![]() |
Thí sinh dự thi vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 chỉnh sửa giấy báo thi trước ngày thi - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Cứ sau mỗi khóa sinh viên tốt nghiệp ra trường, người ta lại nghe nói nhiều về tình trạng sinh viên không tìm được việc làm. Trong lúc đó, ít người biết rằng các doanh nghiệp cũng đang thiếu người trầm trọng. Kết quả đánh giá các chỉ số nhân lực cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng vẫn đang diễn ra, đặc biệt là lao động trình độ cao.
Có việc làm ngay
Vì thế, các doanh nghiệp cứ phải loay hoay tìm người để tuyển dụng. Sự thiếu hụt nhân lực này bắt nguồn từ đầu vào ít ỏi. Ở khối ngành kỹ thuật, những ngành như công nghệ vật liệu, vật liệu và cấu kiện xây dựng, thủy lợi - thủy điện, vật lý kỹ thuật, trắc địa, cơ kỹ thuật... đang ngày càng có ít thí sinh lựa chọn. Ngay trong nhóm ngành được đăng ký dự thi nhiều nhất là y dược, những ngành bác sĩ y học cổ truyền, y học dự phòng vẫn rất ít thí sinh nghĩ đến. Tuyển sinh 2010 tiếp tục chứng kiến điều này. Trong khi tỉ lệ "chọi" các ngành khác thuộc nhóm này đều trên 20 thì chỉ có chừng 900 thí sinh đăng ký dự thi ngành bác sĩ y học cổ truyền với 200 chỉ tiêu.
Khối ngành chế biến lâm sản, thủy sản, phát triển nông thôn và khuyến nông, kinh doanh nông nghiệp, cơ khí nông lâm, cơ khí chế biến - bảo quản nông sản thực phẩm... càng vắng vẻ hơn. Số lượng thí sinh đăng ký vào những ngành này luôn thấp. Và rất nhiều ngành trong số đó chỉ tuyển ở mức điểm bằng điểm sàn. Năm 2008, điểm chuẩn các ngành cơ khí chế biến và bảo quản nông sản thực phẩm, cơ khí nông lâm, công nghệ chế biến bột giấy... là 14 điểm. Đến năm 2009, điểm chuẩn còn thấp hơn, chỉ còn 13 điểm.
Nhiều công ty chế biến gỗ xuất khẩu, thủy sản xuất khẩu liên tục thông báo tuyển nhiều lần với số lượng lớn, mức lương khởi điểm khá cao (từ 6 triệu đồng trở lên) nhưng vẫn không tuyển được người. Nhiều công ty phải đặt hàng nhà trường đào tạo và sẵn sàng trả chi phí cao... Trưởng khoa cơ khí công nghệ một trường ĐH cho biết: "Từ 1998 đến nay, khoa chúng tôi có trên 500 sinh viên ngành cơ khí chế biến nông sản - thực phẩm tốt nghiệp. 100% có việc làm ngay sau khi ra trường, vậy mà vẫn liên tục gặp khó khăn về... đầu vào".
Ngành "chiến lược" vẫn ít thí sinh
Theo số liệu được Bộ GD-ĐT công bố trong một hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, các ngành đóng tàu, nông lâm thủy sản, bảo hiểm, cơ khí... là những ngành nghề đang rất "khát" nhân lực. Riêng ngành đóng tàu và một số ngành liên quan có nhu cầu nhân lực rất lớn. Thế nhưng, tuyển sinh năm nay ngành đóng tàu của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tương đối khiêm tốn, chỉ khoảng 1 "chọi" 4. Ngành xây dựng công trình thủy chỉ có khoảng 1 "chọi" 2.
Một ngành học khác dù có nhiều cơ hội việc làm nhưng vẫn chưa được thí sinh quan tâm nhiều là kỹ thuật in. Trong những năm trước, ngành này luôn có tỉ lệ "chọi" khá thấp, khoảng 1 "chọi" 3 hoặc 4 với điểm chuẩn thường ở mức thấp nhất so với các ngành khác. Tuyển sinh năm nay, tỉ lệ "chọi" của kỹ thuật in còn thấp hơn, chỉ còn 1 "chọi" 2,3. Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM từng tâm tư: "Đã nhiều lần trường muốn đóng cửa ngành kỹ thuật in vì chi phí đào tạo khá lớn mà người học ít, nhưng vì nhu cầu xã hội cần nên vẫn cứ phải tiếp tục".
Bên cạnh đó, theo Viện Khoa học lao động và xã hội, trong tương lai những ngành dịch vụ sẽ tiếp tục phát triển và phát triển nhanh. Các ngành sẽ được mở rộng, cần nhiều nhân lực: dịch vụ bán lẻ, dịch vụ về tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch, bảo hiểm, địa ốc...
Bên cạnh đó, những ngành có lợi thế của VN như điện tử, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành... cũng sẽ tiếp tục phát triển.
Áo Trắng số 10 (ra ngày 1/6/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận