02/11/2006 14:15 GMT+7

Những số liệu cơ bản về các nền kinh tế APEC

P.V (Tổng hợp)
P.V (Tổng hợp)

TTO - Hướng tới hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14, Tuổi trẻ Online tổng hợp và giới thiệu sơ bộ đến bạn đọc thông tin cơ bản về các nền kinh tế APEC.

gQIEDRsR.jpgPhóng to
Logo APEC
TTO - Hướng tới hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14, Tuổi trẻ Online tổng hợp và giới thiệu sơ bộ đến bạn đọc thông tin cơ bản về các nền kinh tế APEC.

1. Australia

- Diện tích: 7.686.850 km2, Dân số: 20.406.800 người (2005); Mật độ: 2 người/km2. Thủ đô: Canbêra (Canberra); Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,955; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 692,4 tỉ USD; Bình quân đầu người: 33.629 USD

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 3%; Công nghiệp: 26%; Dịch vụ: 71%; Xuất khẩu: 103 tỷ USD; Nhập khẩu: 119,6 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Đô la úc (A$, AUD); Năm gia nhập APEC: 1989.

- Kinh tế: Australia là một nước có nền kinh tế phát triển, với GDP tính theo đầu người ngang mức của 4 nước đứng đầu Tây Âu. Giàu có về tài nguyên thiên nhiên, Australia là một nước xuất khẩu chính về các nông sản, khoáng sản, kim loại và nhiên liệu. Hàng hoá chiếm 57% tổng giá trị xuất khẩu.

Australia đã trải qua cuộc cải cách kinh tế vĩ mô và vi mô lớn trong vòng hai thập kỷ qua. Cuộc cải cách này đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế bền vững từ đầu thập niên 90 đến nay. Những lĩnh vực cải cách chính gồm việc đưa ra khung chi tiêu ngân sách trung hạn, khung chính sách tiền tệ, cải cách về cạnh tranh trên thị trường hàng hóa, cải cách thị trường lao động, thay đổi các quy định về thuế, đổi mới khu vực tài chính, lương, mở cửa thương mại, cải cách khu vực giao thông vận tải… Tuy nhiên, Australia còn nhiều lĩnh vực quan trọng cần tiếp tục cải cách để đảm bảo tăng trưởng dài hạn, như:

Tạo nhiều cơ chế khuyến khích và loại bỏ những rào cản đối với việc tham gia vào thị trường lao động, cải cách tiền lương và tạo ra những quy định về lương hưu linh hoạt và phù hợp hơn.

Nâng cao năng suất bằng cách tăng cường hội nhập quốc tế. Mục tiêu này được thực hiện bằng nhiều con đường như tự do thương mại, hỗ trợ sự phát triển của các thể chế đa phương quản lý các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, thuế, quy định tài chính…

2. Brunei

- Diện tích: 5.770 km2; Dân số: 374.000 người (2005); Mật độ: 65 người/km2; Thủ đô: Banđa Xêri Bêgaoan (Bandar Seri Begawan); Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,866; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 9 tỷ USD; Bình quân đầu người: 24.143 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 5%; Công nghiệp: 46%; Dịch vụ: 49%; Xuất khẩu: 4,514 tỷ USD; Nhập khẩu: 1,638 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Ringgit Brunei (BND); Năm gia nhập APEC: 1989.

- Kinh tế: Hiện Brunei được đánh giá là một trong những quốc gia có mức sống cao vào loại nhất thế giới. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác nguồn tài nguyên dầu lửa và khí đốt với chất lượng và trữ lượng vào loại tốt nhất thế giới. Trong những năm 60-70 của thế kỉ XX, sản lượng dầu và khí đốt của Brunei tăng vọt nhờ vậy mà thu nhập quốc dân đã tăng lên 67,4% năm 1980.

Brunei đã xây được một trong những nhà máy hóa lỏng khí đốt lớn nhất thế giới vào những năm 1980. Chính những điều kiện thuận lợi về mặt tài nguyên đã giúp cho Brunei trở thành một trong những nước thuộc khu vực tăng trưởng ASEAN. Chính phủ Brunei có thể bao cấp cho dân về thực phẩm và nhà ở, thực hiện chế độ giáo dục không mất tiền, cấp tiền cho sinh viên đi học nước ngoài, dân không phải ðúng thuế thu nhập, việc chữa bệnh, ma chay do Nhà nước bao cấp. Các gia đình công chức làm việc cho Chính phủ thường có biệt thự riêng, với 1-2 ô tô trở lên.

3.Canada

- Diện tích: 9.976.140 km2; Dân số: 32,8 triệu người (2005); Mật độ 3,5 người/km2; Thủ đô: Ottawa; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003) 0,949; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 1.035 tỷ USD; Bình quân đầu người: 34.000 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 3%; Công nghiệp: 31%; Dịch vụ: 66%; Xuất khẩu: 364,8 tỷ USD; Nhập khẩu: 317,7 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Đôla Canada (C$, CAD); Năm gia nhập APEC: 1989.

- Kinh tế: Canada là một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất trên thế giới và là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và nhóm G8. Canada có một nền kinh tế thị trường tự do tương đối giống Mỹ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, trong thập kỷ qua, nền kinh tế Canada phục hồi nhanh với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng là nhờ cơ sở của nền kinh tế này khá vững chắc, cắt giảm thuế mạnh và khu vực kinh doanh có sức cạnh tranh ngày càng cao.

Mặc dù trong cơ cấu kinh tế, khu vực dịch vụ rất phát triển với ba phần tư dân số làm việc trong lĩnh vực này, song khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và khai khoáng vẫn đóng vai trò quan trọng. Canađa có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn và phong phú gồm khí đốt, dầu lửa, vàng, uranium, kẽm, nhôm, chì, nicken và gỗ.

Từ đầu thập niên 90 ( thế kỷ XX) tới nay, Canada đã tiến hành một loạt các cải cách cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực chi tiêu ngân sách, thuế, lao động, phúc lợi xã hội, thương mại, tài chính… nhờ đó, đã tạo ra sự tăng trưởng ổn định và bền vững như hiện nay.

Tăng trưởng GDP trung bình thực tế dự đoán khoảng 3,1% trong giai đoạn Từ năm 2006-2009; lạm phát sẽ tiếp tục được neo ở mức 2%.

4. Chile

- Diện tích: 756.950 km2; Dân số: 16.136.137 (2005); Mật độ: 21 người/km2; Thủ đô: Santiago; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,854; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 115,6 tỷ USD; Bình quân đầu người:11.300 USD

* Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 6%; Công nghiệp: 33%; Dịch vụ: 61%; Xuất khẩu: 38 tỷ USD; Nhập khẩu: 30 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Pêsô Chile; Năm gia nhập APEC: 1994.

- Kinh tế: Chile là một trong những nền kinh tế tương đối phát triển ở Châu Mỹ La tinh, tỷ lệ tăng trưởng ổn định và tương đối cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Nền kinh tế Chilê đi theo mô hình tự do hóa và thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Trong gần ba thập kỷ qua, Chilê theo đuổi chính sách phát triển kinh tế vững chắc.

Sau khi chính quyền dân sự lên nắm quyền từ tháng 3-1990, tình hình kinh tế Chile đã có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP thực tế trung bình hơn 7% trong giai đoạn 1991-1997; tuy nhiên, con số trên giảm xuống trong năm 1998 do ảnh hưởng của cuộc khủng tài chính toàn cầu. Đến nay, nền kinh tế Chile đã phục hồi và hiện được coi là mạnh nhất vùng Nam Mỹ. Chile đang thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực khai thác đồng, chế biến hải sản và thực phẩm.

5. Trung Quốc

- Diện tích: 9.596.960 km2; Dân số: 1.306.313.812 (2005); Mật độ: 140 người/km2; Thủ đô: Bắc Kinh; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,755; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 2.225 tỉ USD; Bình quân đầu người: 1.416 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 12,5%; Công nghiệp: 47,3%; Dịch vụ: 40,3%; Xuất khẩu: 752,2 tỷ USD; Nhập khẩu: 631,8 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Nhân dân tệ(NDT); Năm gia nhập APEC: 1991.

- Kinh tế: Từ cuối năm 1978, Trung Quốc đã tiến hành cải cách mở cửa, cố gắng chuyển nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường XHCN linh hoạt hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhằm thực hiện hiện đại hoá, xây dựng thành công CNXH mang đặc sắc Trung Quốc.

Khi “cơn bão” tài chính tiền tệ năm 1997 tác động nặng nề đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia Đông Á, Trung Quốc đã chấp nhận để mức thu ngân sách giảm xuống còn 14% GDP; cam kết không phá giá đồng NDT, nhờ đó vẫn đảm bảo nhịp tăng trưởng GDP hàng năm trên 8%. Kết quả, Trung Quốc đã thành công trong việc tránh được cuộc khủng hoảng này.

Năm 2005 là năm kết thúc Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 của Trung Quốc. Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010) đề ra những mục tiêu chủ yếu trong việc phát triển kinh tế và xã hội như sau: tăng trưởng GDP đạt mức 8%; tạo ra 9 triệu việc làm mới ở thành thị; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giữ ở mức 4,6%; chỉ số giá cả không tăng hơn 4% và giữ cán cân ổn định trong thanh toán quốc tế. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 16 (2002) chỉ rõ: tổng sản phẩm quốc nội đến năm 2020 sẽ tăng gấp ba Lần so với năm 2000, nâng cao đáng kể vị thế kinh tế và sức cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đề ra 6 mục tiêu cải cách cụ thể: Tiếp tục cải cách cơ cấu kinh tế, xã hội ở vùng nông thôn; Cải cách theo chiều hướng sâu hơn đối với những doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước; Khuyến khích, tạo điều kiện ủng hộ và định hướng cho sự phát triển của khu vực kinh tế phi chính thống; Đẩy mạnh cải cách hệ thống tài chính; Xúc tiến việc cải cách các chính sách về thuế và đầu tư; Xây dựng thị trường vững mạnh.

hTJ2VnxM.jpgPhóng to
Hong Kong
6. Hong Kong-Trung Quốc

- Diện tích: 1.092 km2; Dân số: 6,9 triệu người (2005); Mật độ: 6.254 người/km2; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 172,6 tỷ USD; Bình quân đầu người: 32.294 USD; Đơn vị tiền tệ: Đôla Hong Kong (HKD); Xuất khẩu:286,3 tỷ USD; Nhập khẩu: 291,6 tỷ USD; Năm gia nhập APEC: 1991

- Kinh tế: Hong Kong- Trung tâm Thương mại Tài chính Quốc tế, sau hơn nửa thế kỷ nằm dưới sự quản lý của người Anh đã trở về Trung Quốc, trở thành Khu hành chính đặc biệt từ ngày 1-7-1997.

Hong Kong có nền kinh tế quốc tế hóa cao độ, môi trường kinh doanh thuận lợi, thể chế pháp luật kiện toàn, thị trường tự do cạnh tranh, có hệ thống mạng lưới tiền tệ, tài chính, chứng khoán rộng khắp, cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống giao thông, dịch vụ hoàn chỉnh. “Báo cáo tình hình đầu tư của thế giới năm 2004” của Hội nghị Phát triển và Mậu dịch LHQ xem Hong Kong là hệ thống kinh tế tốt nhất thứ hai của Châu á về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

7.Indonesia

- Diện tích: 1.919.440 km2; Dân số: 241.973.879 người (2005); Mật độ: 126 người/km2; Thủ đô: Jakarta; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,697; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 270 tỷ USD; Bình quân đầu người: 3.600 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 28%; Công nghiệp: 35%.Dịch vụ: 44%; Xuất khẩu: 83,64 tỷ USD; Nhập khẩu: 62,02 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Rupiah Indonesia(Rp, IDR); Năm gia nhập APEC: 1989.

- Kinh tế: Indonesia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với trữ lượng lớn dầu lửa, khí đốt, thiếc, đồng và vàng. Inđônêxia là thành viên của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) và đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu khí đốt. Mặc dù Indonesia xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phải nhập khẩu dầu lọc; do đó, Chính phủ phải trợ giá xăng dầu để giữ giá nhiên liệu ở mức thấp (năm 2004 mức trợ giá xăng dầu của Chính phủ là 7 tỷ USD).

Gần đây, Chính phủ Indonesia đang thực hiện cắt giảm dần sự trợ giá này. Indonesia là một trong những nền kinh tế chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Tuy nhiên hiện nay, nền kinh tế Indonesia đang trong giai đoạn phục hồi tốt.

Các điều kiện kinh tế vĩ mô từ nay đến năm 2009 được các chuyên gia dự đoán là thuận lợi nhờ chiến lược và các chính sách phát triển của Chính phủ Indonesia, cũng như việc cải cách thị trường trong nước. Trên cơ sở triển vọng kinh tế toàn cầu và tình hình trong nước, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Indonesia được kỳ vọng là sẽ tiếp tục ở mức cao, từ 5,5% năm 2005 lên 7,6% năm 2009 (trung bình 6,6% cho cả giai đoạn). Trong cả giai đoạn này, khu vực công nghiệp dự kiến tăng 8,6% chủ yếu tập trung trong các ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, giấy và sản phẩm in, phân bón hóa học; khu vực nông nghiệp dự kiến tăng ở mức 3,5% mỗi năm.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, Chính phủ Indonesia cam kết giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng việc tiến hành một loạt các biện pháp cải cách khu vực thu chi ngân sách, khu vực tài chính, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng.

8. Nhật Bản

- Diện tích: 377.835 km2; Dân số: 127.417.244 người (2005); Mật độ: 337 người/km2; Thủ đô: Tokyo; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,943; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 4.694,3 tỉ USD; Bình quân đầu người: 31.500 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 1,3%; Công nghiệp: 25,3%; Dịch vụ: 73,5%; Xuất khẩu:550,5 tỷ USD; Nhập khẩu: 451,1 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Yên (JPY); Năm gia nhập APEC: 1989.

- Kinh tế: Nhật Bản là nước rất nghèo nàn về tài nguyên trong khi dân số thì quá đông, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Nhưng với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973).

Từ 1974 đến nay tốc độ phát triển tuy chậm lại, song Nhật Bản tiếp tục là một nước có nền kinh tế công nghiệp, tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật lớn đứng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ). Nhưng trong những năm 1997-1998, Nhật Bản lại gặp khó khăn lớn, tập trung vào các bê bối trong hệ thống ngân hàng và thị trường địa ốc.

Khu vực các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn do tính cứng nhắc trong cơ cấu công ty và thị trường lao động. Sau đó, Nhật Bản xúc tiến 6 chương trình cải cách lớn; trong đó có cải cách cơ cấu kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, cải cách khu vực tài chính và sắp xếp lại cơ cấu Chính phủ... Dù diễn ra chậm, nhưng cải cách đang đi dần vào quỹ đạo, trở thành xu thế không thể đảo ngược ở Nhật Bản và gần đây đã đem lại kết quả đáng khích lệ.

Cán cân thương mại dư thừa và dự trữ ngoại tệ hiện đứng hàng đầu thế giới, nên nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài rất nhiều. Nhật Bản là nước có nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng đứng hàng đầu thế giới.

Mặc dù vậy, Nhật Bản có 2 vấn đề dài hạn chính cần được giải quyết sớm là mật độ dân cư quá cao và xu thế lão hoá của dân cư đang tăng lên.

nf1WuEYg.jpgPhóng to
Hàn Quốc
9. Hàn Quốc

- Diện tích: 98.480 km2; Dân số: 48.422.644 người (2005); Mật độ 488 người/km2; Thủ đô: Seoul; Chỉ số phát triển con người (HDI): 0,901; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 801,2 tỷ USD; Bình quân đầu người: 20.400 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 3,7%, Công nghiệp: 40,1%; Dịch vụ: 56,3%; Xuất khẩu: 288,2 tỷ USD; Nhập khẩu: 256 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Won Hàn Quốc (KRW); Năm gia nhập APEC: 1989

- Kinh tế: Hàn Quốc là một đất nước nghèo tài nguyên, trước thập niên 60 của thế kỷ XX vẫn là một đất nước chưa phát triển. Nhưng bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ XX, kinh tế Hàn Quốc bắt đầu phát triển với tốc độ nhanh, đến giữa thập niên 80 đã trở thành nước công nghiệp phát triển mới (NICS). Đặc điểm của nền kinh tế Hàn Quốc là một nền kinh tế thị trường nhưng sự điều tiết của Nhà nước đóng vai trò quan trọng.

Tháng 2-2003, Tổng thống Rô Mu Hiên công bố chính sách và mục tiêu kinh tế mới: về lâu dài, xây dựng ổn định và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên; biến Hàn Quốc thành một trung tâm kinh doanh của khu vực Đông Bắc Á; đổi mới quản lý chính phủ; tăng quyền lực cho chính quyền địa phương; cân bằng sự phát triển giữa các khu vực địa lý, xây dựng hệ thống phúc lợi tập thể với việc giảm bớt khoảng cách giàu nghèo; cải cách chế độ lao động; cải cách khu vực nông nghiệp - thủy hải sản; lấy khoa học và kỹ thuật là trọng tâm; xây dựng thủ đô hành chính mới.

10. Malaysia

- Diện tích: 329.750 km2; Dân số: 26.207.102 người; Mật độ: 78 người/km2; Thủ đô: Kuala Lumpur; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,796; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP):122 tỷ USD; Bình quân đầu người: 12.106 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 12%; Công nghiệp: 46%; Dịch vụ: 42%; Xuất khẩu: 125,857 tỷ USD; Nhập khẩu: 105,297 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Ringgit (RM) (MYR); Năm gia nhập APEC: 1989.

- Kinh tế: Sau một thập kỷ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 8%, nền kinh tế Malaysia bị tác động nghiêm trọng của khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực. Chính phủ Malaysia đã đưa ra một loạt giải pháp chống suy thoái như thắt chặt tiền tệ để bảo vệ đồng nội tệ, hạ tỷ lệ lãi suất... nhằm kiềm chế ảnh hưởng của khủng hoảng và thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Kinh tế Malaysia đã phục hồi nhanh từ năm 1999 đến nay, với tỷ lệ GDP tăng 5%, xuất siêu lớn đã giúp quốc gia này xây dựng được lượng dự trữ tài chính.

Triển vọng kinh tế trước mắt của Malaysia là tương đối sáng sủa, nhưng về lâu dài vẫn còn những rào cản do chưa cải cách hệ thống ngân hàng và các công ty lớn, đặc biệt là những biện pháp giải quyết cho tính cạnh tranh và nợ nần.

11.Mexico

- Diện tích: 1.972.550 km2; Dân số: 106.202.903 (2005); Mật độ: 54,3 người/km2; Thủ đô: Thành phố Mexico; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,814; Bình quân đầu người: 10.090 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 5%; Công nghiệp: 29%; Dịch vụ: 66%; Xuất khẩu: 213,7 tỷ USD; Nhập khẩu: 223,7 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Pêsô Mexico (Mex $); Năm gia nhập APEC: 1993

- Kinh tế: Theo Ngân hàng Thế giới, Mexico xếp thứ 12 trên thế giới về GDP và có thu nhập tính theo đầu người lớn thứ tư trong khu vực Mỹ La tinh (sau Achentina, Chilê, Costa Rica). Mexico có một nền kinh tế hỗn hợp bao gồm khu vực nông nghiệp và công nghiệp hiện đại và lạc hậu. Hai khu vực này phần lớn do tư nhân nắm giữ. Chính quyền gần đây đã mở rộng sự cạnh tranh trong khu vực cảng biển, đường sắt, viễn thông, sản xuất điện, phân phối khí đốt và hàng không.

Số lượng doanh nghiệp quốc doanh của Mexico giảm từ trên 1.000 năm 1982 xuống còn dưới 200 năm 1999. Tiêu dùng tư nhân trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mêhicô là nhà sản xuất dầu lửa lớn thứ tư trên thế giới. Tỷ lệ dân số Mexico sống dưới mức nghèo khổ giảm từ 24,2% xuống còn 17,6% trong khoảng thời gian từ năm 2000-2004.

Hiện nay, Mexico vẫn cần tiếp tục giải quyết một số vấn đề về cơ cấu như phấn đấu hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao mức sống trung bình cho người dân. Những mối quan ngại về mức lương thực tế thấp, tình trạng thiếu việc làm cho một bộ phận lớn dân chúng, phân phối thu nhập không bình đẳng (20% dân số có thu nhập cao chiếm 55% tổng thu nhập), ít cơ hội cho người nghèo thổ dân ở các bang phía Nam cải thiện cuộc sống. Mexico còn phải tiếp tục đấu tranh với một số vấn đề như kiểm soát và phát triển kinh tế, đặc biệt là khu vực xăng dầu và phát triển quan hệ thương mại với Mỹ. Tham nhũng trong khu vực hành chính và tội phạm vẫn là những vấn đề trầm kha.

12. New Zealand

- Diện tích: 268.680 km2; Dân số: 4.107.883 người (2005); Mật độ: 15 người/km2; Thủ đô: Wellington; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,933; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 108,7 tỉ USD; Bình quân đầu người: 26.373 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 9%; Công nghiệp: 25%; Dịch vụ: 66%; Xuất khẩu: 22,21 tỷ USD; Nhập khẩu: 24,57 tỷ USD USD; Đơn vị tiền tệ: đôla New Zealand ($NZD, NZD); Năm gia nhập APEC: 1989

- Kinh tế: New Zealand là một nền kinh tế hiện đại và phát triển. Từ năm 1984, Chính phủ New Zealand đã thực hiện chương trình cải cách cơ cấu nền kinh tế nhằm chuyển sang nền kinh tế thị trường tự do, tăng cường công nghiệp hoá, nâng cao khả năng cạnh tranh. Sự chuyển biến về kinh tế đã nâng thu nhập thực tế, mở rộng và sâu khả năng công nghệ của khu vực công nghiệp và làm giảm lạm phát. GDP tính theo đầu người cao gần bằng mức các nền kinh tế lớn ở Tây Âu.

Dự đoán, tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình trong giai đoạn từ nay cho tới tháng 3-2008 khoảng 3,5%.

13. Papua New Guinea

- Diện tích: 462.840 km2; Dân số: 5.887.000 (2005); Mật độ 11 người/km2; Thủ đô:Port Moresby; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,523; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 14,37 tỉ USD; Bình quân đầu người: 2.600 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 25%; Công nghiệp: 35%; Dịch vụ: 40%; Xuất khẩu: 2,85 tỷ USD; Nhập khẩu: 2,5 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ Kina (PGK); Năm gia nhập APEC: 1993.

- Kinh tế: Papua New Guinea là quốc gia nông nghiệp với 85% dân số lao động trong lĩnh vực này và sống rải rác ở các bản làng. Các sản phẩm nông nghiệp chính là dầu, cùi dừa, chè, cà phê. Papua New Guinea giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng việc khai thác gặp khó khăn do địa hình hiểm trở; đồng thời địa hình này cũng cản trở việc phát triển cơ sở hạ tầng.

Các khoáng sản có trữ lượng lớn gồm dầu lửa, đồng, và vàng. Mặc dù có nhiều cố gắng từ phía chính phủ song nền kinh tế Papua New Guinea vẫn chậm phát triển. Tháng 3-2006, ủy ban Chính sách Phát triển của LHQ đã kêu gọi Papua New Guinea chuyển từ nước đang phát triển xuống hàng các nước kém phát triển.

Dự đoán, trong những năm tới, tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình thực tế sẽ ở mức trên 3%. Để duy trì được mục tiêu này, Chính phủ Papua New Guinea đề ra một số biện pháp để giải quyết những vướng mắc cho sự phát triển khu vực tư nhân như chuyển một số dịch vụ công không quan trọng sang khu vực tư nhân quản lý, bán bớt một số tài sản Nhà nước không sử dụng và sử dụng không hiệu quả, sửa đổi các quy định cản trở sự phát triển và cạnh tranh của ngành giao thông vận tải, mở cửa khu vực viễn thông cho tư nhân tham gia nhằm tăng cạnh tranh để dịch vụ được tốt hơn, xem xét lại các quy định về đất đai và quy hoạch để các thủ tục chuyển nhượng nhanh gọn hơn.

Qkh1xEUI.jpgPhóng to

Peru

14.Peru - Diện tích: 1.285.220km2; Dân số: 26.152.265 người; Mật độ: 21 người/km2; Thủ đô: Lima; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,762; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 164,5 tỉ USD; Bình quân đầu người: 5.900 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 7%; Công nghiệp: 37%; Dịch vụ: 56%; Xuất khẩu: 15,95 tỷ USD; Nhập khẩu: 12,15 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Nuevo Sol; Năm gia nhập APEC: 1998.

- Kinh tế: Nền kinh tế Peru phát triển theo hướng kinh tế thị trường. Việc tư nhân hoá trong các ngành công nghiệp khai khoáng, điện, bưu chính viễn thông ở nước này về cơ bản đã hoàn thành từ năm 1990. Với sự hỗ trợ của IMF và Ngân hàng Thế giới, Chính phủ nước này đã trả hết nợ nước ngoài vào tháng 3-1993.

Năm 1997, tốc độ phát triển của nước này đạt mức 7,3%, lạm phát giảm tới mức thấp nhất trong vòng 23 năm qua. Vốn đầu tư tăng cao đến mức kỉ lục vào đầu năm 1997. Tuy nhiên, sang năm 1998, do ảnh hưởng của El Nino đối với nông nghiệp, cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực Châu á và tình hình bất ổn ở thị trường Brazil đã gây nhiều khó khăn cho sự phát triển kinh tế của Peru. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Peru đã có những dấu hiệu phục hồi. Ước tính, năm 2006, tỷ lệ tăng trưởng GDP khoảng 7%.

Chính phủ Peru đã cấp phép cho tổng đầu tư tư nhân (cả trong nước và nước ngoài) là 10 tỷ USD vào khu vực khai khoáng và năng lượng, 15 tỷ USD vào các khu vực khác như công nghiệp, thương mại, du lịch, hải sản, nông nghiệp nhằm giữ cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao hơn 5%/năm.

15. Philippines

- Diện tích: 300.000 km2; Dân số: 87.857.473 người (2005); Mật độ: 276 người/km2; Thủ đô: Manila; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,758; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 451,3 tỉ USD; Bình quân đầu người: 5.100 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 20%; Công nghiệp: 32%; Dịch vụ: 48%; Xuất khẩu: 39,588 tỷ USD; Nhập khẩu: 40,297 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Peso Philippines (PHP); Năm gia nhập APEC: 1989.

* Kinh tế: Kinh tế Philippines là một nền kinh tế kết hợp giữa nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và dịch vụ. Từng là quốc gia giàu có thứ hai ở Châu Á ( sau Nhật Bản), Philippines dần trở thành một trong những nước nghèo nhất trong vùng từ khi giành lại độc lập năm 1946. Quá trình phục hồi kinh tế của nước này đã diễn ra khá mạnh mẽ, nhưng so với các nước Đông Á khác, tốc độ này vẫn còn hạn chế.

Trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998, kinh tế Philippines đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Điều này càng trầm trọng hơn vì giá cả tăng cao, lạm phát, và thiên tai. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm từ 5% năm 1997 xuống 0,6% năm 1998; sau đó đã hồi phục vào khoảng 3% năm 1999 và 4% năm 2000 và tới năm 2004, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 6% .

Đồng Peso Philippines được đánh giá là đồng tiền được quản lý tốt nhất năm 2005. Một luật thuế giá trị gia tăng (E-VAT) mở rộng mới đã được áp dụng từ ngày 1-11-2005, như một biện pháp nhằm cắt giảm nợ nước ngoài và cải thiện các dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, sức khoẻ, phúc lợi xã hội, và xây dựng đường sá.

16. Russia (LB Nga)

- Diện tích: 17.075.200 km2; Dân số: 143.420.309 người; Mật độ: 8 người/km2; Thủ đô: Moskva; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003) 0,795; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 1.600 tỉ USD; Bình quân đầu người: 11.209 USD; Xuất khẩu: 245 tỷ USD; Nhập khẩu: 125 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: rúp (RUB); Năm gia nhập APEC: 1998.

- Kinh tế: LB Nga có tiềm năng kinh tế rất lớn. Chiếm 3% dân số thế giới, Nga có nguồn năng lượng lớn nhất thế giới, chiếm 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và 34% trữ lượng khí đốt của thế giới đã được phát hiện. Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dầu mỏ.

Sản lượng điện của Nga chiếm 12% tổng sản lượng điện toàn cầu. Hiện nay Tổ hợp nhiên liệu - năng lượng Nga là một trong những tổ hợp quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế Nga, chiếm khoảng 1/4 GDP, 1/3 sản lượng công nghiệp và 1/2 nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Ngoài dầu mỏ, khí đốt và vàng, Nga có sản lượng khai thác kim cương đứng đầu thế giới. Sản lượng kim cương của Nga đạt 33,019 triệu cara, trị giá 1,676 tỷ USD. Đặc biệt, đến ngày 21-8-2006, Nga đã trả hết 21,3 tỷ USD nợ của 18 nước thành viên Câu lạc bộ Paris. Nga dự kiến trả hết số nợ thời Liên Xô cũ trong năm 2006.

Tuy vậy, nền kinh tế Nga cũng còn những khó khăn phải khắc phục như: cơ cấu kinh tế không cân đối, tăng trưởng kinh tế cũng như thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên nhiên liệu, tỉ lệ thất thoát vốn còn lớn, thu hút đầu tư chưa nhiều, khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đầu tư thay đổi công nghệ mới và phát triển các ngành kỹ thuật cao còn hạn chế.

Chính vì vậy, Chính phủ Nga đang thực hiện chương trình thúc đẩy kinh tế, trong đó có việc thành lập các đặc khu kinh tế lớn nhằm thực hiện những ý tưởng và quy trình sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động kinh tế. Các đặc khu kinh tế sẽ là công cụ để phát triển và sử dụng triệt để mọi tiềm năng khoa học - kỹ thuật, thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh. Nga sẽ thành lập 2 loại đặc khu kinh tế, gồm đặc khu kinh tế về ứng dụng kỹ thuật cao và đặc khu kinh tế về sản xuất công nghiệp, dưới sự quản lý của Cơ quan Liên bang.

Bên cạnh đó, nhằm tăng vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, Chính phủ Nga đang thúc đẩy quá trình tái quốc hữu hóa các doanh nghiệp lớn, trước hết thuộc khu vực năng lượng từng mang lại gần một nửa lợi nhuận về thuế và giá trị xuất khẩu. Quá trình tái quốc hữu hóa nền kinh tế Nga tuy có gây tâm lý lo ngại cho một số người; nhưng cho tới nay vẫn không gây ra tác động tiêu cực nào đối với tăng trưởng kinh tế Nga cũng như việc các nhà đầu tư phương Tây đang quay trở lại đầu tư vào Nga.

Chính phủ LB Nga thông qua Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trung hạn 2006-2008, hướng mạnh vào 4 trọng điểm ưu tiên trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở và phát triển nông thôn với tổng số vốn đầu tư của Nhà nước 160 tỷ Rúp, cùng với những giải pháp tăng thu nhập cho người lao động. Sức mua của người dân tăng, thị trường tiêu dùng sôi động và các nhà phân tích kinh tế đã nói đến sự bùng nổ tiêu dùng ở Nga.

17.Singapore

- Diện tích: 647,5 km2; Dân số: 4.425.720 người (2005); Mật độ: 6.389 người/km2; Thủ đô: Singapore; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 124 tỷ USD; Bình quân đầu người (PPP): 28.228 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Công nghiệp: 3,6%; Dịch vụ: 66,4%; Xuất khẩu: 179.755 tỷ USD; Nhập khẩu: 163.982 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Đôla Singapore (S$); Năm gia nhập APEC: 1989.

- Kinh tế: Singapore có nền kinh tế thị trường tự do, Chính phủ nắm vai trò chủ đạo. Là một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới, Xingapo trở thành đầu mối giao lưu thương mại quốc tế quan trọng (cảng biển Singapore là một trong những cảng biển trọng tải lớn tấp nập nhất thế giới). Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2001-2003, GDP thực tế năm 2004 của Singapore tăng mức kỷ lục 8%. Chính phủ đang cố gắng hướng đến việc xây dựng một nền kinh tế ít bị tác động bởi những biến động bên ngoài và trở thành trung tâm tài chính và công nghệ cao của Đông Nam Á.

Để đối phó với thách thức của áp lực cạnh tranh toàn cầu do những tiến bộ kỹ thuật và toàn cầu hóa mang lại, Singapore đang tiến hành cải cách cơ cấu để đa dạng hóa, toàn cầu hóa và doanh nghiệp hóa nền kinh tế hơn nữa. Công nghiệp chế tạo và dịch vụ vẫn là hai trụ cột của nền kinh tế trên nền tảng khả năng cạnh tranh cao về khoa học, kỹ thuật và chi phí lao động.

Mở rộng quan hệ quốc tế trong khuôn khổ hợp tác đa phương và hợp tác trong khu vực, hiệp định thương mại song phương (FTA) sẽ kết nối Singapore với thị trường thế giới và các cơ hội đầu tư. Chính phủ sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các doanh nghiệp, và hướng đến một nền kinh tế tri thức tăng trưởng nhờ đổi mới.

18. Đài Bắc - Trung Quốc

- Diện tích: 35.980 km2; Dân số: 22,4 triệu người; Mật độ dân số 619 người/km2; Thủ phủ: Đài Bắc (Taipei). Chỉ số phát triển: GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 344,6 tỷ USD; Bình quân đầu người: 16.100 USD

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 3%; Công nghiệp: 33%; Dịch vụ: 64%; Xuất khẩu: 198,43 tỷ USD; Nhập khẩu: 182,6 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Đôla Đài Bắc mới (NT$); Năm gia nhập APEC: 1991.

- Kinh tế: Đài Bắc-Trung Quốc là một trong những vùng lãnh thổ có nền kinh tế mạnh ở Châu Á, nằm trong 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới có mức tăng trưởng liên tục trong ba thập kỷ gần đây và mức dự trữ ngoại hối hàng đầu thế giới. Được gọi là một trong “bốn con hổ kinh tế Châu á”, Đài Bắc-Trung Quốc phát triển phồn vinh về thương mại, tài chính cùng với nền nông nghiệp được cơ giới hóa cao và những ngành cơ khí lắp ráp có độ kỹ thuật cao.

Năm 2002, Đài Bắc-Trung Quốc đã đưa ra chính sách "Thách thức 2008", tức là "Kế hoạch phát triển kinh tế 6 năm"; năm 2005, tiếp tục đưa ra một chính sách mới là "Kế hoạch phát triển kinh tế lần 2 trong thế kỷ mới: Kế hoạch 4 năm từ 2005 đến 2008", với 3 nội dung chính: (1) Phát huy nội lực kinh tế và nguồn lực nước ngoài, (2) Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, (3) Tăng chất lượng cuộc sống và an sinh xã hội. Trong giai đoạn 2005 - 2008, tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức 4,9%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2008 sẽ đạt ít nhất 18.000 USD.

19.Thái Lan

- Diện tích: 514.000 km2; Dân số: 65.444.371 người (2005); Mật độ: 127 người/km2; Thủ đô: Bangkok; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 183,9 tỷ USD; Bình quân đầu người (PPP): 2.736 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 12%; Công nghiệp: 39%; Dịch vụ: 49%; Xuất khẩu: 105,8 tỷUSD; Nhập khẩu: 107 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: bạt (THB); Năm gia nhập APEC: 1989.

- Kinh tế: Thái Lan là một nước nông nghiệp truyền thống. Bắt đầu từ năm 1960, Thái Lan thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ nhất và đến nay là kế hoạch lần thứ chín. Những năm 1970, nước này thực hiện chính sách "hướng xuất khẩu": ASEAN, Mỹ, Nhật, Châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan. Ngành công nghiệp và dịch vụ đã dần dần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và vai trò của nông nghiệp giảm dần.

Từ 1988 đến năm 1995, kinh tế Thái Lan đạt tốc độ tăng trưởng cao từ 8% đến 10%. Nhưng đến năm 1996 tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 5,9% và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ tháng 7-1997 làm cho kinh tế Thái Lan rơi vào tình trạng khó khăn trầm trọng. Kể từ năm 1999, kinh tế Thái Lan bắt đầu có dấu hiệu phục hồi và 5 năm gần đây (2000-2005), tiếp tục quá trình phục hồi nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Theo dự báo của Bộ Tài chính Thái Lan, trong thời gian từ năm 2006-2009, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ đứng ở mức 5,9%/năm, tỷ lệ lạm phát là 3,2%/năm. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này chủ yếu nhờ vào sự phát triển ổn định của nhu cầu tiêu dùng khu vực tư nhân, xuất khẩu gia tăng, đầu tư tăng mạnh ở cả khu vực công và tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất.

20. United States of America (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ)

- Diện tích: 9.373.000 km2; Dân số: 297.883.322 người (2006); Mật độ: 32 người/km2; Thủ đô: Washington, D.C; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,944; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 13.049,299 tỷ USD; Bình quân đầu người: 41.800 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 2%; Công nghiệp: 18%; Dịch vụ: 80%; Xuất khẩu: 927,5 tỷ USD; Nhập khẩu: 1.727 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: đô la Mỹ ($, USD); Năm gia nhập APEC: 1989.

- Kinh tế: Nước Mỹ có một nền kinh tế mạnh, đa dạng và công nghệ tiến tiến hàng đầu thế giới, với GDP bình quân đầu người đứng đầu trong các quốc gia công nghiệp chủ chốt.

Trong nền kinh tế này, các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân tự quyết định các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của mình. Chính phủ là người đặt hàng hoặc mua trực tiếp các loại hàng hoá và dịch vụ cần thiết chủ yếu trên thị trường tư nhân. Các doanh nghiệp Mỹ có tính thích ứng cao hơn nhiều so với các đối tác của họ ở Tây Âu và Nhật Bản trong việc quyết định phương án kinh doanh như mở rộng nhà máy, giảm bớt công nhân thừa và triển khai các sản phẩm mới. Các công ty của Mỹ luôn dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế, vũ trụ và kỹ thuật quân sự.

Các vấn đề dài hạn cần xử lý của nước Mỹ bao gồm đầu tư chưa thích đáng trong cơ sở hạ tầng kinh tế, chi phí y tế tăng nhanh do sự lão hoá của dân cư, thâm hụt đáng kể về thương mại và sự đình trệ của thu nhập gia đình trong các nhóm dân cư ở tầng lớp lao động bậc thấp của nền kinh tế.

Chính phủ Mỹ đặt ra chỉ tiêu, GDP thực tế dự kiến sẽ tăng với tỷ lệ trung bình hàng năm 3,3% trong vòng 4 năm từ 2005-2008; tăng mạnh vào năm 2010, lạm phát được giữ ở mức cũ và thị trường lao động được đẩy mạnh.

8V92CLFY.jpgPhóng to
Hồ Gươm - Hà Nội
21. Việt Nam

- Diện tích: 330.000km2; Dân số: 83.535.576 người; Mật độ: 253 người/km2; Thủ đô: Hà Nội; Chỉ số phát triển con người (HDI - 2003): 0,704; GDP (2005 - tính theo ngang bằng sức mua PPP): 231, 6 tỉ USD; Bình quân đầu người (tính theo ngang bằng sức mua PPP): 2.782 USD.

- Cơ cấu GDP theo các khu vực: Nông nghiệp: 24,3%; Công nghiệp: 36,61%; Dịch vụ: 39,09%; Xuất khẩu: 32,23 tỷ USD; Nhập khẩu: 36,88 tỷ USD; Đơn vị tiền tệ: Đồng Việt Nam (VND); Năm gia nhập APEC: 1998.

- Kinh tế: Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạch định đường lối đổi mới và mở đầu quá trình Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Trải qua 20 năm, đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, “công cuộc đối mới đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của đất nước, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

Việt Nam đã có những đổi mới quan trọng trong nhận thức về mô hình kinh tế của thời kỳ quá độ, về quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; về cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; về chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế... Đặc biệt đến Đại hội IX của Đảng, khái niệm “nền kinh tế thị trường” được chính thức nêu trong văn kiện Đại hội, khẳng định phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Đó không phải là kinh tế tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là kinh tế thị trường XHCN.

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là những bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển.

Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế cổ phần phát triển, trở thành hình thức tổ chức kinh tế phổ biến, thúc đẩy xã hội hóa sản xuất và sở hữu đặc biệt là xã hội hóa vốn của các nhà đầu tư. Xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu.

Với tư duy và đường lối phát triển kinh tế trên, Việt Nam đã từng bước làm cho nền kinh tế sống động, sức sản xuất phát triển khá nhanh, cơ sở vật chất được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành, vùng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP năm 1998 chiếm 21,6%, đến năm 2005 tăng lên 41%; tỷ trọng nông nghiệp năm 1998 chiếm 43,6%, đến năm 2005 còn 20,5%; tỷ trọng dịch vụ năm 1998 chiếm 33,1%, đến năm 2005 tăng lên 38,5%. Các thành phần kinh tế cùng phát triển. Hiện nay, kinh tế Nhà nước đóng góp 8% GDP; kinh tế tư nhân chiếm 37,7% GDP; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 15% GDP. Rất nhiều khu công nghiệp mới, đô thị mới mọc lên. Hạ tầng cơ sở phát triển mạnh; bộ mặt nông thôn và đô thị thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Hàng hóa phong phú, thị trường nhộn nhịp.

Nhiệm vụ chính mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đặt ra trong 5 năm tới là tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, giảm dần tình trạng kém phát triển và từng bước đạt mục tiêu thiên niên kỷ toàn cầu. Đến năm 2010, Việt Nam quyết tâm tăng GDP gấp 2,1 lần so với năm 2000, tạo thêm 8 triệu việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị xuống dưới 5%, đẩy mạnh giáo dục để nâng số lượng lao động có trình độ lên 40% tổng lực lượng lao động và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15-16%.

Để thực hiện được kế hoạch phát triển kinh tế, Việt Nam đang tiến hành một loạt các cải cách cơ cấu kinh tế và các biện pháp để phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp và dịch vụ.

* Nguồn tư liệu: TTXVN, Internet; các sách: Các nước và một số vùng lãnh thổ trên thế giới trước ngưỡng cửa thế kỉ XXI, Almanach.

P.V (Tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên