Phóng to |
Các nguyên lý của nó bao gồm việc đề cao các giá trị tôn ti trật tự, chức sắc quan liêu và sự tận tâm dốc sức trau dồi làm việc và học tập - tất cả những nhân tố này đã đặt nền tảng cơ sở cho phát triển kinh tế. Nho giáo, theo như chính trị gia người Anh Roderick Macfarquhar đã viết năm 1980, “là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở Đông Á, sánh ngang với sự kết hợp giữa đạo Tin Lành và sự đi lên của chủ nghĩa tư bản tại phương Tây”.
Quả thật là người châu Á ở khắp khu vực đều có một khuôn mẫu hành xử nhất định vốn góp phần vào thành công kinh tế của họ. Đầu tiên là thiên hướng tiết kiệm thay vì chi tiêu, điều đã giúp họ tích cóp được một số vốn cần thiết để đầu tư cho công nghiệp. Ngoài ra, tất cả các nước và vùng lãnh thổ vốn đã bước vào phép mầu trong những giai đoạn đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore đều mang hơi hướm Nho giáo.
Tuy nhiên, khi phép mầu trải rộng ra khắp châu lục, các xã hội chịu ảnh hưởng bởi nhiều luồng văn hóa ngày càng đa dạng, từ cộng đồng theo đạo Hindu của Ấn Độ, các tín đồ Hồi giáo của Malaysia cho đến những người theo đạo Phật ở Thái Lan, cũng đạt được thành tựu tương tự. Các nền văn hóa của châu Á quá đa dạng đến nỗi không thể kết cụm lại với nhau. Vì vậy, không thể cho rằng toàn bộ phép mầu được sinh ra nhờ một nền văn hóa hay một tập hợp những tập quán văn hóa bất kỳ nào.
Hơn hết thảy, luận điểm văn hóa này đã sụp đổ tan tành khi được đặt vào bối cảnh lịch sử. Nho giáo đã đóng vai trò là trụ cột trong nhiều xã hội châu Á suốt nhiều thế kỷ qua nhưng nó không ngăn chặn được châu Á, đặc biệt là Trung Quốc - cái nôi của Nho giáo, thoát khỏi sự tụt hậu rất xa so với phương Tây trong lĩnh vực phát triển kinh tế và công nghệ. Châu Á đã phải làm một điều gì đó, một điều gì mới, để khiến phép mầu xảy ra.
Trường phái tư duy thứ hai khẳng định đó chính xác là cách mà phép mầu đã được tạo ra. Châu Á đã xây dựng những chính sách và thể chế kinh tế siêu việt và độc đáo giúp đem lại sự tăng trưởng ngoạn mục cho khu vực. Điểm chính trong lập luận này là vai trò đặc biệt mà nhà nước nắm giữ trong phát triển kinh tế. Thay vì tiếp nhận tư tưởng tự do kinh doanh thuần túy của Mỹ, hầu hết các chính phủ châu Á đều can thiệp vào những nền kinh tế của mình theo nhiều cách mà kinh tế học kinh điển cho là không khôn ngoan và tiềm ẩn nhiều tai họa thảm khốc.
Sai lầm nặng nề nhất của các chính phủ là đóng vai trò trực tiếp phân phối các nguồn lực trong nền kinh tế, một nhiệm vụ mà theo các nhà kinh tế học là tốt nhất nên để cho các thị trường vô tư không thiên vị đảm nhận. Giới chức quan liêu của chính phủ “chọn ra những kẻ chiến thắng” bằng cách lựa chọn những lĩnh vực, ngành nghề nhất định để nuôi dưỡng rồi sau đó nghĩ ra một cách kết hợp nhiều chính sách lại với nhau để hỗ trợ và thúc đẩy sự tăng trưởng của những kẻ chiến thắng đó.
Các chính phủ châu Á quản lý khu vực tài chính và đầu tư, đẻ ra những ngân hàng đặc biệt và thiết lập những hệ thống quản lý thương mại nặng tính thiên vị để biến những ngành nghề, lĩnh vực được chọn (trong một số trường hợp là những công ty tư nhân) thành những đối thủ cạnh tranh toàn cầu xuất sắc nhất. Vì có nhiều chính phủ châu Á theo đuổi những chương trình tương tự nhau nên một số chuyên gia cho rằng châu Á đã tạo ra một mô hình phát triển đặc trưng của riêng mình.
Thuyết “mô hình châu Á” đã có ảnh hưởng rất lớn và chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về nó trong những trang tiếp theo. Tuy nhiên, nó cũng có những giới hạn. Mô hình này đã được nhiều nước trải nghiệm Phép màu tiếp nhận ở một dạng thức nhất định nhưng không phải là nước nào cũng hành động như vậy. Thật sự, hai trong số những nước quan trọng nhất bước vào Phép màu là Trung Quốc và Ấn Độ đã tạo nên những Sự thần kỳ của mình bằng cách gỡ bỏ vai trò ảnh hưởng của nhà nước ra khỏi nền kinh tế.
Hơn nữa, cuộc tranh luận về hiệu quả thật sự của mô hình phát triển theo sự dẫn dắt của nhà nước tại châu Á vẫn còn quyết liệt cho đến tận ngày nay. Những người ủng hộ quan điểm này lập luận rằng mô hình đã tạo ra những thành quả kinh tế vượt lên trên và xa hơn những gì có thể đạt được trong một môi trường thị trường tự do. Phe phỉ báng “mô hình châu Á” thì cho rằng vai trò của nhà nước trong Phép màu đã bị thổi phồng quá đáng và hồ sơ về những nỗ lực “chọn người chiến thắng” của châu Á đã chất đầy những thất bại và chi phí ẩn.
Những người mang tâm lý dè dặt khi bình luận về “mô hình châu Á” có khuynh hướng nghiêng về một cách lý giải thứ ba về Phép màu, rằng châu Á chẳng làm một điều gì đặc biệt mà thay vào đó, chính các lực lượng của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra Phép màu. Châu Á đã lợi dụng đầy đủ hệ thống thương mại tự do toàn cầu, vốn nổi lên nhờ sự đỡ đầu của Mỹ sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, để tạo ra xuất khẩu, đầu tư, công ăn việc làm và tăng trưởng.
Tất cả các nước, từ Nhật Bản tới Ấn Độ, đã lợi dụng những lợi thế so sánh của mình trong hệ thống kinh tế thế giới để tạo ra một sự phát triển nhanh chóng. Các chính sách của nhà nước đã khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển, điều mà Ngân hàng Thế giới gọi là “xây dựng những quyền cơ bản”. Chẳng hạn như, các nhà hoạch định chính sách sẽ đầu tư mạnh vào giáo dục để nâng cao nguồn vốn nhân lực và vào hạ tầng cơ sở để giảm chi phí kinh doanh.
Họ cũng duy trì những môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và khỏe mạnh bằng cách giữ cho lạm phát và thâm hụt ngân sách ở mức thấp. Nhìn từ góc độ quan điểm này, châu Á đã đi theo một lộ trình phát triển mà về cơ bản là mang tính kinh điển trong các nguyên lý kinh tế của mình. Ngô Khánh Thụy, một trong những kiến trúc sư của Phép màu tại Singapore, đã khuyên rằng “các nước đang phát triển không cần phải đi xa hơn Adam Smith trong việc chỉ đạo các chính sách kinh tế của mình”.12 Xét về mặt này, Phép màu là một trường hợp mang tính sách vở giáo khoa về sức mạnh của các thị trường tự do và doanh nghiệp tự do. Có lẽ Phép màu cuối cùng cũng không huyền diệu đến thế.
Tuy nhiên, cách lý giải này thậm chí cũng không đầy đủ. Những lý do thuần túy lý thuyết dùng để cắt nghĩa về Phép màu đã chỉ ra cho chúng ta biết sự tăng trưởng xảy ra như thế nào nhưng không nói được vì sao. Nếu Phép màu dễ đạt được đến thế thì chắc hẳn bất kỳ nước nào cũng tạo ra được. Tình trạng đeo bám dai dẳng của đói nghèo thê thảm ở nhiều dải đất rộng lớn trên thế giới, đặc biệt là châu Phi, đã chứng minh cho ta thấy thực tế không phải vậy. Việc thiết lập những điều kiện đúng đắn cho phát triển không bao giờ tự động xảy ra. Ắt hẳn phải có một điều gì đó đặc biệt về châu Á.
Vì Vậy, câu hỏi vẫn mới chỉ được giải đáp nhiều nhất là một phần. Điều gì thực sự tạo nên Phép màu cho kinh tế của châu Á? Giả thuyết của riêng tôi hoàn tất trò chơi ghép hình bằng một miếng ghép hình còn thiếu mà các nhà kinh tế học có xu hướng bỏ qua: con người.
Về cốt lõi, câu chuyện về kinh tế học là câu chuyện về nỗ lực của con người. Đằng sau các con số thống kê, các bảng biểu, biểu đồ - những thứ vốn là những công cụ chuẩn của nhà kinh tế chuyên nghiệp - là những quyết định hay hành động của nhiều người, có thể là bậc vĩ nhân cũng có thể là một con người bình thường.
Các nền kinh tế không phải được xây dựng bởi những chính sách mà bởi những con người đã khéo léo tạo ra nó; không phải bởi những số liệu thống kê về sản lượng và xuất khẩu mà bởi những con người đã đón xe buýt đến chỗ làm mỗi ngày và bỏ ra 12 giờ làm việc trên một dây chuyền lắp ráp tạo nên những sản phẩm hàng hóa mà các nhà thống kê tính toán. Các học thuyết về phát triển kinh tế có khuynh hướng bỏ qua nhân tố con người.
Tuy nhiên, chính từ trong cuộc sống của con người mà điều bí mật của thành công tại châu Á được khám phá ra. Như nhà kiến thiết đất nước vĩ đại của Hàn Quốc, Park Chung Hee, đã từng có lần viết, sự chuyển biến kinh tế của đất nước ông “không phải là sản phẩm của một điều thần kỳ mà là những kết quả thích đáng của nhiều năm lao động vất vả để giúp chúng tôi tự đứng được trên đôi chân của mình”.
Kể từ thập niên 50 của thế kỷ 20, châu Á đã được hưởng phúc bởi có một loạt những nhà lãnh đạo sáng tạo, nhiệt huyết và quyết đoán ở chính phủ lẫn doanh nghiệp, những người đã tin tưởng tới mức lớn lao rằng thành công của riêng họ phụ thuộc vào thành tựu kinh tế. Nhóm các nhà lãnh đạo này đa dạng nhiều thành phần: các quan chức quan liêu và những nhà kỹ trị; các chính trị gia và tướng lĩnh quân sự; những người theo chủ nghĩa cộng sản hay ủng hộ chủ nghĩa tư bản; các nhà dân chủ hay những nhà độc tài; các kỹ sư, các nhà kinh tế và các doanh nhân; thậm chí có cả một bác sĩ y khoa.
Nhưng, tất cả họ đều có chung một mục tiêu: đưa người dân nước mình thoát khỏi đói nghèo, xây dựng nền kinh tế thịnh vượng trên mảnh đất bị chiến tranh tàn phá, tạo dựng một quốc gia mới tách ra từ một vùng đất thuộc địa, nâng vị thế châu Á lên đúng tầm của mình trên thế giới. Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, đã tóm tắt tinh thần này trong đêm trước ngày Ấn Độ giành được độc lập từ tay thực dân Anh vào tháng 8/1947. Ông nói: “Thành tích mà chúng ta ăn mừng hôm nay mới chỉ là một bước đi, một cánh cửa mở ra cơ hội tiến tới những chiến thắng và thành tựu vĩ đại hơn đang chờ đợi chúng ta ở phía trước.
Phụng sự cho Ấn Độ cũng có nghĩa là phụng sự cho hàng triệu người đang đau khổ. Điều đó có nghĩa là chấm dứt đói nghèo, ngu dốt, bệnh tật và bất công trong việc tiếp cận cơ hội. Ước vọng của con người vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta là lau khô mọi giọt lệ trên tất cả mọi đôi mắt. Điều đó có thể là vượt quá tầm của chúng ta nhưng chừng nào vẫn còn nước mắt và nỗi thống khổ thì chừng đó công việc của chúng ta vẫn chưa thể kết thúc”.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở khắp các nước thuộc thế giới đang phát triển cũng bày tỏ những tình cảm tương tự nhưng ít có người giữ vững những lý tưởng này và bền gan bền chí theo đuổi mục tiêu tìm kiếm hạnh phúc cho đất nước mình. Tất cả thường biến thành những bạo chúa điên cuồng vì quyền lực hay cố chấp thực hiện bằng được những chương trình kinh tế mà kết quả là đưa đất nước của họ tới chỗ diệt vong.
Châu Á cũng có nhiều nhà lãnh đạo tồi như vậy nhưng rốt cuộc thì hầu hết các nhà lãnh đạo mắc phải sai lầm hay những chính sách lầm đường lạc lối của châu Á cũng bị quét sạch và được thay bằng những gương mặt mới và những ý tưởng thông minh. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta cũng cần phải tự hỏi lại mình: Vì sao lại là châu Á?
Tại sao nhóm lãnh đạo lạ thường này lại xuất hiện tại châu Á chứ không phải tại châu Phi hay Trung Đông? Tại sao các nhà ủng hộ chủ nghĩa dân tộc châu Á tận tâm cống hiến cho mục đích tăng trưởng kinh tế trong khi những người ở các khu vực khác của thế giới đang phát triển lại không? Những câu hỏi này thật khó trả lời. Một nhà kinh tế chỉ đơn giản đáp rằng đó là do “may mắn”.
Tôi không phải là một người tin vào thuyết định mệnh như thế. Tôi tin rằng có nhiều nhân tố đang diễn ra như lịch sử, chính trị và kinh tế đã tạo ra Sự thần kỳ. Các nhà lãnh đạo của Sự thần kỳ đối mặt với những điều kiện kinh tế và chính trị có độ tương đồng nhau rất cao và họ đã đưa ra những chính sách tạo nên sự tăng trưởng nhanh sau khi nền kinh tế đất nước suy yếu kinh khủng hay sau khi có chính biến.
Hoặc là họ thành lập những chính quyền hoàn toàn mới, giống như Lý Quang Diệu của Singapore (chương ba) hay Tưởng Giới Thạch và các nhà kỹ trị của mình tại Đài Loan (chương năm); hoặc là họ thiết lập những chế độ mới, thường là bất hợp pháp, như Park Chung Hee của Hàn Quốc (chương hai) hay Suharto của Indonesia (chương bảy), cả hai đều là tướng lĩnh quân đội đã giành lấy quyền điều khiển đất nước.
Cùng một lúc, tất cả những nhà lãnh đạo giống nhau này đều đương đầu với những mối lo giống nhau. Park Chung Hee của Hàn Quốc đối mặt với CHDCND Triều Tiên, Tưởng Giới Thạch của Đài Loan với Trung Quốc, Lý Quang Diệu của Singapore và Suharto của Indonesia đấu tranh với những phong trào cánh tả trong nước. Để đương đầu với những thách thức này, tất cả các nhà lãnh đạo này đều đặt vấn đề tăng trưởng nhanh chóng là ưu tiên hàng đầu.
Park Chung Hee, Tưởng Giới Thạch, Lý Quang Diệu và Suharto nhận ra rằng họ cần phải có những nền tảng kinh tế hùng mạnh để đảm bảo cho sự tồn tại của các chính quyền hay nhà nước của mình. Không chỉ có một nhu cầu phát triển vũ khí và xây dựng lực lượng vũ trang mà trong các cuộc chiến của châu Á, việc đối đầu nhau bằng vũ khí tư tưởng cũng quan trọng không kém.
Chính phủ của Park Chung Hee, Tưởng Giới Thạch, Lý Quang Diệu và Suharto phải chứng minh với người dân châu Á rằng chính quyền và các ý thức hệ tư tưởng của họ đem lại một tương lai tốt đẹp hơn những gì mà lực lượng khác hứa hẹn. Nhóm các nhà lãnh đạo này nhận ra rằng việc cải thiện đời sống của người dân nước mình là cách chắc chắn nhất để đạt được mục tiêu của mình.
Đối mặt với các vấn đề tương tự nhau, các nhà lãnh đạo châu Á có khuynh hướng theo đuổi những chiến lược kinh tế giống nhau. Tất cả những “kẻ đi trước” gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đều thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên và cần phải nhập khẩu nguyên liệu thô quan trọng như dầu mỏ để tồn tại. Tất cả họ (ngoại trừ Nhật Bản) đều có ít dân và nghèo, không có khả năng nuôi sống ngành công nghiệp của chính mình.
Những điều kiện này buộc họ phải quay sang nền kinh tế thế giới. Ban đầu là giới chức quan liêu của Nhật Bản (chương một) và sau đó là các nhà kỹ trị của Park Chung Hee, Lý Quang Diệu và Tưởng Giới Thạch, tất cả đều bị ám ảnh với mục tiêu xuất khẩu. Họ gắn nền kinh tế của mình với thương trường toàn cầu chặt chẽ hơn hầu hết các nước đang nổi khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận