Phóng to |
Trần Thế Phong |
Sinh năm 1969 tại Sài Gòn, chính thức bước chân vào giới nhiếp ảnh từ năm 2000, Trần Thế Phong hiện là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, từng đoạt giải thưởng Grand Prix, huy chương Asahi Shimbun (Nhật Bản, 2001), huy chương vàng ảnh chân dung Hasselblas (Áo, 2006). Và gây ấn tượng với triển lãm ảnh thời sự báo chí về bão Chanchu hồi tháng 5-2006.
Thay vì chọn những đề tài bay bổng lãng mạn tương đối dễ thể hiện, dễ cảm hơn, anh thường xuyên bị ám ảnh trước những mảnh đời trẻ côi cút cơ cực. Hình ảnh liêu xiêu trên đường đời của những em phải sớm đứt lìa vòng tay cha mẹ kiếm sống luôn làm anh đau đáu. Đó có thể xuất phát từ những ký ức tuổi thơ phải trải qua những tháng ngày sống lang thang vỉa hè của chính anh.
Gần tám năm nay, Trần Thế Phong vác máy đi khắp nơi. Cái túi đen thật to chứa đựng đời sống của những đứa trẻ bám víu cuộc đời vào bãi rác, vào những chiếc thùng đánh giày thô kệch hay những tấm vé số buồn bã... Có lúc thấy anh lê la trên phố Sài Gòn, lúc lại theo chân bè bạn lãng du lên vùng Tây Bắc. Nhiều năm nay anh đã âm thầm thực hiện ý tưởng của mình như thế. Xem ảnh của anh, có thể thấy một Trần Thế Phong đã tự phóng thích được mình ra khỏi những cơn mê đằng đẵng đó.
Với 99 tác phẩm mà mỗi tấm hình là một câu chuyện kể, một lần nhà nhiếp ảnh gia này tái hiện đời sống của trẻ thơ nghèo. Nhiều hình ảnh khiến người xem phải day dứt. Ngắm ảnh, có thể thấy ngay thông điệp của Trần Thế Phong gửi đến những bậc phụ huynh và cộng đồng, về cuộc sống hôm nay và tương lai của trẻ em Việt Nam.
Ngoài hình thức trưng bày mang tính quy tắc, một số tác phẩm của anh đan cài trong các tác phẩm sắp đặt của nhà thơ - nghệ sĩ đương đại Ly Hoàng Ly, khiến hiệu ứng thị giác của người xem được nhân lên nhiều lần. Dường như các bức ảnh lung linh hơn, sóng sánh hơn, có cả chút ngậm ngùi, chút bồi hồi khi nghĩ về kiếp người, có niềm vui và sự hân hoan khi nhớ lại tuổi thơ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận