28/11/2008 00:00 GMT+7

Những góc khuất cuộc đời

(Tiếng hú - Tập truyện ngắn của Hồ Dạ Thảo, NXB Văn Nghệ)
(Tiếng hú - Tập truyện ngắn của Hồ Dạ Thảo, NXB Văn Nghệ)

TT - Tiếng hú là nhan đề truyện đặt cuối tập sách. Tên truyện được chọn làm nhan đề chung của cả tập. Tuy khiến độc giả thêm thao thức vì số phận nghiệt ngã của hai người lính “đụng đầu” thời hậu chiến - một là cán bộ quản giáo và người kia là tử tù, nhưng theo tôi, nó không thích hợp với âm hưởng chủ đạo của 20 truyện ngắn trong tập.

avh5NdOi.jpgPhóng to
TT - Tiếng hú là nhan đề truyện đặt cuối tập sách. Tên truyện được chọn làm nhan đề chung của cả tập. Tuy khiến độc giả thêm thao thức vì số phận nghiệt ngã của hai người lính “đụng đầu” thời hậu chiến - một là cán bộ quản giáo và người kia là tử tù, nhưng theo tôi, nó không thích hợp với âm hưởng chủ đạo của 20 truyện ngắn trong tập.

Tôi chưa có dịp gặp Hồ Dạ Thảo. Nhưng đọc xong tập truyện bỗng cứ muốn tìm hiểu cuộc đời ông, muốn biết ông đã “sống”, đã “gắn bó” với các nhân vật trong các truyện ngắn của mình như thế nào để có thể làm người đọc mãi băn khoăn về những thăng trầm, tan hợp và con đường khúc khuỷu mà họ sắp bước tới.

Đọc vài dòng trích ngang sau bìa sách, được biết ông đã in thơ từ năm 1964 (tập Dạ Thảo Lan) nhưng đây là tập truyện ngắn đầu tay. Lại là một tác phẩm đầu tay đặc biệt vì không phải là những trang viết mơ mộng, trẻ trung mà sự dồn nén, chắt lọc những trải nghiệm của cả một đời người sắp chạm ngưỡng cổ lai hi (tác giả sinh năm 1940), mà tôi đoán chừng cũng lắm nỗi trần ai như không ít nhân vật của ông.

Phải trải đời tác giả mới đúc kết nên những câu như nhân vật Tuân nói với vợ trong Kể chuyện trong đêm: “Khi quyền lực cao tột đỉnh, người ta sợ hãi. Khi danh vọng trùm đời, người ta thấy mình cô độc. Khi vẻ đẹp đến độ chín muồi nở rộ, người ta phập phồng lo âu. Anh muốn nói đến lòng tham…”.

Như thế, xem chừng tác giả đủ lịch lãm và hiểu biết để có thể nói chuyện khôn - dại, được - mất ở thế gian, nhưng ông ít khi “lên lớp” dạy đời mà chỉ trình bày những số phận với mọi nỗi truân chuyên của họ, còn kết luận ra sao tùy người đọc. Một điều thú vị là trong nhiều truyện, người có tuổi lại tìm được lời giải cho những bài toán cuộc đời từ lớp trẻ (Nơi dòng sông hội tụ, Những ngôi sao lung linh)...

Điều thú vị nữa là tuy tác giả xuất bản tập truyện đầu tay khi đã cao tuổi, nhưng giọng điệu vẫn trẻ trung và từng câu từng chữ đều thể hiện công phu của một cây bút có nghề, tự trọng:

“Tay trái bác đặt hờ hững lên cần đàn cong cong. Tay mặt cầm que tre. Hai mắt bác lim dim như nhập thiền, đầu hơi cúi xuống. Bác khảy nhẹ một tiếng, nghiêng tai nghe…Âm thanh bây giờ từng tiếng thánh thót như những cánh hoa rơi lả tả xuống đất. Cánh hoa chưa kịp chạm mình vào đất, bị gió thổi quật lên bay vào hư không. Tiếng đàn vút lên, cao, cao ngất như tiếng hú gọi bầy của loài thú hoang đi lạc. Rồi như con nước lìa thác rơi tõm xuống vực trầm đục, tiếng đàn não nùng quặn thắt sà xuống tận cùng của sự sầu nhớ…” (Bác Phó Qua).

Hầu hết truyện trong Tiếng hú đều lấy bối cảnh ở một xóm vắng hay một thị trấn nhỏ, với những nhân vật cũng nhỏ nhoi, bất hạnh, nhiều khi tưởng như họ sống bên rìa cuộc đời ồn ào tuôn chảy - thậm chí là một mụ điên (Miếu hoang), nhưng tất cả đều không cam phận, đều muốn được là chính mình, như anh chàng Tánh bất chấp những trở lực, mở vùng đất mới với kỹ thuật trồng dưa tân tiến (Tiếng cười), như bác Phó Qua - một cây đàn bầu sành điệu trong vùng, cuối đời làm nghề hốt cốt để mong có ngày được lấy hài cốt của người bạn hát mà ông yêu thương (Bác Phó Qua).

Với những số phận như thế, có thể nói Tiếng hú là một vở “bi kịch lạc quan”! Hóa ra những góc khuất của cuộc đời nhiều khi lại là nơi lương tri và nhân phẩm tỏa sáng…

(Tiếng hú - Tập truyện ngắn của Hồ Dạ Thảo, NXB Văn Nghệ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên