12/12/2006 07:09 GMT+7

Những "Gavroche" Hà thành

TRẦN ĐÌNH TÚ
TRẦN ĐÌNH TÚ

TT - Gavroche là tên nhân vật “chú bé liên lạc” trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của nhà văn Pháp Victor Hugo viết về cuộc khởi nghĩa của nhân dân lao động Pháp.

Kỷ niệm 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2006)

x9XuhMzb.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Dũng bên vườn nhà ở Hà Tây - Ảnh:T.Đ.Tú

Kỳ 1: Tuổi thơ dữ dội

Trong một trận chiến, chú bé Gavroche đã băng mình ra ngoài chiến lũy đến bên xác bọn lính đem đạn về cho nghĩa quân và hi sinh anh dũng.

Đó cũng là hình ảnh của những Vệ út trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Con thoi dưới làn lửa đạn

Ngang dọc dưới những làn lửa đạn, những Vệ út vẫn lao ra để truyền mật lệnh chiến đấu, làm liên lạc viên, tiếp tế cứu thương và có khi trực tiếp cầm vũ khí chống lại kẻ thù.

Tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mang trong mình những vết thương, Vệ út Nguyễn Văn Phúc trở về cuộc sống đời thường trong căn nhà nhỏ ở phố Minh Khai, Hà Nội.

Trong ký ức của ông, những trận đánh ngăn quân Pháp tại Bắc Bộ Phủ 60 năm trước thật không thể nào quên: “Đó là ngày 20-12-1946 - một ngày sau khi Hà Nội nổ súng kháng chiến. Cả đêm hôm trước đơn vị tôi (đại đội 15, tiểu đoàn 103) quần nhau với địch tranh từng góc sân, từng ngôi nhà tại Bắc Bộ Phủ. Đến mờ sáng, quân Pháp vẫn giậm chân tại chỗ vì sự kiên cường của vệ quốc quân”.

Đến gần 8 giờ sáng hôm sau, quân Pháp lại chuẩn bị tấn công với sự yểm trợ của xe tăng. Từ trên cửa sổ gác hai nhà Bắc Bộ Phủ, Vệ út Nguyễn Văn Phúc nhìn thấy quân Pháp tràn vào nên cấp báo ngay với Lê Gia Định - chính trị viên đại đội. Anh Định nghe xong ra lệnh: “Đi báo với tất cả đại đội im súng, chờ giặc tới gần vùng mới bắn và dùng lựu đạn tiêu diệt tạo bất ngờ. Tránh bắn sớm, đạn còn rất ít”.

SFcM3F9Q.jpgPhóng to

Những Vệ út ở ngoại thành Hà Nội năm 1947 - Ảnh tư liệu

60 năm sau, hơn 175 Vệ út năm xưa giờ chỉ còn lại hơn 10 người. Những cậu bé tóc còn để trái đào ngày ấy bây giờ đã bạc cả mái đầu. Ông Nguyễn Văn Hiếu - người Vệ út ở đại đội 16, tiểu đoàn 103 - kể: “Những ngày thủ đô kháng chiến, những Vệ út chúng tôi cũng đâu có biết hết nhau. Đứa chiến đấu ở đơn vị này đứa chiến đấu ở đơn vị khác, có được gặp mặt nhau cũng chỉ ở những bức tường hay giao thông hào khi đưa mệnh lệnh chiến đấu hay làm liên lạc viên. Ấy vậy mà cứ hễ có thời gian là mấy đứa lại túm tụm lại chơi những trò hồn nhiên của trẻ. Chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu chiến tranh và cái chết là rất gần nhau”.

Câu chuyện bây giờ được nhiều Vệ út nhắc đến nhất vẫn là câu chuyện về một mái nhà chung của Vệ út sau khi đã rút khỏi thủ đô Hà Nội lên Đại Từ (Thái Nguyên). Ông Đặng Văn Tích kể: “Các Vệ út cũng theo các anh chị ở trung đoàn Thủ đô rút đi. Lên đến Thái Nguyên đoàn quân Vệ út chỉ còn khoảng 120 người được tập trung làm hai đại đội. Đây là sự may mắn duy nhất để tất cả Vệ út trong 60 ngày đêm có thể gặp mặt nhau”. Ông Nguyễn Văn Lộc nhớ lại: “Những Vệ út đã được sống cùng trong một mái nhà, chia nhau cái đói thắt lòng và cái rét se sắt trên miền chiến khu. Chưa biết mặt, không hề biết tên nhưng Vệ út nhanh thân nhau lắm”.

Anh Định đưa cho Vệ út Phúc một ít đạn loại súng trường đem sang vườn hoa Chí Linh. Phúc vừa xuống đến sân đã nghe đạn vèo vèo sượt qua tai, nhưng cũng cố lao lên phía vườn hoa Chí Linh thông báo mệnh lệnh. Do ta thực hiện đúng chiến thuật nên quân Pháp bị tổn thất nặng và tạm rút lui. Đó cũng là lần cuối Phúc gặp chính trị viên Định vì hai giờ sau, quân Pháp lại tràn đến...

Cùng lúc đó, đơn vị chiến đấu ở Bắc Bộ Phủ nhận lệnh từ tiểu đoàn tạm rút quân về phía Bờ Hồ để tránh tổn thất chờ cơ hội phản kích. Vệ út Phúc xin ở lại nhận nhiệm vụ: cùng một số người ở lại làm chốt chặn địch để đại đội rút an toàn.

Ông Phúc nhớ lại: “Lúc ấy dường như trong đầu tôi không có khái niệm thế nào là chết nên không hề sợ hãi. Anh Mộng Hùng, đại đội trưởng, đưa cho tôi một quả lựu đạn và dặn: địch đuổi sát thì mở chốt ném ngay. Nhưng đã quá mệt mỏi, quân Pháp không đuổi theo. Trong trận ấy tôi nghe các anh ở tiểu đoàn nói chúng ta cũng có nhiều người hi sinh, trong đó có Vệ út làm liên lạc, tôi không được biết mặt mà bây giờ cũng không còn nhớ tên ai”.

Cứu nguy giữa chợ Đồng Xuân

Tư liệu lịch sử viết về trung đoàn Thủ đô “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” do nguyên chính ủy Lê Trung Toản viết: “Càng đến những ngày cuối cùng của 60 ngày đêm, cuộc chiến giữa ta và quân Pháp ngày càng ác liệt. Chiến tranh diễn ra trên từng ngõ phố, trên mỗi mái nhà, quân Pháp muốn chiếm được phải tốn rất nhiều, nhưng để giữ vững được quân ta cũng có những tổn thất về quân số. Trong mỗi trận chiến, nhiều người đã lập công lớn, trong đó có chiến công của những em nhỏ tuổi như trận Hàng Thiếc, Đồng Xuân...”.

Tôi tìm về xã Đức Thượng, Hoài Đức (Hà Tây) gặp ông Nguyễn Văn Dũng, một Vệ út có mặt trong trận đánh Đồng Xuân nổi tiếng ngày ấy. Ông lần mò những kỷ vật, đưa ra mấy tờ giấy bản cũ ghi lại ký ức của ông trong trận đánh ấy, nhưng nghĩ sao ông lại thôi.

Ông nói để ông kể lại bằng chính ký ức 60 năm không quên của mình: “Lúc đó tôi làm liên lạc cho trung đội 1, tiểu đoàn 101 trực tiếp chiến đấu bảo vệ chợ Đồng Xuân. Mấy hôm trước trận đánh, nghe các anh Vệ quốc nói Pháp sẽ tấn công nhưng không ngờ chúng đổ bộ nhanh quá. Sáng sớm 14-2-1947, đang ngủ trong lều tại một rạp chiếu bóng cũ ở phố Hàng Chiếu, nơi ban chỉ huy tiểu đoàn đóng, thì anh Bảng - trung đội phó - gọi giật: “Dũng! Tập trung! Quân Pháp chuẩn bị đánh”.

Tôi bật ngay dậy và được anh phân công xách một bị lựu đạn chạy theo anh băng ngang về phía chợ. Tuy bé tôi cũng được anh cho mang thêm khẩu súng Browning 7,65 li và trên cổ đeo tràng đạn vắt vai do tự vệ thành để lại trông khá oai”.

Khi chạy, Vệ út Dũng chỉ nghe tiếng đạn réo ào ào chung quanh. Phía trên, máy bay của Pháp lượn vòng ném bom sát sạt vào trung tâm chợ, những mảng tôn lớn của mái chợ Đồng Xuân bị lật tung trông rõ cả trời xanh. Pháp đưa súng cối và đại bác bắn vào chợ, năm xe tăng yểm hộ bộ binh dàn quân tiến lên.

Lúc này Vệ út Dũng đang theo anh Bảng đánh địch ở khu bán bát đĩa, nhiều người của ta bị thương, đạn cũng đang cạn dần. Trong tay anh Bảng chỉ còn vài quả lựu đạn cuối cùng, anh gọi: “Dũng, về ban chỉ huy tiểu đoàn xin thêm lựu đạn. Nhanh!”. Vệ út không kịp đáp, chạy vượt qua những khu chợ giáp mặt quân Pháp, những tia đạn như đuổi theo rất rát.

Về ban chỉ huy tiểu đoàn, Vệ út Dũng nhận thêm một bị lựu đạn và được chỉ huy dặn dò: “Không được làm mất dù chỉ một quả. Truyền lệnh cho các trung đội bên ấy phải quyết tâm giữ vững”. Khá nặng so với sức một đứa trẻ, Vệ út gồng mình lao qua các dãy phố, trèo qua những chướng ngại vật trở lại trung đội. “Lúc này, trung đội không còn một viên đạn đang trông chờ vào tôi.

Tôi nghe tiếng anh Bảng: Sống rồi! Tất cả nhận thêm lựu đạn chiến đấu! Quân Pháp tiếp tục xông lên. Những quả lựu đạn được vung ra. Những tên Pháp gục xuống và lùi sâu về phía sau. Đến xẩm tối, quân Pháp bị chặn lại ở khu phía Hàng Đường, Hàng Mã. Chợ Đồng Xuân vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân ta” - ông Dũng tự hào nhớ lại.

______________________

Trong số những thiếu niên tình nguyện ở lại bảo vệ thủ đô và xông lên chiến hào ngày ấy có một cô bé - nữ Vệ út duy nhất ở Hà Nội. Nhớ lại chuyện xưa là nhớ lại kỷ niệm đầy ắp yêu thương: Ngoài kia súng còn nổ/Chinh chiến gác tình quê/Ngày mai vui độc lập/ Mẹ ơi con sẽ về.

Đón đọc kỳ tới:Nữ Vệ út và báu vật 60 năm

TRẦN ĐÌNH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên