Ước vọng của con người vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta là lau khô mọi giọt lệ trên tất cả mọi đôi mắt.
Jawaharlal Nehru
![]() |
Tôi là phóng viên tại Hàn Quốc cho tờ Wall Street Journal, đang sống tại Hàn Quốc. Đất nước này, vào thời điểm đó, tháng 12/1997, đang ở dưới đáy sâu nhất của cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á. Các công ty phá sản ngã rạp, tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt, thị trường chứng khoán và tiền tệ (đồng Won) trong nước mất giá không phanh. Hàn Quốc gần như đã cạn kiệt ngoại tệ và đối mặt với khả năng không thanh toán được nợ quốc tế của mình.
Tháng 11-1997, Tổng thống Hàn Quốc phải quay sang Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để cầu xin một sự giải cứu, một điều mà trong con mắt của người Hàn Quốc là sự nhục nhã, mất mặt. Nhưng dù sao, gói hỗ trợ 58 tỉ USD mà IMF đã hứa cũng có tác dụng chút ít, thậm chí còn làm chậm lại sự đi xuống của nền kinh tế theo đường xoắn ốc. Bị kẹt chặt trong tình trạng bất ổn định và hỗn loạn, người Hàn Quốc lo sợ vẫn chưa đến lúc xảy ra điều tồi tệ nhất. Nền kinh tế đất nước đang đứng bên bờ vực sụp đổ hoàn toàn.
Và cuộc điện thoại từ cơ quan mật vụ Hàn Quốc đã đến với tôi trong bối cảnh như vậy. Tôi vừa mới tham dự một cuộc họp kéo dài một tiếng đồng hồ tại Đại sứ quán Mỹ cùng với Stephen Bosworth, Đại sứ Mỹ vừa được bổ nhiệm công tác tại Hàn Quốc, người đã thông báo vắn tắt về tình hình khủng hoảng kinh tế của Hàn Quốc cho tôi cùng với hai phóng viên khác là người của Washington. Sau đó, tôi quyết định tận hưởng ngày mùa đông trong trẻo và đi bộ 20 phút từ tòa nhà Đại sứ quán hình hộp xuôi xuống phố Sejong-ro, con phố chính của thủ đô Seoul, về trụ sở văn phòng Wall Street Journal gần Tòa Thị chính. Tôi nhận được cuộc điện thoại đó ngay khi tôi vừa về.
Người gọi tự giới thiệu mình là một nhân viên của cơ quan mật vụ Hàn Quốc và không buồn cho tôi biết tên của anh ta. “Chúng tôi muốn biết ngài đại sứ đã nói gì với anh” - anh ta hỏi.
Tôi thoáng chút kinh ngạc. Những cuộc điện thoại từ cơ quan mật vụ không phải là chuyện hiếm gặp tại trụ sở văn phòng Wall Street Journal. Dù Hàn Quốc đã là một nền dân chủ suốt 10 năm qua nhưng những thói quen kiểm soát giới truyền thông một cách độc đoán vẫn cứ tồn tại một cách dai dẳng. Song điều mà tôi ngạc nhiên là không hiểu vì sao chính phủ Hàn Quốc biết về cuộc gặp nhanh đến mức vậy. Các mật vụ chưa bao giờ nắm được thông tin kiểu này.
Tôi cho rằng họ biết như vậy là đã đủ rồi. Trong 2 năm làm việc tại văn phòng này, tôi đã học được một điều: cách tốt nhất để ứng phó với những cuộc gọi như vậy là không nói gì cả. Chính phủ Hàn Quốc biết càng ít về những gì tôi đang làm thì càng tốt. Vì vậy, tôi trả lời: “Tôi không hiểu anh đang nói đến việc gì.”
Người đàn ông bí ẩn khăng khăng gặng hỏi. “Chúng tôi biết anh vừa đến văn phòng của ngài đại sứ. Chúng tôi muốn biết ngài đại sứ đã nói gì với anh.”
Tôi bắt đầu phỏng đoán điều gì xảy ra: các quan chức chính phủ mắc bệnh hoang tưởng của Hàn Quốc chắc hẳn đã cho rằng ngài đại sứ đang chỉ đạo cho cánh báo chí của chúng tôi phải đưa những nội dung gì cho các bài báo ngày mai, một thông lệ thường gặp trong giới truyền thông Hàn Quốc. Họ phải đích thân làm rõ một thứ đại loại như là một âm mưu chống lại Hàn Quốc mà các nhà ngoại giao Mỹ và báo chí quốc tế đang toan tính.
Tôi đã bị đặt vào diện tình nghi tại Hàn Quốc vì những bài báo của mình viết về cuộc Khủng hoảng. Các đồng nghiệp của tôi và tôi là những phóng viên đầu tiên cảnh báo về tai họa sắp xảy ra với Hàn Quốc và báo chí nước này đã đổ lỗi cho chúng tôi là người gây ra cuộc Khủng hoảng. Tôi phải mất nhiều tuần chống đỡ những lời phê bình chỉ trích và những lá thư giận dữ từ Bộ Tài chính đang hốt hoảng của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp chính phủ Hàn Quốc nghĩ gì, tôi cũng không có ý định tiết lộ nội dung trao đổi ngắn gọn của Bosworth cho cơ quan CIA phiên bản Hàn Quốc. “Anh sẽ phải đọc nó trên báo ra ngày mai giống như tất cả mọi người khác thôi”. Tôi trả lời và cúp máy.
Tôi thường dễ bị tức giận với những mật vụ hay quấy rầy của Hàn Quốc nhưng lần này, tôi cảm thấy tội nghiệp cho họ. Bản thân tôi cũng bị xúc động trước chấn thương mà cuộc Khủng hoảng đang gây ra ở Hàn Quốc, đất nước đang trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Hơn 40 năm qua, người Hàn Quốc đã quen với tăng trưởng kinh tế và thu nhập mỗi lúc một tăng. Cuộc Khủng hoảng đã xuất hiện trước mặt họ như một cơn ác mộng không thể nào lý giải nổi.
Tất cả những thành quả to lớn của họ, thành quả mà họ đã giành được bằng nỗ lực phi thường, dường như sắp sửa trôi tuột mất trong thời gian chỉ còn tính bằng ngày. Trong trạng thái choáng váng, những nhà quản lý thất nghiệp quá xấu hổ không dám thông báo với gia đình của mình rằng họ đã mất việc làm nên vẫn tiếp tục vận những bộ đồ xanh đen đặc trưng của giới làm công ăn lương, giả vờ đi đến công sở mỗi sáng. Họ bỏ cả ngày trốn ở các công viên cạnh dốc núi ở những vùng ngoại ô Seoul.
Các bà nội trợ tình nguyện bán các món nữ trang vàng bạc quí giá của mình cho chính phủ để nhận về đồng Won vô giá trị trong một nỗ lực hi sinh vô ích nhằm làm đầy lại ngân khố trống rỗng của đất nước. Vị Bộ trưởng Tài chính lớn tuổi của Hàn Quốc, người không may đã lên nhậm chức giữa lúc Khủng hoảng xảy đến, sau đó đã bị các công tố viên đang trong tâm trạng đầy căm uất tống thẳng vào tù.
Người Mỹ và Tây Âu, những người nếm trải cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 có mức độ tàn phá khủng khiếp sự giàu có thịnh vượng, công ăn việc làm và niềm hi vọng, đã bắt đầu cảm thông với tâm trạng bất an và khiếp sợ mà một người Hàn Quốc bình thường phải hứng chịu khi đó. Bất kỳ một người Hàn Quốc trên 30 tuổi nào cũng đều nhớ cảnh nghèo đói bần cùng mà đất nước đã chịu đựng và những sự hi sinh đau đớn mà đất nước phải trả giá để lê bước thoát khỏi tình cảnh cơ hàn đó.
Kể từ đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, người Hàn Quốc phải làm việc trong các nhà máy tồi tàn, tằn tiện chắt bóp để tự mình xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ từ bỏ những quyền tự do công dân và tự do cá nhân để nhượng bộ các chế độ độc tài chuyên chế trong quá trình tìm kiếm sự phát triển kinh tế quốc gia. Và họ đã giành được thắng lợi. Chỉ trong vòng 35 năm, người Hàn Quốc đã biến một đất nước nghèo hơn Liberia, Zimbabwe và Iraq thành một thành viên của câu lạc bộ các nước giàu – Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Sự bùng nổ kinh tế của Hàn Quốc không đơn giản chỉ là một con đường đi đến sự thịnh vượng. Nó còn định rõ mục tiêu của đất nước, đem lại ý thức tự hào và tự tin hiếm thấy trong lịch sử 5.000 năm của Hàn Quốc và nâng đất nước lên một vị thế được trọng vọng và có nhiều quyền lực trong nền kinh tế toàn cầu. Có thể nói, điều tương tự đã xảy ra ở hầu hết các nước tại châu Á. Từ Ấn Độ đến Nhật Bản, các nước vừa mới nổi lên gần đây từ hàng thế kỷ chịu ách đô hộ của thực dân hay sự tàn phá của chiến tranh và cách mạng đã tự mình vươn thành những quốc gia hiện đại bằng những nỗi vất vả gian truân trong phát triển kinh tế, bằng những thử thách hi sinh và cuối cùng gặt hái được thành công.
May mắn thay cho Hàn Quốc và các nước láng giềng, ngay chính cuộc Khủng hoảng tài chính cũng chỉ là một quãng tạm dừng ngắn ngủi trong quá trình tiến bộ không ngừng của châu Á. Kể từ thập niên 50 của thế kỷ 20 đến nay, những thành tựu kinh tế đạt được tại châu Á gần như là không thể lý giải nổi. Châu Á đã làm nên một cuộc bùng nổ phát triển kinh tế bền vững nhất trong lịch sử hiện đại, một sự gia tăng ồ ạt trong thu nhập đem lại những lợi ích chưa từng có tiền lệ về của cải vật chất và cơ hội kinh tế cho 3 tỉ người.
Điều kỳ diệu đã tạo ra một sự gia tăng gần như không thể tin nổi về của cải vật chất.
Tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân theo đầu người
Điều kỳ diệu đã tạo ra một sự gia tăng gần như không thể tin nổi về của cải vật chất.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> | |||
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG THU NHẬP QUỐC DÂN THEO ĐẦU NGƯỜI (TÍNH THEO TỈ GIÁ QUY ĐỔI USD HIỆN THỜI) | |||
QUỐC GIA/ VÙNG LÃNH THỔ |
1965 |
2007 |
PHẦN TRĂM |
Hàn Quốc |
130 |
19.690 |
15.046 % |
Đài Loan |
204 |
15.078 |
7.291 % |
<?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Singapore |
540 |
32.470 |
5.913 % |
Hồng Kông |
710 |
31.610 |
4.352 % |
Nhật Bản |
890 |
37.670 |
4.133 % |
Thái Lan |
130 |
3.400 |
2.515 % |
Trung Quốc |
100 |
2.360 |
2.260 % |
Indonesia * |
70 |
1.650 |
2.257 % |
Malaysia |
330 |
6.540 |
1.882 % |
Ấn Độ |
110 |
950 |
764 % |
* Số liệu thống kê mới nhất là vào năm 1969
Nguồn: Ngân hàng Thế giới; Tổng Cục phân bổ ngân sách, tài chính và thống kê Đài Loan.
Các nhà kinh tế gọi đó là Sự thần kỳ của kinh tế châu Á và nó chắc chắn phải là một phép màu. Năm 1981, Đông Á có tỉ lệ đói nghèo cao nhất trong tất cả các khu vực trên thế giới, với gần 80% dân số sống với thu nhập chưa đầy 1,25 USD/ngày. Năm 2005, tỉ lệ này giảm xuống còn 18%. (So với châu Phi, tỉ lệ người dân vùng Hạ Sahara của châu lục này sống ở mức cực nghèo hầu như vẫn giữ nguyên không đổi là 50% trong suốt cùng thời kỳ thống kê).
Hàng trăm triệu người dân châu Á, những người đã phải chân lấm tay bùn trên những cánh đồng lúa lúa nước, ở trong những căn nhà tranh vách đất và sống với những bữa ăn chỉ đủ để duy trì sự sống, giờ đây đang làm việc trong những tòa nhà chọc trời xây dựng theo kết cấu thép, xung quanh ốp kính được trang bị máy điều hòa nhiệt độ; sống trong những tòa cao tầng sang trọng với những chiếc tủ lạnh chất đầy đồ ăn thức uống và thưởng thức những tách cà phê sữa Starbucks thượng hạng.
Cách đây 40 năm, hầu hết người dân châu Á chỉ may mắn được học tiểu học. Giờ đây, nhiều người đã cho con cái của mình đi du học ở những trường đại học tốt nhất nước Mỹ. Trong những năm 1950, các nền kinh tế châu Á chỉ đủ sức nuôi được người dân của chính mình. Ngày nay, người châu Á sản xuất con chip thẻ nhớ, màn hình LCD và máy tính xách tay nhiều hơn bất kỳ ai trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận