02/02/2004 21:42 GMT+7

Những điểm mới trong các kỳ thi phổ thông năm 2004

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Ngày 2-2-2004 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị toàn quốc về các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với nhiều thông tin mới liên quan. Đặc biệt, trong đó kỳ thi tốt nghiệp có còn tồn tại, tổ chức như thế nào? Đề thi tốt nghiệp THCS, THPT có tiếp tục ra theo hướng như những năm trước?...

x0r8Uzz7.jpgPhóng to
HS lớp 5 Trường tiểu học Lê Đại Hành, Q.11 - Ảnh: H.HG.
TT - Ngày 2-2-2004 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị toàn quốc về các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với nhiều thông tin mới liên quan. Đặc biệt, trong đó kỳ thi tốt nghiệp có còn tồn tại, tổ chức như thế nào? Đề thi tốt nghiệp THCS, THPT có tiếp tục ra theo hướng như những năm trước?...

Tiểu học: kết hợp với thi học kỳ II

Từ kết quả thí điểm đổi mới hình thức thi tốt nghiệp tiểu học bằng cách kiểm tra định kỳ học kỳ II bằng đề chung và lấy kết quả để xét tốt nghiệp ở sáu tỉnh thành năm 2003, năm nay Bộ GD-ĐT quyết định kỳ thi tốt nghiệp tiểu học trên phạm vi cả nước sẽ được tổ chức như một hoạt động bình thường của nhà trường, không tổ chức những hoạt động như khai mạc, đọc quyết định... trước khi HS vào làm bài.

Hai môn thi toán và tiếng Việt có thời gian làm bài 60 phút. Đề thi do sở GD-ĐT chịu trách nhiệm ra và hướng dẫn chấm thi để bảo đảm việc đánh giá chất lượng trên phạm vi toàn tỉnh, thành. Đề ra theo chương trình 165 tuần đã giảm tải, trọng tâm là chương trình lớp 5. Phòng GD-ĐT duyệt kết quả và cấp bằng tốt nghiệp tiểu học cho HS.

Ngoài phương hướng chung nói trên, theo hướng dẫn chi tiết đối với bậc tiểu học sẽ được chính thức phê duyệt trong tuần tới, chủ trương của bộ đối với kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm 2004 cụ thể như sau: trong lúc chờ Luật giáo dục sửa đổi để có thể chính thức bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, bộ khuyến khích tất cả các địa phương đổi mới, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tiểu học tại trường như một hoạt động kiểm tra, thi thường xuyên theo phương thức kết hợp với kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II, lấy kết quả xét tốt nghiệp và xếp loại HS cuối năm học.

Đối với các tỉnh thành năm 2003 đã thí điểm có thể tiếp tục thực hiện theo phương thức này, tiếp tục cải tiến giảm nhẹ hơn nữa trong khâu tổ chức để giảm bớt căng thẳng tâm lý cho HS, phụ huynh và chính giáo viên.

Trung học: tiếp tục cải tiến khâu ra đề

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng như ý kiến của đại diện nhiều sở GD-ĐT địa phương, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hai năm gần đây, đề thi được coi là một khâu đột phá để đổi mới phương pháp dạy và học, khắc phục tình trạng học tủ, luyện thi... Tuy nhiên kết quả thi tốt nghiệp, đặc biệt là kỳ thi THPT ở một số địa phương còn chưa phản ánh chính xác chất lượng giáo dục.

Nguyên nhân, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, chủ yếu là do khâu coi thi và chấm thi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng nhận định: “Khâu coi thi vẫn đang là khâu yếu nhất trong quá trình tổ chức kỳ thi ở bậc trung học, sự cố, sai sót, vi phạm qui chế chủ yếu xảy ra ở khâu này. Ở một số hội đồng thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, lãnh đạo và người coi thi dường như chỉ “xem thi” chứ chưa “coi thi”, thường thông cảm, dễ dãi đối với thí sinh. Giám thị coi thi “nhẹ tay” đối với HS, không ngăn chặn hiện tượng mang tài liệu vào phòng thi, chưa kiên quyết xử lý HS vi phạm qui chế thi...”.

Bên cạnh đó, một khâu cũng bị đánh giá yếu nữa là chấm thi. Trong đó phổ biến là tình trạng chưa xử lý triệt để hiện tượng bài làm giống nhau. Một số cán bộ chấm thi còn có biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của thí sinh, kết quả chấm rộng hơn qui định trong đáp án chấm, đặc biệt là những bài có mức điểm 4,5-5 điểm.

Đối với các kỳ thi tốt nghiệp trung học 2004, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng cho biết Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục cải tiến khâu ra đề thi. Đối với đề thi bậc THCS đã phân cấp cho địa phương, bộ cũng yêu cầu thực hiện triệt để các nguyên tắc: đề thi ra đúng theo chương trình, sách giáo khoa, phù hợp thực tế trình độ HS, đúng yêu cầu đặt ra cho mỗi kỳ thi và chú trọng phân hóa trình độ HS, khắc phục việc một số đề thi tốt nghiệp vẫn được ra theo hướng lấy nguyên vẹn trong sách giáo khoa, tài liệu, chỉ yêu cầu thuộc lòng, khiến HS vẫn có thể chuẩn bị “phao” tài liệu mang vào sử dụng trong phòng thi.

Đặc biệt là đối với kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT, bộ sẽ tiếp tục ra đề thi theo hướng yêu cầu HS không chỉ thuộc bài mà phải hiểu bài, biết vận dụng. Đồng thời rút kinh nghiệm đề thi năm 2003: mức độ của đề thi các môn phải đồng đều, giảm bớt độ dài của đề thi một vài môn, khắc phục các sai sót như có chi tiết nội dung chưa rõ ràng phải làm đính chính (đề thi vật lý), chi tiết không có trong hướng dẫn ôn tập (môn lịch sử)...

Với sự tham gia của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục trong quá trình xây dựng đề thi tốt nghiệp năm 2004, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thống nhất qui trình ra đề đối với các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh, tổ chức phản biện độc lập đối với các đề thi. Đề thi tốt nghiệp THPT được ra theo hướng kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức của HS, phù hợp với thời gian qui định cho từng môn thi, đề thi ở mức độ mọi HS có học lực trung bình, nếu cố gắng đều có thể tốt nghiệp, tránh ra đề để HS học thuộc, học vẹt, sử dụng tài liệu chuẩn bị sẵn.

Bộ cũng giao Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng cùng với các sở GD-ĐT chuẩn bị tập huấn cán bộ, xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và áp dụng thí điểm trong kỳ thi học kỳ đối với một số môn, chuẩn bị cho việc áp dụng đề thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo một quan chức Bộ GD-ĐT, việc thi tốt nghiệp THPT bằng trắc nghiệm sẽ được thực hiện sớm hơn năm 2006.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên