Trường Song ngữ quốc tế Canada (BCIS) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cũng theo cô Nguyễn Thị Thu Huyền, sau mỗi học kỳ, giáo viên chủ nhiệm, bộ môn đều có "danh sách học sinh cần quan tâm", "những đặc điểm học sinh cần quan tâm" để dựa vào đó nhà trường sẽ có những hoạt động hỗ trợ cho học sinh phát huy điểm mạnh của mình. Triết lý giáo dục đó thấm nhuần trong tất cả hoạt động của BCIS.

Chương trình giáo dục tính cách qua hành động

TS Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết Trường quốc tế Canada có một chương trình gọi là "Giáo dục tính cách qua hành động". Theo đó, mỗi tháng nhà trường chú trọng giáo dục một phẩm chất cho học sinh trong 10 phẩm chất như tinh thần lạc quan, trách nhiệm, hợp tác, bao dung… Mỗi tháng như vậy nhà trường sẽ có một giáo viên là người lãnh đạo triển khai chi tiết để giáo viên nói chuyện với học trò về các phẩm chất ấy; các giáo viên bộ môn cũng có thể tích hợp trong các bài giảng của mình. Đồng thời, nhà trường cũng có những hoạt động liên quan tập hợp toàn trường để học sinh bàn về các phẩm chất được chọn làm chủ đề giáo dục...

Trẻ được chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất

Trong bối cảnh công nghệ và sau những tác động của COVID-19 lên đời sống toàn xã hội, làm sao để có được ngôi trường hạnh phúc trong đó học sinh được là chính mình không phải là điều đơn giản. 

TS Lê Minh Công, phó khoa công tác xã hội, Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết dữ liệu tâm lý học hiện nay cho thấy đời sống sức khỏe tinh thần của học sinh chúng ta đang có những nguy cơ khá trầm trọng ở nhiều góc độ khác nhau, từ những trải nghiệm hằng ngày đến những nguy cơ liên quan đến trải nghiệm lạm dụng trò chơi trực tuyến hay gần đây tình trạng áp lực dẫn đến tự sát, thậm chí có những nghiên cứu cho thấy sự gia tăng gấp 3 lần so với trước.

Những yếu tố của ngôi trường hạnh phúc: Trẻ được là chính mình - Ảnh 5.

TS. Lê Minh Công, phó khoa công tác xã hội, giám đốc trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần- Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

TS Lê Minh Công cho rằng một môi trường học đường làm cho học sinh hạnh phúc phải là một môi trường mang đến cho trẻ một sức khỏe tinh thần tốt.

"Khái niệm sức khỏe tinh thần là cá nhân học sinh cảm thấy hài lòng, khỏe mạnh, nhận ra chính mình, thỏa mãn được chính mình và có cách ứng ứng phó với căng thẳng hằng ngày, cảm thấy hạnh phúc, có sự thăng tiến", TS Lê Minh Công nói.

Theo đó, nhà trường và gia đình phải trao cho trẻ những cơ hội để học sinh là chính mình cũng như có chiến lược để trẻ ứng phó được với các khủng hoảng. Bên cạnh đó, ngôi trường phải tạo ra khả năng kết nối cho học sinh, học sinh được tham gia các hoạt động xã hội về nơi đó và thấy mình là chủ thể của các hoạt động đó để tạo ra cảm giác được công nhận và hạnh phúc.

Nhìn ở góc độ y học, Ths.BS Nguyễn Đình Huấn, giảng viên bộ môn Nhi - Trường ĐH Tân Tạo, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết để có được niềm vui khi đến trường thì những hoạt động hằng ngày của học sinh phải thỏa mãn các yếu tố vui trong dinh dưỡng, trong sự nghỉ ngơi, vận động và thư giãn.

Những yếu tố của ngôi trường hạnh phúc: Trẻ được là chính mình - Ảnh 6.

Ths.BS Nguyễn Đình Huấn, giảng viên bộ môn Nhi - Trường ĐH Tân Tạo, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Vui trong dinh dưỡng chính là phụ huynh, nhà trường, giáo viên đều phải hiểu và chú trọng dinh dưỡng đầy đủ, khoa học, học sinh mới có năng lượng tích cực để học cả ngày như ăn sáng đầy đủ, không bỏ bữa… Trẻ cần 20-30 phút nghỉ ngơi buổi trưa để tái tạo năng lượng cho buổi chiều. Trẻ cũng cần được nghỉ ngơi đúng giờ, tránh thức khuya. Và cũng cần vận động để có thể lực tốt…", Ths.BS Nguyễn Đình Huấn khuyên.

Để tránh những trường hợp đáng tiếc trong chăm sóc sức khỏe tinh thần, tạo môi trường học tập hạnh phúc và khám phá, cô Melissa Susan O'Leary, hiệu trưởng Trường Trung học quốc tế Canada (CIS) cho rằng cần xem học sinh là trung tâm trong hoạt động giáo dục và của mọi sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Những yếu tố của ngôi trường hạnh phúc: Trẻ được là chính mình - Ảnh 7.

Cô Melissa Susan O'Leary, hiệu trưởng Trường Trung học quốc tế Canada (CIS) - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Phải đặt học sinh giữa trung tâm các vấn đề và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh dựa trên việc cung cấp cho trẻ sự hỗ trợ mạnh mẽ càng sớm càng tốt. Giáo viên quan tâm, sâu sát các vấn đề của học sinh để có thể kịp thời theo dõi những biểu hiện dù nhỏ nhất để kịp thời can thiệp. 

Giáo viên còn trò chuyện hằng ngày với học sinh để nhận ra sự thay đổi nhỏ trong tinh thần, tính cách để điều chỉnh… Trường cũng cần chuẩn bị những lực lượng khác hỗ trợ như bác sĩ, chuyên gia tâm lý… Và những điều này được thực hiện ở trường chúng tôi nhằm mang đến cho học sinh một môi trường hạnh phúc, trẻ được là chính mình", cô Melissa Susan O'Leary chia sẻ.

Không quan trọng điểm số - học sinh ghi thành tựu theo cách riêng

Một trong những vấn đề gây tranh cãi trong việc tạo một môi trường hạnh phúc là điểm số đóng vai trò như thế nào đối với cảm giác vui vẻ của học sinh khi đến trường?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn dẫn lại những ký ức thời còn đi học và nhấn mạnh điểm có giá trị nhưng không phải là tất cả và khuyên học sinh "điểm số cao cũng đừng quá tự mãn và điểm số thấp thì cũng không nên buồn vì sự thành công không chỉ dựa vào kiến thức cứng và bằng cấp mà quan trọng hơn là những kiến thức mềm".

Ở góc độ nhà trường, để tạo nên một môi trường học đường vui vẻ, thầy Huỳnh Thanh Phú nói điểm số đóng góp một phần quan trọng trong cảm xúc và hoạt động học tập của học sinh. Vì thế, thầy Phú cho biết tại Trường THPT Nguyễn Du, nhà trường đã thay đổi phương pháp giảng dạy, đánh giá học sinh và cả cách học sinh được chấm điểm.

"Chúng tôi không chỉ cho điểm một lần mà đánh giá theo hướng học sinh làm được điều gì thì khuyến khích điều đó, đánh giá dựa trên điều đó. Giáo viên cho thật nhiều điểm theo các hoạt động mà học sinh thực hiện và các em được lựa điểm cao nhất trong hoạt động cũng như được cải tạo điểm số. Vì thế, cảm giác của học sinh về điểm số sẽ không còn tiêu cực mà luôn cầu thị để cải tạo điểm số của mình", thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, TS Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng ngôi trường hạnh phúc phải là ngôi trường không coi trọng điểm số để đánh giá học sinh mà dựa trên các mặt tích cực của trẻ để hoàn thiện bản thân trẻ, làm cho trẻ có đam mê và sở thích.

"Học sinh hay bất cứ chủ thể nào thì cũng phải có thành tựu thì mới hạnh phúc được. Trường học hạnh phúc phải là nơi ghi nhận tất cả thành tựu của học sinh. Ví dụ, một học sinh trước đây khá nhút nhát nhưng từng ngày em tự tin hơn thì nhà trường nên ghi nhận sự tiến bộ này của em. Những điểm nào học sinh chưa tốt thì nhà trường cần ghi nhận sự cải thiện của học sinh, đưa ra hướng khắc phục và những phương án giúp học sinh hoàn thiện hơn mỗi ngày", cô Nguyễn Thu Huyền đề nghị.

Về khía cạnh tâm lý, TS Lê Minh Công cho rằng môi trường học đường không quan trọng điểm số mà đánh giá học sinh dựa vào sự khích lệ. Điều này rất quan trọng để tạo nên cảm giác hạnh phúc của mỗi học sinh, gốc rễ của một ngôi trường hạnh phúc và học sinh được là chính mình.

"Sự khích lệ liên tục của giáo viên, phụ huynh đối với học sinh không chỉ giúp học sinh vui khi đến trường ngày hôm nay mà còn giúp các em tìm thấy mình trong tương lai", TS Lê Minh Công khẳng định.

Talk show "MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG LÀ MỘT NGÀY VUI - Ngôi trường hạnh phúc - Trẻ được là chính mình" do Báo Tuổi Trẻ và Trường quốc tế Canada tổ chức phát trên các nền tảng: Tuổi Trẻ TV, kênh Youtube và Fanpage Tuổi Trẻ.

Chương trình có sự tham dự của các chuyên gia: thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM; TS Lê Minh Công, phó khoa công tác xã hội, giám đốc trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM); ThS.BS Nguyễn Đình Huấn, giảng viên bộ môn Nhi - Trường ĐH Tân Tạo, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2; TS Nguyễn Thị Thu Huyền - hiệu trưởng Trường Song ngữ quốc tế Canada (BCIS); Cô Melissa Susan O'Leary - hiệu trưởng Trường Trung học quốc tế Canada (CIS)

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên