![]() |
Trong khi người dân TP chìm vào giấc ngủ thì những CN này phải chạy đua với thời gian để làm xong công việc trước 5g sáng |
Vậy là mọi bực dọc lại trút lên đầu những người công nhân trực tiếp đào đường. Và những kẻ “tội đồ” này thì chẳng biết “trút hận” đi đâu ngoài việc lầm lũi hết đào lại lấp...
Trăm dâu đổ đầu tằm
Đơn vị thi công nơi tôi theo làm việc trong những đêm cuối năm này là Xí nghiệp Công trình 6, thuộc Công ty Quản lý công trình giao thông Sài Gòn - đơn vị được một lãnh đạo Sở Giao thông công chánh TP giới thiệu với tôi là rất có trách nhiệm trong công việc. Tối 15 -12, chúng tôi được chia ra làm hai tổ. Tổ chúng tôi do đích thân kỹ sư Trần Công Tuấn Anh (giám đốc xí nghiệp) chỉ huy, làm ở ngã ba Trương Quốc Dung - Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) với nhiệm vụ đấu nối đường ống cấp nước hiện hữu. Tổ còn lại làm việc ở một con hẻm trên đường Trường Chinh (P.12, Q.Tân Bình) do anh Trần Quang Hưng (24 tuổi, quê Quảng Nam) làm giám sát.
Khoảng hơn 23g, một công nhân (CN) từ tổ của anh Hưng hốt hoảng chạy qua báo: “Anh Hưng đã bị đánh vào đầu ngất xỉu”. Hay tin, ông Tuấn Anh bỏ công trường chạy qua đó lo cấp cứu người và trình báo công an phường. Vụ việc xuất phát từ sự bực tức của người đi đường và một số hộ dân tại đây khi họ cho rằng các CN này đã đào phá đường hẻm, gây khó khăn cho việc đi lại và thậm chí vì một lý do hết sức đơn giản là... làm đêm ồn ào khiến họ không nghỉ ngơi được.
Theo những CN ở đây, trường hợp bị người dân “trút giận” như anh Hưng không phải là ít. Tháng 11-2003, tại công trình phát triển đường ống cấp nước phi 800-1.000 ở Q.6, một CN tên Quang quê ở Thái Bình bị lơ và tài xế xe tải đánh tét đầu vì tội “đào đường gây cản trở giao thông”. Sau trận đó anh Quang bỏ nghề luôn. Đó chỉ là những vụ thuộc loại “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, còn những vụ trút giận vu vơ theo kiểu chửi bới, chì chiết, tìm cách gây sự…thì không biết bao nhiêu mà kể.
Cũng có những chuyện không biết kêu vào đâu. Chẳng hạn như vụ hàng chục hộ dân ở một con hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh suýt trút giận “hội đồng” lên CN. Nguyên do là trước đó các hộ dân ở phía bên phải hẻm kêu gọi các hộ bên trái hẻm cùng góp tiền để làm đường và lắp ống nước nhưng những hộ bên trái không chịu. Đến khi những hộ bên phải tự bỏ tiền làm xong thì những hộ bên trái lại định đào lên để bắt ống nước. Các CN vừa vác đồ nghề tới đầu hẻm thì bị những hộ dân bên phải dàn trận và tuyên bố: “Ai đào đường thì xử người đó”.
Theo một số CN, họ cũng không vui gì trước tình trạng đào đường tứ tung. Họ nói rằng nhiều lúc đặt máy khoan xuống thấy bóc lên từng lớp nhựa đường mới tinh mà lòng xót xa. Nhiều công trình rất đẹp, mới nhưng sau khi bị “cày xới” vài tháng là xuống cấp nghiêm trọng như đường Nguyễn Kiệm là một điển hình. Hay tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) chỉ mới được làm vài năm gần đây, nhưng nay cũng lãnh một vết xẻ dọc mép đường dài hàng trăm mét.
Các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3); Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận); Dương Quảng Hàm, Nguyễn Huy Điển, Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp); Tô Ký (Q.12); Trần Văn Ơn, Nguyễn Sơn (Q.Tân Phú)... cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nghiêm trọng hơn, đường Lũy Bán Bích và Lạc Long Quân sau khi bị đào được “tái lập và bù lún” nhiều lần song lún vẫn hoàn lún do hệ thống thoát nước ngầm đã bị đơn vị thi công phá hỏng.
![]() |
Chạy đua với thời gian để đưa nước sạch đến cho người dân sinh hoạt trước Tết Nguyên đán |
Trong những phút nghỉ ngơi hiếm hoi bên công trình, tôi làm quen với một CN lớn tuổi nhất trong tổ. Tên ông là Trần Hoàng Tiến (51 tuổi). Ông có vợ và bốn người con ở quê (Quảng Nam), xa gia đình ông vào đây làm CN. Mỗi đêm làm việc ông kiếm được khoảng 40.000-60.000 đồng. Ông được ở “ké” trong nhà kho của đơn vị, tiêu xài tiện tặn mỗi tháng ông gửi về quê được khoảng 600.000 đồng để lo cho mấy đứa con ăn học. Là người “lính già” nhất, có thâm niên làm việc lâu nhất ở đơn vị này nên ông Tiến cũng là người chứng kiến nhiều nhất những buồn vui, đắng cay của kẻ “phá” đường.
Ông tâm sự với tôi rằng thân phận của người làm nghề này sao bé nhỏ quá, ai cũng có thể mắng chửi mình được, ai cũng nhìn mình như kẻ “tội đồ”, nhưng họ có biết đâu mình làm việc cực nhọc này không chỉ cho bản thân mà còn phục vụ đời sống người dân. Ở những công trình cần thi công gấp để kịp đóng nước phục vụ người dân trước 5g sáng, những người CN đào đường phải làm không một phút nghỉ tay, vậy mà chỉ cần một người đi đường, một gã say rượu đi ngang qua vô tình buông một lời khiếm nhã thì tự nhiên thấy trong lòng mình buồn hiu hắt.
Cũng cùng tâm trạng với ông Tiến, các anh Phạm Văn Phương (quê Bến Tre), Trương Ngọc Đức (Bình Thuận), Trần Long (Quảng Nam) cho biết theo qui định công việc của họ chỉ được phép bắt đầu từ 22g hôm trước đến 5g hôm sau, nếu làm không kịp cũng phải lấp lại để tránh ùn tắc giao thông nên họ phải chạy đua với thời gian. Vì vậy dù gặp rất nhiều phiền phức, thậm chí nhiều người gây sự hết sức vô lý nhưng họ luôn làm ngơ cho qua chuyện. Thật vậy, khuya 27-12 tôi đã chứng kiến những người CN làm việc trên công trình cấp nước Nguyễn Trọng Tuyển - Nguyễn Văn Trỗi bị một gã say rượu đi ngang qua chửi: “Mấy thằng này ăn hại, chỉ biết đi phá đường”, đi một đoạn ông ta còn vòng xe lại đòi đánh.
...Tờ mờ sáng, các CN tái lập xong mặt đường, dòng nước sạch đã được đưa đến từng hộ dân. Họ vừa thu dọn đồ đạc, vừa tranh thủ ăn vội nắm xôi của người gánh rong. Người dân TP đã gọn gàng trong bộ đồ tập thể dục buổi sáng. Lẫn trong dòng người thưa thớt, những người CN đào đường trở về nhà sau một đêm lao động vất vả và lại chuẩn bị đào đường đêm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận