Thành viên nhóm Bác sĩ hề mũi đỏ (trái) đem lại niềm vui ngày cuối năm cho người nhập cư tại Slovenia. Cuộc khủng hoảng nhập cư đã gây nhiều hệ lụy cho châu Âu trong năm vừa qua - Ảnh: Reuters |
TS Trần Việt Thái - Ảnh: Q.Trung |
* Theo ông, những dòng chủ lưu sự kiện quốc tế nào thú vị và kịch tính nhất trong năm 2015?
- TS Trần Việt Thái: Thế giới năm 2015 nhìn chung có gam màu xám nhiều hơn. Về tổng thể, theo tôi, có bốn nét chính.
Thứ nhất, có sự đảo ngôi rất quan trọng giữa các nền kinh tế. Năm 2014 trở về trước, các nền kinh tế mới nổi BRICS (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga và Nam Phi) phát triển mạnh nhưng năm 2015 lại giảm. Ngược lại, các nền kinh tế Mỹ, Tây Âu và Nhật mấy năm trước rất khó khăn thì năm 2015 thuận lợi hơn.
Thứ hai, thế giới hình thành hai trục rất rõ. Trục thứ nhất là Nga đối đầu với Mỹ và phương Tây xung quanh hai vấn đề Ukraine và Syria. Nhưng cũng có sự đổi ngôi quan trọng.
Nếu như năm 2014 Nga bị Mỹ và các nước phương Tây dồn ép rất mạnh thì đến năm 2015, nhờ chủ động trong cuộc chiến ở Syria, Nga đã xoay chuyển vị thế của mình.
Trong thế bị bao vây cô lập, bước đi quyết đoán của Tổng thống Vladimir Putin ở Syria đã cơ bản lật ngược thế yếu của Nga về chính trị và an ninh trong quan hệ với Mỹ và phương Tây, nhưng theo tôi chưa đủ để Mỹ và phương Tây đổi chác, mặc cả với Nga.
Trục thứ hai là Trung Quốc đối đầu với Mỹ, Nhật Bản, phương Tây, Ấn Độ và các nước ASEAN xung quanh vấn đề biển đảo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể là biển Hoa Đông và Biển Đông.
Nếu năm 2014 Mỹ đứng đằng sau thì năm 2015 họ trực tiếp can dự vào. Washington đưa cả máy bay và tàu hải quân vào tuần tra, trực tiếp thách thức Bắc Kinh.
Thứ ba, chưa bao giờ các vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên mạnh mẽ như năm 2015. Theo tôi, sự kiện hút truyền thông nhất chính là cuộc khủng hoảng di cư. Nhưng đối với giới chuyên gia chúng tôi, câu chuyện hấp dẫn và kịch tính nhất trong năm 2015 là nguy cơ khủng bố lan rộng trên phạm vi toàn cầu.
Cuối cùng, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một đầu tàu và điểm sáng về tập hợp lực lượng. Quá trình chuyển dịch từ phương Tây sang Đông Á vẫn đang tiếp diễn nhưng có phần chậm lại do đà suy giảm của các nước kinh tế mới nổi.
* Trong năm 2016 này, những vấn đề địa chính trị nào sẽ là quan trọng nhất?
- Thứ nhất, việc Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống sẽ thu hút nhiều nguồn lực, giới truyền thông. Thứ hai, châu Âu sẽ tiếp tục khó khăn vì cùng lúc phải xử lý hai cuộc khủng hoảng gồm khủng hoảng di cư và khủng hoảng chống khủng bố.
Trung Đông và Bắc Phi sẽ tiếp tục có biến động phức tạp, mức độ như thế nào tùy vào phản ứng của các nước lớn. Còn về vấn đề Syria, theo tôi, chưa có giải pháp trong năm 2016.
* Theo ông, nguy cơ khủng bố có lan rộng đến khu vực Đông Nam Á không khi việc đi lại thông thoáng hơn sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập?
- Nguy cơ khủng bố là một thách thức rất lớn cho cộng đồng chính trị, an ninh của ASEAN. Tình báo quốc tế ước tính 1.000 người Indonesia và Malaysia đã đến Syria và Iraq để gia nhập lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đây là những thành phần có thể gây nguy cơ thật sự.
Tuy nhiên, hiện nay các thành viên ASEAN đang hợp tác với nhau rất tốt trong cuộc chiến chống khủng bố. Bộ Công an và Bộ Tư pháp của các nước ASEAN thường xuyên chia sẻ thông tin với nhau.
Các nước cũng tăng cường các hiệp định về dẫn độ tội phạm, hài hòa các thông tin pháp lý, pháp luật về chống khủng bố. ASEAN lập ra các cơ chế trong khuôn khổ, thành lập nhóm chống khủng bố, đặc biệt là cho các cảnh sát, các lực lượng cơ động.
* Cũng có những dự báo nói tình hình Biển Đông trong năm tới sẽ căng thẳng. Ông nhận định như thế nào?
- Tôi cho rằng trong nửa đầu năm 2016, Biển Đông sẽ tương đối ổn định hơn vì Trung Quốc sẽ dành nhiều thời gian và nguồn lực để tập trung cải cách sâu rộng quân đội. Trong thời gian này, Trung Quốc sẽ không có hành động gì gây hấn nghiêm trọng.
Cũng trong năm 2016, nội bộ của Trung Quốc đang khởi động tiến trình để chuẩn bị cho Đại hội Đảng 19. Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng xác định có những bước đi thận trọng để không ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài nhằm phục vụ cho việc sắp xếp lại cơ chế quyền lực mới trong nước.
Bên cạnh đó, việc cải tạo, bồi đắp các thực thể chiếm đóng trên Biển Đông đã xong, Trung Quốc đang chuyển sang kế hoạch lắp đặt trang thiết bị. Để khẳng định chắc chắn Trung Quốc có quân sự hóa hay không, chúng ta cần phải theo dõi thêm nhưng tôi nghĩ Trung Quốc sẽ quân sự hóa các thực thể này, đội lốt các công trình dân sự.
Nhưng nửa cuối năm 2016, khi Mỹ cùng với Úc tiếp tục đưa máy bay, tàu vào tuần tra định kỳ tại khu vực, không loại trừ Trung Quốc sẽ có phản ứng. Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn tạo xung đột quân sự hoặc gây đổ vỡ trong quan hệ với Mỹ và Úc vì chính Trung Quốc cũng cần có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận