20/03/2011 05:18 GMT+7

Những nhát cuốc trên cánh đồng cười

HÀ HƯƠNG thực hiện
HÀ HƯƠNG thực hiện

TT - Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đã gọi Lý Trực Dũng là “gã nông phu trên cánh đồng cười”. Cười, nhưng nơi đó có đủ cả nhân tình và thế thái, hạnh phúc và khổ đau, yêu thương và căm giận.

i49GAGiZ.jpgPhóng to

Họa sĩ biếm Lý Trực Dũng: “Xét ở một góc độ nào đó, lịch sử tranh biếm họa là lịch sử của những dân tộc biết cười và Biếm họa Việt Nam là cuốn biên khảo về lịch sử cười của dân tộc Việt. Từ những họa sĩ biếm đầu tiên như Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Gia Trí đến các thế hệ sau này như Nop, Lap, Leo..., những người đã làm cho tranh biếm họa có một chỗ đứng trong làng báo chí Việt Nam”.

Trên cánh đồng cười mênh mông đó, có lẽ kiến trúc sư - họa sĩ Lý Trực Dũng là gã nông phu cần mẫn nhất, vỡ vạc từng nhát cuốc cho biếm họa Việt Nam suốt ba thập niên qua.

Kết quả của ba thập niên vỡ vạc đó không chỉ là hàng nghìn bức biếm họa đăng trên các tờ báo trong và ngoài nước, nhiều giải thưởng uy tín mà còn là một cuốn sách tổng quan về Biếm họa Việt Nam vừa ra mắt đầu tháng 3-2011 (Nhã Nam và NXB Mỹ Thuật phát hành).

Đây là cuốn sách ảnh đầu tiên về lịch sử gần 100 năm của biếm họa. Nhưng theo lời họa sĩ Lý Trực Dũng, Biếm họa Việt Nam chỉ như một “nhát cuốc động thổ” cho một nghiên cứu hoàn chỉnh hơn về biếm họa sau này.

* Nhà phê bình Nguyễn Quân có nhận xét biếm họa Việt Nam gần giống như truyện cười, là tiếng cười xòa mà nhẹ đi phần sâu cay, đả kích. Ông có ý kiến gì về điều này?

- Cười xòa vì... thiếu tiếng cười trí tuệ, sâu sắc, có tính quốc tế, toàn cầu. Điều làm chúng ta phải suy nghĩ là cho đến nay hầu như không có bất kỳ họa sĩ biếm họa Việt Nam nào vẽ về những đề tài quốc tế khi nó không liên quan trực tiếp đến Việt Nam.

Chỉ có duy nhất tranh biếm họa của Nguyễn Ái Quốc thập kỷ 1920 đề cập trực diện tới những vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng lúc bấy giờ là chủ nghĩa thực dân, áp bức, nô lệ, nô dịch văn hóa...

Tất nhiên ở đây cũng cần nói rõ: các báo Việt Nam hiện không đặt hàng họa sĩ biếm vẽ tranh biếm họa về các đề tài quốc tế.

* Có một gương mặt ông dành rất nhiều lời ưu ái, đó là họa sĩ Chóe. Do đâu có sự lựa chọn này?

8DWIfyoF.jpgPhóng to

Kiến trúc sư - họa sĩ Lý Trực Dũng

- Họa sĩ Chóe là một tài năng lớn của biếm họa Việt Nam. Với tư cách một đồng nghiệp, tôi khâm phục ông. Với tư cách một độc giả, tôi sung sướng được xem tranh ông.

Con người đa tài đó từng có số phận hết sức long đong và bi thảm bởi thời cuộc. Nhưng ông đã vượt qua và để lại một Chóe lừng danh trong trái tim hàng triệu người yêu thích biếm họa.

Năm 1973 biếm họa của Chóe đã được in thành sách ở Mỹ với cái tên The world of Chóe (Thế giới của Chóe) và nhà báo người Mỹ Bary Hilton đã gọi ông là “họa sĩ biếm số 1 Việt Nam”.

Cũng vào năm 1973, báo New York Times uy tín đã bình chọn Chóe là một trong tám họa sĩ biếm xuất sắc nhất thế giới thập kỷ 1970.

* Ông có nói biếm họa là một nghề nguy hiểm, ví dụ nhãn tiền là họa sĩ biếm Nguyễn Nghiêm... “nghiêm quá hóa khổ”. Tại sao ông lại nói như vậy?

- Thiên chức của biếm họa là chống lại, đấu tranh với cái xấu, cái ác, bất kể cái xấu đó ở đâu hay người nào. Người có cái xấu luôn có tật giật mình, dễ suy diễn người ta đả kích mình, giễu cợt mình. Thật ra họ yếu nên hay sợ bóng vía.

Chỉ kẻ nào có tật mới sợ biếm họa và ghét biếm họa. Các họa sĩ biếm họa nhận thức rõ điều đó. Nhưng họ không sợ, họ dám dấn thân vì nghiệp biếm họa mà mình theo đuổi vì tin ở lẽ phải và công lý.

Ví dụ điển hình nhất là họa sĩ biếm Honore’ Daumier (1808-1879) vì bức tranh giễu cợt vua Pháp Louis Philippe tham lam vô độ như cái thùng không đáy mà năm 1832 ông bị tống giam 6 tháng tù. Ra tù, tranh của ông còn sâu sắc hơn, cay hơn và được quần chúng đón nhận mạnh mẽ hơn. Giờ thì ông được cả thế giới tôn vinh.

Ở ta, trong thời đổi mới, Nguyễn Nghiêm từng lao đao vì một bức tranh biếm của ông bị suy diễn, quy chụp. Cũng bởi vậy họa sĩ biếm, nguyên thiếu tá Nguyễn Nghiêm phải mở quán bán trứng vịt lộn và xôi ở vỉa hè để kiếm tiền nuôi vợ và ba đứa con đang tuổi ăn học.

Nhưng sau đó tranh biếm họa của ông vẫn được in đều đều ở các báo. Ông mất năm 1995 nhưng đến giờ vẫn có nhiều người hâm mộ tranh ông.

* Theo ông, biếm họa Việt Nam đang thiếu vắng điều gì?

- Cuốn Biếm họa Việt Nam phần nào dựng lên một bức tranh khái quát về lịch sử biếm họa Việt Nam và lịch sử Việt Nam qua lăng kính biếm họa. Vâng, biếm họa đã có những thời là “hoàng kim”, là “vũ khí sắc bén”.

Khi đó các cơ quan hữu quan ai cũng muốn vơ biếm họa về mình. Nhưng khi hết kẻ thù ngoại xâm, phải tự đối mặt với những vấn đề nội tại nan giải, phải mổ xẻ những vấn đề nhức nhối của cuộc sống hằng ngày trong quá trình phát triển thì cũng có lúc sợ “đứt tay”.

HÀ HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên