![]() |
Các ông Bảy Lương (giữa) cùng Nguyễn Thành Trung (trái) và Nguyễn Hữu Hạnh |
Ngay trước ngày 30-4, hàng triệu người này là năm sư đoàn bộ binh đóng ở vòng ngoài Sài Gòn, bốn lữ đoàn dù và ba liên đoàn biệt động quân ở bốn khu vực bắc - đông - tây - nam Sài Gòn. 17.000 cảnh sát nội đô cùng lực lượng phòng vệ dân sự, bảo vệ hậu cứ tổ chức thành năm liên khu. Hàng chục sư đoàn pháo binh, thiết giáp, hàng chục phi đoàn không quân, hàng ngàn tàu và chiến thuyền. Các kho vũ khí vẫn còn bom hơi ngạt CBU, hỏa tiễn chống tăng TOW...
Khi những chiếc xe tăng mang cờ giải phóng đầu tiên tiến lên cầu Sài Gòn thì tiếng súng cuối cùng đã tắt. Sài Gòn không đổ nát, Sài Gòn nguyên vẹn, tưng bừng và trật tự. Máu đã ngừng chảy và người không còn phải ngã xuống.
Cả thế giới ngạc nhiên trước kết thúc trọn vẹn và tuyệt vời này. Nhưng người VN thì không ngạc nhiên. Hàng vạn các mẹ, các chị đã may cờ, kết hoa chờ ngày giải phóng. Hàng trăm điểm nổi dậy trong lòng thành phố, hàng triệu người lính đã buông súng. Và trong đó còn có phần đóng góp không nhỏ của nhiều con người thầm lặng...
Không phải ngẫu nhiên 17.000 cảnh sát nội thành Sài Gòn đã bị vô hiệu hóa và tan rã nội trong ngày 29-4.
Không phải ngẫu nhiên mà trong nội các chính quyền cuối cùng của Sài Gòn lại có những người cộng sản. Không phải ngẫu nhiên mà Trung tâm huấn luyện Quang Trung với hơn 20.000 lính lại treo cờ Mặt trận giải phóng, tan rã từ chiều 29-4. Không phải ngẫu nhiên mà một phi công do Mỹ đào tạo, lái máy bay do Mỹ sản xuất lại ném bom vào dinh Độc Lập rồi sân bay Tân Sơn Nhất, làm rúng động tận gốc bộ máy rệu rã... Những công tác cài cắm, vận động, xây dựng đã được bắt đầu từ rất lâu...
![]() |
Nguyễn Thành Trung được đồng đội trong vùng giải phóng tiếp đón sau khi thả bom xuống dinh Độc Lập |
Họ thuộc nằm lòng lý lịch, tính tình, từng đường đi nước bước của tất cả tướng tá, những người hoạt động chính trị trong chính quyền Sài Gòn. Từng mối quan hệ thân sơ, từng chi tiết trong cuộc đời dù là nhỏ nhất đều được xem như những cơ hội có thể tận dụng để kéo những người phía bên kia lại gần với cách mạng. Đặc điểm lịch sử khiến đại đa số những gia đình ở miền Nam có người đi theo Mỹ ngụy thì cũng đồng thời có người theo kháng chiến. Sử dụng các mối quan hệ trong gia đình, thân tộc để bắt liên lạc, để khơi gợi, vận động được coi là phương pháp hiệu quả và an toàn nhất.
Trong vai một nhà buôn, ông Bảy Lương đã đến tận khu doanh trại sân bay Biên Hòa để tìm gặp, móc nối trở lại với Nguyễn Thành Trung khi anh vừa trở về từ Mỹ, quay đi, trở lại rất nhiều lần để bàn thảo kế hoạch “lên tiếng”. Chiến công của Nguyễn Thành Trung là niềm tự hào của cả cánh binh vận; cũng như những tư tưởng, đường lối hướng về hòa bình dân tộc, cảm tình cách mạng của Dương Văn Minh là kết quả của bao nhiêu năm tiếp cận, vận động.
“Phía bên kia nhiều vũ khí, còn bên mình thì lại giàu con người. Thế nên mình tất thắng” - ông Bảy Lương kết luận. Ông không chịu kể nhiều về những điệp vụ sống chết đã bao năm mình thực hiện trong lòng địch, mà ông chỉ kể: “Ở miền Nam, khi một bà mẹ nhắc đến những đứa con, có thể có cả đứa đang đi lính cộng hòa lẫn đứa đang vào khu theo cách mạng. Làm binh vận là phải biết khai thác những khoảng cách rất xa mà lại rất gần như thế...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận