Ảnh minh họa. Nguồn: everydayhealth.com
Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là gì?
- VKDT là bệnh lý viêm mạn tính, ảnh hưởng toàn thân, đặc biệt là gây viêm khớp, biểu hiện sưng, nóng, đỏ, cứng khớp và giới hạn cử động. Bất kỳ khớp nào cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Ngoài khớp, các cơ quan khác cũng có thể bị tổn thương như tim, phổi, da, mắt.
- Cứng khớp buổi sáng là triệu chứng thường gặp trong VKDT, có thể kéo dài trên 1 giờ. Một số bệnh lý khác cũng có thể gây cứng khớp buổi sáng như thoái hóa khớp, nhưng thường không kéo dài như VKDT, mà chỉ khoảng dưới 30 phút.
- Tổn thương khớp đặc trưng của VKDT là viêm màng hoạt dịch, phá hủy sụn và bào mòn xương dưới sụn, gây hủy hoại khớp không hồi phục dẫn đến mất chức năng vận động.
Tại sao chúng ta bị viêm khớp dạng thấp?
- Hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta gồm nhiều loại tế bào khác nhau giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn, nấm... Ở những bệnh nhân VKDT, hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, tự tấn công, chống lại các tế bào và các cơ quan của cơ thể, dẫn tới các biểu hiện của bệnh. Do đặc điểm này, VKDT được xếp vào nhóm bệnh tự miễn, tức cơ thể tự tạo kháng thể chống lại các thành phần trong cơ thể.
- Chính xác nguyên nhân nào khiến hệ miễn dịch rối loạn và bắt đầu tấn công các mô khỏe mạnh trong VKDT vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên một số yếu tố được tìm thấy có vai trò quan trọng trong bệnh sinh của VKDT, như yếu tố môi trường và di truyền. Các nghiên cứu tìm thấy có mối tương quan giữa VKDT với một số tác nhân gây bệnh như vi trùng (mycoplasma), hoặc virus (epstein-barr virus, cytomegalovirus, parvovirus, và rubella virus). Vai trò cua di truyền trong VKDT thể hiện qua các cặp sinh đôi đồng trứng có tỉ lệ cùng mắc bệnh VKDT cao hơn so với các cặp sinh đôi khác trứng, đồng thời có mối tương quan giữa VKDT với các gen HLA-DR4, HLA-DR1.
Những người nào dễ bị viêm khớp dạng thấp?
Khoảng 0,5% đến 1,5% dân số trên thế giới bị VKDT. VKDT có thể xảy ra ở tất cả các chủng tộc và tất cả các lứa tuổi, tuy nhiên lứa tuổi thường bị bệnh nhiều nhất là 30-50. Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2 tới 3 lần.
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán như thế nào?
VKDT có khi khó phát hiện vì bệnh có thể bắt đầu bằng những triệu chứng mơ hồ, như đau nhức khớp hoặc cứng khớp vào buổi sáng. Tuy nhiên, nhiều bệnh viêm khớp khác cũng có thể có triệu chứng tương tự. Vì vậy, khi thấy có một trong các triệu chứng sau đây:
- Cứng khớp thường xuyên vào buổi sáng.
- Đau khớp dai dẳng.
- Đau khớp nặng thêm theo thời gian.
- Khớp sưng, đỏ, nóng và đau khi va chạm.
- Đau khớp có kèm sốt.
- Biểu hiện trên nhiều khớp, đối xứng.
- Đau khớp, mệt mỏi, đôi khi sốt như cúm làm hạn chế vận động, hoạt động hàng ngày.
Cần nhanh chóng đến một trung tâm y tế chuyên khoa để được thăm khám và thực hiện một số xét nghiêm giúp chẩn đoán VKDT. Những xét nghiệm nhằm phát hiện:
- Tình trạng thiếu máu.
- Yếu tố thấp (Rheumatoid Factor- RF) là một tự kháng thể có vai trò trong cơ chế bệnh sinh của VKDT. Yếu tố này tìm thấy trong khoảng 80% bệnh nhân, nhưng chỉ 30% vào giai đoạn khởi phát bệnh.
- Kháng thể peptide cyclic citrullinated (antiCCP) là một protein có vai trò trong cơ chế bệnh sinh của VKDT, tìm thấy trong 60-70% bệnh nhân VKDT.
- Các yếu tố thể hiện mức độ viêm của bệnh như tốc độ lắng máu VS hoặc yếu tố C-reactive protein CRP. Khi bệnh tiến triển, tình trạng viêm càng nặng, các yếu tố này sẽ tăng càng cao.
- X-quang khớp thường không tìm thấy triệu chứng bất thường trong giai đoạn đầu của bệnh. Mặc dù vậy, để theo dõi lâu dài, X-quang rất có ích cho chẩn đoán bệnh đang tiến triển.
Không thể chẩn đoán VKDT dựa trên một triệu chứng lâm sàng, hoặc một kết quả xét nghiêm, mà phải là tổng hợp của tất cả các yếu tố đã nêu trên. Vì vậy cần thiết phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có được chẩn đoán chính xác của VKDT và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Điều trị viêm khớp dạng thấp như thế nào?
Do VKDT là một bệnh tự miễn, nên chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Vì VKDT là một bệnh mạn tính, nên việc điều trị sẽ kéo dài. Tuy nhiên điều trị VKDT đã tiến bộ rất nhiều trong 30 năm qua. Điều trị hiện nay giúp hầu hết bệnh nhân cải thiện được triệu chứng và duy trì chức năng vận động. Nhưng để đạt được mục tiêu này, cần thiết phải bắt đầu điều trị nội khoa thích hợp càng sớm càng tốt, trước khi quá trình hủy hoại khớp không hồi phục xảy ra.
Thuốc đặc trị DMARDs (disease-modifying antirheumatic drugs) thường được sử dụng để điều trị VKDT. Những loại thuốc này không chỉ làm giảm triệu chứng mà còn giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Thông thường, DMARDs được dùng kết hợp với thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) và/ hoặc corticosteroid liều thấp, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng, chức năng vận động và chất lượng cuộc sống cho đa số bệnh nhân. Những thuốc trong nhóm DMARDs thường dùng bao gồm methotrexate, leflunomide, hydroxychloroquine và sulfasalazine. Một số thuốc khác ít được sử dụng hơn như muối vàng, minocycline hoặc các thuốc ức chế miễn dịch azathioprine và cyclosporine do có nhiều tác dụng phụ và hiệu quả không cao.
Bệnh nhân bị bệnh nghiêm trọng hơn hoặc không đáp ứng với DMARDs có thể dùng nhóm thuốc mới được gọi chung là các chế phẩm sinh học. Các chế phẩm được phép lưu hành hiện nay bao gồm abatacept (Orencia), adalimumab (Humira), anakinra (Kineret), certolizumab (Cimzia), etanercept (Enbrel), golimumab (Simponi), infliximab (Remicade), rituximab (Mabthera, Rituxan) và tocilizumab (Actemra ). Các loại thuốc này thường được dùng phối hợp với methotrexate, được đánh giá cao trong cải thiện dự hậu của VKDT.
Những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày nào sẽ giúp ích?
- Bên cạnh sử dụng thuốc, chế độ ăn uống và vận động thể lực thích hợp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị VKDT. Những chế độ ăn uống cân bằng, giảm chất béo bão hòa, giàu omega-3, v.v. sẽ giúp ích cho bệnh nhân.
- Các hoạt động thể lực luyện tập thường xuyên với cường độ thích hợp giúp cải thiện chất lượng sống cũng như chức năng cơ bắp của bệnh nhân VKDT, như đi bộ, leo cầu thang, nhảy dây, bơi lội, đạp xe đạp.
- Đồng thời cần tránh các hoạt động thể lực nặng, các hoạt động gây áp lực mạnh lên các khớp, hoặc nâng các vật nặng. Tuy nhiên bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, giảm vận động khi vào đợt viêm cấp. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên ngành khi muốn bắt đầu hoặc thay đổi quá trình luyện tập.
Cần thăm khám bác sĩ định kỳ
Việc điều trị tốt nhất cho VKDT cần sự phối hợp chuyên môn của một đội ngũ y tế, bao gồm các bác sĩ cơ xương khớp, chuyên viên vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Đồng thời, bệnh nhân cần được thăm khám định kỳ để theo dõi đánh giá diễn biến bệnh và đáp ứng với điều trị, cũng như theo dõi tác dụng phụ của các loại thuốc. Trong trường hợp cần thiết, như bệnh nặng thêm hoặc không cải thiện với những thuốc hoặc các phương pháp điều trị hiện tại, bác sĩ sẽ có những điều chỉnh thích hợp.
Tóm lại, VKDT là một bệnh phức tạp không có nguyên nhân rõ ràng, và có khi không có những triệu chứng đặc hiệu. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị mới có thể đem đến hiệu quả đáng kể cho bệnh nhân. Hiện nay có nhiều loại thuốc cho thấy có hiệu quả trong kiểm soát triệu chứng, và làm giảm tổn thương khớp, cải thiện được dự hậu của bệnh VKDT.
Không nên dùng thuốc corticoid một cách tuỳ tiện. Cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa khớp để xác định chẩn đoán, tư vấn và có kế hoạch điều trị, theo dõi thích hợp nhất. Không có biện pháp điều trị duy nhất nào hiệu quả cho tất cả các bệnh nhân VKDT, đa số các trường hợp đều phải thay đổi điều trị nhiều lần trong suốt quá trình trị bệnh, nên tái khám định kỳ với một bác sĩ chuyên khoa khớp là điều cần thiết.
Nên điều trị sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người được điều trị sớm sẽ tốt hơn trong dự hậu, và có nhiều khả năng để sống một cuộc sống tích cực. Họ cũng giảm thiểu được tối đa nguy cơ bị các loại tổn thương khớp dẫn đến giảm hoặc mất khả năng vận động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận