22/02/2011 10:53 GMT+7

Những giá trị châu Á của vị Bộ trưởng cố vấn

MICHAEL SCHUMAN
MICHAEL SCHUMAN

TTO - Lý Quang Diệu đã mệt lử nhưng vẫn không tài nào ngủ được. Ông trở mình qua trở mình lại, không thể nào làm cho tâm trí dịu lại. Lý Quang Diệu có lý do chính đáng để mà lo lắng. Ngày mai, 9-8-1965, ông sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên của một quốc gia mới có chủ quyền: Singapore.

Theo bản chất tự nhiên và kinh nghiệm, chúng ta không bị cuốn hút vào những vấn đề lý thuyết. Điều mà chúng ta quan tâm là những giải pháp thực tế cho những khó khăn vướng mắc của mình.

Lý Quang Diệu

MR0YgaxV.jpgPhóng to
TTO - Lý Quang Diệu đã mệt lử nhưng vẫn không tài nào ngủ được. Ông trở mình qua trở mình lại, không thể nào làm cho tâm trí dịu lại. Lý Quang Diệu có lý do chính đáng để mà lo lắng. Ngày mai, 9-8-1965, ông sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên của một quốc gia mới có chủ quyền: Singapore.

Lý Quang Diệu đón nhận nhiệm vụ này với một tâm trạng lo lắng rối bời. Khác với Nehru, Park hay hầu hết các nhà lãnh đạo hậu thuộc địa khác, những người xem tự do của họ như là cơ hội để tạo lập sự hùng mạnh của quốc gia, Lý Quang Diệu lại nghi ngờ về khả năng tồn tại của Singapore nhỏ bé với tư cách là một nhà nước độc lập. Suốt hai năm trước, vùng đất Singapore vốn là thuộc địa của Anh vẫn còn là một phần trong liên bang Malaysia.

Lý Quang Diệu đã tin rằng mối quan hệ cộng tác đó đóng vai trò quyết định đối với sự tồn vong của Singapore nhưng sự kết hợp hóa ra là một điều bất hạnh. Mối quan hệ giữa Lý Quang Diệu với chính phủ liên bang ở Kuala Lumpur trở nên quá tồi tệ đến nỗi không thể tiếp tục duy trì liên bang. Những cuộc đàm phán giận dữ cuối cùng về việc ly khai làm cho ông rã rời và sức ép của trọng trách chờ chực phía trước đè nặng lên tâm trí ông. Suốt đêm đó, ông thức dậy gần như mỗi giờ, lấy tập giấy ghi chú ra để điền thêm vào danh sách dài dằng dặc những việc cần phải làm.

10g sáng, Singapore tuyên bố trở thành quốc gia độc lập. Lý Quang Diệu quá bận rộn để đọc lời tuyên bố trước khi nó được thông báo ra toàn thế giới. Hai giờ sau, ông xuất hiện tại một buổi họp báo ở đài truyền hình Singapore. Ông chọn trả lời vài câu hỏi và sau đó kể lại chi tiết những sự kiện đầy kịch tính của nhiều ngày trước. Việc chấm dứt là một phần trong liên bang với Malaysia được xem như là “một thời khắc đau thương” - Lý Quang Diệu nói với các phóng viên.

“Suốt cuộc đời mình, tôi luôn tin tưởng vào sự kết hợp và thống nhất của hai vùng lãnh thổ”, ông nói tiếp. “Đó là một dân tộc liên kết với nhau bằng địa lý, kinh tế và mối quan hệ anh em thân thiết về mọi mặt”. Tiếp đó, Lý Quang Diệu ngưng lại, nước mắt dâng tràn. “Quý vị không phiền nếu chúng ta tạm dừng một lát chứ?”, ông hỏi với giọng nghe buồn rầu. Phải mất 20 phút Lý Quang Diệu mới lấy lại được đủ bình tĩnh để tiếp tục buổi họp báo. Về sau ông viết: “Trong quan niệm của người Hoa, thật không thích hợp khi để lộ ra vẻ yếu đuối chẳng có khí chất kiên cường của đàn ông như vậy, nhưng tôi không thể ngăn được mình”.

Bất chấp tâm trạng xúc cảm yếu đuối, chính Lý Quang Diệu lại bắt đầu lao vào xây dựng đất nước mới của mình. Ưu tiên đầu tiên của ông là quốc phòng. Sáng đó, ông gửi một lá thư cho Phó Tổng thanh tra cảnh sát Ấn Độ hỏi xem liệu New Delhi có sẵn lòng cử sĩ quan sang giúp đào tạo, huấn luyện để thành lập quân đội Singapore hay không. Lý Quang Diệu không chỉ lo ngại về những nước láng giềng hiếu chiến xung quanh hòn đảo của mình mà ông còn nghi ngờ về lòng trung thành của chính người dân trong nước.

Dân số Singapore chủ yếu gồm người Hoa di cư từ Trung Quốc cùng các cộng đồng thiểu số người Ấn Độ và người Mã Lai bản địa. Không ai trong số họ có bất kỳ một khái niệm nào về bản sắc Singapore. Thậm chí không dám tin cả vào chính phủ của riêng mình nên Lý Quang Diệu yêu cầu từng người ký vào bản thỏa ước ly khai như bằng chứng chứng minh sự trung thành một lòng một dạ của họ với chính phủ mới.

Lý Quang Diệu dành ra gần trọn ngày làm việc đầu tiên cùng với đồng nghiệp đồng thời là trợ lý thân cận nhất của mình là Ngô Khánh Thụy hối hả bàn về sự nghiệp tương lai của đất nước. “Chúng tôi đang trong tình trạng choáng váng, vẫn còn chưa thích nghi được với những thực tế mới và lo sợ về những điều không lường trước đang chờ chực phía trước”.

Mối tập trung của Lý Quang Diệu nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế của Singapore, điều mà ông gọi là “vấn đề đau đầu lớn nhất” của mình. Kể từ ngày được mẫu quốc Anh thành lập vào năm 1819 đến lúc này, Singapore đã là đầu mối trung tâm giao thương trong khu vực. Chế độ thực dân Anh kết thúc đồng nghĩa với ách chiếm đóng ở Singapore chấm dứt. Malaysia dân tộc chủ nghĩa muốn phát triển thương mại của riêng mình còn Indonesia thì cắt đứt giao thương bình thường với Singapore vì một tranh chấp chính trị.

“Tôi đã quen với việc nhìn thấy các kho hàng của chúng tôi chất đầy những tấm cao su, hồ tiêu, cùi dừa khô và song mây cùng các công nhân đang chăm chỉ miệt mài lau chùi, phân loại chúng để xuất khẩu”, Lý Quang Diệu viết. “Sẽ không còn cảnh nhập khẩu những nguyên liệu thô như vậy từ Malaysia và Indonesia”. Cần phải làm một điều gì đó.

Tỉ lệ thất nghiệp là 14% và đang gia tăng. Singapore không có tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu. Dân số chỉ vỏn vẹn 2 triệu dân, quá nhỏ bé để nuôi dưỡng được nền công nghiệp cho riêng mình. Lý Quang Diệu than thở: “Chúng tôi được thừa hưởng một hòn đảo không có vùng đất nội địa, một trái tim không có cơ thể”. Thực tế ảm đạm đó làm ông thấy nản lòng: “Chúng tôi phải đương đầu với một sự thay đổi khủng khiếp trong khi cơ hội sống còn thật mong manh”.

Lý Quang Diệu quyết định, nếu Singapore muốn tồn tại được thì đất nước cần phải có một cách tiếp cận độc đáo để phát triển kinh tế. Về sau ông viết: “Chúng tôi cần phải tạo ra một loại hình kinh tế mới, thử những phương pháp và chương trình mới chưa từng được thử bao giờ ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới vì chẳng có một đất nước nào giống như Singapore cả. Tôi đi đến kết luận, một đảo quốc tại Đông Nam Á không thể là một quốc gia bình thường nếu nó muốn tồn tại. Chúng tôi phải nỗ lực phi thường để trở thành một dân tộc đoàn kết chặt chẽ, hùng mạnh và biết nhanh chóng thích nghi; một dân tộc có thể làm được nhiều thứ tốt hơn và rẻ hơn những người láng giềng… Chúng tôi cần phải khác biệt”.

Không ai có thể chê bai đất nước Singapore mà Lý Quang Diệu đã xây dựng thành một quốc gia có bộ mặt khác. Sự biến đổi của Singapore từ vị thế một nước nhiệt đới bị sa cơ lỡ vận sang một quốc gia tràn đầy sức sống có tầm vóc quốc tế là một trong những câu chuyện tuyệt vời của Phép màu. Hòn đảo này ngày nay là một trong những bến cảng sầm uất nhất thế giới, là một trung tâm tài chính chủ chốt của khu vực và là một trung tâm nghiên cứu tế bào gốc được công nhận trên toàn cầu.

Nhân tố không thay đổi trong suốt toàn bộ câu chuyện về Singapore vẫn là một Lý Quang Diệu hay luận chiến, người đã chèo lái đất nước bằng tầm nhìn rộng mở và ý chí bất khuất, quật cường. Cũng giống như hòn đảo của mình, Lý Quang Diệu đã được nâng lên từ một quan chức không vững vàng ở trong nước vào năm 1965 thành một chính khách vĩ đại nhất của châu Á, người có tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế xa hơn những gì mà quốc gia nhỏ bé của mình có thể đảm bảo.

Sự khôn ngoan và hiểu biết sâu sắc của ông đều được tất cả mọi người, từ các tổng thống Mỹ cho đến các chính trị gia châu Phi, công nhận. Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush gọi Lý Quang Diệu là “một trong những người thông minh nhất, có năng lực nhất mà tôi đã từng gặp”. Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, sau khi đọc “từng bài diễn văn” của ông, đã thốt lên rằng “ông ấy không bao giờ sai”.

Bản thân Lý Quang Diệu là một nhân cách pha trộn phức tạp nhiều đặc tính trái ngược nhau. Ông thể hiện mình vừa thông thái lại vừa tầm thường; vừa phóng khoáng, cởi mở lại vừa thiển cận, khắc nghiệt và cầu kỳ, khó tính. Ông là một người theo chủ nghĩa xã hội nhưng lại phát triển một trong những xã hội tư bản sôi nổi nhất của châu Á, là một người tự xưng hâm mộ chủ nghĩa đa văn hóa nhưng lại cổ xúy địa vị ưu thắng của người Hoa.

Nghịch lý này cũng thể hiện ở con người thể chất của Lý Quang Diệu. Dù được sinh ra ở một vùng nhiệt đới oi bức nhưng Lý Quang Diệu mẫn cảm không thể chịu nổi cái nóng và độ ẩm của khí hậu nơi đây. Ông nói một “bước ngoặt” trong đời mình đã xảy ra khi ông lần đầu tiên lắp một cái máy điều hòa nhiệt độ trong phòng ngủ của mình. Tính cách rối rắm, phức tạp này vươn xa tới tất cả mọi mặt trong đời sống của Lý Quang Diệu.

Alex Josey, một phóng viên kiêm thư ký báo chí của Lý Quang Diệu, đã viết: “Ông ấy không thể làm bất kỳ điều gì một cách nhếch nhác, cẩu thả, từ việc mang một đôi giày da bóng lộn cho đến việc ra một quyết định quan trọng”. Có lẽ nét tính cách duy nhất nổi trội lấn át hơn hẳn của Lý Quang Diệu là đầu óc thực tế giống như máy tính của ông. Josey nhận xét Lý Quang Diệu “là một kẻ tấn công các vấn đề khó khăn bằng bản chất và sự duy lý chứ không phải là một nhà nghiên cứu lý thuyết trừu tượng”.

Trong suốt nhiều thập niên nắm giữ quyền lực chính trị của mình, Lý Quang Diệu đã chứng tỏ một khả năng phi thường trong việc đánh đổ nhiều chính sách và sáng tạo ra nhiều cái mới thay thế, hoàn toàn dựa trên cơ sở những kết quả mà ông đang cố gắng đạt tới. Tạp chí Time đã từng mô tả “tính cách cơ bản” của Lý Quang Diệu là “một trí tuệ thông minh sắc sảo đi liền với một lý trí gần như lạnh lùng và sự tự tin tối đa vào phán đoán của mình”.

Tuy nhiên, mặc dù Lý Quang Diệu có thể hào phóng đặc biệt với công dân của mình (Singapore đã có chương trình nhà chung cư thành công nhất trong lịch sử) nhưng ông cũng sở hữu một tính cách kiêu ngạo khác thường không kém, luôn thể hiện một niềm tin đến cùng rằng chỉ có ông là người duy nhất biết điều gì là tốt nhất. Như một nhà ngoại giao Anh đã từng nhận xét Lý Quang Diệu là “người lỗi lạc nhất dẫu có đôi chút gì đó của một kẻ hung tàn”.

Dù Lý Quang Diệu ứng dụng một số khía cạnh của “mô hình châu Á” trong phát triển (chủ yếu là vai trò to lớn của nhà nước trong nền kinh tế) nhưng cách làm của ông có nhiều điểm khác biệt then chốt. Có một nét độc đáo liên quan đến mối quan hệ giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với nhà nước. Không giống như Nhật Bản và Hàn Quốc, giới chức Singapore không tập trung vào việc nuôi dưỡng các công ty Singapore do các doanh nhân trong nước điều hành nhiều như giới chức Nhật và Hàn.

Khi Lý Quang Diệu và nhóm của mình muốn bước vào một ngành kinh doanh mới, nhà nước thường trực tiếp đứng ra đảm trách công việc mạo hiểm này. Về mặt này, sự can thiệp của Lý Quang Diệu vào nền kinh tế có thể nói là lớn hơn của MITI hay của Park Chung Hee. Thật vậy, trong số tất cả các nhà nước mới công nghiệp hóa của châu Á, Singapore có lẽ là nước được mưu tính cẩn thận nhất và sắp đặt nhiều nhất.

Yếu tố xa rời quan trọng nhất của Lý Quang Diệu khỏi “mô hình châu Á” vốn đã được ứng dụng ở Nhật Bản và Hàn Quốc chính là cách ông sử dụng tiền vốn đầu tư nước ngoài để tạo đà tăng trưởng nhanh. Lý Quang Diệu sẵn sàng chấp nhận một mức độ ảnh hưởng của nước ngoài đến nền kinh tế mà một người theo chủ nghĩa dân tộc bài ngoại như Park Chung Hee sẽ không bao giờ dung nạp. Ông biến chính phủ thành một cỗ máy xúc tiến đầu tư nước ngoài theo đuổi ráo riết các công ty quốc tế.

Thông qua tiến trình này, Lý Quang Diệu và nhóm kinh tế của mình “chọn ra những kẻ chiến thắng” giống như giới chức hành chính sự nghiệp MITI của Nhật Bản nhưng họ lại tiến hành thông qua một số loại hình công ty đa quốc gia “mục tiêu” nhất định, những doanh nghiệp có khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất, nhập khẩu những công nghệ mới và đào tạo cho người Singapore những kỹ năng quản lý và kỹ thuật tiên tiến. Bằng cách này, Singapore thay thế các hoạt động của chaebol ở Hàn Quốc hay keiretsu ở Nhật Bản bằng tập đoàn đa quốc gia. Đó là một kế hoạch tài tình và là một minh chứng cho thấy sức mạnh làm thay đổi của đầu tư nước ngoài đối với việc biến các nước nghèo thành giàu có.

Chọn đi theo con đường này, Lý Quang Diệu đã gắn tương lai đất nước nhỏ bé của mình với các lực lượng toàn cầu hóa ở mức độ lớn hơn cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc. Singapore bám chặt khái niệm thuê ngoài gia công (offshoring) đang trở nên thịnh hành. Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia chuyển hoạt động từ nền kinh tế trong nước ra nước ngoài, thông thường là nhằm mục đích tìm cách hạ thấp chi phí sản xuất. Căn nguyên của Phép màu ở Singapore chính là sự cải tiến kỹ thuật (hệ thống thông tin liên lạc tốt hơn, giao thông đảm bảo hơn và nhanh chóng hơn) khiến cho dịch vụ thuê ngoài gia công của các công ty nước ngoài trở nên ít tốn kém hơn và ít rủi ro hơn.

Vì thế, chiến lược của Lý Quang Diệu dựa trên một nghịch lý. Chính phủ vừa can thiệp vào nền kinh tế lại vừa hòa nhập với thị trường thế giới, khiến cho Singapore dễ thích ứng với những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu hơn Nhật Bản và Hàn Quốc dù phụ thuộc vào sự dẫn dắt của nhà nước nhiều hơn. Lý Quang Diệu đã nâng mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa nhà nước và thị trường trong “mô hình châu Á” lên những cấp độ phức tạp mới.

Singapore đã thu hút được sự chú ý rất lớn của các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế, những người đã và đang nghiên cứu xem liệu mô hình của Lý Quang Diệu có thể chuyển giao sang các nước khác hay không. Lý Quang Diệu tin rằng có thể được. Ông khẳng định các viên gạch xây dựng cơ bản của phát triển là dễ làm và theo ông, viên gạch xuất phát điểm chính là môi trường trọng dụng nhân tài.

Ông nói: “Quan trọng là phải xây dựng một hệ thống mà trong đó nếu một người càng tự học hỏi, tự đào tạo, phát triển kỹ năng và đóng góp cho nền kinh tế thì anh ta sẽ càng được tưởng thưởng”. Lý Quang Diệu cũng giữ một quan điểm cực đoan về sức mạnh của các thị trường, cực đoan hơn nhiều nhà lãnh đạo khác của châu Á có tư tưởng hướng đến xuất khẩu. Ông giảng giải: “Đừng bao giờ tin rằng anh có thể đi ngược lại sức mạnh của thị trường. Sẽ chẳng được gì nếu anh cố gắng làm điều đó”.

Tuy nhiên, chính tại đây, chúng ta chạm phải điều đầu tiên trong số rất nhiều mâu thuẫn trong triết lý kinh tế của Lý Quang Diệu. Trong khi đang thuyết giáo về tính nhất thể của phát triển, ông đồng thời lại quay sang trở thành người chủ chốt đề xướng một lập luận gây tranh cãi cho rằng văn hóa và sự thành công về kinh tế có mối liên quan với nhau. Lý Quang Diệu biện luận Phép màu là một hiện tượng châu Á dựa trên một số đặc điểm của châu Á, đặc biệt là tư tưởng Nho giáo và văn hóa, những thứ không dễ nhân rộng ra toàn thế giới.

Ông cho rằng nhiều cách lý giải tập trung vào khía cạnh chính sách hay kinh tế của Phép màu đã bỏ quên yếu tố văn hóa then chốt này. Theo ông, một số xã hội tự nó đã có khả năng phát triển nhanh chóng hơn những xã hội khác. Nho giáo và những xã hội chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo sở hữu ý thức sùng bái học tập và tiết kiệm, tinh thần hi sinh bản thân và giềng mối xã hội dựa trên những chuẩn mực xã hội thông thường; và ông tin đó chính là “những giá trị châu Á” đã đặt nền móng cho Phép màu.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên Fareed Zakaria vào năm 1994, Lý Quang Diệu khẳng định các nước đang phát triển khác “sẽ không đạt được thành công giống như cách mà Đông Nam Á đã làm vì thiếu mất một số động lực. Nếu ta có một nền văn hóa không chú trọng nhiều vào việc học tập, kiến thức uyên bác, tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm, biết tạm hoãn ước muốn hưởng thụ trong hiện tại để gặt hái được lợi ích trong tương lai thì tốc độ phát triển sẽ chậm lại rất nhiều”.

Tuy nhiên, Lý Quang Diệu đã tạo ra một vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất bằng phong cách cầm quyền Singapore chặt chẽ, sít sao của ông cùng với lập luận “những giá trị châu Á” phức tạp mà ông dùng để bào chữa cho phong cách lãnh đạo này. Phát triển kinh tế của Singapore đi kèm với một cái giá phải trả: quyền tự do dân sự và nhân quyền bị hạn chế.

Nhà nước Singapore can thiệp vào đời sống cá nhân của công dân mình đến một mức độ khó có thể chấp nhận được nếu ở phương Tây. Chính thức mà nói, Singapore là một quốc gia dân chủ nghị viện có bầu cử thường kỳ mà trong đó Đảng Hành động nhân dân (PAP) của Lý Quang Diệu đã giành được chiến thắng suốt từ năm 1959 đến nay. Trên thực tế, Singapore là nước chỉ có một đảng lãnh đạo. Lý Quang Diệu và giới lãnh đạo của PAP sử dụng quyền lực của chính phủ để nghiền nát các lực lượng đối lập cũng như dập tắt nhiều tranh luận công khai.

Chiến thuật ưa dùng của các lãnh đạo chính phủ là khởi kiện các vụ án phỉ báng nhằm vào các chính trị gia đối lập dám chỉ trích họ. Bộ Ngoại giao Mỹ bình luận những vụ khởi kiện này “đã gây ra một hiệu ứng ngột ngạt lên sự bày tỏ đầy đủ quan điểm chính trị và đặt phe đối lập chính trị vào thế bất lợi”. Báo chí trong nước lẫn nước ngoài cũng chịu áp lực tương tự. Trong báo cáo về tự do báo chí năm 2008 của mình, Tổ chức Nhà báo không biên giới đã xếp hạng Singapore đứng vị trí 144 trên tổng số 173 nước, thua rất xa chế độ độc tài của Sudan và Kazakhstan.

Singapore cũng đối mặt với sự chỉ trích gay gắt nhất của quốc tế về việc duy trì án tử hình. Một báo cáo năm 2005 của Liên Hiệp Quốc tiết lộ Singapore “cho đến giờ” vẫn có tỉ lệ án tử hình tính theo đầu người cao nhất trên thế giới, gần gấp đôi nước xếp thứ hai là Saudi Arabia. Người nào thoát được án tử hình thường cũng phải chịu hình phạt đánh đòn. Lý Quang Diệu không cảm thấy mấy tội lỗi trước việc áp dụng những kiểu xử phạt như vậy. Ông đã từng có lần nói: “Giữa việc được yêu mến và việc được nể sợ, tôi luôn tin rằng những chính khách biết dùng mọi cách để đạt được mục đích là người hành động đúng. Nếu không có ai sợ tôi tức là tôi chẳng có ý nghĩa gì”.

Trong một cuộc trao đổi trò chuyện với Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Anh tại Hong Kong, Lý Quang Diệu tuyên bố ông đã dẹp sạch vấn đề tội phạm có tổ chức của Singapore bằng cách tống vài trăm người vào tù. Patten sửng sốt, hỏi lại: “Vài trăm à? Có chắc tất cả họ đều thực sự là người của Hội Tam Hoàng hay không?”. Lý Quang Diệu đáp: “Có thể”.

Giống như Park, Lý Quang Diệu cho rằng phương pháp lãnh đạo chuyên quyền của mình là một hợp phần cần thiết trong Phép màu của Singapore. Trong một bài diễn văn đọc tại Tokyo năm 1992, ông khẳng định: “Ngoại trừ rất ít một số trường hợp ngoại lệ, nền dân chủ thường không đem lại một chính phủ tốt cho những quốc gia đang phát triển mới. Dân chủ không dẫn dắt đến phát triển vì chính phủ không thiết lập được sự ổn định và kỷ luật cần thiết cho phát triển”.

Lý Quang Diệu đã đi xa hơn Park rất nhiều. Ông lập luận kiểu dân chủ giống như đang áp dụng tại Mỹ là sự kết hợp tồi với văn hóa và lịch sử của các xã hội châu Á. Theo lý lẽ của ông, người châu Á thích được lãnh đạo dựa trên nền tảng “các giá trị châu Á”, chẳng hạn như mong muốn xây dựng một xã hội ổn định trật tự, lòng trung thành với họ tộc và cộng đồng, sự tôn trọng thứ bậc tôn ti. Lý Quang Diệu khẳng định, là một người châu Á, ông mong muốn chính phủ phải “trung thực, hiệu quả và có năng lực trong việc bảo vệ người dân của mình; tạo cơ hội cho tất cả mọi người tự tiến bộ trong một xã hội trật tự và ổn định, nơi họ có thể sống một cuộc sống tốt đẹp”.

Về mặt này, Lý Quang Diệu ngụ ý người châu Á thiên về ủng hộ các quyền của cộng đồng lớn hơn thay vì tán thành các quyền cá nhân; vì thế, họ thích một chính phủ biết giữ gìn sự ổn định xã hội hơn là một chính phủ chăm lo bảo vệ quyền tự do cá nhân. Ông viết: “Trong các xã hội phương Đông, mục tiêu chính là có một xã hội trật tự tốt để mọi người có thể hưởng tự do tối đa”.

Lý Quang Diệu đã đi xa đến mức bác bỏ những nguyên lý cơ bản của dân chủ phương Tây như thể gạt đi một điều sai trái. Lý Quang Diệu nói trong bài diễn văn của mình tại Tokyo: “Người ta cứ cho rằng tất cả đàn ông và phụ nữ là bình đẳng hoặc cần phải bình đẳng. Nhưng liệu bình đẳng có trong thực tế hay không? Nếu không, cứ khăng khăng đòi bình đẳng sẽ dẫn đến sự thoái bộ… Điểm yếu của dân chủ nằm ở giả định tất cả mọi người đều bình đẳng và có khả năng đóng góp ngang nhau vào cái tốt đẹp chung. Giả định đó thật sai lầm”.

Vì thế, dân chủ, như nó được hiểu tại Mỹ, không mang tính phổ quát và cũng không phải là một điều đòi hỏi cần phải có đối với một nền kinh tế thị trường. Bất kỳ nỗ lực nào ép buộc nó phải diễn ra như vậy là một kiểu chủ nghĩa đế quốc văn hóa, một sự tấn công của phương Tây nhằm áp đặt hệ thống giá trị của mình lên phần còn lại của thế giới. Lý Quang Diệu viết: “Mỹ không nên gán hệ thống giá trị của mình một cách bừa bãi lên những xã hội khác, nơi giá trị đó không có kết quả”.

Như Michael Barr, một giáo sư về quan hệ quốc tế, đã viết trong một nghiên cứu về Lý Quang Diệu như sau: “Lý Quang Diệu là người đi đầu trong các nỗ lực về lý thuyết lẫn thực hành nhằm dung hòa giữa lợi ích của tầng lớp thượng lưu tinh hoa hẹp hòi, không dân chủ với những đòi hỏi xây dựng một nhà nước tư bản thành công vận hành trong nền kinh tế toàn cầu”.

Đối với nhiều người ở phương Tây, lý lẽ “các giá trị châu Á” của Lý Quang Diệu đơn thuần chỉ là một ý tưởng ngông cuồng được dựng lên nhằm hợp pháp hóa và duy trì các chế độ chuyên quyền ở châu Á, trong đó có chế độ của Lý Quang Diệu.

Chris Patten công kích kịch liệt: “Các giá trị châu Á… ngày càng được viện dẫn nhiều hơn trong những năm trở lại đây như một cách biện hộ thiên biến vạn hóa cho bất kỳ điều gì mà các chính phủ châu Á đang làm hay mong muốn sẽ làm. Từ những nhân vật già cỗi muốn níu giữ quyền lực… tới những chế độ già nua lo sợ phán quyết đến từ các hòm phiếu bầu cử, tất cả đều có thể giăng ra một tấm màn ngăn cách giữa phương Đông và phương Tây rồi tuyên bố những gì mà họ đang làm được một nền văn hóa lâu đời tôn sùng và được những điều bí ẩn khó hiểu thấu được của phương Đông hợp pháp hóa”.

Lý Quang Diệu bỏ ngoài tai những lời chỉ trích kiểu như vậy, cho đó là sự ngạo mạn về văn hóa của phương Tây. Tuy nhiên, cũng có nhiều người châu Á khác rất giận dữ với những quan niệm của ông. Nhân vật ôn hòa nhất trong số đó là Kim Dae Jung, nhà hoạt động vì dân chủ của Hàn Quốc. Trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Affairs năm 1994, Kim lập luận rằng “quan điểm của Lý Quang Diệu về các nền văn hóa châu Á không những khó có thể khiến người ta ủng hộ được mà tự bản thân nó cũng không có cơ sở”.

Ngược với sự khẳng định chắc chắn của vị thủ tướng họ Lý, Kim cho rằng các lý tưởng dân chủ đã là một phần của các hệ thống chính trị châu Á từ rất lâu trước khi chúng bén rễ ở châu Âu. Vì thế, chúng thật sự là sản phẩm tự nhiên của các giá trị châu Á chứ không phải là sự áp đặt từ phương Tây. “Châu Á không nên để mất thêm một chút thời gian nào trong việc thiết lập vững chắc nền dân chủ và củng cố nhân quyền”, Kim viết. “Rào cản lớn nhất không phải là di sản văn hóa của châu Á mà là sự kháng cự của những kẻ cầm quyền độc tài cùng những người biện hộ cho chúng”.

Những lời lên án kiểu như vậy cho đến giờ vẫn có rất ít tác động ở Singapore. Hơn bốn thập niên đã qua kể từ ngày Singapore độc lập, Lý Quang Diệu vẫn không bị phản đối. Dù đã thôi không làm thủ tướng vào năm 1990 sau 32 năm cầm quyền liên tục, ông vẫn chưa rút lui hoàn toàn khỏi công việc lãnh đạo. Ngày nay, Lý Quang Diệu giữ một chức vụ lạ lùng là “Bộ trưởng cố vấn” trong khi con trai ông, Lý Hiển Long, làm Thủ tướng suốt từ năm 2004 đến nay. Lý Quang Diệu và gia đình của ông, vì vậy, đã đạt được một tầm kiểm soát ở Singapore mà chưa có bất kỳ một quốc gia không theo chủ nghĩa cộng sản nào của châu Á sánh kịp.

Tuy nhiên, vào năm 1965, trong cái ngày đầu tiên tuyên bố độc lập, tất cả những thành công và tranh cãi này vẫn còn nằm ngoài sự tưởng tượng phong phú nhất của Lý Quang Diệu. Buổi tối hôm đó, ông lại một lần nữa không ngủ và đánh cật lực 150 trái banh gôn từ một điểm phát bóng quen thuộc bên ngoài khu nhà ở chính thức của mình. Điều đó làm cho ông cảm thấy dễ chịu hơn nhưng vẫn bị cảm giác hồ nghi và lo lắng hành hạ. Các vấn đề rối loạn giấc ngủ của Lý Quang Diệu trở nên nghiêm trọng đến nỗi có một lần ông phải sắp xếp một gặp gỡ với đại sứ Anh khi vẫn đang nằm trong giường.

Lý Quang Diệu viết: “Có nhiều cuốn sách chỉ ta cách xây một ngôi nhà, cách sửa chữa máy móc, cách viết một quyển sách nhưng tôi chưa thấy một cuốn nào chỉ cách xây dựng một quốc gia bằng một tập hợp những nhóm người di cư tạp nham…, hay cách làm thế nào để tạo đời sống ấm no cho người dân của quốc gia đó khi vai trò kinh tế cũ của nó, vai trò là một trung tâm tập trung và phân phối hàng hóa, đang chết dần. Vào ngày 9-8-1965 đó, tôi đã bắt đầu khởi hành một chuyến đi, theo một con đường chưa từng in dấu chân ai, tới một bến bờ xa lạ, trong tâm trạng vô cùng xáo động”.

MICHAEL SCHUMAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên