![]() |
Mà đời đâu phải chỉ có tấm vé máy bay tuyến Sài Gòn - Chu Lai. Khi xăng rục rịch muốn tăng giá, các chuyên gia kinh tế và báo chí đã cảnh báo rõ rằng bán xăng như vậy là có lời rồi, xin đừng tăng để mọi thứ vật giá tăng theo. Bề trên mặc kệ, vẫn cho tăng giá. Nay giá xăng trở về mức cũ thì nhiều thứ vật giá khác vẫn không chịu xuống, đặc biệt là trong khu vực vận tải. Giá vé máy bay, xe đò, xe lửa, tàu thủy, vận chuyển hàng hóa… đều tăng và “cố thủ”. Quả là một chuyện vô lý đến lạ lùng.
Xăng tăng giá nên giá điện, giá nước cũng tăng. Xăng đã giảm giá nhưng giá điện, giá nước vẫn giữ y. Nghĩa là tăng được rồi thì phải ráng giữ mức mới, cương quyết không lùi bước. Ngành điện, ngành nước giải thích rằng bởi trên đời có cái gọi là “chỉ số thất thoát” - điện thất thoát qua đường dây, nước thất thoát qua ống bể - nên phải giữ giá để bù lỗ. Than ôi, chuyện là chuyện chuyên môn của quý ngành; quý ngành làm không xong bèn nắm đầu hàng triệu người tiêu dùng bắt “chúng nó” bù lỗ. Điều vô lý ấy vẫn diễn ra dài dài.
Chúng ta nói: Phải phát triển đồng bộ. Nhiều năm qua, bà con nông dân đồng bằng miền Trung trồng lúa và hoa màu đủ ăn, cuộc sống vui vẻ, thoải mái. Thế nhưng, phong trào thủy điện trăm hoa đua nở. Họ chơi cha, chận dòng nước thượng nguồn để quay turbine phát điện, khiến nước không về đủ dưới hạ du. Sông khô, hồ cạn; lúa chết, hoa màu chết. Thủy điện A Vương chặn dòng Vu Gia, khiến hàng trăm ngàn dân thành phố Đà Nẵng thiếu nước uống. Thủy điện Đăk My 4 và Sông Tranh 2 chặn dòng sông Thu khiến lúa và hoa màu ở Duy Xuyên, Điện Bàn chết ráo; thành phố Hội An thiếu nước uống, du khách bỏ… đi chơi chỗ khác. Thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ chặn dòng sông Ba khiến thành phố Tuy Hòa và hai huyện kế cận khô hạn, thiếu nước uống. “Thủy điện chơi cha, vạn nhà chết khát” - câu tục… tĩu ngữ ấy thật vô lý đến cùng cực.
Trên đây là chuyện to béo, còn đây là chuyện nhỏ xíu: chuyện về “vương quốc” Quảng Vinh (Quảng Xương, Thanh Hóa): Thông tin của Đài Truyền hình trung ương và báo chí cho biết xã này có 254 cán bộ, trong đó có 40 cán bộ xã, còn lại là cán bộ thôn! Toàn xã có 2.000 hộ dân; trung bình 8 hộ dân thì được 1 cán bộ “chăm sóc”. Ngân sách của xã hàng năm chỉ khoảng 400 triệu đồng, cho nên xã bắt dân tích cực đóng phí. Mỗi hộ dân phải đóng cho xã 13 khoản phí; xuống đến thôn “chế” ra thêm 6 khoản nữa, vị chi là 19 khoản. Tính ra, một hộ dân sản xuất được 500 ký lúa mỗi mùa thì phải đi đứt 100 ký để nuôi cán bộ!
Một chuyện thái thậm vô lý đến như vậy tồn tại trong nhiều năm mà huyện và tỉnh không can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho dân; chỉ đợi đài báo nói đến thì mới “Để chúng tôi nắm lại tình hình”. Có lẽ các hộ dân cũng mong cho con mình đi học, làm được cái chức cán bộ thôn để “dễ thở” một chút, nhưng è cổ ra đóng 19 khoản phí này thì e con đường tương chao đó còn xa!
Túm lại, cuộc sống đang tồn tại lắm điều vô lý khó có thể cắt nghĩa được. Luận lý học Tây phương nói cái gì là “Mọi sự hiện hữu đều hợp lý; mọi sự hợp lý đều hiện hữu” (Tout ce qui est réel, est rationnel; tout ce qui est rationnel, est réel). Chữ “hợp lý” (rationnel) còn được hiểu là lý trí có thể cắt nghĩa được một cách rõ ràng.
Xin lỗi quý ông luận lý học Tây phương nhá! Cuộc sống chúng tôi đang hiện hữu lắm điều vô lý; từ nhỏ tới vừa vừa, tới bự. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức để cắt nghĩa nó, làm cho nó hợp lý như quý ông nói; thế nhưng chúng tôi không thấy nó hợp lý chút nào! ngược lại, càng cắt nghĩa thấy càng vô lý. Đâu, quý ông lý luận giỏi, cắt nghĩa giùm cho chúng tôi nghe chơi một bữa!
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận