![]() |
Mặc dù điều này nghe có vẻ như là chuyện bình thường vào ngày nay nhưng con đường xuất khẩu vào thập niên 50 và 60 của Thế kỷ 20 không được nhìn nhận như vậy.
Quay trở lại thời kỳ đó, các chính sách của châu Á thường bị giới phát triển xem là dị giáo. Nhiều chuyên gia vẫn cho rằng các quốc gia mới giành được độc lập ở Thế giới thứ ba sẽ không bao giờ đạt được thành tựu phát triển kinh tế nếu họ không tự cắt đứt bản thân mình khỏi nền kinh tế thế giới vốn bị những ông chủ thực dân cũ của họ thống trị.
Quan điểm này tiếp tục chỉ ra rằng hệ thống kinh tế toàn cầu đã kẹp chặt các nước đang phát triển trong một cái bẫy với tư cách là những đầy tớ mắc nợ phương Tây, kẻ chỉ quan tâm đến việc bòn rút nguyên vật liệu thô của các nước đang phát triển và trong quá trình đó, chuyển cho họ những sản phẩm công nghiệp hóa cũ.
Lập trường này được gọi là “thuyết phụ thuộc” (dependency theory). Các chuyên gia phát triển ở phương Tây lẫn ở các nước đang nổi tán thành việc hạn chế thương mại và đầu tư nước ngoài, theo đuổi mục tiêu “thay thế nhập khẩu”, một quá trình mà thông qua đó các nước sẽ thay thế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài bằng cách sản xuất chúng ở trong nước.
Sự nổi lên của Liên Xô trong vai trò là một siêu cường quốc vào những năm 50 của thế kỷ trước cũng đem đến một sự lựa chọn phát triển khác không đi theo chủ nghĩa tư bản. Những tư tưởng này đã bám chắc ở nhiều vùng rộng lớn của châu Mỹ Latinh và châu Phi.
Tại châu Á, các nhà lãnh đạo của Phép màu đã xem thường quy ước và ý thức hệ tư tưởng trong khi xây dựng chính sách của mình. Quyết định của châu Á lựa chọn gắn mình với các lực lượng toàn cầu hóa và bỏ qua lẽ phải kinh tế thông thường đang thịnh hành lúc đó là nhân tố tạo điều kiện cho Phép màu xảy ra. Các nhà lãnh đạo của khu vực đã khám phá ra con đường đúng đắn để gặt hái được những thành quả to lớn trong việc đem lại đời sống ấm no cho người dân và thu được quyền lực kinh tế trong một khoảng thời gian ngắn đến lạ thường.
Nhà kinh tế học Paul Krugman viết rằng Phép màu đã chứng tỏ “nền kinh tế toàn cầu không phải được dựng lên để chống lại những kẻ đến sau như nhiều nhà lý luận của ‘thuyết phụ thuộc’ đã khẳng định”.
Ông cho rằng, “trái lại, nó đem đến cơ hội cho nhiều nước… đạt được sự tiến bộ kinh tế đáng giá của hai thế kỷ trong vòng chưa đầy một thế hệ. Và phát hiện đó đã tiếp thêm sinh lực không chỉ cho người châu Á mà còn cho cả chủ nghĩa tư bản nói chung”. Không nghi ngờ gì nữa, Phép màu đã chứng minh rằng toàn cầu hóa tạo ra sự thịnh vượng.
Đối với nhiều độc giả đang đọc trang sách này, một tuyên bố ủng hộ toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ dứt khoát như vậy hình như có thể là sai lầm, thậm chí gây giật mình. Những người chỉ trích cáo buộc rằng toàn cầu hóa dẫn tới tình trạng bóc lột người nghèo, lạm dụng người lao động và làm bần cùng hóa tầng lớp trung lưu ở thế giới đã phát triển.
Trong những lần xảy ra khủng hoảng kinh tế, chẳng hạn như khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, những tiếng nói phản đối toàn cầu hóa càng trở nên kịch liệt hơn. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận rằng sự hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới sẽ đem lại nhiều nỗi đau đớn hơn là lợi ích trong những thời điểm suy thoái. Tuy nhiên, 40 năm lịch sử kinh tế tại châu Á đã chứng minh rằng những khối kiến trúc của toàn cầu hóa như thương mại tự do, dòng chảy đầu tư tự do, doanh nghiệp tự do và thị trường tự do đã tạo ra của cải vật chất và cơ hội ở một mức độ lớn chưa từng có.
Dù hệ thống kinh tế toàn cầu đôi lúc có thể cần phải được cải tổ nhưng Phép màu là bằng chứng rõ ràng cho thấy các nhà hoạch định chính sách ở châu Á lẫn phương Tây nên tránh sa vào sự cám dỗ trong việc dựng nên những hàng rào bảo hộ hay rút khỏi nền kinh tế thế giới. Quay lưng lại với toàn cầu hóa chỉ làm cho hàng trăm triệu người còn sống trong đói nghèo không được trải nghiệm Phép màu.
Câu chuyện của châu Á mang lại nhiều bài học quan trọng cho các thống đốc ngân hàng trung ương và các nhà lãnh đạo của chính phủ nhiều nước trên thế giới về việc làm cách nào để phục hồi tăng trưởng, tăng thu nhập và cải thiện phúc lợi của con người.
Đưa ra những quyết định lựa chọn khó khăn nhưng đúng đắn ủng hộ toàn cầu hóa, thường là trong bối cảnh vấp phải phản ứng giận dữ quyết liệt của phe đối lập chính trị, đòi hỏi phải có một sự quyết tâm can đảm, giống như các nhà lãnh đạo châu Á đã học đi học lại nhiều lần kể từ thập niên 50 của thế kỷ 20.
Vì sao việc Park Chung Hee, Lý Quang Diệu và các nhà lãnh đạo khác của châu Á gan dạ tiến lên phía trước trên con đường phát triển kinh tế của riêng họ là chủ đề chính của cuốn sách này. Đó là vì họ ít nặng nề về ý thức hệ tư tưởng hơn nhiều nhà lãnh đạo khác của các nước đang phát triển, vì họ thoáng hơn trong việc điều chỉnh nhiều chính sách cho phù hợp với các nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế nước mình.
Điều này có lẽ xuất phát từ lý do hầu như không có ai trong số các nhà lãnh đạo của Phép màu là nhà kinh tế - ngoại trừ một trường hợp khác biệt lớn là Manmohan Singh của Ấn Độ (chương 9). Họ thường là các luật sư, kỹ sư hay tướng lĩnh. Một khi các chính sách chủ chốt đã được “những kẻ đi trước” định hình, chúng sẽ lan rộng khắp châu Á, từ nước này sang nước khác.
Những chính sách vốn phát huy hiệu quả ở một nước sẽ được hăm hở đón nhận và triển khai ở nước khác. Quá trình này bắt đầu với Nhật Bản. Các ý tưởng do giới chức và lãnh đạo chính trị của Nhật Bản khởi xướng Phép màu đã học theo ở một hình thức nhất định nào đó. Chẳng hạn như, Park Chung Hee đã sao chép hệ thống kinh tế của Nhật Bản. Những “người theo sau” như Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc (chương sáu), Manmohan Singh của Ấn Độ và Mahathir Mohamad của Malaysia (chương mười) đều chịu ảnh hưởng mạnh “những kẻ đi trước”.
Ví dụ như Mahathir đã ban hành “Chính sách nhìn về phương Đông” tại Malaysia với chủ trương bắt chước các tập quán kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc, xem đó như một cách khởi động Phép màu của riêng Malaysia. Phép màu có một đặc tính là tự lực. Thành công sẽ đẻ ra thành công. Để thiết lập những chính sách hậu thuẫn cho tốc độ tăng trưởng nhanh, các nhà lãnh đạo của Phép màu đã tạo ra những điều kiện nuôi dưỡng tài năng kinh doanh.
Trong các học thuyết phát triển, vai trò của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Á thường bị bỏ qua. Sự sáng tạo và khả năng kỳ lạ của họ trong việc phát minh ra những sản phẩm mới, vượt qua các rào cản và cạnh tranh trên các thị trường quốc tế đóng vai trò quyết định đối với thành công của châu Á.
Bậc kỳ tài về điện tử Akio Morita (chương một) và nhà cải cách trong lĩnh vực sản xuất ô tô Soichiro Honda của Nhật Bản (chương tám), nhà sản xuất nhựa Lý Gia Thành của Hồng Kông (chương bốn), nhà công nghiệp Chung Ju Yung của Hàn Quốc (chương hai), các doanh nhân vi tính Thi Chấn Vinh của Đài Loan (chương năm ) và Liễu Truyền Chí của Trung Quốc đại lục (chương 12), hai nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực công nghệ của Ấn Độ Azim Premji và Narayana Murthy (chương mười ba) đã làm biến đổi vĩnh viễn thương trường toàn cầu bằng cách xây dựng nên những công ty tầm cỡ thế giới và thường xuyên chống đối mạnh mẽ những điều tưởng chừng như không thể vượt qua được. Về thực chất, Phép màu là một chiến thắng dành cho khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Đó cũng là chiến thắng dành cho Mỹ, nhà bảo lãnh chính cho Phép màu, chu cấp tiền viện trợ, bảo vệ quân sự, dìu dắt và mở lối cho hàng hóa sản xuất tại châu Á tiếp cận thị trường lớn của Mỹ; từ đó, tạo điều kiện ở tầm quốc tế và khu vực cho châu Á phát triển lớn mạnh. Mỹ muốn dựng lên một “phòng tuyến” là các chính phủ đồng minh ở khắp châu Á vì mục đích chính trị. Hầu hết “những kẻ đi trước” như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều đứng về phía Mỹ.
Vai trò then chốt của Mỹ trong việc khuyến khích phát triển kinh tế tại châu Á thường bị đánh giá thấp. Vị cựu Thủ tướng đáng kính của Singapore, Lý Quang Diệu, đã nói: “Nếu không có Mỹ góp phần đem lại sự an ninh và ổn định trên toàn khu vực thì sẽ không có tăng trưởng kinh tế”.16
Thành tựu đạt được của châu Á đã tạo ra thế giới mà chúng ta biết đến ngày nay. Thành công của châu lục này đã làm dịch chuyển cán cân quyền lực kinh tế và chính trị, thay đổi vĩnh viễn cấu trúc của nền kinh tế thế giới và thúc đẩy toàn cầu hóa các thị trường quốc tế. Nhiều công ty đa quốc gia mới được thành lập để cạnh tranh với những đối thủ của Mỹ và châu Âu. Những siêu cường quốc bắt đầu nảy nở đã và đang nổi lên để thách thức vị thế thống trị của phương Tây.
Điều này không có nghĩa là các nhà lãnh đạo của Phép màu là những vị thánh. Một số người đàn áp nền dân chủ và nhân quyền, mượn đến cả sự tra tấn và ám sát để củng cố quyền thống trị của mình. Họ đôi khi phạm tội tham nhũng, thỉnh thoảng diễn ra ở một mức độ lớn. Các ông trùm kinh doanh bảo vệ tình trạng độc quyền hay mở rộng phạm vi ảnh hưởng chính trị cũng nhanh như khi tạo ra công ăn việc làm. Dù không thể nào bào chữa cho những hành động như vậy nhưng cũng không thể nào phủ nhận những kết quả mà họ đã đạt được. Như Nehru bày tỏ hi vọng, họ đã lau khô lệ trên đôi mắt của châu Á.
Những trang tiếp theo sẽ kể cho độc giả biết họ là ai và họ đã làm như thế nào. Đó là chuyện kể về một trong những nỗi vất vả gian lao và sự hi sinh vĩ đại, về tư duy đổi mới và nguồn cảm hứng đổi mới, về nỗ lực gây ấn tượng sâu sắc trên khắp châu lục trong việc nâng cao đời sống ấm no của một nửa dân số thế giới. Chúng ta bắt đầu đi từ một nơi ít có khả năng thành công: quốc gia bị tàn phá Nhật Bản. Giữa đống tro tàn đổ nát của Tokyo sau chiến tranh, Sự thần kỳ bắt đầu cất cánh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận