1. Bão lũ ở Bangladesh
![]() |
Nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau khi bão đi qua - Ảnh: AFP |
Với đặc điểm là mật độ dân số khá dày (2.639 người/km2) nên khi xảy ra thảm họa, quốc gia Nam Á này thường phải hứng chịu số thương vong rất lớn. Khi cơn bão Sidr ập đến phía nam Bangladesh ngày 15-11 với sức gió 160 km/giờ, hậu quả nó để lại là hơn 1.000 người thiệt mạng, hơn nửa triệu người mất nhà cửa.
Tuy nhiên, nếu so với cơn bão khủng khiếp xảy ra ở Bangladesh năm 1991 làm chết tới 140.000 người thì Sidr hẳn còn rất “khiêm tốn”.
2. Hạn hán ở miền đông nam nước Mỹ
Thường được biết đến với cây trái bốn mùa xanh tươi, nhưng năm nay, bang Georgia và những bang lân cận miền đông nam nước Mỹ đã phải trải qua mùa khô hạn nhất trong lịch sử. Tại thành phố Atlanta, một trong những khu vực có mạng lưới xe điện ngầm phát triển nhanh nhất của Mỹ, lượng nước chỉ còn đủ dự trữ cho 3 tháng. Khi tình trạng khô hạn diễn biến xấu hơn, giữa 3 bang Florida, Georgia và Alabama đã xảy ra cuộc chiến tranh giành nguồn cung cấp nước.
Sau trận khô hạn năm nay, người ta rút ra một điều: nước vô cùng quý giá. Đó mới chính là thứ đảm bảo cho sự phát triển vững bền.
3. Lũ lụt ở Mexico
Với một đất nước còn gặp nhiều khó khăn như Mexico thì lũ lụt chính là một “đại họa”. Những cơn lũ ập tới các bang Tabasco và Chiapas ở phía nam Mexico vào cuối tháng 10 và tháng 11-2007 làm cả hai nơi này gần như chìm trong biển nước. Theo ước tính, khoảng 80% bang Tabasco bị ngập sâu trong nước và khoảng 1 triệu dân phải đi sơ tán. Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã phải thốt lên: “Đây quả là một trong những vụ thiên tai khủng khiếp nhất trong lịch sử của Mexico”.
4. Bão Felix
Một loạt cơn bão cấp 5 (cấp cao nhất trên thang xếp loại) đã đổ bộ vào Nicaragua vào ngày 4-9 với tốc độ gió lên đến 160 dặm/giờ. Cơn bão này còn tấn công cả nước Honduras và quét qua một số đảo trên vùng biển Caribê.
Tổng cộng, cơn bão Felix đã làm 101 người chết và cuốn đi những khu dân cư vốn đã quá nghèo khổ bên bờ biển Nicaragua. Chỉ có một chút tươi sáng trong toàn bộ thảm họa kinh hoàng này: cơn bão chủ yếu tràn vào những vùng đất có rừng cây bao phủ, chính vì vậy sức tàn phá của những cơn gió mạnh đã phần nào suy giảm.
5. Phun nham thạch bùn ở Indonesia
Đây không hẳn là một thiên tai mà là do chất lượng kém của một hệ thống khoan khí gas tự nhiên trong một dự án ở thành phố Surabaya. Sự việc bắt đầu vào một ngày cuối tháng 5-2007, khi dòng nham thạch nóng phun lên từ một chiếc hố trước đó đã được khoan nhưng không có các biện pháp xử lý an toàn.
Công ty chủ quản đã cố gắng ngăn chặn dòng nham thạch đó bằng cách lấp ximăng nhưng nó còn phun ra mạnh hơn, nhiều hơn. Đến tháng 10-2007, dòng nham thạch bùn đã phun với tốc độ 170.000 m3/ngày, làm cho các làng mạc, nhà máy gần đó chìm trong chất đặc nhầy và nóng này. Hơn 10.000 người đã mất nhà cửa.
6. Mưa lũ ở Nam Á
Nam Á luôn ở trong trạng thái bấp bênh giữa vô cùng thừa hoặc vô cùng thiếu nước, phụ thuộc vào lượng mưa theo mùa. Mùa hè năm 2007, cả khu vực Nam Á rơi vào tình trạng "dư thừa" nước.
Một loạt trận mưa bất thường đã diễn ra ở Ấn Độ, Nepal, Bhutan và Bangladesh trong tháng 7, tháng 8-2007. Đợt mưa này lớn và kéo dài đến mức UNICEF phải tuyên bố: Đây là trận ngập lụt tồi tệ nhất trong lịch sử.
Giữa tháng 8-2007, khoảng 30 triệu người trong toàn khu vực đã rơi vào cảnh không nhà, hơn 2.000 người chết do mưa lũ. Thiệt hại ước tính ít nhất 120 triệu USD.
7. Lũ lụt ở CHDCND Triều Tiên
Triều Tiên là một quốc gia còn gặp nhiều khó khăn và lại càng thêm khó khăn hơn khi các trận mưa lũ kinh hoàng hồi tháng 8-2007 hoành hành ở miền nam nước này. Hơn 400 người chết, 450.000 tấn lương thực hoa màu mất trắng. Đại hội thể thao Mass (Mass Games), sự kiện thường niên của Bình Nhưỡng, phải hoãn lại.
8. Động đất ở Peru
Peru là quốc gia Nam Mỹ hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ trận động đất khủng khiếp xảy ra vào ngày 15-8: hơn 500 người chết, 1.366 người bị thương, hơn 50.000 gia đình mất nhà cửa. Thành phố Pisco là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, với khoảng 80% các công trình xây dựng bị phá hủy, 430 người chết, trong đó có hơn 100 người khi đang cầu nguyện trong một nhà thờ.
9. Cháy rừng ở Hy Lạp
![]() |
Một người dân Hi Lạp giúp nhân viên chữa cháy chống "giặc lửa" tại Corinth |
Mùa hè năm 2007 là mùa hè nóng bỏng nhất ở Hy Lạp. Trong suốt ba tháng (6, 7, 8-2007), nhiệt độ không khí vượt quá 41 độ C. Vào tháng 8, vụ cháy rừng tồi tệ nhất đã xảy ra, với các cơn “bão lửa” hoành hành tại Peloponnese, Attica và Euboea làm gần 70 người thiệt mạng.
Người dân ở Olympia, khu vực tổ chức các trò chơi Thế vận hội từ thời cổ đại, cũng phải sơ tán cùng với dân chúng ở phía nam đất nước Hy Lạp. Tổng cộng có hơn 200.000ha đất và cây trồng đã bị thiêu rụi.
10. Lũ ở Trung Quốc
Lũ lụt dường như đã trở nên quá quen thuộc ở vùng miền nam của Trung Quốc, nơi mực nước sông Dương Tử thường xuyên lên cao vào mùa xuân. Mọi công tác chuẩn bị phòng chống lũ và tăng trưởng kinh tế đã giúp hạn chế được nhiều thiệt hại trong vài năm gần đây, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được dòng nước.
Những ngày tháng 6-2007, mưa to đã gây nên trận lụt lớn ở miền nam Trung Quốc, bao gồm cả tỉnh Quảng Đông trù phú. Hơn 60 người chết, nửa triệu người phải rời bỏ nhà cửa, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 400 triệu USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận