03/10/2018 11:58 GMT+7

Những đứa trẻ bị… giằng xé

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Con cái là tài sản quý giá nhất của một cuộc hôn nhân. Cũng vì thế khi chia tay ai cũng muốn được quyền trực tiếp nuôi con. Cuộc chiến giành con đã vô tình biến đứa trẻ thành nạn nhân bị cha mẹ “giằng qua xé lại”.

Những đứa trẻ bị… giằng xé - Ảnh 1.

Có lẽ chẳng đứa trẻ nào muốn lựa chọn ở với ba hay ở với mẹ. Thế mà chỉ mới 6 tuổi, bé T. đã phải chọn một trong hai người thân...

Tổ ấm vỡ đôi

Anh, 39 tuổi, đeo kính cận, dáng người gầy gò, áo sơmi ủ rũ, nhăn nheo. Bên cạnh, chị, 37 tuổi, mái tóc dày xen lẫn vài lọn hoe hoe đỏ, mặc áo sơmi giả jeans, quần kaki xám. Phòng xử của tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND TP.HCM vốn nhỏ hẹp, nguyên đơn - bị đơn ngồi cạnh nhau nhưng chẳng nhìn nhau lấy một lần. Giữa họ như có một bức tường vô hình ngăn cách khiến không gian càng trở nên ngột ngạt.

Sáu năm về trước, họ vô tình gặp nhau trong một lần đi du lịch Nha Trang. Anh là con trai duy nhất của gia đình trí thức, cả cha và mẹ đều là giáo sư có tiếng. Còn chị làm nhân viên kế toán trong một siêu thị lớn, thu nhập ổn định. 

Sau cuộc gặp gỡ định mệnh, họ nhanh chóng trở thành vợ chồng. Thế nhưng cuộc hôn nhân chóng vánh không vượt qua được những cãi vã, mâu thuẫn trong cuộc sống. Họ vội vã đưa nhau ra tòa.

Quyết định ly hôn ghi nhận: về tài sản chung họ hỏa thuận, còn nợ chung thì không có. Điều vướng bận duy nhất là bé T. 6 tuổi, cô con gái bé bỏng là kết quả của cuộc hôn nhân kéo dài 6 năm. Chị đồng ý để cho anh nuôi dưỡng cháu T., anh không yêu cầu chị phải cấp dưỡng nuôi con.

Mỗi người mỗi ngả, chị có thêm con nhỏ, còn anh vẫn chưa dám đi bước nữa để có thời gian chăm sóc cho con. Cuộc sống tưởng chừng yên ắng như vậy cho đến khi chị đâm đơn kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Xét xử sơ thẩm, tòa giao con chung cho chị nuôi dưỡng. Không đồng ý, anh kháng cáo.

Phiên tòa phúc thẩm nóng lên bởi những tiếng đối đáp chan chát giữa hai bên. Anh cho rằng chị không có công việc ổn định. Chị nói rằng chị đang là giám đốc cho một công ty đang trên đà phát triển, thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng. 

Chị "tố" anh và gia đình anh ngăn cản chị đến thăm con, dạy cháu những điều không tốt về mẹ để cháu xa lánh mẹ. Chị cho rằng trong thời gian chung sống anh hay chửi cha mắng mẹ, không đủ tư cách đạo đức để nuôi con. Thậm chí khi đến thăm con chị còn bị cha chồng sàm sỡ.

Anh phản đối, cho rằng những điều chị nói là bịa đặt, chị chỉ đến thăm con vào những khung giờ tréo ngoe, nhân những ngày anh cho con đi chơi. Chị đến trường của con để quậy phá nên anh mới không cho chị biết trường con học nữa, thậm chí chị còn đem cả xăng, đập cửa nhà anh lúc nửa đêm để đòi thăm con... 

"Làm sao tôi có thể đáp ứng được những yêu cầu vô lý đó" - anh giận dữ nói. Trước lời "buộc tội" của chồng cũ, như bị dồn vào đường cùng, người phụ nữ gay gắt đáp trả: "Tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để bảo vệ sự an toàn của con tôi, kể cả phải hi sinh tính mạng".

Để lập luận của mình thêm thuyết phục, anh trình cho tòa một đoạn clip luật sư của anh nói chuyện với cháu. Trả lời câu hỏi của luật sư: "Con muốn ở với ba hay ở với mẹ?". Một giọng nói non nớt, nũng nịu cất lên: "Con muốn ở với ba, ba thương con, ba hay cho con đi chơi, nếu ở với mẹ con sẽ chết luôn...". Chị cười khẩy: "Anh đã dạy con như thế, chia cắt tình cảm mẹ con tôi".

Những bằng chứng được người trong cuộc thu thập liên tục được đưa ra. Ai cũng cho rằng chỉ ở với mình cháu bé mới có cơ hội phát triển tốt nhất, những lời nặng nhẹ cũng không tiếc tuôn ra, không ai chịu nhường ai khiến HĐXX phải quyết định tạm ngừng phiên tòa để các bên cung cấp thêm chứng cứ.

Anh em chia lìa

"Mẹ ơi, con muốn về ở với mẹ và anh Hai, con nhớ mẹ lắm..." - dòng chữ nguệch ngoạc được cậu bé 8 tuổi viết vội vàng trên mảnh giấy học sinh gửi cho mẹ. Cầm trên tay lá thư viết vội của con, nước mắt chị Quyên chảy dài. Suốt mấy tháng nay, cứ nghĩ đến con chị lại khóc. Vì không thể tiếp tục chung sống với người chồng cờ bạc, rượu chè, chị quyết định ly hôn. 

Nghĩ mình ra đi tay trắng nghèo khổ nên hai đứa con trai chị giao cho chồng chăm sóc. Tuy nhiên, một thời gian sau anh chồng đã trả lại cậu con trai lớn cho chị nuôi dưỡng. Đứa lớn tên Nguyên về ở với mẹ, còn đứa nhỏ là Bảo ở lại với cha. Hai anh em thường ngày quấn quýt với nhau nay mỗi người mỗi ngả.

"Ngày..., mẹ ơi, con buồn lắm, con đi học về không có cơm ăn, con phải tự chiên trứng, dầu bắn lên rất đau", "Ngày..., cả nhà đi hết, con rất sợ bóng tối. Con muốn về ở với mẹ"... Mỗi bức thư ngắn ngủi của cậu con trai út cứ như một nhát dao đâm vào lòng chị Quyên. 

Thiếu tình thương của mẹ, cô đơn, tủi thân trong căn nhà rộng rãi nhưng vắng hình bóng cha, Bảo nhiều lần viết thư kể lại những chuyện xảy ra trong gia đình cho mẹ. 

Thương con, chị Quyên chỉ có thể đến thăm con một vài phút nghỉ trưa ở trường vì: "Nếu để cha cháu biết được, về nhà Bảo lại bị nhà nội dằn vặt" - chị nuốt nước mắt vào lòng nói.

Trái lại, sống với mẹ, Nguyên tháo vát hẳn lên, ngoài thời gian đi học ở trường em xông xáo phụ mẹ bán hàng, dọn hàng. Nhắc đến Bảo, Nguyên buồn bã hẳn: "Thỉnh thoảng học xong, con mang cơm và đồ chơi vào cho em, nó bảo nhớ mẹ và anh, con mong là em sẽ được về ở với con...".

Để hai anh em đoàn tụ, chị quyết định kiện ra tòa để giành quyền nuôi con. Chị Quyên nói rằng chia cắt hai anh em hay giành con từ tay chồng bằng mọi giá là điều chị không muốn, chị chỉ mong các con sẽ sống yên ổn và vui vẻ. 

"Ở với cha hay với mẹ thì cũng không đầy đủ, sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc đã là bất hạnh của những đứa con, lỗi lầm của người lớn nhưng trẻ con lại phải gánh chịu, tôi không muốn để con phải suy nghĩ, dằn vặt thêm nữa, giá như lúc trước tôi suy nghĩ kỹ, nhẫn nhịn hơn thì các con sẽ bớt khổ..." - chị Quyên thở dài.

Nếu không thể cho con một gia đình hạnh phúc...

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), trong bất kỳ cuộc tranh chấp quyền nuôi con nào, trẻ em là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất. Chúng thường có tâm lý sợ hãi, lo lắng vì đang quen với sống bên cha hoặc mẹ, nay lại phải thay đổi môi trường sống lần nữa.

Thay vì cùng vun đắp cho con một môi trường tốt nhất thì người lớn lại gây khó dễ cho nhau, áp đặt cảm xúc của mình lên con nhỏ, ví dụ như đón con về muộn một tí để trả đũa, để cha/mẹ không gặp được con...

Cho dù chọn sống với cha hay với mẹ thì đứa trẻ cũng bị đặt vào thế có người này thì mất người kia, thiếu thốn sự yêu thương từ một phía, hoặc phải sống xa anh em.

Vì thế, nếu không thể cho con một mái nhà hạnh phúc thì người làm cha mẹ phải cùng nhau bù đắp cho con, bỏ qua những hằn học về nhau để dành những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ.

Xa lánh gia đình sẽ gần ma túy Xa lánh gia đình sẽ gần ma túy

TTO - 7 người chết, 5 người hôn mê sâu tại lễ hội âm nhạc ở công viên nước hồ Tây, Hà Nội vì dùng thuốc kích thích quá liều. Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến phản hồi của bạn đọc xung quanh câu chuyện này.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên