04/11/2004 19:59 GMT+7

Những thách thức từ Basel II

Theo VnEconomy
Theo VnEconomy

Các ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới khi Hiệp ước Basel II được thông qua. Đây cũng là một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thường niên Hiệp hội ngân hàng châu Á, họp tại Hà Nội trong 2 ngày 4-5.11.2004.

o7m1YeGM.jpgPhóng to
Các ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới khi Hiệp ước Basel II được thông qua. Đây cũng là một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thường niên Hiệp hội ngân hàng châu Á, họp tại Hà Nội trong 2 ngày 4-5.11.2004.

Basel II là Hiệp ước quốc tế về tiêu chuẩn an toàn vốn, tăng cường quản trị toàn cầu hóa tài chính cũng như việc khai thác tối đa tiềm năng lợi nhuận và hạn chế rủi ro. Đây được xem là giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao các tiêu chuẩn ngân hàng châu Á. Dự thảo Hiệp ước Basel II đề cập tới các vấn đề chính gồm những quy định liên quan tới tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu, quá trình xem xét giám sát của cơ quan quản lý và cuối cùng là các quy tắc thị trường.

Nâng tiêu chuẩn đối với các ngân hàng

Về tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu, dự thảo Basel II đề cập tới vấn đề vốn tự có của tổ chức tín dụng, các tài sản được điều chỉnh theo mức độ rủi ro trong đó nhấ n mạnh tới các phương pháp để tính mức độ rủi ro tín dụng như phương pháp chuẩn hóa, phương pháp dựa trên hệ thống đánh giá rủi ro nội bộ.

Về quá trình xem xét giám sát của cơ quan quản lý, dự thảo Hiệp ước Basel II quy định các quy tắc giám sát, quản trị và hướng dẫn quản lý rủi ro đối với các ngân hàng. Quá trình giám sát và quản trị này không những nhằm mục đích khẳng định việc các ngân hàng duy trì một mức vốn phù hợp đối với toàn bộ những rủi ro trong hoạt động kinh doanh mà còn khuyến khích các ngân hàng phát triển và sử dụng các kỹ thuật để quản lý rủi ro tốt hơn.

Uỷ ban Basel đã đưa ra 4 quy tắc cơ bản giám sát và quản trị ngân hàng gồm:

- Các ngân hàng phải có một quy trình đánh giá mức vốn an toàn tương ứng với cơ cấu rủi ro của ngân hàng và một chiến lược để duy trì mức vốn của mình;

- Các cơ quan quản lý phải liên tục xem xét và đánh giá hệ thống xác định vốn an toàn của nội bộ các ngân hàng cũng như khả năng giám sát và tuân thủ của họ đối với quy định về tỷ lệ vốn tối thiểu đồng thời các cơ quan quản lý cũng phải có biện pháp can thiệp thích đáng nếu họ không hài lòng về kết quả đánh giá;

- Các cơ quan quản lý phải yêu cầu các ngân hàng hoạt động với mức vốn cao hơn mức vốn an toan tối thiểu và phải có khả năng bắt các ngân hàng duy trì mức vốn cao hơn mức tối thiểu;

- Các cơ quan quản lý phải sớm can thiệp nhằm ngăn chặn vốn của ngân hàng tụt xuống thấp hơn mức yêu cầu và phải yêu cầu ngân hàng có biện pháp sửa chữa kịp thời nếu mức vốn an toàn không được khôi phục và duy trì.

Trong phần các quy tắc thị trường, Basel II cũng đưa ra các khuyến cáo không bắt buộc và các yêu cầu mang tính bắt buộc đối với ngân hàng. Uỷ ban Basel II để nghị các ngân hàng tuân thủ nguyên tắc: "Ngân hàng phải có chính sách về tính minh bạch và công khai được hội đồng quản trị thông qua. Chính sách này phải thể hiện rõ các mục tiêu và chiến lược dành cho việc công khai hóa các thông tin về thực trạng tài chính và hoạt động ngân hàng".

Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải xây dựng kế hoạch thực hiện công khai tài chính bao gồm cả chu kỳ công bố. Đó là công khai cơ cấu vốn, công khai cơ c u rủi ro và các đánh giá rủi ro, công khai hiện trạng phù hợp vốn.

Ít thuận lợi, nhiều khó khăn

Theo đánh giá chung, các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức khi dự thảo Hiệp ước Basel II được chính thức thông qua. Basel II quy định tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu gắn chặt chẽ với mức độ rủi ro của tài sản ngân hàng, mức độ rủi ro của tài sản có tính đến nhiều yếu tố như độ tín nhiệm của khách hàng, thời hạn khoản vay, độ tập trung của các khoản vay vào môt nhóm khách hàng nhất định.

Tuy nhiên, phương pháp chuẩn hóa được đưa ra trong Hiệp ước lại quá nhấn mạnh vai trò của cơ quan xếp hạng trong việc phân loại rủi ro tài sản. Trong khi đó, kinh nghiệm cho thấy, các công ty lớn trong ngành xếp hạng độ tín nhiệm có tương đối lớn số vụ xếp hạng không chính xác.

Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới đặc biệt là ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp không được xếp hạng. Điều này dẫn tới bất lợi cho các ngân hàng Việt Nam vì tất cả các khoản vay khách hàng không được xếp hạng sẽ bị áp dụng mức độ rủi ro là 100%. Thêm vào đó, việc Basel II cho rằng những công ty không xếp hạng ít rủi ro hơn những công ty được xếp hạng là không hoàn toàn chính xác.

Hiệp ước Basel II cũng giao cho cơ quan quản lý ngân hàng xem xét đánh giá xem tổ chức tín dụng có đủ tiêu chuẩn sử dụng hệ thống đánh giá rủi ro nội bộ để phân loại rủi ro tài sản của tổ chức tín dụng. Nhưng trong thực tế, ngân hàng trung ương-cơ quan quản lý lại không đủ trình độ để kiểm chứng hệ thống đánh giá rủi ro của các tổ chức tín dụng có đúng hay không.

Trong khi đó, nếu được sử dụng hệ thống đánh giá rủi ro nội bộ, nhiều tổ chức tín dụng có thể quá lạc quan về triển vọng khách hàng của mình, dẫn tới hậu quả vô cùng nguy hiểm đối với sự vững mạnh của hệ thống ngân hàng.

Một vấn đề nữa là việc hầu hết các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển chưa được xếp hạng có thể dẫn tới tình trạng các công ty xếp hạng sẽ tiến hành ch m điểm xếp hạng doanh nghiệp mà không xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp.

Khi đó, điểm xếp hạng sẽ do những công ty này cung cấp sẽ không chính xác do thông tin về doanh nghiệp chưa đầy đủ và như vậy sẽ bất lợi cho doanh nghiệp. Mặt khác, trong phương pháp đánh giá rủi ro hoạt động cũng còn nhiều vấn đề như phương pháp ngân hàng tự đánh giá quá phức tạp, phương pháp chuẩn hóa với các chỉ tiêu cơ bản không gắn chặt với rủi ro, đem cộng gộp rủi ro tín dụng với rủi ro hoạt động.

Mặc dù tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu vẫn giữ mức 8% nhưng trên thực tế, các ngân hàng phải duy trì mức vốn cao hơn so với mức quy định ở Basel I bởi các ngân hàng phải bổ sung thêm vốn để dự phòng các rủi ro hoạt động. Điều này sẽ cực kỳ bất lợi cho các ngân hàng Việt Nam vì rủi ro hoạt động thấp hơn các ngân hàng quốc tế lớn nhưng lại vẫn phải áp dụng chung một mức vốn dự phòng rủi ro hoạt động là 20% tổng doanh thu.

Bên cạnh đó, phương pháp đánh giá rủi ro nội bộ cũng khá phức tạp đối với các tổ chức tín dụng ở các nước đang phát triển. Để áp dụng các phương pháp quản lý rủi ro hiện đại, các tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ phải đầu tư rất lớn cho ngân hàng của mình.

Theo VnEconomy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên