![]() |
Lý Tiến Khôn lớn lên với một số tiền đủ để vung thoải mái vào các cửa hàng bách hóa sang trọng nhất Singapore. Thế nhưng, khi của cải của gia đình bị sụp đổ trong thời kỳ Đại suy thoái thì Lý Tiến Khôn, với nền tảng học hành trường lớp chính quy ít ỏi, kết cuộc phải làm một chủ cửa hàng quèn cho công ty dầu nhớt Shell. Người con ưu tú Lý Quang Diệu nhận thấy những nhược điểm của cha mình là không thể chấp nhận được.
Ông cũng cảm nhận tương tự về xu hướng thân Anh của gia đình. Lúc đó, người Anh vẫn còn cai trị Singapore. Ông nội của Lý Quang Diệu quyết định đặt cho cháu mình cái tên thánh “Harry”. Hiếm người Trung Quốc nào có tên tiếng Anh cho nên việc thêm chữ “Harry” khiến cho Lý Quang Diệu trở thành mục tiêu bị lôi ra làm trò cười ở trường. Dù vậy, Lý Quang Diệu vẫn học xuất sắc và giành được một suất học ở trường trung học danh tiếng mang tên Học viện Raffles, ngôi trường được đặt theo tên của người sáng lập Singapore Stamford Raffles.
Trớ trêu thay, một Lý Quang Diệu luôn ám ảnh với việc đòi hỏi phải giữ kỷ luật thuở thiếu thời lại là một người hay gây rắc rối. Trong hồi ký của mình, Lý Quang Diệu kể: “Trong tôi có một nết ham vui, tinh nghịch. Tôi thường xuyên bị bắt gặp không chú ý trong lớp học, tý toáy viết những lời nhắn nho nhỏ gửi cho đám bạn trong lớp hay nhại theo kiểu cách kỳ lạ của một số thầy cô giáo”.
Một lần, những trò hề kiểu như vậy đã đẩy cậu học trò Lý Quang Diệu tới hậu quả rắc rối to. Nhà trường có nội quy bất kỳ học sinh nào đi học trễ ba lần trong một học kỳ sẽ bị đánh đòn ba roi. Lý Quang Diệu là người luôn luôn dậy trễ như về sau ông tự nhận mình “thuộc họ nhà cú chứ không phải là họ nhà chim sơn ca”. Vậy là năm 1938, Lý Quang Diệu đã vi phạm nội quy đó.
Chính tay vị hiệu trưởng đã thi hành hình phạt đòn roi. Đây có lẽ là một điềm báo trước cho việc Lý Quang Diệu thực thi hình phạt giống như vậy về sau đối với người dân của mình. “Tôi không bao giờ hiểu được vì sao các nhà giáo dục phương Tây lại phản đối hình phạt về thể xác nhiều như vậy,” ông viết. “Nó chẳng làm hại đám bạn của tôi cũng như tôi.”
Lý Quang Diệu dự định đi du học ở Anh nhưng khi Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra, ông lại chọn một suất học bổng để theo học ở trường Đại học Raffles. Việc học hành của ông tại đó rồi cũng bị chiến tranh làm cho gián đoạn. Lý Quang Diệu tham gia vào một đơn vị quân y tình nguyện. Vào ngày cuối tháng 1-1942, khi quân Nhật đang tiến tới thành phố, Lý Quang Diệu và một người bạn học đồng niên đang trực ở một bờ công sự của khu quản lý hành chính trường Đại học Raffles.
Ngay lúc đó, có một tiếng nổ đinh tai nhức óc làm cả hai choáng váng. Lý Quang Diệu thốt lên với một vẻ sửng sốt: “Thế là chấm hết Đế chế Anh.” Câu nói buột miệng của ông không phải là hoàn toàn không chính xác. Tiếng nổ đó là do quân Anh gây ra trong khi cho phá tung con đường đắp cao nối hòn đảo Singapore với bán đảo Malaysia. Singapore bị bao vây và cuối cùng là đầu hàng vào tháng 2-1942.
Sự thua trận của người Anh, một trong những chiến bại nhục nhã nhất mà đế chế này từng trải qua, đã làm thay đổi cách nhìn nhận của Lý Quang Diệu về thế giới. Kể từ ngày thành lập Singapore đến khi đó, “uy quyền tối thượng của người da trắng chưa từng bao giờ bị nghi ngờ,” Lý Quang Diệu viết. “Vị thế bề trên của người Anh trong chính phủ và xã hội đơn giản đã là một điều hiển nhiên của cuộc sống”.
Tuy nhiên, ông cho rằng với các trận thắng của người Nhật, “xã hội thuộc địa của Anh đã bị tiêu tan, và cùng với nó là tất cả mọi giả định về sự ưu việt của người Anh”. Thất bại của Anh là một thời khắc có ảnh hưởng mạnh đến cuộc đời của Lý Quang Diệu về sau.
Maurice Baker, một người bạn thời đại học của Lý Quang Diệu, nói về ông: “Động cơ chủ yếu thúc đẩy Lý Quang Diệu bước vào chính trường là sự thật Nhật Bản đã đánh bại Anh trong vòng khoảng 30 ngày… Tôi nhớ ông ấy đã nói: ‘Chúng ta không được để cho điều này xảy ra lần nữa. Chúng ta phải bảo vệ chính mình và chăm lo cho chính mình. Hãy tự nắm quyền kiểm soát và điều hành đất nước’.”
Khi chiến tranh kết thúc và người Anh quay trở lại Singapore, Lý Quang Diệu ghi danh theo học luật tại trường Đại học Cambridge của Anh. Ông trở nên rất năng động về chính trị, tham gia vào một nhóm nghiên cứu không chính thức của các sinh viên đến từ Mã Lai và Singapore gọi là Diễn đàn của người Mã Lai. Trong suốt bài diễn văn phát biểu nhân một buổi họp, Lý Quang Diệu đã nói với nhóm sinh viên bạn hữu của mình rằng họ cần phải theo đuổi sự nghiệp chấm dứt chế độ cai trị của Anh.
Ông kêu gọi: “Nhiệm vụ của chúng ta đã rõ ràng: đánh đuổi về nước thậm chí tên đế quốc phản động nhất mà vị thế đã lung lay, không còn khả năng cố thủ.” Tuy nhiên, khi quay trở lại Singapore vào cuối năm 1950, Lý Quang Diệu phát hiện ra đảng Cộng sản Singapore đã trở thành lực lượng chính trị dẫn dầu tại hòn đảo này. Lý Quang Diệu quyết tâm ngăn không để Singapore rơi vào tay họ bởi những bất đồng của ông với tổ chức này ở đảo quốc sư tử.
Lý Quang Diệu bắt đầu xây dựng một nền tảng sự nghiệp chính trị khi đang giữ vai trò đại diện cho nghiệp đoàn Singapore trong các vụ tranh chấp lao động. Sau một vài vụ thắng lợi, Lý Quang Diệu trở thành chiến sĩ đấu tranh bảo vệ quyền lợi của tầng lớp lao động Singapore. Vào năm 1953, ông tập hợp một nhóm những người theo cánh tả tham dự nhiều cuộc họp tổ chức trong tầng hầm nóng nực, ngột ngạt tại nhà mình để bàn về việc hình thành một chính đảng mới.
Những phiên họp này đã dẫn tới sự ra đời của Đảng Nhân dân hành động (PAP) vào năm 1954. Trong vòng 5 năm sau, chính đảng PAP của Lý Quang Diệu đã cố gắng vượt qua các đối thủ trong một loạt các liên minh phức tạp và trong các cuộc đàm phán với giới chức Anh, các phong trào chính trị đối địch.
Thanh thế đi lên của Lý Quang Diệu xảy ra trùng hợp với thời điểm mẫu quốc Anh rút đế chế cai trị của mình khỏi Singapore. Người Anh cho phép Singapore có một mức độ tự trị lớn và đảng PAP của Lý Quang Diệu đã giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1959. Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng.
Năm 1961, Tunku Rahman Abdul, Thủ tướng của Liên bang Mã Lai - quốc gia vừa mới độc lập khỏi sự cai trị của Anh - đã đưa ra một cơ hội cho Singapore của Lý Quang Diệu bằng lời đề nghị cùng thành lập một liên bang. Lý Quang Diệu tin rằng việc sáp nhập này sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế vì nó giúp đưa Singapore nhỏ bé trở thành một phần của một thị trường rộng lớn hơn.
Năm 1963, cả hai cùng với nhiều thuộc địa khác của Anh trên đảo Borneo thành lập nhà nước Malaysia. Liên bang này bị yểu mệnh ngay từ khi mới bắt đầu. Mục tiêu chính của Tunku, một nhà dân tộc chủ nghĩa Mã Lai, là nâng cao vị thế của cộng đồng người Mã Lai lạc hậu. Ông này nhìn nhận Liên bang Malaysia mới khai sinh như là một phương tiện để đẩy mạnh vai trò thống trị của người Mã Lai.
Ngược lại, Lý Quang Diệu lại xem Malaysia là một nhà nước hiện đại cần theo đuổi sự công bằng trong phân chia cơ hội cho tất cả các cộng đồng dân tộc của nó. Tư tưởng tiến bộ này đã khiến cho chính quyền trung ương Malaysia nổi giận trước cách đối xử của Lý Quang Diệu.
Mối quan hệ giữa Lý Quang Diệu và vị Tunku xấu đi và ông đành miễn cưỡng chấp nhận một sự thật rằng liên bang đã kết thúc. Ông đồng ý đàm phán tách khỏi liên bang vào năm 1965. Singapore tự đứng một mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận