02/11/2006 06:07 GMT+7

Những người khơi lòng cống

PHƯƠNG THANH
PHƯƠNG THANH

TT - Lúc nào họ cũng lấm lem bùn đất, nước thải. Chui trong lòng cống tối tăm, họ miệt mài cào vét bùn rác để khơi thông lòng cống cho dòng nước thải chảy đi... Công việc cực nhọc và âm thầm!

LmqwjEX4.jpgPhóng to
Công nhân nạo vét cống hộp - Ảnh: P.T.
TT - Lúc nào họ cũng lấm lem bùn đất, nước thải. Chui trong lòng cống tối tăm, họ miệt mài cào vét bùn rác để khơi thông lòng cống cho dòng nước thải chảy đi... Công việc cực nhọc và âm thầm!

Ngập ngụa trong nước cống

Đường Hoa Phượng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) giữa trưa, những công nhân nạo vét cống (Xí nghiệp 3, Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM) kẻ đứng người ngồi đợi thủy triều xuống để nạo vét tuyến cống hộp trên con đường này. Nước rút. Các công nhân lần lượt leo thang qua miệng hố ga chui xuống lòng cống.

Tôi trèo theo họ trên chiếc thang chênh vênh. Ánh sáng rực rỡ của buổi trưa dần dần khép lại. Một mùi hôi thối, khắm khú xộc thẳng vào mũi. Bước khỏi chiếc thang, đứng hẳn trong lòng cống cao và rộng, tôi rùng mình bởi làn nước đen kịt, lạnh buốt quấn lấy chân. Nước ngập đến hông. Những công nhân đang lục tục bắt tay vào công việc.

Cách tôi vài mét, hai công nhân tay cầm cảo cúi người cào đất bùn dưới đáy cống. Nước ngập tận cổ mỗi lần họ cúi xuống. Cạnh đó, một công nhân khác khệ nệ bê một thùng lớn đựng bùn rác nạo vét được. Thỉnh thoảng họ lại moi lên khi là một nùi rác, khi là cả cây gỗ dài dính đầy bùn và bao nilông.

Dò dẫm từng bước, tôi đi sâu vào lòng cống. Lớp bùn đặc quánh bên dưới cứ giữ rịt lấy chân. Mấy lần tôi hụt chân suýt té vì lớp bùn ở đáy cống bỗng thấp xuống bất ngờ. Cứ cách chục mét lại có một tốp công nhân đang hì hụi nạo vét. Cúi người cào lớp bùn đổ vào thùng, công việc của họ lặp đi lặp lại trong làn nước dơ bẩn và hôi thối. Lâu lâu họ lại khệ nệ khiêng chiếc thùng đầy bùn về phía miệng hố ga để những người đứng trên đường kéo lên, đổ vào xe. Nước mỗi lúc một dâng cao. Các công nhân vẫn cố rướn người cào lớp bùn bên dưới...

8WdmUiJw.jpgPhóng to
Công việc, cuộc sống của người công nhân vét cống giờ đây đã có những niềm vui - Ảnh: P.T.

Ông Nguyễn Thiện, chủ tịch công đoàn Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM, cho biết: thứ bảy hằng tuần công ty đều tổ chức đối thoại trực tiếp giữa công nhân viên với ban giám đốc.

Ở đó, mọi thắc mắc, bức xúc, nguyện vọng của người lao động đều được lắng nghe và giải quyết.

Trên đường Võ Văn Tần (Q.3), các công nhân của Xí nghiệp 2 đang nạo vét tuyến cống tròn. Một công nhân cặm cụi cào đất bùn dưới hầm ga. Bộ quần áo anh mặc ướt sũng và lấm đất, bùn khô dính cả trên mặt, trên nón.

Nửa tiếng sau, các anh hì hụi khiêng hai máy quay lòng cống đặt vào hai hố ga bên đường. Một người nhanh nhẹn luồn sợi dây dài qua lòng cống. Sợi dây có một chiếc cảo ở giữa được nối vào hai máy quay. Máy bật, cảo được kéo qua kéo lại cạo sạch bùn đất trong lòng cống. Cứ khoảng năm phút họ lại dừng máy, trèo xuống hố ga khiêng chiếc cảo đã đầy bùn lên đường, đổ vào xe... Trên đường, dòng xe vẫn lướt qua...

Nỗi lòng bên cống

Sau khoảng năm giờ ngập ngụa trong lòng cống tối tăm và hôi thối, các công nhân lần lượt leo lên. Ai nấy đều ướt sũng. Nước cống đọng thành từng vệt đen trên mặt, trên tay, trên quần áo. Vừa lên đến mặt đường, tất cả chạy lại thùng nước đặt bên đường tranh nhau múc nước giội vào người. Cục xà bông được chuyền tay nhau...

“Tắm... tập thể vầy vui lắm” - anh công nhân tên Bình vừa kỳ cọ bàn chân dính đầy bùn đen vừa nói. Anh Bình còn nhớ rõ lần đầu tiên chui xuống cống cách đây 16 năm. Cái cảm giác ghê ghê vì sự tối tăm, nhầy nhợt và hôi thối của lòng cống khiến anh rùng mình.

Đêm đó về nhà anh tắm đi tắm lại không biết bao nhiêu lần. Vừa kỳ cọ cơ thể vừa thấy một nỗi tủi len lỏi trong lòng... “Nhưng dần dà quen đi. Mỗi lần nạo vét xong một lòng cống thấy vui vui, mình cũng có ích chứ...” - anh Bình cười thật tươi.

Anh Sơn cũng vào nghề hơn chục năm nay. “Từ cái hồi lương chỉ độ 100.000 đồng/tháng. Giờ lương cũng đỡ đỡ rồi. Hơn 3 triệu, sống cũng được” - anh nói. Đứa con trai lớn của anh đang học lớp 10. Anh muốn con vào ĐH Giao thông vận tải. “Học để làm kỹ sư chứ đừng vất vả như ba nó” - anh tâm sự.

“Làm cái nghề này đôi khi cứ như... nhân viên cứu hỏa. Cống mà sụp thì một hai giờ đêm tụi tôi cũng phải hộc tốc chạy. Có khi làm tận sáng, về đến nhà mệt nhoài” - anh Bình nói. Rồi những hiểm nguy, tai nạn nghề nghiệp: dò dẫm trong lòng cống tối tăm, có công nhân nào mà chưa từng trầy da chảy máu vì bị đinh, cây đâm trúng tay chân. Trong nhiều tuyến cống người ta xả hóa chất, anh em vừa leo xuống là bị phỏng...

Anh Thành, 26 tuổi, không nói về nghề nghiệp mà kể về... kỷ niệm tình yêu của mình. Anh vẫn còn nhớ như in những chiều vừa chui dưới cống lên, hối hả tắm táp rồi mặc vội bộ quần áo sạch nhét sẵn trong balô để đến chỗ hẹn với người yêu.

Mới đó mà đã ba năm. Bây giờ hai người đã có một cô công chúa nhỏ thật xinh. “Làm cái nghề này, kiếm được một người không chê mình, thật lòng với mình quí lắm” - anh nói. Có lẽ vì thế mà dù không dư dả giàu sang, gia đình anh vẫn sống với nhau thật đầm ấm...

Ngụp lặn trong làn nước dơ bẩn và hôi thối, những tưởng họ sẽ thở than và mặc cảm về bản thân, về công việc. Nhưng không, tiếp xúc với tôi là những công nhân nạo vét cống dẫu áo quần lúc nào cũng sũng nước và bền bệt bùn đất, vẫn tươi rói nụ cười trên môi. Bởi nói như anh Bình: “Công việc và cuộc sống của chúng tôi bây giờ đã tốt hơn rất nhiều so với ngày xưa”. Bây giờ họ đã có đủ những bộ đồ bảo hộ mới để thay, có máy quay lòng cống, xe hút bùn, xe thông rửa lòng cống... Và đồng lương phần nào đã xứng đáng hơn với những hi sinh thầm lặng của họ.

Cuộc sống khá hơn, họ bắt đầu góp mặt nhiều vào các hoạt động văn nghệ, thể thao. Cởi bỏ bộ quần áo vương vất mùi cống, có người trở thành vận động viên nghiệp dư, ca sĩ quần chúng... Họ có thêm niềm vui ngoài việc chỉ biết vùi mình trong lòng cống làm bạn với rác, với bùn. Không còn bị đè nặng bởi nỗi lo cơm áo, họ nghĩ đến việc chia sẻ phần nào những khổ đau của người khác: đóng góp xây nhà tình thương, học bổng cho con em công nhân, ủng hộ đồng bào vùng bão lũ...

PHƯƠNG THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên