Chị Nguyễn Thị Tiền Giang đang hướng dẫn con gái duy nhất của chị biết nấu ăn, chăm sóc gia đình - Ảnh: K.Anh |
Với các chị, phận làm dâu con trong gia đình, mọi việc đều được các chị làm bằng tình yêu thương, như một lẽ thường tình, không nề hà bất cứ việc gì...
Và việc họ được chọn để tôn vinh trong liên hoan “Người con hiếu thảo” như một lời tri ân dành cho những con người chấp nhận hi sinh, chọn cách sống đẹp.
Mẹ chồng cũng như mẹ ruột
Nằm giữa những ngôi nhà khang trang của P.Thảo Điền, Q.2 (TP.HCM) có căn nhà cũ kỹ, nền nhà thấp hơn mặt hẻm, trời mưa lớn mọi người phải hì hục tát nước. Nhưng đó là nơi chứa chan tình yêu thương của một gia đình chỉ có bà, mẹ và con gái.
Cách đây hơn chục năm, ngôi nhà ấy cũng có bóng dáng của người đàn ông là cha đứa bé. Nhưng rồi người chồng đã bỏ đi, khi đó nhân vật chính của câu chuyện, chị Văn Thị Dịu (sinh năm 1975), người con gái xứ Huế chưa đến 30 tuổi. Chị ở lại nuôi dưỡng con thơ, phụng dưỡng mẹ chồng cho đến nay.
Khi chúng tôi đến thăm nhà, chị đon đả: “Đây là mẹ già mình đã 84 tuổi rồi. Kia là con gái, cháu năm nay học lớp 6”. Từ lúc sinh con đầu lòng năm 2004, chồng chị bỏ đi biệt tăm. Chị chia sẻ: “Mình bất ngờ khi anh ấy bỏ lại hai mẹ con và mẹ già. Mẹ chồng mình cũng mất ăn mất ngủ lắm về chuyện này”.
Do chưa đến 30 tuổi, nhiều người khuyên chị nên “giải thoát” cho bản thân nhưng chị vẫn chọn ở lại ngôi nhà ấy bởi: “Mẹ đã già lại yêu thương mình, sao mình nỡ bỏ mẹ ở lại một mình được. Nhiều người, và ngay cả mẹ chồng tôi cũng nói nếu con thấy có ai yêu thương thì đi lấy chồng khác. Tuổi xuân cũng chỉ một thời. Nhưng tôi nói với mẹ chồng, tôi sẽ sống với bà cho đến khi bà trăm tuổi. Từ ngày về làm dâu, tôi đã xem mẹ chồng như mẹ ruột của mình” - chị Dịu tâm sự.
Chị làm công nhân tận Biên Hòa. Xa nhà nên chị cũng cậy nhờ mẹ chồng trông con nhỏ để chị đi làm. Bà cháu, mẹ con tối sớm có nhau. Cuộc sống không dư dả nhưng ngôi nhà ấy tràn ngập tình yêu thương.
“Mình sống cho con nên sẽ sống với gia đình chồng để con có đầy đủ hai bên nội, ngoại. Cháu không có tình yêu thương của cha nhưng bù đắp bằng tình yêu thương của hai bên gia đình” - chị tâm sự. Gần đây, nhà chị chồng bị giải tỏa nên về ở chung với mẹ con chị, ngôi nhà ấy vui hơn thường lệ.
Chị Trần Thị Lệ Thanh, chị chồng của chị Dịu, cho biết: “Dịu là em dâu nhưng tôi xem như em gái. Thậm chí cả nhà này cũng không ai nghĩ Dịu là dâu. Thấy nó thiệt thòi nhiều, ai cũng thương lắm”.
Còn với bà Trần Thị Hạnh, mẹ chồng chị Dịu, từ lâu đã xem chị như đứa con gái thảo hiền. Bà Hạnh nói: “Tôi không còn xem cái Dịu là con dâu nữa mà nó như con gái của tôi rồi. Nó cũng hiếu thuận trong gia đình lắm. Sống biết trước biết sau, đẹp tính đẹp nết”.
Chị Văn Thị Dịu đang hướng dẫn con gái ôn bài - Ảnh: K.Anh |
Như một lẽ thường tình
Về làm dâu nhà chồng khi tròn 20 tuổi, chị Nguyễn Thị Tiền Giang (Q.7) đã có khoảng 20 năm gắn bó với gia đình chồng. Mọi việc trong nhà đều do một tay chị cáng đáng. Làm công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, chị vừa chăm con nhỏ vừa lo lắng chăm sóc sức khỏe cho bà nội của chồng đã già yếu.
Thấy bà nội chồng ngày càng yếu nhưng không có ai trông chừng, chị xin nghỉ làm ở nhà vừa chăm con vừa có thời gian lo toan cho bà nội chồng. Năm 2008, bà nội khi đó 94 tuổi bị ngã, từ đó nằm liệt một chỗ. Chồng đi làm xa, nhà neo người, mọi việc chăm sóc, phụng dưỡng bà nội đều do mình tay chị Giang đảm nhận.
“Người già không chỉ khó tính mà khi bị liệt một chỗ mình chăm còn vất vả hơn chăm em bé. Nhưng tôi tâm niệm bà nội chồng cũng như người thân của mình sao nỡ để bà nằm đó. Từ ngày lấy chồng, tôi xem gia đình hai bên đều thân thuộc như ruột rà trong nhà. Không có phân biệt bên nội hay ngoại gì hết. Ai cần đến mình thì mình sẵn lòng thôi” - chị Tiền Giang bày tỏ.
Từ lúc bà nằm một chỗ, chị luôn bên cạnh để chăm nom, khi xoa bóp, lúc nấu cháo và dành thời gian trò chuyện để bà quên đi những cơn đau. Mọi việc tắm giặt, vệ sinh của bà chị cũng không nề hà.
Chị còn nghĩ cách làm sao để trở người cho bà tránh nằm yên một chỗ sẽ bị lở loét cơ thể. Sáu năm trời bà nội nằm đó, chị Giang như một cánh tay nối dài của nội, chị kể đủ chuyện bên ngoài xã hội cho nội nghe rồi động viên bà ráng ăn uống nhiều hơn, sống vui bên con cháu.
Chị Giang kể: “Nhiều lần đi ngang chỗ nội nằm, nội kéo tay vào hôn tôi. Nội nói cho nội hôn đi, mai mốt nội mất rồi sao mà hôn bay được nữa mà nghẹn lòng”.
Và bà nội chồng chị cũng trút hơi thở cuối cùng trên đôi tay của chị. Kể lại câu chuyện, nhắc đến những ngày cuối đời của nội, đôi mắt chị ngân ngấn xúc động: “Hôm ấy, tôi vừa đút cho nội ăn xong. Nội thở nhẹ từ từ rồi đi một cách nhẹ nhàng. Tôi không tin nội mất nên gọi anh em, hàng xóm qua cứu giúp. Mọi người nói nội tôi đi rồi, tôi rã rời khóc toáng và chẳng làm được gì nữa. Mặc dù nội đã tròn trăm tuổi nhưng sao tôi vẫn mong nội sống hoài với con cháu trong nhà, tôi cực mấy cũng không sao, miễn hằng ngày vẫn thấy nội bên mình”.
Chị có mỗi một đứa con gái, nhưng không cưng chiều mà thường xuyên dạy con biết nấu ăn, làm việc nhà và biết cách ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội. “Tụi nhỏ bây giờ phải học nhiều nhưng tôi cũng luôn nhắc cháu biết làm nhiều việc trong nhà để mai này cháu có làm dâu thì cũng biết hiếu thuận với cả hai bên gia đình. Mái ấm có hạnh phúc hay không là phụ thuộc nhiều vào người phụ nữ” - chị Giang bộc bạch.
Chương trình tổng kết 20 năm phong trào “Người con hiếu thảo” sẽ diễn ra ngày 8-10-2015. Liên hoan “Người con hiếu thảo” cấp thành phố sẽ diễn ra ngày 24-10-2015 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Dự kiến sẽ là cuộc hội ngộ của 120 tấm gương đẹp. Chị Lê Thị Hảo - phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Q.7, TP.HCM - nhận xét: “Hiếm có ai lo cho gia đình chồng chu toàn như chị Tiền Giang. Với công việc của khu phố, giao việc gì cho chị ấy cũng yên tâm. Hiện chị là hội trưởng phụ nữ khu phố 1, P.Phú Thuận, Q.7, chị dành nhiều thời gian chia sẻ với bà con lao động, khó khăn trong khu phố. Đến nay, chị đã tín chấp cho hơn 100 chị em được vay vốn ưu đãi làm ăn để ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Trong khi đó chị Trần Thị Tuyết, chủ tịch Hội phụ nữ P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM, chia sẻ: “Chị Dịu là người sống rất lễ nghĩa. Nhiều khi tôi thấy sự chịu thương chịu khó và cam chịu nơi con người của chị. Chị Dịu được Hội phụ nữ phường tuyên dương gương người con hiếu thảo nhiều năm liền. Chị Dịu cũng chia sẻ câu chuyện làm dâu của mình với nhiều bạn trẻ khác để thấy hết đức hi sinh của người phụ nữ”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận