Anh Nguyễn Xuân Thủy bên những chiếc radio cassette thân thuộc - Ảnh: NVCC
Một cảnh tượng thú vị vừa diễn ra ngày 17 và 18-8 tại Hà Nội: cả trăm người từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, mỗi người "ôm" theo một vài chiếc radio, cassette "độc", "chất" nhất trong bộ sưu tập của mình, tụ hội cùng nhau trong chương trình Giao lưu - Triển lãm - Sưu tầm radio cassette lần đầu tiên được CLB Sưu tầm radio cassette tổ chức tại thủ đô.
“Khoảng 3 năm trở lại đây, một số hội chơi radio, cassette được thành lập trên mạng xã hội làm sống lại một món đồ tưởng như đã bị quên lãng. Ngoài hoạt động trao đổi, mua bán trên mạng, các nhóm vẫn thường tổ chức gặp mặt để cùng học hỏi kinh nghiệm bảo quản, sửa chữa radio.
Anh Phạm Văn Sơn (Hội radio cassette Hưng Yên)
Bộ sưu tập "khủng" của Nguyễn Xuân Thủy
Trong căn nhà rộng rãi với hai tầng xếp đầy những radio cassette cổ ở quận Long Biên, Hà Nội, anh Nguyễn Xuân Thủy - chủ nhiệm CLB Sưu tầm radio cassette hiện có 2.690 thành viên - say sưa kể về thú chơi đã "hớp hồn" anh trong hơn 3 năm qua.
Nhưng căn nhà đầy radio cassette này chỉ là một phần nhỏ trong bộ sưu tập của anh vốn đang được trưng bày ở vài chục quán cà phê trên khắp cả nước.
Bất kể bộ mặt ngơ ngác trước những cái tên, những thương hiệu radio, cassette từng là huyền thoại một thời nhưng lại hoàn toàn xa lạ với lứa công dân thế hệ số như chúng tôi, anh Thủy cứ say sưa nói từ "King Cassette" đến "Queen Cassette", và những bài hát được vang lên từ những chiếc cassette quý giá một thời, từ Modern Talking, Boney M, ABBA... thổi bùng lên những vũ điệu sôi động ở khắp các làng quê, thị thành cho tới những Hương Lan, Tuấn Vũ, Ngọc Lan... làm điêu đứng bao trái tim tuổi trẻ một thuở.
Một góc nhỏ trong bộ sưu tập radio cassette lên tới gần 1.000 chiếc của anh Nguyễn Xuân Thủy - Ảnh: NVCC
Hiện anh Thủy có bộ sưu tập radio cassette có lẽ là "khủng" nhất cả nước với 839 chiếc, vượt cả "vua đài" Phùng Văn Bài (Hải Phòng) với hơn 600 chiếc. Anh Thủy chỉ sưu tầm các mẫu radio, cassette đã được sản xuất tại Việt Nam hoặc các mẫu được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam.
Không chỉ sưu tập, vốn sẵn nghề thiết kế, anh còn mày mò nghiên cứu thiết kế và in các mẫu tem trang trí của radio, cassette từng có trước đây nhưng đã bị mất trong quá trình sử dụng, để phục vụ thú vui "làm đẹp" cho radio, cassette của các bạn bè sưu tầm khác.
Để có bộ sưu tập "khủng" như hiện nay, anh Thủy không những phải cất công săn lùng cả nước, lặn lội sang cả các chợ đồ cũ ở Campuchia, Nhật Bản; mà còn nhiều đêm thức tới 2h-3h sáng canh phiên đấu giá trực tuyến trên eBay để mua được chiếc cassette quý.
Đến nay, anh Thủy rất hài lòng khi mua được chiếc cassette Sharp WF-88ZW còn đẹp long lanh. Đây là chiếc cassette được giới mộ điệu gọi là "Queen Cassette" vì có thiết kế rất tinh tế và sang trọng. Anh cũng rất tâm đắc khi săn được chiếc cassette được sản xuất tại Trung Quốc năm 1989 có tên Saphir.
Nhưng lần "đi săn" vất vả nhất mà anh Thủy trải qua là lần anh lặn lội vào Đồng Nai, tìm đến nhà ông Hiệp từng là công nhân của một nhà máy lắp ráp cassette trong những năm 1980, đầu những năm 1990.
Phải mất rất nhiều thời gian tỉ tê thuyết phục, anh Thủy mới rước được chiếc cassette Viettronics RX-4960 về với mình. Ông Hiệp cuối cùng đã đồng ý bán với lời hứa của anh Thủy: ông có thể đến thăm món đồ kỷ niệm của mình bất cứ lúc nào.
Sinh năm 2000 nhưng Nguyễn Dũng đã có thâm niên 4 năm gắn bó với thú chơi radio cassette - Ảnh: NVCC
Muôn vẻ thú chơi
Cùng với anh Thủy, những cái tên "lừng lẫy" khác trong giới sưu tầm radio cassette ở Hà Nội còn có Nguyễn Mạnh Hà, Trung Kiên Cassette, Đặng Đại Hưng, Nguyễn Thế Anh, Ngô Văn Thắng...
Trong niềm lâng lâng, anh Thắng sung sướng khoe anh vừa đón về tới... 7 "em" Sharp GF7Z hầu như còn mới nguyên và cho chất lượng âm thanh hoàn hảo anh mua được từ Liên bang Nga trên trang eBay.
Nhưng quý giá nhất trong bộ sưu tập của anh Thắng lại là những "em" Sharp 939 mà mỗi lần kể về chúng anh lại rưng rưng bởi ký ức tuổi trẻ những năm 1980-1990 ở quê hương Nam Định.
Ngày đó, cậu trai mới lớn đã si mê biết bao những chiếc radio cassette của một nhà giàu hàng xóm nhưng không thể có được, chỉ hồi hộp đợi mong nhà hàng xóm mở cassette để được đắm chìm trong những khúc nhạc tình say đắm.
Một nhóm các nhà sưu tập trẻ trong chương trình giao lưu, triển lãm radio cassette vừa diễn ra tại Hà Nội: Ảnh: XVCC
Anh Nguyễn Trung Kiên cũng là một nhà sưu tập có tiếng ở Hà Nội, dù anh hiện chỉ sở hữu khoảng 100 chiếc radio cassette. Với tiêu chí "quý hồ tinh bất quý hồ đa", anh Kiên chỉ sưu tầm các radio cassette đẹp, chất lượng âm thanh tốt. Đây cũng là tiêu chí mà anh Nguyễn Mạnh Hà, Đặng Đại Hưng, Thế Anh... theo đuổi trong cuộc chơi của mình.
Riêng anh Đặng Đại Hưng, mới 45 tuổi nhưng đã có chẵn 30 năm gắn bó với radio cassette và cũng chính thú chơi được truyền từ người cha đã giúp anh ghi điểm trong mắt bạn gái năm xưa. Nay thì thú chơi này lại giúp anh Hưng, anh Hà, anh Thủy, anh Kiên... có được tình anh em gắn bó với hàng nghìn người sưu tầm khác trên cả nước.
Một góc nhỏ trong bộ sưu tập băng cối của anh Đặng Đại Hưng - Ảnh: NVCC
Lại có cả người sưu tầm thuộc thế hệ 10X sinh ra vào cái thời mà radio cassette đang biến mất gần như hoàn toàn khỏi đời sống như Nguyễn Dũng - sinh viên Trường đại học FPT ở Hà Nội. Sinh năm 2000, mới 19 tuổi nhưng Dũng đã có 4 năm chơi radio cassette.
Tình yêu với radio cassette của Dũng bắt đầu nảy nở từ một chiếc radio cổ mà một người anh tặng. Vốn ham mê kỹ thuật và công nghệ, Dũng nhanh chóng nhảy vào thú sưu tầm này. Ngoài giờ học, Dũng đạp xe khắp các cửa hàng bán đồ cũ, đồ đồng nát lùng sục mua được những chiếc thật rẻ rồi về tự mày mò sửa chữa cho chúng hoạt động trở lại.
Từ trái qua phải: Anh Nguyễn Mạnh Hà, Đặng Đại Hưng, Nguyễn Xuân Thủy bên bộ sưu tập radio cassette của anh Nguyễn Xuân Thủy - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Nhiều hội, nhóm say mê radio cassette
Một số mẫu radio cassette vừa được một nhóm các nhà sưu tập mang đến khuấy động phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm - Ảnh: NVCC
Anh Nguyễn Hậu - thành viên Hội radio cassette Việt Nam, một nhóm có đến 23.000 người tham gia trên mạng xã hội - chia sẻ: "Đến với thú chơi radio cassette có nhiều nguyên do, có người sưu tầm để kỷ niệm về một thời nghèo khó không có điều kiện mua, có người sưu tầm để ngắm, người thì lại đam mê chất âm hoặc mê một hãng sản xuất nào đó như Sharp, National, Sanyo...".
Vừa mới sưu tập 2-3 năm nay, trong nhà anh Nguyễn Hậu đã có vài chục chiếc radio cassette cổ, đa số máy được mua ở nước ngoài. "Thường những máy đắt tiền phải để nơi khô thoáng, mở điều hòa hút ẩm liên tục và bọc kín trong túi nilông.
Máy bị ẩm sẽ dễ gây chập cháy, hư hỏng và phá hủy nước mạ của mặt máy. Linh kiện thì cái có cái không vì giờ hãng không còn sản xuất nữa, muốn thay thế phải tự chế hoặc phá một chiếc tương tự để thay thế. Khi vệ sinh cũng phải tháo toàn bộ máy móc để lau chùi kỹ lưỡng bên trong" - anh Hậu chia sẻ về những "gian truân" của thú chơi này.
Không chỉ ở Hà Nội, những tỉnh thành khác trên cả nước cũng có nhiều hội nhóm giao lưu kinh nghiệm, trao đổi máy radio cassette trên mạng xã hội. Anh Phạm Văn Sơn - người thành lập Hội Radio cassette Hưng Yên - cho biết nhóm của anh chỉ mới thành lập 1 năm nay nhưng đã có gần 1.000 thành viên.
Ngoài nhóm của anh Sơn, hiện nay trên Facebook cũng có nhiều nhóm đang thu hút sự chú ý của giới sưu tầm radio cassette ở nhiều tỉnh thành như Hội radio cassette Sài Gòn, Hội chơi radio cassette Tuyên Quang, Hội những người đam mê radio cassette, Hội cassette tapes Việt Nam... Những hội nhóm này đều đang hoạt động rất sôi nổi.
MAI THỤY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận