03/10/2013 00:01 GMT+7

Những điều cần lưu ý trong bữa ăn ở vùng bão lũ

Nguồn: Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế
Nguồn: Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế

Tin dịch vụ - Việc tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh trong và sau bão lụt sẽ giúp người dân có sức khỏe, phòng tránh được một số bệnh.

Yêu cầu bữa ăn gia đình phải đảm bảo được:

- Nhóm lương thực: gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô, bánh mì... Ngoài gạo còn có các loại lương thực khác như khoai (khoai lang, khoai môn, khoai nước, khoai sọ, khoai tây); củ (củ sắn, củ dong, củ từ, củ mỡ...).

- Nhóm chất đạm: thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu, vừng... Có thể tận dụng các thực phẩm dễ kiếm từ nguồn ao, hồ, sông, đồng ngập nước (cá, tôm, lươn, ốc, ếch...).

- Nhóm chất béo: gia đình nào có mỡ thì dùng mỡ, có dầu thì dùng dầu; ngoài ra có thể dùng đậu phụ, sữa đậu nành, vừng, đậu phộng là những thức ăn giàu chất béo.

- Nhóm vitamin và chất khoáng: rau xanh, quả chín là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin và chất khoáng trong bữa ăn. Nên tận dụng các loại rau, củ quả có thể kiếm được ở địa phương. Rau phát triển rất nhanh nên cần khuyến khích trồng ngay để cứu đói sau lũ lụt. Ngoài rau trồng, còn có thể sử dụng nhiều loại rau mọc hoang dại như rau vòi voi, rau cải trời, rau dệu, rau diếp cá, rau dền gai, rau khúc, rau sam, rau tàu bay, các loại măng rừng… Rau quả nên dùng tươi, tránh dập nát, rửa xong mới thái, thái xong nấu ngay rồi ăn ngay để tránh hao hụt vitamin.

Ds3AbyMu.jpg

- Cố gắng ăn 3 bữa trong ngày: sáng – trưa – tối.

- Ăn uống mất vệ sinh sẽ sinh bệnh, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi thiếu thốn, khó khăn cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh.

- Dùng nước máy, nước giếng, nước mưa, sông suối… đã qua xử lý hoặc lắng lọc. Nước phải trong, không màu, không mùi, không vị lạ. Nếu nguồn nước có nghi ngờ nên đề nghị cơ quan y tế kiểm tra. Nước đun sôi để nguội cũng chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ.

- Rau quả phải rửa kỹ dưới vòi nước chảy hoặc rửa 3-4 lần bằng nước sạch trong chậu rửa to, các loại quả cần rửa sạch, gọt vỏ rồi mới ăn.

- Để bảo đảm an toàn nên ăn ngay khi thức ăn còn nóng, vừa nấu chín xong.

- Đối với các thực phẩm không cần nấu chín như chuối, cam, dưa và các loại quả khác thì cần ăn ngay khi vừa bóc vỏ hay cắt ra.

- Phải đun lại thức ăn cũ (còn thơm, không ôi thiu) ở nhiệt độ sôi ngay trước khi ăn.

- Thức ăn cần được che đậy tránh bụi, ruồi nhặng hay sự xâm nhập của côn trùng, gặm nhấm và các động vật khác.

- Rửa ray bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Không dùng tay bốc thức ăn.

- Không chế biến thực phẩm hoặc phục vụ ăn uống khi đang đau bụng, tiêu chảy, sốt, nôn, nhiễm khuẩn ngoài da hoặc các bệnh lây truyền khác.

- Không sử dụng các loại lá bẩn, giấy viết cũ, sách báo, giấy in, túi nilon tái sinh có màu để gói thức ăn chín.

- Làm vệ sinh môi trường, và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.

Nguồn: Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên