27/04/2009 18:15 GMT+7

Những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam và các nước láng giềng (tiếp theo)

LÊ MINH NGHĨA (*) Cố Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ CHXHCNVN
LÊ MINH NGHĨA (*) Cố Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ CHXHCNVN

TTO - Giữa Việt Nam và Malaysia có một vùng chồng lấn vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 2.800km2. Vùng này hình thành bởi đường ranh giới thềm lục địa do chính quyền Sài Gòn công bố năm 1971 và đường ranh giới thềm lục địa do Malaysia công bố năm 1979.

4. Với Malaysia

jkeUjNCH.jpgPhóng to

Sở dĩ có sự khác nhau đó là do Sài Gòn có tính đến đảo Hòn Khoai cách đất liền 6,5 hải lý còn Malaysia đã bỏ qua đảo Hòn Khoai.

Tháng 5-1992, Việt Nam và Malaysia đã ký thỏa thuận hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn, giao cho các công ty dầu lửa của hai bên ký các dàn xếp thương mại và tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác rồi phân chia sản phẩm; việc phân định vùng chồng lấn sẽ giải quyết sau. Việc hợp tác giữa hai ngành dầu khí đang tiến triển bình thường.

Ngoài ra, vùng khai thác chung giữa Thái Lan và Malaysia rộng 7.250km2 có 800km2 liên quan đến Việt Nam. Ba nước đã thỏa thuận sẽ cùng nhau giải quyết khu vực này và cuộc họp đầu tiên đã diễn ra tháng 2-1998, vòng hai sẽ họp vào nửa cuối năm 1998 để bàn về khả năng khai thác chung vùng chồng lấn.

Giữa Việt Nam và Malaysia còn có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa do Malaysia có yêu sách đối với vùng phía Nam quần đảo Trường Sa và trên thực tế trong 2 năm 1993-1994,

Malaysia đã cho quân chiếm ba bãi đá ngầm ở Nam quần đảo Trường Sa: Hoa Lau, Kỳ Vân, Kiệu Ngựa.

Chính phủ Việt Nam và chính phủ Malaysia nhiều lần khẳng định sẽ giải quyết mọi tranh chấp giữa hai nước bằng thương lượng hòa bình.

5. Với Thái Lan

Giữa Việt Nam và Thái Lan có hai vấn đề trên biển phải giải quyết:

a) Phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

b) Giải quyết vấn đề tầu thuyền đánh cá Thái Lan thường xuyên vi phạm vùng biển Việt Nam và có trường hợp Thái Lan đã dùng hải quân, không quân bảo vệ các hoạt động này.

Về vấn đề thứ nhất: giữa hai nước có một vùng chồng lấn rộng khoảng 6000km2 do Việt Nam có tính đến hiệu lực của đảo Thổ Chu, còn Thái Lan thì phủ nhận hiệu lực của đảo Thổ Chu.

Từ năm 1992, hai bên đàm phán qua 9 vòng cấp chuyên viên.

Ngày 9-8-1997 hai nước ký Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước. Theo Hiệp định, Việt Nam được 32,5% diện tích vùng chồng lấn.

Về vấn đề thứ hai: Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Thái Lan về thiết lập trật tự trên biển đã họp hai vòng. Hai bên đã thỏa thuận phối hợp trong việc giáo dục ngư dân, đi tới tổ chức tuần tra chung, thiết lập kênh liên lạc cảnh báo vi phạm, hợp tác tổ chức điều tra nguồn lợi biển giữa hai nước.

Việc giải quyết dứt điểm vấn đề này cũng còn đòi hỏi một thời gian.

6. Với Philippin

Philippin vốn là nước không có quyền gì đối với quần đảo Trường Sa vì Hiệp định Paris năm 1898 giữa Mỹ và Tây Ban Nha theo đó Tây Ban Nha giao Philippin cho Mỹ, đã xác định phạm vi quần đảo Philippin trên bản đồ kèm theo Hiệp định, theo bản đồ đó nước Philippin không bao gồm 1 đảo nào của quần đảo Trường Sa.

Từ năm 1951, Philippin bắt đầu chuẩn bị dư luận để nhẩy vào tranh chấp quần đảo Trường Sa với lời tuyên bố của Tổng thống Philippin Quirino rằng quần đảo Spratly (tức Trường Sa) phải thuộc về Philippin vì nó ở gần Philippin.

Từ năm 1971-1973, Philippin cho quân đội ra chiếm đóng 5 đảo trên quần đảo Trường Sa và năm 1977-1978 chiếm thêm hai đảo nữa. Cả 7 đảo nằm ở phía Bắc quần đảo. Họ ra sức củng cố vị trí trên quần đảo: chở đất ra đảo để trồng dừa, cạp thêm đất ra biển để làm đường băng cho máy bay chiến đấu, mở đường hàng không thường kỳ, tổ chức đánh cá, xây dựng kho ướp lạnh, tổ chức thăm dò, khai thác dầu khí ở Đông Bắc quần đảo (có tin nói là sản lượng dầu khai thác ở đây đảm bảo 10% nhu cầu dầu của Philippin).

Đầu năm 1979, Philippin công bố sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký ngày 11/6/1978 coi toàn bộ quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa) là lãnh thổ Philippin và đặt tên cho quần đảo là Kalayaan.

Năm 1980, Philippin mở rộng lấn chiếm xuống phía Nam quần đảo, chiếm đóng đảo Công Đo cách đảo gần nhất mà họ chiếm đóng cũ gần 150 hải lý.

Từ năm 1978 đến 1994, Việt Nam và Philippin đã thỏa thuận ở cấp bộ trưởng bộ ngoại giao, thủ tướng chính phủ, tổng thống và chủ tịch nước là sẽ giải quyết mọi tranh chấp giữa hai nước bằng thương lượng hòa bình trên tinh thần hữu nghị, hòa giải, tin cậy lẫn nhau.

Ngày 7-11-1995, hai bộ ngoại giao Việt Nam - Philippin đã đạt được thỏa thuận về 9 nguyên tắc ứng xử cơ bản đối với vùng tranh chấp trong đó có các điểm chính là:

- Hai bên đồng ý thông qua thương lượng, hòa bình tìm kiếm giải pháp cơ bản cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

- Kiềm chế không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy hợp tác song phương hoặc đa phương về bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, khí tượng, chống thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên biển ở quần đảo Trường Sa.

- Bảo đảm tự do hàng hải theo quy định của luật quốc tế.

- Từng bước tăng cường hợp tác và giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1996, hai bên đã thực hiện thành công chuyến khảo sát chung về khoa học biển tại khu vực quần đảo Trường Sa và Biển Đông. Hai bên sẽ tiếp tục tổ chức khảo sát khoa học chung trên khu vực quần đảo và trên Biển Đông. Ủy ban hỗn hơp Việt Nam - Philippin do bộ trưởng ngoại giao hai nước dẫn đầu họp tại Hà Nội tháng 1-1997 đã thỏa thuận về một số biện pháp xây dựng lòng tin trên quần đảo, trong đó có việc trao đổi các cuộc viếng thăm của các chỉ huy quân sự và lực lượng đồn trú của hai bên trên quần đảo.

LÊ MINH NGHĨA (*) Cố Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ CHXHCNVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên