![]() |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Phòng xử án chính của TAND tỉnh Tiền Giang khá rộng vẫn chật kín người. Lực lượng cảnh sát bảo vệ nhiều hơn mọi ngày. Không khí phiên tòa như nóng lên trước giờ xét xử.
Bị cáo đứng trước vành móng ngựa mới ngoài 20 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, mái tóc dài, mặc chiếc áo bà ba màu vàng đậm nét chân quê. Người thiếu phụ có dáng vẻ hiền lành đó là nhân vật chính trong một vụ án mạng làm xôn xao dư luận ở vùng quê hiền hòa với những vườn cây ăn trái bạt ngàn.
Cùng quẫn
Tháng 7-2007, Huỳnh Thị Gọn kết hôn với anh N.T.P. và về sống chung với gia đình chồng ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Gần hai năm sau, Gọn sinh con trai đặt tên là N.H.Đ. và về ở nhà cha mẹ ruột cùng huyện để được người thân chăm sóc. Hơn một tháng sau, ngày 31-7-2009, gia đình của Gọn điện thoại kêu bên sui gia đến rước hai mẹ con Gọn về.
Trên đường đi, P. điều khiển xe gắn máy chở vợ con thì xảy ra tai nạn. Khi mẹ con Gọn về đến nhà thì ông N.V.N. (cha chồng Gọn) lớn tiếng trách mắng vợ con về việc rước mẹ con Gọn về và đập máy điện thoại của gia đình.
Theo cáo trạng, hai ngày sau, đang đêm (khoảng 1g ngày 2-8-2009), Gọn bồng con mới hơn một tháng tuổi ra mé sông Cầu Cống thả cháu bé xuống sông. Trong bóng đêm đen kịt, đứa bé sơ sinh chìm mất hút dưới dòng sông đang chảy xiết.
Sau đó, Gọn nghĩ thương cha mẹ không dám tự tử nên vào nhà mở đèn, đi đến gần giường ngủ lục tung đồ đạc lên rồi khóc kêu chồng dậy và nói: “Con bị ai bắt cóc rồi!”.
Lúc này, cả nhà P. hốt hoảng chia nhau đi tìm cháu Đ. nhưng không gặp nên trình báo công an xã. Hơn ba ngày sau, một người dân ở cùng ấp phát hiện thi thể một em bé trôi trên sông Cầu Cống. Bà ngoại và cô của bé Đ. nhận dạng tử thi chính là bé Đ..
Sau đó tại cơ quan điều tra, Huỳnh Thị Gọn thừa nhận hành vi giết con. Sau cái chết của cháu bé, không chỉ người thân mà cả họ hàng, lối xóm cũng bàng hoàng, đau lòng.
Những dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt người đàn bà trẻ khi trả lời những câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX).
Theo bị cáo, chị thả đứa con mình rứt ruột đẻ ra xuống sông cho chết vì nhớ lại chuyện mình thường xuyên bị cha chồng rầy la, chửi mắng, bản thân không làm ra tiền, chồng thì lệ thuộc vào kinh tế gia đình, sợ sau này con mình bị hắt hủi, khổ sở... Chị đơn độc, bơ vơ trong căn nhà của gia đình chồng, tâm trí cùng quẫn, bế tắc và đã gây ra thảm cảnh đau lòng.
Các thành viên HĐXX hỏi nhiều về tiền sử bệnh tật của bị cáo, các biểu hiện về khủng hoảng tâm lý.
Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị cáo nhấn mạnh đến căn bệnh trầm cảm sau khi sinh của một số sản phụ mà theo luật sư, đó là nguyên nhân chính gây ra vụ án mạng đau lòng này.
Thương quá, bé thơ ơi!
Người chồng là đại diện cho nạn nhân - đứa con trai sơ sinh của mình. Đó là một thanh niên nông thôn, ăn mặc xuề xòa, dáng người gầy guộc, da ngăm đen, gương mặt buồn hiu hắt, nói năng nhỏ nhẹ, thật thà. Anh là con trai độc nhất trong gia đình, làm vườn, rảnh rỗi thì đi phụ hồ.
Vị chủ tọa phiên tòa hỏi:
- Về mặt dân sự, anh có đòi bị cáo bồi thường không?
- Dạ, không.
- Anh có trình bày gì thêm không?
- Dạ, xin quý tòa giảm nhẹ tội cho vợ tôi.
- Anh còn thương vợ anh không?
- Dạ còn!
Được HĐXX cho nói lời sau cùng, người mẹ trẻ nói nghẹn ngào xen lẫn tiếng khóc nức nở. Ít ai nghĩ người phụ nữ kia lại có thể dữ hơn cọp vì “Hùm dữ chẳng nỡ ăn thịt con”.
HĐXX vào trong nghị án, bỗng những tiếng kêu khóc xé lòng vang lên làm náo động cả phòng xử án. Đó là cô ruột của cháu Đ., chị chồng của Gọn. Cô uất ức vì cái chết oan nghiệt của cháu mình, đứa cháu nội đầu lòng của gia đình mà cô hết mực thương yêu. Cô nhớ lại giây phút nhận dạng cháu mình ở cạnh bờ sông, một nhúm hình hài lạnh ngắt, bợt bạt...
Cảnh sát bảo vệ, những người thân phải can thiệp, khuyên lơn rất lâu, không cho cô đôi co với bà mẹ của bị cáo. Cái chết của cháu bé đã đào một hố sâu đầy căm hận, ngăn cách hai bên gia đình.
Sau khi lượng hình, xem xét hết mọi tình tiết giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Huỳnh Thị Gọn 8 năm tù về tội “giết người”.
Người đàn bà trẻ tra tay vào còng, lầm lũi đi theo công an áp giải ra ngoài. Tám năm tù hay nhiều hơn nữa chắc chắn cũng không làm cho lương tâm chị nhẹ nhàng hơn.
Căn phòng xét xử đầy tiếng ồn ào. Một bà cụ tóc bạc trắng - mẹ ruột của bị cáo - ngồi ngẩn ngơ ở một góc phòng, lặng lẽ để rơi những dòng nước mắt...
Cái chết tức tưởi của cháu N.H.Đ. không phải là trường hợp hiếm hoi. Báo chí vẫn đăng tin đó đây có những đứa trẻ đã phải cùng chết theo vì cha (hoặc mẹ) tự tử.
Đau lòng hơn nữa là trường hợp mới đây ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Ngày 3-4-2010, Phạm Thanh Phương, do bị vợ từ chối quan hệ vì mới sinh con được một tháng, đã đập phá tài sản trong nhà rồi giật đứa con nhỏ ném xuống nền nhà khiến bé chết tại chỗ.
Tại sao tội ác lại có thể xảy ra dễ dàng như thế? Có lẽ những bậc làm cha, làm mẹ trong những vụ án đau lòng trên đã có một tâm thế bị lệch hướng nên sinh ra những ứng xử sai lầm, những hành động dẫn đến tội ác.
Những vụ án như trên đã đánh động dữ dội về giềng mối gia đình, đạo đức xã hội cũng như đạo lý làm người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận