![]() |
Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2007 qua mạng và cầu truyền hình - Ảnh chụp tại đầu cầu TP.HCM - Quốc Dũng |
Học sinh giỏi quốc gia năm 2006 vẫn được bảo lưu kết quả tuyển thẳng
Hầu hết các ý kiến từ các trường ĐH, CĐ, các sở GD-ĐT đều nhất trí với việc không tuyển thẳng đối với học sinh giỏi quốc gia, đối tượng này sẽ được các trường ĐH, CĐ ưu tiên xét tuyển theo quy định của từng trường. Tuy nhiên, "Ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi quốc gia cần đưa khung ưu tiên như thế nào, không nên đưa chung chung vì như thế sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực" - ông Hoàng Bá Cơ, Sở GD-ĐT Quảng Bình nêu ý kiến.
PGS-TSNguyễn Chu Hùng, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, thì cho rằng: "Một khi đã bỏ chế độ tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia rồi thì không nên giao ưu tiên xét tuyển cho các trường. Điểm chuẩn các trường và điểm sàn chênh lệch nhau rất nhiều, nếu ưu tiên xét đối với các em trên sàn thì không ổn. Nên chăng, Bộ giao cho các trường được xét tuyển thẳng chứ không phải xét trên điểm sàn như quy định hoặc là đã không xét tuyển thẳng thì thôi luôn".
Trong khi đó, giám đốc ĐH Đà Nẵng - GS-TSKH Bùi Văn Ga nói: "Bộ nên giao quyền tuyển thẳng cho trường. Đối với những học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia do Bộ tổ chức thì đó là những học sinh rất giỏi, thiết nghĩ không cần phải bắt các em thi nữa. Nếu các em vẫn phải thi thì chúng ta không khuyến khích được học sinh đến với các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, phát huy trí tuệ các lĩnh vực khoa học khác nhau. Nên chăng chúng ta giao quyền tuyển thẳng những học sinh này do các trường tự quyết định. Chúng ta đã tổ chức kỳ thi rất chặt chẽ, các em đạt điểm cao như thế thì không có lý do gì để bắt các em thi thêm một lần nữa".
Nên tạo điều kiện để sinh viên được thi tiếp ĐH "Theo điều 5 của quy chế tuyển sinh thì sinh viên không được phép thi tiếp một trường ĐH khác nếu không có ý kiến của hiệu trưởng cho phép dự thi. Bộ nên có quy chế rõ ràng hơn về vấn đế này, kẻo thiệt thòi cho thí sinh. Sinh viên thi lại ĐH phần lớn là do chưa đạt được nguyện vọng ngay kỳ thi năm đầu, nên năm sau cần tạo điều kiện đi thi, không phải xin ý kiến hiệu trưởng". PGS-TS NGUYỄN NGỌC HỢI, hiệu trưởng ĐH Vinh |
Ý kiến của PGS-TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, có lẽ là ý kiến cương quyết nhất khi đề nghị "Nên bỏ hoàn toàn tuyển thẳng đối với học sinh giỏi quốc gia, vì năng lực thực thụ sẽ thể hiện trong thi tuyển".
Riêng hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, PGS-TS-bác sĩ Nguyễn Xuân Thao đề nghị: "Nên cộng điểm đối với học sinh giỏi quốc gia khi thi vào ĐH, CĐ như trước đây chúng ta cộng điểm tốt nghiệp loại giỏi để khuyến khích, nếu Bộ quyết định không tuyển thẳng đối tượng này. Bộ cần thống nhất mức cộng điểm cụ thể, không nên để mỗi trường tự ý".
Kết luận xung quanh việc này, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Nguyễn An Ninh khẳng định: Các thí sinh đạt giải trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi theo chương trình THPT lớp 12, sau khi thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT ngay trong năm đạt giải, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, không có môn nào bị điểm 0, được các trường ĐH, CĐ ưu tiên xét tuyển theo quy định của từng trường.
Cục trưởng Nguyễn An Ninh cũng nhấn mạnh, riêng các thí sinh đạt giải trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi năm 2006 (học sinh lớp 11 năm học 2005-2006) được bảo lưu kết quả tuyển thẳng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007.
Thi trắc nghiệm bốn môn và đề nghị tăng lệ phí dự thi
![]() |
GS-TS-bác sĩ Nguyễn Xuân Thao, hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên - Ảnh: Quốc Dũng |
Trong khi đó, ông Hoàng Bá Cơ, Sở GD-ĐT Quảng Bình, có nhiều tâm tư: "Đề thi trắc nghiệm dễ xảy ra tiêu cực, quay cóp. Nên tăng số lượng đề thi". Ông đã đưa ra giải pháp "Tốt nhất một thí sinh nên có một đề thi, vì hiện nay đề thi Ngoại ngữ chỉ có năm đề".
Ngoài ra, một ý kiến cũng đáng lưu tâm của ThS Lê Hiển Dương, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp: "Thi trắc nghiệm mở rộng nên công bố sớm hơn, tốt nhất ngay từ đầu năm học để các trường chuẩn bị cho giáo viên, học sinh". PGS-TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, đề nghị "Đề thi trắc nghiệm nên không có phần tự chọn".
Một vấn đề cũng được bàn thảo nhiều nhất là việc có nên tăng lệ phí dự thi không? Sau phát pháo của PGS-TS Nguyễn Ngọc Hợi, hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, thì hầu hết các ý kiến của đại diện các trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Huế, ĐH Tây Nguyên, ĐH Sư phạm Đồng Tháp... đều cho rằng lệ phí dự thi hiện nay thấp, các trường còn phải chi cho rất nhiều việc, vì vậy đề nghị Bộ GD-ĐT nên làm việc với Bộ Tài chính để điều chỉnh.
Cùng với công tác tuyển sinh chung, PGS-TS-bác sĩ Nguyễn Xuân Thao, hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, tha thiết đề nghị: "ĐH Tây Nguyên đề nghị được tuyển sinh cả nước, không chỉ phục vụ khu vực Tây Nguyên như hiện nay". Ông Thao bày tỏ rằng, có một lượng lớn thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 ở các trường top trên, mong muốn được vào ĐH Tây Nguyên nhưng ngặt nỗi không nằm trong vùng tuyển...
Điểm sàn nên thế nào? "Về vấn đề điểm sàn, Bộ cần tập hợp điểm trước để có cơ sở xác định điểm sàn. Nhưng nếu chúng ta công bố điểm thi trước rồi công bố điểm chuẩn để xét tuyển sẽ có nhiều áp lực hơn, dẫn tới ban tuyển sinh xác định điểm chuẩn có sự lệch lạc. Nên chăng chúng ta giữ bí mật điểm tuyển sinh đến phút chót". PGS-TS ĐỖ VĂN XÊ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ |
Nguyên tắc ra đề thi năm 2007
Đối với đề thi tuyển sinh ĐH, Bộ GD-ĐT tổ chức ra đề thi chung cho các trường ĐH. Các môn Ngoại ngữ (khối D: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung), Vật lý, Hóa học và Sinh học ra theo phương pháp trắc nghiệm, các môn còn lại ra theo phương pháp tự luận. Các môn thi năng khiếu các trường ĐH tự ra đề thi.
Đối với tuyển sinh CĐ, Bộ GD-ĐT tổ chức ra đề thi cho các trường CĐ có tổ chức thi theo phương pháp trắc nghiệm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học và Sinh học. Các môn còn lại, các trường CĐ tự ra đề thi. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường CĐ dựa vào kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển. Các trường CĐ không dùng kết quả thi theo đề thi chung để xét tuyển sẽ tổ chức thi tuyển sinh trong hai ngày 15 và 16-7-2007.
Nội dung đề thi ĐH, CĐ bám sát chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, không quá khó, không phức tạp, không đánh đố, phù hợp với thời gian làm bài, có khả năng phân loại thí sinh.
Đề thi gồm hai phần: Phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban. Thí sinh chỉ được làm một lựa chọn. Nếu làm cả hai lựa chọn (dù làm hết hay không hết) bài làm coi như phạm quy và không được chấm.
Đề thi tự luận được thay đổi mạnh theo hướng tăng việc kiểm tra tính sáng tạo, kỹ năng thực hành của thí sinh; mỗi đề thi gồm nhiều câu hỏi riêng biệt.
Quy trình và thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi - Học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tại trường đó. Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT tại các địa điểm do Sở GD-ĐT quy định. Các địa điểm này không thu hồ sơ ĐKDT của học sinh đang học lớp 12. - Thời gian thu nhận hồ sơ ĐKDT theo hệ thống của Sở GD-ĐT: từ 10-3-2007 đến 10-4-2007. Tại các trường tổ chức thi: từ 11-4-2007 đến 17-4-2007. Các Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ không được tùy tiện thay đổi thời hạn, không được kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKDT trước hoặc sau thời hạn quy định. Đợt thi và lịch thi tuyển sinh - Đợt 1: ngày 4-7-2007 và 5-7-2007 thi ĐH khối A, V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu vẽ đến 8-7-2007. - Đợt 2: ngày 9-7-2007 và 10-7-2007 thi ĐH khối B, C, D, N, H, T, R, M. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi Văn theo đề thi khối C; khối M thi Văn, Toán theo đề thi khối D; khối T thi Sinh, Toán theo đề thi khối B; khối R thi Văn, Sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến 14-7-2007. - Đợt 3: ngày 15-7-2007 và 16-7-2007 thi CĐ. Các trường CĐ có thi các môn năng khiếu kéo dài thêm đến 22-7-2007. Vẫn phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2007 Trước thông tin Bộ GD-ĐT sẽ không phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2007, trong hội nghị tuyển sinh sáng nay (9-1-2007), Vụ trưởng Vụ ĐH & sau ĐH Trần Thị Hà cho biết, năm nay Bộ GD-ĐT cho phép các trưởng tự chủ chỉ tiêu nên phải chờ đến cuối tháng 2 Bộ mới tổng hợp được chỉ tiêu của các trường. Hàng năm, cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2007 được phát hành vào ngày 5-3 thì năm nay có thể phát hành trước ngày 10-3, sau khi Bộ nhận dữ liệu của các trường. Như vậy thí sinh vẫn biết được toàn cảnh chỉ tiêu, ngành học, địa chỉ của các trường... để nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành, trường phù hợp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận