![]() |
Đặng Thị Quỳnh Như (bài phải) chụp ảnh lưu niệm cùng các “phượt thủ” tại cột mốc ngã ba Đông Dương (Kon Tum) - Ảnh nhân vật cung cấp |
Viết sách, phượt đèo, vẽ tranh kinh doanh...
* Những tưởng mùa hè này sẽ lặng lẽ đi qua với các buổi ôn tập ngoại ngữ ở nhà nhưng duyên may đã đến với Trương Yến Nhi (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) bằng công việc “viết hồi ký cho vị giám đốc của một công ty vận tải”. Trong một lần bắt chuyện, vị giám đốc kia cảm mến cô bạn và mong muốn cô đồng hành cùng ông ghi lại những thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Hơi bỡ ngỡ phút đầu với công việc đặc thù này nhưng không vì thế mà cô bạn từ chối lời đề nghị. Thế nên, mùa hè của Nhi là những ngày tháng miệt mài trên trang giấy, “đánh vật” với từng con chữ. Công việc có vẻ như đơn giản: vị giám đốc gửi lời kể cho Nhi, còn cô bạn có nhiệm vụ viết lại theo dạng hồi ký, nhưng theo Nhi, công việc này đòi hỏi tính tư duy, sáng tạo và khả năng ngôn ngữ nhất định. “Mình phải viết sao cho nội dung không thay đổi, đồng thời thể hiện “chất” của nhân vật”, Nhi chia sẻ.
* Với Đặng Thị Quỳnh Như - Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, mùa hè này giúp cô bạn thực hiện sở thích “hiếm”: chinh phục đèo bằng môtô. Ngay lần đầu trông thấy, cô bạn đã mê tít chiếc Honda CD 125 - dòng xe đường trường mà các “phượt thủ” ưa chuộng. Trong lúc tìm hiểu thông tin về chiếc xe trên mạng, cô bạn đã bắt gặp chương trình “CD 3 miền” - dành cho những fan của Honda CD trên khắp cả nước tụ họp về Đà Nẵng để chia sẻ đam mê (diễn ra cuối tháng 6 rồi).
Yêu cầu đặc biệt của chương trình là “phượt thủ” phải phóng môtô hai ngày liền, vượt hơn 1.000km đường đèo từ TP.HCM đến điểm hẹn. Xuất phát ngày 27-6, cô bạn đã chinh phục ba ngọn đèo gồm: Lò Xo (Kon Tum), Hải Vân (Đà Nẵng) và đèo Cả (Phú Yên) cũng như đến ngã ba Đông Dương (Kon Tum), nơi giáp ranh của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Kể về trải nghiệm của mình, Như hào hứng: “Mình đã leo đèo Hải Vân lúc 12 giờ khuya, cảm giác thật thích như chinh phục được chính bản thân mình vậy. Hôm sau, đi ngược trở về vào ban ngày mới thấy sợ vì có những khúc cua rất hiểm, trời tối là dễ đi tong”.
* Vẽ tranh để kinh doanh là điểm nhấn trong những ngày hè này của Nguyễn Phương Trang - Học viện Ngân hàng Hà Nội. Trào lưu vẽ tranh chibi, tức chuyển những tấm hình thật sang tranh vẽ với những hình người tí hon, tròn trĩnh, dễ thương theo kiểu hoạt hình Nhật Bản, đã được bạn trẻ Việt Nam đón nhận nồng nhiệt trong thời gian gần đây.
Vốn mê vẽ chibi từ cấp III nhưng phải đến hè này Trang mới quyết định biến sở thích và năng khiếu của mình trở thành công việc kinh doanh. Khách hàng gửi hình cho Trang, sau khi hoàn tất tác phẩm ưng ý nhất, cô bạn sẽ gửi lại bức chibi giống với hình gốc. “Nếu trước đây chỉ vẽ vì sở thích, thì giờ việc kinh doanh buộc mình phải tập tính tỉ mỉ và cẩn trọng trong từng nét vẽ”, Trang cho hay. Có lẽ vì thế mà Facebook “Trang vẽ Chibi” của cô bạn đã có hơn 22.500 lượt yêu thích.
![]() |
Một tác phẩm của Nguyễn Phương Trang được đóng dấu bản quyền “Trang vẽ Chibi” |
Mẹo để “sống sót”
Những lúc thấy bế tắc trong việc thể hiện câu chữ, Trương Yến Nhi có “tuyệt chiêu” xả stress là... soi gương. “Mỗi lần nhìn vào gương, mình lại thấy như đang nhìn vào sâu thẳm con người mình, tự nhủ đừng chán nản và bỏ cuộc. Những ký ức đôi khi trôi ngược trở lại, ý tưởng tự nhiên sẽ đến”, Nhi bật mí.
“Chính đam mê đi phượt giúp mình biết cách dung hòa giữa sở thích “đi bụi” với học tập”, Đặng Thị Quỳnh Như khẳng định. Mỗi chuyến đi thường diễn ra hai, ba ngày, có khi cả tuần nên nếu không biết cách sắp xếp thời gian, Như hoặc bỏ chuyến đi, hoặc lỡ dở việc học hè. Cô bạn chia sẻ: “Mình theo dõi rất sát lịch học hè và lịch của những chuyến phượt, ghi chúng vào cuốn sổ tay và lên kế hoạch ngay từ sớm. Nếu thấy ngày phượt sát ngày thi thì mình tranh thủ học bài trước, nghe giảng đầy đủ, ôn bài ngay khi vừa học xong sẽ nắm bài rất nhanh”. Thế nên, có lúc đi phượt trở về nhà đã tối mịt, nhưng sáng hôm sau vào phòng thi, cô bạn vẫn làm bài “ngon ơ”.
Sau sự cố bị cướp bản quyền tranh chibi, Nguyễn Phương Trang tập cho mình tính cẩn thận và “lo xa” hơn. Bất cứ tranh nào đưa lên Facebook, cô bạn đều ký tên và in chìm dòng chữ “Trang vẽ chibi” để khẳng định bản quyền của mình. Trang cũng tìm tòi phong cách riêng để khi nhìn vào, bất cứ ai cũng biết đó là tranh do cô bạn vẽ. “Bất cứ sản phẩm nào bạn đưa lên mạng thì bắt buộc phải “cộp dấu” độc quyền của mình để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra và có thể tự bảo vệ mình”, Trang chia sẻ bài học cá nhân.
Áo Trắng số 13 ra ngày 01/08/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận