![]() |
Ngày 10-10-1954, nhân dân Hà Nội chào đón trung đoàn thủ đô về Hà Nội - Ảnh: Vũ Minh (Hà Nội) |
Nhớ về ngày 10-10, ai cũng nhắc đến những đoàn quân “trùng trùng như sóng”, đến những hàng cổng chào, rừng cờ và những trận mưa hoa mà người dân Hà Nội đã tiếp đón quân giải phóng. Với những người đã sống trong lòng Hà Nội thì trước và sau niềm vui vỡ òa ấy còn có rất nhiều ký ức khác.
Những ký ức...
Những ngày ấy có bao nhiêu gia đình ở Hà Nội là bấy nhiêu sự giằng co về việc đi hay ở: ở lại với chính phủ cách mạng hay vào Nam tạm thời chờ sau hai năm tổ chức tổng tuyển cử (theo Hiệp định Genève).
Trên các dãy tường xuất hiện hàng loạt khẩu hiệu sơn đen “Di cư là chọn tự do”, “Hậu Ất Dậu thập niên/Nam quốc sơn hà tận”...
Bao nhiêu tin đồn thất thiệt được tung ra: những cuộc trả thù các gia đình cộng tác với Pháp, cải tạo trí thức, đóng cửa trường học, ép thanh nữ lấy thương binh...
Các góc phố bỗng chốc trở thành chợ trời khi các gia đình đã quyết định di cư mang salon, sập gụ, tủ chè ra rao bán giá rẻ. Rồi chùa Một Cột bị phá sập, những “ủy ban di cư”, “hội những người quyết chí đi tìm tự do” mọc lên ở khắp nơi...
Giữa những xao xác, bấn loạn ấy, một lá thư của chồng, của con trai là tin vui, là thêm một nắm níu ruột rà ngoài những tiếc nuối, gắn bó với từng mái nhà, góc phố, hàng cây.
![]() |
Những người Hà Nội chuyền tay nhau xem tập ảnh về Hà Nội tại buổi họp mặt Ảnh: Ph.Vũ |
Tổ hoạt động nội thành của ông từ những ngày cuối tháng tám đã được lệnh ra Thanh Hóa để thu thập thư của các chiến sĩ có gia đình ở Hà Nội mang vào nội thành.
Sau những giọt nước mắt vui mừng rơi xuống khi đọc thư con, thư chồng gửi về từ vùng kháng chiến, những người phụ nữ ấy đã cả quyết đi tìm mua hay ngồi vào bàn máy để tự may những lá cờ đỏ sao vàng.
Lại có cả những cô nữ sinh đã dũng cảm chọn con đường ở lại dù không nhận được lá thư nào, dù cha mẹ, anh em đều đã ra đi.
Cô Đông Mai (chị ruột cố nhà thơ Xuân Quỳnh) là một trong số ấy. “Quyết định ở lại một mình là một bước ngoặt trong đời tôi nhưng là một bước ngoặt đúng đắn”.
Sau những ngày say mê niềm vui của Hà Nội, với các phong trào của Đoàn thanh niên cứu quốc, những nữ sinh lần đầu xa gia đình bắt đầu phải đối mặt với những nỗi lo về cơm áo, gạo tiền.
“Rồi chúng tôi cũng dần quen với cuộc sống tập thể, nhóm học sinh xa gia đình rất được các cấp lãnh đạo quan tâm, kể cả Bác Hồ. Chúng tôi tiếp tục làm nữ sinh Trường Trưng Vương, áo dài trắng mùa hè, áo lam tím mùa đông. 20 năm sau mới được gặp lại gia đình, chẳng ai ngờ những đứa con gái lưu lạc lại trở thành những phụ nữ thành đạt”.
Ông Bùi Hữu Khánh (trưởng ban học sinh sinh viên Hà Nội 1954) làm mọi người cười nghiêng ngả khi kể lại chuyện các nhóm học sinh đã cạo sửa khẩu hiệu của giặc: “Cái câu “Nam quốc sơn hà tận” chúng tôi sửa chữ “tận” thành chữ “thịnh”, thế là xong...”.
Không chỉ sửa khẩu hiệu, học sinh sinh viên còn liên hệ mật thiết với công nhân các nhà máy để tổ chức đấu tranh và bảo vệ những tài sản thiết thân của Hà Nội, chống lại những hành động phá hoại.
Tại nhà máy điện, chủ Pháp không tiếp tục chuyển than ra từ Hòn Gai mà cho sử dụng hết số than dự trữ, họ lập tức viết kiến nghị lên ủy ban quốc tế.
Trung tá công an Nguyễn Thu Cờ thì nhắc về những hoạt động bí mật hơn. Nghe tin địch chuyển danh sách tù chính trị thành tù thường phạm để đưa vào Nam, một cuộc biểu tình với hàng ngàn người ngay trước cửa nhà tù Hỏa Lò lập tức được tổ chức.
Bên trong, lực lượng tù chính trị cũng phối hợp đấu tranh bằng cách tuyệt thực. Ngay trong ngày 9-10-1954, chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là đến giờ bàn giao, tự vệ nhà máy nước đã bắt được hai tên phản động giả dạng công nhân, trên tay đang cầm hai cái bánh chưng bên trong chứa đầy thuốc độc với dự định đầu độc nguồn nước của Hà Nội.
10-10, Hà Nội được gìn giữ nguyên vẹn, ngập cờ, hoa và những nụ cười.
Chuyện chung luôn đặt trên chuyện riêng
Tập ảnh Hà Nội 1960 của ông Nguyễn Đình Bửu mang đến được mọi người xúm vào xem và nhớ về những công trình đầu tiên đã huy động hàng ngàn thanh thiếu niên thuở ấy như: xây dựng công viên Bảy Mẫu, làm mới đường Thanh Niên...
Những ngày ấy Hà Nội nghèo lắm, cuộc sống lạc hậu, thiếu thốn mọi bề, mà sao trong những tấm ảnh, trên công trường ngổn ngang, gương mặt ai cũng tươi rỡ một nụ cười. “Hôm nay đã khác rồi nhưng ngày ấy là tuyệt nhất...” - cô Thanh Lịch, nguyên trưởng chi nhánh NXB Phụ Nữ, cứ bồi hồi mãi bên những tấm ảnh chụp Trường Trưng Vương, công trình thanh niên ở hồ Tây, nơi cô đã gắn bó cả một thời tuổi trẻ.
Thời gian đẹp nhất của cuộc đời họ đã gắn với Hà Nội như thế, nhưng cũng có rất nhiều bận lòng. Như gia đình ông Phạm Dương, thuộc loại tư sản cỡ lớn, đã có giấy thông hành đi Pháp nhưng ông bà cụ không đi, lại còn gọi con trai từ Pháp quay về, hồ hởi đón chào chính quyền mới.
Qua phong trào “công tư hợp doanh” đã thấy cơ xưởng không còn là của mình, chỉ ngày trước ngày sau đã thấy tòa nhà riêng biến thành nhà tập thể chật chội, chen chúc.
Và khá nhiều những người Hà Nội đang ngồi trong buổi họp mặt hôm nay (ngày 3-10-2004) đều đã có một thời phải gánh nặng trong lý lịch những dấu hiệu phân loại giai cấp “tạch - sè”, “tạch - tạch sè” (TS - tư sản, TTS - tiểu tư sản) như một rào cản trước khát vọng cống hiến.
Còn nhiều người nữa đã phải chịu đứng bên ngoài công cuộc xây dựng và giải phóng đất nước vì nhiều lý do khác nhau, vì sự nghiệt ngã của một thời.
Nhưng một trong những phẩm chất của tầng lớp “sĩ phu Bắc Hà” là chỉ giận mà không oán, luôn biết chuyện chung phải đặt trên chuyện riêng.
Sau những xoay chuyển của thời thế, tất cả lại tiếp tục lao động, tiếp tục đóng góp, cống hiến, tiếp tục yêu nước, yêu Hà Nội. Mỗi năm, cứ đến ngày 10-10, tất cả lại hồ hởi chuẩn bị cho một ngày trọng đại của cuộc đời mình.
Họ mang hoa đến ngồi bên nhau, những người mang quân hàm cấp tướng, những người tay trắng, lẫn những người vừa tìm về từ nửa vòng trái đất, bảo nhau quên đi tuổi già mà hát những bài hát về Hà Nội, ôn lại những kỷ niệm về Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận