20/03/2022 11:14 GMT+7

Những người tình của mùa xuân

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Rất nhiều người Hà Nội đã hát Thì thầm mùa xuân: Mỹ Linh hát phơi phới sức sống như ai đang tung tăng dạo phố, Khánh Linh hát như một chú chim oanh thánh thót lẩn khuất trong sớm mai...

Những người tình của mùa xuân - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Ngọc Châu và ca sĩ Bông Mai trong đêm nhạc Thanh Tùng (tháng 4-2012) - Ảnh: T.T.D.

1. Người Hà Nội có một vài đặc quyền nho nhỏ vào mùa xuân, chẳng hạn như vào những ngày nồm ẩm nhất, ngồi ở một quán cà phê vỉa hè ngắm sương mờ và nghe Chìm trong muôn thuở của Đỗ Bảo: "Hạnh phúc như màu xám rất mơ hồ, còn mùa xuân hoa vẫn thơm ngoài vườn ngát xanh", hoặc có khi, vừa ngắm một cơn mưa xuân vừa lẩm nhẩm câu hát của Ngọc Châu: "Từng chồi non xanh mơn man. Từng hạt mưa long lanh rơi mùa xuân".

Cuối năm ngoái, nhạc sĩ của những mùa đông Hà Nội, Phú Quang, đã chọn đúng mùa đông mà từ tạ cuộc đời. Nỗi buồn ấy còn chưa kịp nguôi ngoai, thì khoảng thời gian xuân phân năm nay, Hà Nội lại tạm biệt người nhạc sĩ với một trong những bản nhạc mơn mởn nhất về mùa xuân thành phố, Ngọc Châu.

Rất nhiều người Hà Nội đã hát Thì thầm mùa xuân: Mỹ Linh hát phơi phới sức sống như ai đang tung tăng dạo phố, Khánh Linh hát như một chú chim oanh thánh thót lẩn khuất trong sớm mai, Bằng Kiều hát cao vút như người đang ngây ngất trong tình yêu đầu đời. 

Nếu có một điểm chung thì có lẽ là, bài hát khiến cho người hát như trẻ lại, kể cả khi họ đã bước qua tuổi thanh xuân từ bao giở bao giờ.

Thì Thầm Mùa Xuân - một ca khúc của nhạc sĩ Ngọc Châu - Khánh Linh thể hiện

2. Vẫn biết có người nghệ sĩ nào mà tác phẩm không ít nhiều vận vào đời theo cách này hay cách khác, vẫn biết trong mắt cái chết thì mùa nào chả vậy, nhưng vẫn có gì tàn nhẫn khi mùa xuân vốn là mùa của cuộc sống, song chính mùa xuân lại lấy đi không ít những tâm hồn mở lòng với nó.

Gần 20 năm trước, mùa xuân đã lấy đi Nina Simone khỏi những người yêu nhạc. Nina Simone, người từng hát bản nhạc Another spring trong một album thuần túy chỉ có Nina trên phím đàn piano mà không có sự trợ giúp của bất kỳ nhạc công nào khác. 

Bài hát bắt đầu bằng một đoạn não nùng về người phụ nữ già ủ rũ nơi ngôi nhà mùa đông lạnh giá, và rồi khi bài hát đi qua 2/3, thì bỗng nhiên giai điệu bừng lên như một con gấu vừa tỉnh dậy khỏi giấc ngủ dài, và giọng hát Nina bỗng quấn quýt ánh sáng: "Rồi một sáng nọ, một mùa xuân nữa đến cổng nhà tôi. Vạn vật nở bung, chim ca hát, và bỗng dưng tôi không còn buồn nữa". 

Mùa xuân mang cuộc sống tới người phụ nữ ấy, nhưng mấy chục năm sau, lại lấy đi cuộc sống của Nina. Bà qua đời vào những ngày xuân cuối ở Provence, nơi "người dân đón xuân với niềm hào hứng khác thường, như thể thiên nhiên đã tiêm cho mọi người một liều nhựa sống".

3. Nói về những người tình mùa xuân, chắc không ai vĩ đại hơn Igor Stravinsky, tác giả của bản ballet - giao hưởng Le Sacre du printemps (Lễ tế xuân) từng làm náo loạn Paris khi lần đầu công diễn năm 1913. 

Tác phẩm được coi như cột mốc của âm nhạc hiện đại ấy khi mới xuất hiện đã gây ra một vụ scandal: khán giả cười ồ chế nhạo chỉ sau khi những nốt nhạc mở đầu vang lên từ cây kèn pha-gốt, và tiếng cười càng lớn khi dàn nhạc ngày một ồn ào "chí chóe", cùng với đó là những vũ công nhảy nhót điên loạn như một bộ lạc nguyên thủy để làm lễ hiến tế một trinh nữ. 

Mùa xuân của Stravinsky không chút trữ tình như thường lệ, nó hoang dại đến gần như mất trí. Nàng trinh nữ trong Lễ tế xuân đã múa đến chết để dâng mình cho thần mặt trời, cũng như chính Stravinsky đã tận hiến với thứ âm nhạc tràn trề âm thanh và cuồng nộ đến khi trút hơi thở cuối, tất nhiên cũng là vào mùa xuân.

Mùa xuân, cuối cùng, cũng có sự khắc nghiệt của riêng nó. Dẫu không nghiêm khắc như mùa đông, nhưng chính những hứa hẹn về cuộc sống mà nó gợi nên khiến ta thêm chạnh lòng khi nó không thể giữ trọn lời hứa ấy. Điều an ủi sau rốt chỉ là, như một nhà văn đã viết: "Chắc chắn sẽ có thêm những mùa xuân nữa".

Danh ca Sarah Vaughan cũng chọn mùa xuân mà từ biệt. Vaughan là một trong những giọng ca tuyệt mỹ nhất thế kỷ 20.

Bà từng hát hàng loạt những bản nhạc về mùa xuân, nào là Come Spring, nào là Spring will be a little late this year, rồi It might as well be spring, trong đó Come Spring về người phụ nữ đợi xuân sang và tuyết tan để về khu vườn của Chúa dường như đã tiên đoán trước cái chết của bà.

Chỉ là, cái chết trong bài hát không có gì đáng sợ. Cõi chết là nơi nỗi đau biến mất nhường chỗ cho những chú chim chích chòe, và một người chết chỉ đơn giản là một bông hoa xuân được bàn tay Chúa hái lên.

Gia đình, bạn bè tiễn biệt nhạc sĩ Ngọc Châu trong một chiều xuân Gia đình, bạn bè tiễn biệt nhạc sĩ Ngọc Châu trong một chiều xuân

TTO - Nhạc sĩ Giáng Son gửi lời chào người đồng nghiệp 'trong sáng, hồn nhiên nhất'; ca sĩ Khánh Linh khóc nghẹn nói lời tạm biệt người anh trai mà tuổi thanh xuân còn mãi bằng chính câu hát của Ngọc Châu: ‘Chia tay nhé rồi ngày vui ta lại gặp nhau'.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên