05/12/2015 11:00 GMT+7

Những người tình nguyện “lỗ vốn”

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)

TT - Bỏ ra cả ngàn USD để được tham gia một giải đấu mà tiền thưởng cho chức vô địch chỉ có vài triệu đồng. Tuy nhiên vẫn có hàng trăm VĐV tình nguyện “lỗ vốn” như vậy để được điền tên vào danh sách thi đấu.

Ông Vương Ngọc Sơn (trái) và đồng đội cũ Phan Đình Tùng - Ảnh: H.Đ.
Ông Vương Ngọc Sơn (trái) và đồng đội cũ Phan Đình Tùng - Ảnh: H.Đ.

Đó là câu chuyện ở Giải bóng bàn lão tướng châu Á - Thái Bình Dương 2015 đang diễn ra tại nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) những ngày qua. Và đây là lần đầu tiên VN được đăng cai giải đấu bóng bàn dành cho giới nghiệp dư nổi tiếng hàng đầu thế giới này.

Lỗ vốn nhưng vẫn vui

Tuy mang tầm cỡ thế giới nhưng giải này có cách tổ chức tương tự như bất kỳ một giải đấu phong trào nào của các CLB, hội nhóm bóng bàn: kinh phí hoàn toàn do VĐV tự túc và cũng không hề... rẻ. Ngoài chuyện phải tự lo hoàn toàn chi phí ăn ở, đi lại, các tay vợt nước ngoài dự giải còn phải đóng lệ phí khoảng 100 USD/người để có thể tham dự đầy đủ các nội dung đồng đội, đánh đơn và đêm gala của giải. Với những VĐV ở VN, lệ phí rẻ hơn nhưng tổng cộng cũng khoảng 1,5 triệu đồng/người. Đổi lại, tổng giải thưởng của giải chỉ là 9.500 USD, với chức vô địch đơn mỗi nội dung là 100 USD và vô địch đồng đội là 400 USD.

Dù “lỗ nhiều lời ít” như thế nhưng giải vẫn quy tụ một lượng tay vợt tham dự lên đến 867 người, biến nhà thi đấu Phú Thọ những ngày qua trở nên vô cùng nhộn nhịp. Trong số này có tới hàng trăm VĐV đến từ Mỹ, Úc, Sri Lanka... cùng những láng giềng quen thuộc của bóng bàn VN như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... Bà Mark Fisher, một nữ VĐV 76 tuổi, Úc, cho biết đây là lần đầu bà tham dự giải và đến VN. Ngoài đam mê bóng bàn, bà Fisher còn đăng ký dự giải vì muốn có cơ hội du lịch đến VN.

Trong khi đó, tay vợt đồng hương với bà Fisher, ông Horst Frohlich (73 tuổi), vốn đã rất quen thuộc với Giải bóng bàn lão tướng châu Á - Thái Bình Dương sau 3 lần tham dự trước đây. Ông cho biết để tham dự giải đấu này, cả ba thành viên trong đội của ông phải bỏ ra 800 USD/người tiền vé máy bay khứ hồi, thêm vào đó là khoảng 300 USD/người cho 1 tuần ăn ở tại TP.HCM.

“Tuy khá tốn kém nhưng chúng tôi không hề tiếc tiền khi tham dự giải đấu này. Đây vừa là cơ hội đi du lịch, vừa là dịp được tham gia một giải đấu mang tính toàn thế giới. Tôi chỉ chơi bóng bàn nghiệp dư, thật khó có cơ hội gặp gỡ nhiều đối thủ nước ngoài như vậy. Qua vài lần dự giải, tôi đã có một số bạn bè nước ngoài” - ông Frohlich nói.

Ông Frohlich thi đấu tại giải - Ảnh: H.Đ.
Ông Frohlich thi đấu tại giải - Ảnh: H.Đ.

Hội ngộ sau 36 năm

Suốt mấy ngày thi đấu, nơi được đông đảo CĐV chú ý nhất là khu vực thi đấu của đội VTTC, một đội bóng bàn gồm các tay vợt Việt kiều từng là VĐV chuyên nghiệp ở VN. Trong số rất nhiều khán giả Việt dành sự ủng hộ cho đội bóng bàn đến từ nước ngoài thân quen này, có một CĐV rất đặc biệt là ông Vương Ngọc Sơn - trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM.

Ông Sơn cho biết ông cùng nhiều tay vợt trong đội VTTC vốn là đồng đội cũ ở đội tuyển bóng bàn TP.HCM những năm cuối thập niên 1970, trước khi rã nhóm vào năm 1979. Người đi Mỹ, người đi Úc, người ở lại VN và suốt mấy chục năm trời họ vẫn chưa có cơ hội tái ngộ cho đến trước thềm giải đấu này.

Ông Phan Đình Tùng (59 tuổi), một tay vợt cột trụ trong đội tuyển TP.HCM trước đây, kể: “Từ khi sang Mỹ năm 1979, tôi cũng giã từ luôn con đường VĐV chuyên nghiệp, thậm chí là không cầm vợt đến gần chục năm trời. Sau này khi cuộc sống đã ổn định phần nào, chúng tôi mới chơi bóng bàn trở lại. Qua mạng xã hội, Internet, vài đồng đội ở Mỹ, ở Úc chúng tôi mới tìm gặp lại nhau. Dù vậy, chúng tôi chưa từng có cơ hội trở lại VN để gặp những đồng đội cũ ngày nào”.

Cho đến khi biết thông tin Giải bóng bàn lão tướng châu Á - Thái Bình Dương 2015 được tổ chức tại VN, ông Tùng cùng các đồng đội cũ gồm Nguyễn Bảo Dũng, Châu Hữu Ý mới nảy ý định tham gia để hi vọng có dịp tái ngộ những “chiến hữu” năm nào. Và các ông đã không thất vọng.

Vừa về VN, đến dự các buổi họp kỹ thuật, bốc thăm trước thềm giải đấu, ông Tùng cùng đồng đội đã nhận ra đồng đội cũ Vương Ngọc Sơn. Và rồi sau đó là những cái ôm nồng nhiệt, những lời thăm hỏi ngậm ngùi sau 36 năm trời xa cách giữa những người bạn cũ. Không chỉ có ông Sơn, ông Tùng cho biết ông còn gặp được rất nhiều bạn cũ khác, đáng kể nhất là lão tướng lừng danh một thời Lê Văn Tiết - người mà các ông xem như bậc đàn anh đáng kính trong nghề.

Cựu danh thủ Vũ Mạnh Cường, hiện đang là HLV CLB bóng bàn Hà Nội T&T, cũng không ngại lặn lội, bỏ công bỏ việc từ Hà Nội để vào Sài Gòn tham dự giải đấu này. Anh Cường (43 tuổi) đùa vui: “Thật không ngờ mới đó mà tôi đã được tính vào hàng lão tướng. Nhưng cũng nhân dịp này mà có cơ hội gặp lại không ít anh em ngày xưa, cùng ôn lại những kỷ niệm “Nam chinh, Bắc chiến” một thời. Tôi xin nghỉ làm ba ngày, kết hợp cùng hai ngày cuối tuần”. Trước đám đông người hâm mộ, Vũ Mạnh Cường vẫn đánh tưng bừng.

Giải mỗi lúc một đông

Ông Nguyễn Trọng Trúc, tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM, cho biết kể từ lần đầu tổ chức vào năm 2007, đây là một trong những lần Giải bóng bàn lão tướng châu Á - Thái Bình Dương quy tụ đông đảo VĐV dự giải nhất.

Ông Peter Ma, chủ tịch Liên minh lão tướng bóng bàn châu Á - Thái Bình Dương, từng có thời gian làm HLV đội bóng bàn Hong Kong, nhiều lần dẫn đội sang TP.HCM tham dự Giải bóng bàn Cây vợt vàng hằng năm nên ông Ma quyết định chọn VN làm nơi đăng cai giải lần này. Giải sẽ kết thúc vào ngày 6-12.

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên