![]() |
Sau lệnh cấm hàng rong, phòng trọ của những lao động nghèo vắng hơn thường lệ vì một số bà con bán hàng rong đã bỏ về quê - Ảnh: Cù Zap |
Quẩy gánh trái cây trên vai, chị Nụ (quê Kim Động, Hưng Yên) phải nhìn trước ngó sau mới dám bước tiếp. Lần bị tịch thu gánh cam, quýt hôm 1-7 do đi vào khu phố cấm bán hàng rong đã khiến chị Nụ phải cảnh giác hơn. "Phố nào người ta để nhiều xe máy, có ôtô để ở vệ đường thì mình vào đó bán hàng được, những phố có biển cấm lớ ngớ là bị thu hàng ngay" - chị Nụ nói.
Chị Nụ cho hay từ hôm thành phố cấm bán hàng rong những người như chị thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Gánh hàng ra đường lúc nào cũng thấp thỏm, dáo dác nhìn trước ngó sau vì sợ đi vào phố cấm là bị thu hàng.
"Vẫn cứ phải đi thôi…"
Gặp chúng tôi tại xóm trọ cuối ngõ Quan Thổ 2 (phố Tôn Đức Thắng), chị Lan (quê Ý Yên, Nam Định) tất tả đặt đôi quang gánh lèo tèo mấy mớ rau lên vai rồi nói: "Vẫn cứ phải đi thôi, nghỉ thì biết làm gì, tôi còn phải gửi tiền về quê cho hai đứa con đi học và ông chồng đau ốm". Chị không sợ bị phạt, bị thu hàng? "Thì phải quan sát, phải tránh vậy thôi".
Giống như chị Lan, vì miếng cơm manh áo những cư dân hàng rong tại khu trọ này ai cũng phải liều. Chị Lan kể: hôm chủ nhật vừa rồi, bà Tuyết (quê Nam Định) cũng ở khu trọ này đã bị thu cả gánh hoa quả trên phố Cát Linh, dù biết đó là phố cấm nhưng bà cứ liều gánh hàng vào để bán. Tại gian phòng trọ của mình, bà Tuyết tiếc của nằm trên tấm ván quay mặt vào tường. Nói chuyện với chúng tôi, bà thở dài: "Tôi có tuổi rồi biết làm gì bây giờ. Mất rồi lại phải đi tiếp thôi, nghỉ là chết vì đói và bệnh tật, nhưng hết vốn rồi chưa biết tính sao".
![]() |
Sau khi Hà Nội có lệnh cấm hàng rong, đôi quang gánh của bà con hàng rong càng thêm trĩu nặng... - Ảnh: Trọng Phú |
Xóm trọ nằm ngoài bãi sông Hồng thuộc địa phận phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội). Người dân sống quanh vẫn quen gọi là xóm trọ hàng rong. Chị Nguyễn Thị Mùa (quê Hưng Yên) là một trong những thành viên của xóm trọ. Trút gánh nhãn, chôm chôm còn già nửa trên vai xuống góc phòng, chị thở dài: "Một tuần rồi hôm nào cũng ế ẩm thế này. Không đi bán xa được vì đường người ta cấm hết rồi. Phố nào cũng thấy bóng dáng công an và dân phòng...".
Chị cho biết từ ngày Hà Nội ra quân dẹp hàng rong chị chỉ mon men bán hoa quả tại những ngõ, phố nhỏ ngoài bãi đê sông Hồng. "Khu vực này không cấm bởi vậy đông người bán lắm. Một người mua, mười người bán..." - chị Mùa than thở. Nhà có ba sào ruộng, chồng đau yếu liên miên, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, chị Mùa phải một thân một mình lên Hà Nội bươn chải bằng gánh hàng rong để lo cho gia đình. Trước kia tháng nào bán tốt, ăn tiêu dè sẻn chị cũng gửi về cho chồng con được 1,5-1,7 triệu đồng. Nhưng giờ đây nguồn thu nhập từ gánh hàng rong cũng chỉ đủ để chị sống qua ngày ở Hà Nội.
Tại khu trọ này, chị Mùa là một trong số những người còn "kiên trì bám trụ” tại Hà Nội. Trước đây khi Hà Nội chưa cấm hàng rong, phòng chị trọ có bảy người, giờ chỉ còn có ba, bốn người khác đã bỏ về quê. Các phòng trọ quanh đó cũng trong tình trạng tương tự, có phòng hơn 10 người chỉ còn lại hai người.
Hỗ trợ nghề: chưa có câu trả lời Tuy chưa đặt mốc thời gian cụ thể nhưng theo kế hoạch thiết lập trật tự văn minh đô thị của Hà Nội, giai đoạn một thành phố sẽ làm điểm cấm hàng rong trên 62 tuyến phố và 48 khu vực thuộc năm quận nội thành (Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm), sau đó sẽ nhân rộng ra trên các tuyến phố khi các điều kiện cho phép. Tại thông báo của văn phòng UBND thành phố Hà Nội ngày 30-6-2008 (trước ngày ra quân cấm hàng rong một ngày) chỉ có một dòng nói về việc các quận huyện của Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ và chuyển đổi nghề phù hợp cho những lao động bán hàng rong. Tuy nhiên việc hỗ trợ bao nhiêu, chuyển đổi nghề gì, lộ trình như thế nào... đến nay vẫn chưa có đơn vị nào của Hà Nội trả lời được. |
Bà Gôm - một người bán hàng rong ở Hà Nội - có quê ở thôn Bình Kiều (xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Mấy hôm nay ngôi nhà nhỏ của bà tíu tít tiếng cười, mấy đứa trẻ mừng vì có bà ngoại ở nhà chơi cùng. Thời buổi làm ăn khó khăn, Hà Nội cấm hàng rong, bà phải bỏ lại mẹt cam quýt trên đó để về quê tìm kế sinh nhai. "Lúc trước chưa cấm hàng rong, tôi cũng kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Giờ không đi bán nữa chưa biết tính sao đây" - bà Gôm than thở.
Ở xã Bình Kiều này hầu như ai cũng biết bà Gôm. Bà "nổi tiếng" bởi là người có thâm niên bán hàng rong lâu nhất xã với gần 20 năm lang thang trên các ngõ phố Hà Nội. Chồng bà là thương binh bị ảnh hưởng đến não, phát bệnh tâm thần bỏ nhà đi quanh năm.
Sinh được hai đứa con thì con trai đầu (sinh 1982) mất cách đây hai năm vì suy thận. Đứa con gái lấy phải người chồng cờ bạc, rượu chè suốt ngày đánh đập vợ nên phải đưa cháu về sống với mẹ. Cả nhà ba con người trông vào gánh hàng rong.
Không riêng gì Bình Kiều, những xã khác của huyện Khoái Châu (Hưng Yên) như Đông Hưng, Nuế Dương, Hàm Tử, Dạ Trạch... cũng có đông bà con bán hàng rong bỏ về quê tạm nghỉ ít bữa sau lệnh cấm hàng rong. Gặp chúng tôi, bà con bán hàng rong ai cũng hỏi "ở trên đó có bắt nhiều không?", "không biết làm đến bao giờ?". Khi được chúng tôi giải thích đây là việc làm lâu dài, bền bỉ của Hà Nội nhằm thiết lập trật tự văn minh đô thị, giảm ùn tắc giao thông... nhiều bà con tỏ ra khá hoang mang, họ chưa biết xoay xở sang nghề gì.
Vượt quá tầm tay
Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, tại các xã khác của huyện Khoái Châu (Hưng Yên) số người đi bán hàng rong, làm ăn trên Hà Nội chiếm một số lượng lớn, thường từ 20-25% dân số của mỗi xã. Cụ thể, thống kê của từng xã cho biết: xã Bình Kiều chiếm 25%, xã Đông Kết 15%, xã Hàm Tử 19%...
Ông Hoàng Văn Nam, phó chủ tịch UBND xã Bình Kiều, nói hiện xã này có khoảng 2.000 người lên Hà Nội bán hàng rong trong khi dân số xã chỉ xấp xỉ 8.000 nhân khẩu. Hầu như gia đình nào tại xã cũng có người lên Hà Nội, có nhà đi một người, có nhà đi cả hai vợ chồng.
Theo ông Nam, hiện tượng bỏ quê lên Hà Nội bán hàng rong diễn ra tự phát và xuất hiện từ hơn chục năm nay tại địa phương này. "Do diễn ra tự phát nên UBND xã Bình Kiều chưa có định hướng cụ thể nào để giúp đỡ hơn 1.000 lao động bán hàng rong của xã cùng một lúc bị thất nghiệp. Điều này thật sự vượt quá tầm của chính quyền xã..." - ông Nam chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận