![]() |
Doanh nghiệp này đã chở hàng đến tận cửa để hải quan ICD Phước Long kiểm hóa vào chiều 11-5. Anh nhân viên công ty cho biết đã bỏ bao thư 100.000 đồng và bà ta (cán bộ hải quan) mở ra kiểm tiền tại chỗ... Ảnh: L.A.Đ. |
Từ 100.000 đến hàng triệu đồng!
20g46 ngày 21-4, sau khi nhận được tin nhắn có hàng xuất, chúng tôi được Chánh - nhân viên một công ty ở TP.HCM làm dịch vụ giao nhận hàng hóa cho các DN - hướng dẫn đến HQ Phước Long 2 (quận Thủ Đức).
Mất khoảng 10 phút chạy dáo dác tìm lô hàng trong khu bãi container mênh mông đêm tối mịt mù, chúng tôi mới tìm ra được lô hàng của DN P trong container mang số 8092981. Chánh lấy cây đập tháo ổ khóa container ra, sau đó quay lại đội làm thủ tục kiểm hóa và nói rằng có lô hàng cần kiểm hóa gấp, nữ nhân viên HQ nói gọi điện thoại di động cho ai đó tên Giang. Chánh chạy ra phía ngoài cửa xem danh sách cán bộ nhân viên HQ cảng được dán công khai, cùng với số điện thoại di động, cả số nhà riêng của nhân viên kiểm hóa và dừng lại ở cái tên Nguyễn Hồ An Giang.
![]() |
Nhân viên kiểm hóa (ngồi) đi kiểm tra hàng một mình và cũng chỉ mở hàng xem trong vài phút (ảnh chụp qua điện thoại di động) - Ảnh: L.A.Đ. |
Xung quanh Giang có ít nhất mười người vây lại, ai cũng cầm tập hồ sơ của DN cần kiểm hàng như chúng tôi. Một nhân viên cầm kéo cắt sắt, mở cửa container, rồi ngay sau đó đóng cửa lại và gắn niêm chì HQ, thế là xong. “Chi bao nhiêu ?” - chúng tôi hỏi người đi làm thủ tục cho container trên. Anh ta đáp gọn lỏn: “200.000 đồng”.
Tiếp đó, Giang quay xe về phía lô hàng của chúng tôi, cũng ngồi trên xe, có người soi đèn pin. Giang nhìn vào tập hồ sơ của Công ty P hỏi Chánh vài câu như xuất hàng gì, của DN nào... Nhân viên cầm kéo mở container nhưng Giang không hề bước xuống kiểm hóa, thậm chí cũng không nhìn vào container xem có gì trong đó. Chánh móc ví lấy ra hai tờ giấy bạc loại 100.000 đồng đưa cho Giang. Theo qui định, lô hàng trên của Công ty P phải kiểm hóa 3%, nhưng không hiểu sao Giang lại đóng dấu “hàng miễn kiểm hóa”!
|
Chiều 12-5, ở khu vực làm thủ tục HQ nói trên, Vân - một phụ nữ làm xuất nhập khẩu cho một công ty liên doanh đóng tại TP.HCM - cho biết: “Ban đêm mấy ổng làm biếng đi kiểm tra lắm. Nhiều khi nhận tiền “bồi dưỡng” xong, mấy ổng đưa niêm phong cho DN bấm vào container hàng...”.
Đến khoảng 15g, một DN xuất hàng rời sau khi “bắt” được một nữ cán bộ HQ kiểm hóa, đã cho xe tải chở hàng đến đậu ngay trước khu vực làm tờ khai để được kiểm hóa nhanh hơn thay vì phải đưa ra bãi. Rất dễ dàng để chúng tôi quan sát, ghi nhận cảnh đưa và nhận tiền khi HQ kiểm tra lô hàng này. Anh nhân viên công ty xuất hàng lấy tiền bỏ vào phong bì màu trắng, sau đó leo lên xe, nơi cán bộ HQ đang làm nhiệm vụ nhét phong bì vào tay cán bộ... và công việc kiểm hóa kết thúc.
Chúng tôi hỏi nhân viên vừa đưa tiền: “Ở khâu kiểm hóa thì cho HQ bao nhiêu vậy anh?”. “Anh xuất hàng gì, mấy công?” - anh nhân viên này hỏi lại. “May mặc” - chúng tôi trả lời. Anh này nói nếu một người (cán bộ HQ) thì cho 100, hai người thì gấp đôi. Chúng tôi hỏi tiếp: “Khi nãy anh cho bao nhiêu?”. “100.000 đồng” - anh ta cho biết và nói thêm: “Mấy bà này ghê lắm, đưa tiền là mở ra kiểm tra tại chỗ luôn đó”.
Ở cảng Phước Long 2 chủ yếu là hàng xuất nên tiền “bồi dưỡng” cho nhân viên kiểm hóa “mềm” hơn so với hàng nhập. Hàng gia công, quần áo may mặc thì mỗi lô cho 100.000 đồng. Còn mực in, ván gỗ, hóa chất... thì chi từ 200.000-300.000đ mỗi lô hàng. Tùy chủng loại hàng hóa cũng như mối quan hệ với nhân viên HQ mà có thể đưa tiền trước, trong hoặc sau khi kiểm hóa. “Trước đây tôi thường mời HQ đi nhậu rồi đưa tiền, nhưng dạo sau này HQ không thích ăn nhậu rề rà nên tôi đưa tiền trực tiếp luôn” - một nhân viên làm dịch vụ giao nhận hàng nói. Tiền chung chi cho kiểm hóa thường gọi bằng tiếng lóng như thước (triệu), củ (trăm ngàn)...
Bắt chẹt để “vòi” thêm tiền?!
![]() |
Tờ khai chi phí cho hải quan khi đi làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng của một doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: V.H.Q. |
Theo qui định, doanh nghiệp được nhập các loại xe tải có giá trị từ 80% trở lên, nhưng trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về xe bị móp đầu, bể kính, hoặc han gỉ do nước biển, lập tức nhân viên kiểm hóa “kiếm không chịu thì hồ sơ cứ “ngâm” đấy hoặc yêu cầu DN đi giám định lại, DN không giải tỏa được hàng lại tốn tiền lưu kho, lưu bãi tốn gấp nhiều lần tiền “biết điều” với nhân viên kiểm hóa.
Ngày 14-5, sau khi mở tờ khai nhập sáu chiếc xe tải, Bang hẹn nhân viên kiểm hóa tên Ngô Thúy Lan ra kiểm hóa xe. Lan phát hiện một chiếc xe có hàn thêm bốn chiếc cọc sắt phía sau để che bạt, cho rằng “thùng cao không đúng qui định được nhập” và một chiếc xe khác bị móp cửa, cũng không đạt giá trị hơn 80% theo qui định nên lắc đầu... Sau đó, Lan bàn với một nhân viên kiểm hóa cùng được phân công với mình về giá cả đối với hai chiếc xe “có vấn đề” nói trên.
Ông Lê Kiên Trung, bí thư Đảng ủy - cục phó Cục Hải quan TP.HCM (trả lời phỏng vấn PV Tuổi Trẻ sáng 4-5): “Thực tế khó mà kiểm soát hết được, khoảng 1.700 cán bộ công chức mà đi làm việc như thế suốt 365 ngày trong năm; chưa kể DN còn đề nghị kiểm hóa ngoài khu vực của HQ thì làm sao giám sát hết được. Khó lắm!”. Ông Lê Kiên Trung cho rằng thái độ của lãnh đạo cục là sẽ xử lý kiên quyết, không bao che. Tuy nhiên, ông Trung đề nghị xã hội cũng phải lên tiếng về việc không ít DN tự đưa tiền “bồi dưỡng” như một thói quen, “không cho thì cảm thấy không yên tâm”, từ đó dẫn đến việc một số nhân viên HQ và DN thỏa thuận ngầm “sống chung” với tiêu cực. |
Hơn 11g ngày 19-5 tại bàn làm việc của Lan, Bang đã chung đủ số tiền trên đồng thời trả luôn khoản nợ kiểm hóa nhập lô xe trước đó, tổng cộng 10 triệu đồng! Tuy nhiên, Bang vẫn còn thiếu nợ 300.000 đồng. “Việc thiếu nợ là bình thường, cứ khất lại khi nào trả cũng được. Tuy nhiên, nếu ông mới đi làm thủ tục lần đầu thì nhớ là không được khất nợ, phải đưa tiền chẵn loại 100.000 đồng. Có lần tôi đưa nhầm tiền giả nhân viên HQ gọi đổi lại đó” - Bang khuyến cáo.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, chuyên nhập hóa chất, cho biết hóa chất là một trong những mặt hàng kiểm hóa viên dễ moi tiền nhất. Giá bèo nhất DN phải chi là 300.000 đồng/lô/lần kiểm. Nếu không mạnh chi thì HQ sẽ “vẽ” rằng “mặt hàng này tôi không rành, yêu cầu anh để cơ quan giám định xác định loại hóa chất gì”. Chi phí giám định một mẫu hóa chất tốn hết 300.000 đồng, nếu cộng với tiền bồi dưỡng cho HQ kiểm hóa (dù hàng đã qua giám định), tiền lưu kho lưu bãi..., chi phí đội lên gấp đôi ba lần tiền chi một lần cho HQ nên “chi cho rồi”.
“Công ty hạch toán các khoản tiền trên vào đâu ?” - chúng tôi hỏi. Bang cho biết sếp cho phép về kê lại toàn bộ các khoản chung chung vào một loại tiền gọi là tiền bốc xếp, vận chuyển đi lại. Ông Thanh - một DN xuất nhập khẩu cấp quận - ghi ra giấy cho chúng tôi gần chục khoản tiền phải “bồi dưỡng” khi đi xuất nhập hàng và cho biết: “DN nhà nước như chúng tôi chỉ qui định mở tờ khai “chi tiêu cực phí” từ 20.000-50.000 đồng, các công đoạn lặt vặt 10.000-40.000 đồng, còn kiểm hóa tối đa là 200.000 đồng... thì mới hạch toán thuế được. Nên nếu bị bắt chẹt thì chúng tôi “đấu” đến cùng với HQ chứ không thể chi tiền”.
Sáng 13-5, chị Bạch Thúy, nhân viên của một công ty nước ngoài đóng tại quận 1 (TP.HCM), bức xúc nói rằng do thấy làm dịch vụ chi phí cao quá nên quyết định tự mình đi ra cảng. “Lần đó là vào tháng 4-2003, tại HQ ICD Transimex (Thủ Đức). Sau khi mất 100.000 đồng khi nộp hồ sơ, tôi đã phải trải qua nhiều ngày trần ai vì bị HQ hành, hạch đủ thứ chuyện từ thủ tục đến giấy tờ... Tôi đã biết thế nào là sức mạnh của đồng tiền, khi mà một tay cò mon men theo tôi nói đưa cho anh ta 500 USD anh ta sẽ lo từ A-Z. Tôi trả lời đây là lô đồ dùng cũ, ông giám đốc mang theo sử dụng, không nhập được thì xuất về nước. Tuy nhiên, cuối cùng khi tôi làm theo một lời “cố vấn” là kẹp 500.000 đồng thì công việc có vẻ xuôi chiều... Tốn tiền, mất thời gian mà nhất là bực tức, tủi thân khi bị cán bộ HQ xài xể, tôi mới biết thế nào là giá trị của dịch vụ”.
--------------------------
Kỳ sau: Cửa nào cũng phải...vui vẻ chung chi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận