Phóng to |
Học ngành nghề nào dễ kiếm việc làm, nhu cầu nhân lực của ngành nào dự kiến sẽ có nhiều việc làm trong vài năm tới đã được rất nhiều học trò quê hương Đồng khởi đặt ra ở buổi tư vấn. Trong phần tư vấn chung và tư vấn chuyên sâu, rất nhiều học sinh quan tâm đến nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương trong tương lai.
Một học sinh thắc mắc: “Năm nay thi ĐH, những ngành nghề hiện có nhu cầu tuyển cao liệu bốn năm nữa khi chúng em ra trường, nhu cầu nhân lực của ngành này còn “hot”?”.
ThS Nguyễn Thế Hùng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tiền Giang chia sẻ: “ĐH Tiền Giang đào tạo nhân lực cho địa phương. Mỗi năm chúng tôi đón tiếp gần cả trăm doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng. Sinh viên tốt nghiệp tại trường chúng tôi có nhiều việc làm ổn định. Những ngành sinh viên ra trường có việc làm ngay: kế toán, công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, nuôi trồng thủy sản... Bên cạnh đó sinh viên các ngành du lịch, quản trị dịch vụ sẽ có nhiều cơ hội việc làm”.
Rất nhiều câu hỏi liên quan đến ngành công nghệ thực phẩm. “Học ngành này ra trường làm việc ở địa phương được không?” - câu hỏi này liên tục được thí sinh thắc mắc. Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: “Nhóm ngành công nghệ thực phẩm ứng dụng chế biến thức ăn, thức uống cho con người. Ngành này đối với thí sinh ở tỉnh Bến Tre rất phù hợp và sẽ tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng trong nhiều năm tới: chế biến trái cây, cá, sữa...”.
Bên cạnh đó, nhiều thí sinh băn khoăn trong việc quyết định chọn nhóm ngành kinh tế. Một học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre tâm tư: “Em dự tính thi vào nhóm ngành kinh tế nhưng cũng lo sau này khó kiếm việc làm vì hiện quá nhiều trường đào tạo ngành này...”.
ThS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tư vấn: “Theo dự báo của các chuyên gia, chúng ta tin rằng sắp tới ngành kinh tế sẽ giữ vị thế quan trọng bên cạnh những ngành xã hội, tự nhiên, y dược... Đặc biệt, trong xu thế hội nhập thì ngành này rất quan trọng. Các bạn yên tâm khi lựa chọn ngành này”.
Một thí sinh đặt câu hỏi học ngành y học cổ truyền và muốn về vùng sâu, vùng xa sau khi tốt nghiệp có được không? Học ngành này ra trường có bị thất nghiệp...?
ThS.BS Trương Tấn Trung - Trường ĐH Y dược TP.HCM - chia sẻ: “Hiện nay ngành y học cổ truyền đang phát triển mạnh, xuất phát từ nhu cầu đời sống hằng ngày. Ở một số vùng sâu vùng xa trọng dụng những phương pháp điều trị thô sơ với những bài thuốc cổ truyền. Nhà nước đã và đang quan tâm đào tạo y học cổ truyền chuyên sâu. Các em học ngành y học cổ truyền còn được học các kiến thức đông tây y kết hợp. Hiện nay, trừ những người tự bỏ nhiệm sở, tất cả sinh viên Trường ĐH Y dược đều có việc làm”.
Một học sinh nữ quan tâm ngành công nghệ thông tin nhưng lại nghe thông tin ngành này hiện rất khó tìm việc làm. Học sinh này hỏi: “Học sinh nữ có nên đăng ký dự thi ngành này?”. TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - giải đáp: “Nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin hiện nay rất lớn. Chúng ta đang cạnh tranh với quốc tế nên phải đào tạo ngành công nghệ thông tin chất lượng cao. Ngành công nghệ thông tin hiện có rất nhiều chuyên ngành khác nhau. Cơ hội làm việc của nữ cũng rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ phần mềm. Nhiều bạn nữ đang rất thành công trên lĩnh vực này”.
Một nhóm thí sinh nữ hỏi ngành kinh tế vận tải biển của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có tuyển nữ, TS Nguyễn Văn Thư - phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết: “Hiện nay ngành này là ngành có đông sinh viên nữ nhất của trường (trên 50% sinh viên ngành này là nữ). Trường chúng tôi là nơi duy nhất phía Nam đào tạo ngành này. Cơ hội việc làm ở ngành này đối với nữ hiện rất lớn...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận