18/11/2016 19:08 GMT+7

Những phép thử ở Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần 3

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Ròng rã suốt một tuần lễ, 16 vở diễn quốc tế và Việt Nam tham gia liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3 đã được giới thiệu đến khán giả yêu sân khấu ở Hà Nội.

Vở diễn Mối tình trong sáng của đoàn Philippines đã thử nghiệm khá thuyết phục khi đưa toàn bộ câu chuyện tình đẫm nước mắt của Romeo và Juliet vào âm thanh, giai điệu trang phục, điệu nhảy iga của dân tộc Sama - Bajau ở miền Nam của Philippines - Ảnh: ĐỨC TRIẾT
Vở diễn Mối tình trong sáng của đoàn Philippines đã thử nghiệm khá thuyết phục khi đưa toàn bộ câu chuyện tình đẫm nước mắt của Romeo và Juliet vào âm thanh, giai điệu trang phục, điệu nhảy iga của dân tộc Sama - Bajau ở miền Nam của Philippines - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Nhiều phép thử của xu hướng sân khấu mở đã được đưa ra.

Kịch kinh điển được mặc “áo mới”

Không hẹn mà gặp, liên hoan năm nay có khá nhiều nhà hát dụng công mặc “áo mới” cho kịch kinh điển thế giới. Việt Nam có 3 vở là Hamlet, Bão (Shakespeare) và Mê Đê (Euripide).

Còn quốc tế, những thử nghiệm này rơi vào các đoàn đến từ châu Á: hai vở dàn dựng từ kịch kinh điển là Chim hải âu (tác giả Chekhov, biểu diễn: Nhật Bản), Mối tình trong sáng (chuyển thể từ Romeo và Juliet của Shakespeare, biểu diễn: Philipines) và 2 vở của đoàn Trung Quốc đều được chuyển thể từ sử thi, truyện dân gian nổi tiếng như vở Bạch Xà (chuyển thể từ Bạch Xà truyện của Trung Quốc) và Ramayana (chuyển thể từ sử thi cùng tên nổi tiếng của Ấn Độ).

Điểm thử nghiệm chung nhất các nhà hát hướng tới ở đây là: rút ngắn thời lượng vở diễn, đơn giản hóa lời thoại và đưa văn hóa bản địa vào. Theo nguyên bản, mỗi vở kịch kinh điển thường dài 3-4 tiếng, thậm chí có đến hai hồi như Ramayana.

Thế nhưng, dịp này, các vở kịch được rút gọn lại - dài nhất như vở Chim hải âu cũng chỉ hai tiếng, còn ngắn nhất như vở Mối tình trong sáng chỉ hơn 1 tiếng. “Một sự vừa vặn để khán giả hôm nay có đủ kiên nhẫn thưởng thức kịch kinh điển”- NSND Lê Tiến Thọ nói.

Trong khi đó, phần lớn lời thoại của các vở diễn đã được biên tập lại theo cách đơn giản hóa. Mạnh dạn hơn cả là lời thoại trong vở Mê Đê của Nhà hát Thế giới trẻ đã được tác giả Lê Chí Trung viết mới hoàn toàn theo ngôn ngữ hiện đại. “Sẽ là hố ngăn rất lớn để khán giả hôm nay tiếp cận với bản diễn Mê Đê được Euripide viết từ những năm 400 trước công nguyên. Vậy nên chúng tôi mạnh dạn bắc nhịp cầu cho kịch kinh điển đến với khán giả bằng việc viết lời mới cho câu chuyện xưa” - tác giả Lê Chí Trung cho biết.

Vở diễn Mê Đê của Nhà hát Thế giới trẻ đã khéo bắc nhịp cầu giữa kịch kinh điển đến khán giả hôm nay - Ảnh: Đức Triết
Vở diễn Mê Đê của Nhà hát Thế giới trẻ đã khéo bắc nhịp cầu giữa kịch kinh điển đến khán giả hôm nay - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Việc bản địa hóa các tác phẩm kịch kinh điển thế giới được nhiều nhà chuyên môn lưu tâm ở liên hoan này. Hamlet có điệu múa Xuân Phả (Thanh Hóa), vở Mê Đê lồng tiếng hát ru, vở Ramayana lần đầu được Trung tâm Nghệ thuật Kinh kịch tỉnh Hà Nam, Trung Quốc dựng cho sân khấu Kinh kịch.

Đặc biệt là vở Mối tình trong trắng của Philippines đã đưa toàn bộ câu chuyện tình đẫm nước mắt của Romeo và Juliet vào âm thanh, giai điệu trang phục, điệu nhảy iga của dân tộc Sama- Bajau ở miền Nam của Philippines. “Chúng tôi mời một nhóm bô lão dân tộc Sama- Bajau đến truyền dạy điệu nhảy, âm nhạc cho nghệ sĩ. Người nghệ sĩ khi đó được hòa nhập với văn hóa địa phương nên biểu diễn giàu cảm xúc hơn”, GS Pedro Abraham - phụ trách âm nhạc, vũ điệu của vở Mối tình trong sáng, chia sẻ.

Sáng tạo từ thời sự nóng hổi

Panama, Đức, Pháp và Hy Lạp - bốn đại diện cho các nước phương Tây tham gia liên hoan lần này đều mang đến những vở kịch được sáng tạo ngay từ chất liệu thời sự nóng hổi hôm nay.

Nhóm kịch của Pháp bắt gặp những ý tưởng sáng tạo khi chuyển thể tự do bộ phim Những cuộc phiêu lưu của Nam tước Münchhausen của Terry Gilliam thành vở kịch cùng tên. Mượn những tình huống kịch hài hước, kỹ thuật lồng ghép điện ảnh (tách đầu người lên màn ảnh), những “nghệ sĩ” nhí tự do bày tỏ sự kháng cự, ước mơ của mình trước một thế giới đầy hỗn loạn vì khủng bố, chiến tranh sắc tộc…

Đại diện của Đức - Familie Floz đã khiến khán giả ngỡ ngàng khi đem đến liên hoan câu chuyện đầy hài hước nhưng là hiện thực khắc nghiệt của sự giả dối trong xã hội hôm nay với vở Khách sạn thiên đường. Vở kịch kể về một khách sạn mà ở đó có đủ mọi tình huống dở khóc, dở cười cho trí thức, nhà chức trách, trộm cắp, lưu manh, ngụy quân tử…

Thú vị là câu chuyện ấy được diễn tả qua kịch hành động không lời. Đã thế, khuôn mặt nghệ sĩ được giấu đi, thay vào đó là đủ kiểu mặt nạ cho từng cá tính - mà chỉ với bốn nghệ sĩ nhưng diễn đến 13 vai. “Vở kịch vẫn khiến người xem thấy thú vị, bật cười, đồng cảm” - tác giả Lê Quý Hiền nhận xét.

Vở diễn Con tàu này sẽ không trôi mãi của đoàn Panama là một cách thử nghiệm về tư tưởng chính trị - Ảnh: ĐỨC TRIẾT
Vở diễn Con tàu này sẽ không trôi mãi của đoàn Panama là một cách thử nghiệm về tư tưởng chính trị - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Cũng thời sự nóng hổi là vở diễn Con tàu này sẽ không trôi mãi (Panama). Bằng kỹ thuật hình thể, đôi chỗ có đan cài nhào lộn của xiếc, vở kịch đã đưa khán giả vào một thế giới những cuộc di cư của con người trên biển cả mênh mông, u tối, quẩn quanh. 

PGS.TS Phạm Duy Khuê cho rằng những vở diễn đó có cách thử nghiệm về những vấn đề tư tưởng chính trị nhạy cảm rất thú vị. “Quan trọng là nghệ sĩ đã tìm được cách dàn dựng, diễn tả mà không bị các nhà chức trách bắt bẻ” - ông nói.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên