18/04/2007 04:23 GMT+7

Những con tê giác cuối cùng (Kỳ 3): Tê giác "khóc"!

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Đang trong độ tuổi sung mãn, nhưng sau gần 10 năm, những con tê giác VN vẫn chưa có dấu hiệu “khai hoa nở nhụy”. Dường như chúng chẳng còn “yêu đương, tình tự”! Vì sao?

ztdztgqc.jpgPhóng to
TT - Đang trong độ tuổi sung mãn, nhưng sau gần 10 năm, những con tê giác VN vẫn chưa có dấu hiệu “khai hoa nở nhụy”. Dường như chúng chẳng còn “yêu đương, tình tự”! Vì sao?

Kỳ 1: Đi tìm “thần dược” Kỳ 2: Theo dấu chân tê giác

Tê giác bị stress!

Đến năm 2008, số lượng tê giác VN sẽ tăng gấp đôi. Đó là mục tiêu trong kế hoạch của vườn quốc gia Cát Tiên gần 10 năm trước. Thời ấy, các nhà khoa học còn rất lạc quan đưa ra mục tiêu: đến năm 2048, VN sẽ có ít nhất 100 con tê giác! Theo các tài liệu khoa học, nếu trong độ tuổi sinh sản, trong vòng gần 10 năm ấy mỗi con tê giác cái có thể sinh hai con. Nhưng trên thực tế, con người chỉ tìm thấy những dấu vết đơn độc của tê giác trong rừng thẳm. Các nhà khoa học VN và thế giới đành đau lòng tuyên bố: đến nay số lượng tê giác vẫn giậm chân tại chỗ: 5-7 con! Nếu duy trì con số này, chỉ cần 3-5 năm nữa là tê giác VN sẽ tuyệt chủng!

Tại sao tê giác VN chẳng “hứng thú” gì với nhau? Tại sao chúng không sinh con? Câu hỏi hóc búa đó làm đau đầu nhiều nhà khoa học. Sau hàng tháng trời lặn lội nghiên cứu về vùng tê giác đang sống, tiến sĩ Nico Van Strien - điều phối viên Tổ chức Bảo tồn tê giác thế giới, đồng chủ tịch nhóm chuyên gia về tê giác châu Á - đưa ra giả thuyết: tê giác bị stress! Tiến sĩ Nico Van Strien cho rằng tê giác VN luôn sống trong tâm trạng hồi hộp, lo sợ do con người sống quá gần khu bảo tồn tê giác. Chúng bị bao vây tứ phía bởi việc săn bắn bẫy thú, phá rừng lấn chiếm vùng sống của tê giác để làm rẫy, tiếng ồn từ máy cắt cỏ, ôtô, xe máy, chăn thả gia súc bừa bãi, người dân đi lại, mở nhiều đường nối trong khu vực...

Gần đây, anh Sửu, một nhân viên kiểm lâm, còn bị một con tê giác nổi giận đuổi chạy một mạch từ rừng về tới khu dân cư. Giả thuyết tê giác bị stress được củng cố bởi tê giác rất ít khi tấn công người.

Impv7QhP.jpgPhóng to
Giữa khu bảo tồn, tê giác đang "khóc"! - Ảnh tư liệu vườn quốc gia Cát Tiên
Kinh động khu bảo tồn

Ba thanh niên nhảy lên một chiếc xe máy phóng ào tới. Anh Phạm Hồng Thái - trưởng Trạm kiểm lâm Phước Sơn - nhanh chóng chạy vào bụi cây ven đường. Nếu không, xe chúng tôi đã gặp tai nạn. Đó là ấn tượng đầu tiên trên con đường xuyên rừng vào khu bảo tồn tê giác Cát Lộc thuộc vườn quốc gia Cát Tiên.

Vừa chở tôi, anh Thái vừa kể: Đất sống của tê giác đang bị thu hẹp dần. Diện tích khu bảo tồn Cát Lộc trên 30.000ha. Giao khoán cho dân vườn quản lý khoảng 27.000ha. Thực chất, tê giác chỉ còn lại 4.000-5.000ha rừng để sống. Trong khi đó, theo các nhà nghiên cứu, mỗi con tê giác cần khoảng 1.000ha để hoạt động. Như vậy, rừng cho loài động vật hiếm hoi này còn thiếu, nói gì đến chuyện phát triển ra hàng trăm con như mục tiêu lạc quan. Nhưng vùng đất ít ỏi còn lại này cũng đang “kêu cứu”. Anh Thái nói đến đây thì từ trên những dãy đồi bỗng vang lên tiếng hú. “Mấy người phá rừng báo động đấy” - anh Thái giải thích, mắt hướng về tiểu khu 511. Nơi ấy, một người phụ nữ vẫn còn cầm dao, đứng trơ trơ giữa ngọn đồi cháy nham nhở. Anh Thái thừ người nhìn những gốc cây chỉ còn là miếng than đen: “Có khi họ đốn cả những cây hàng trăm năm tuổi. Xót không chịu được!”.

Chẳng những lấn rừng, nhiều người còn chống người thi hành công vụ. Anh Thái nhớ lần một số người dân thôn 4 đốn 12m3 gỗ sao trong khu bảo tồn tê giác. Người chặt cây quí bị bắt về Trạm kiểm lâm Bến Cầu. Chưa kịp xử lý, hàng chục thanh niên đã cầm roi, thòng lọng kéo nhau xông vào trạm. Ba nhân viên kiểm lâm không đối phó nổi với hơn chục người hung hăng, một anh kiểm lâm bị họ chụp thòng lọng, trói lại, kéo về thôn. Sau đó, họ ra yêu sách đổi người.

V5ff4l3X.jpgPhóng to
Anh Phạm Hồng Thái, trạm trưởng kiểm lâm Phước Sơn, chỉ tay về những ngọn đồi bị phá trọc - Ảnh: Y.T.
Mới nhất là cuối tháng 3-2007, một số người dân ở thôn 4 đã phá, đốt rừng ngay trong khu bảo tồn. Tuyên truyền không hiệu quả, kiểm lâm đành cưỡng chế nhổ bỏ số cây bắp đã trồng trên đất rừng. Sau sự việc đó, những người phá rừng tuyên bố đã mài dao, vót cây nhọn, thấy kiểm lâm là họ chém! Cuộc chiến đấu để giữ rừng còn nhọc nhằn bởi người dân hai thôn 3 và 4 sống cách rừng cấm của tê giác có mấy bước chân. Tháng 3-2006, nhiều người dân thôn 3 và 4 đã phát trắng 50ha rừng để lấy đất sản xuất. Điều đáng nói, trong danh sách phá rừng, nhiều hộ đã có trên 10ha điều! Có hộ cứ phá rừng trồng cây để bán. Bán xong, họ vác rựa lên rừng chặt tiếp!

Chúng tôi dừng chân ở thôn 3 thuộc khu vực kiểm tra của Trạm kiểm lâm Bến Cầu. Phía sau trạm kiểm lâm là đồi K'Du. “K'Du là tên người đầu tiên đã phá rừng, lập vườn điều rộng 10ha giữa rừng cấm. Vài người trong thôn cũng có vườn trên ấy. Họ khai phá từ khi chưa lập khu bảo tồn.

Tê giác sẽ sống được ở rừng này bao lâu? Liệu loài thú quí hiếm này có sống nổi, sinh con đẻ cháu nổi khi trước mắt chúng tôi là những căn nhà kiên cố? Trên đường vào nhà, chúng tôi nhìn thấy một tấm bảng to bị đạp đổ, đốt cháy lẫn với cây cỏ. Người kiểm lâm dựng lại tấm bảng, nói như mếu: “Dựng lên biết bao lần, những người thiếu ý thức lại đạp xuống!”. Khi anh phủi đám tro ra, chúng tôi thấy những dòng chữ mờ mờ: trích các điều khoản qui định về công tác quản lý, bảo vệ rừng!

Chưa có chính sách nên mình không làm gì họ được” - anh Dương Văn Thường, trưởng trạm Bến Cầu, giải thích. Những vườn điều, những thửa ruộng nằm trong vùng lõi khiến bức tranh của rừng bị đứt đoạn, chắp vá. Không loại trừ khả năng thuốc trừ sâu từ vườn, ruộng chảy loang ra các dòng suối khoáng tự nhiên. Theo thạc sĩ Trần Văn Mùi - giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, các điểm muối khoáng tự nhiên là các vùng sình lầy hoặc các dòng suối tự nhiên giàu K, Ca, Mag… rất cần thiết để tê giác bổ sung đều đặn một lượng chất khoáng vào cơ thể. Nếu thiếu các điểm khoáng này, tê giác sẽ chết.

Trong rừng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một thửa đất rộng vẽ hình số 8 có lẽ để tập thi bằng lái xe máy. Sẽ ra sao nếu ngay trong địa phận của mình, tê giác không còn yên tĩnh nghe tiếng gió đùa với lá rừng, không nghe tiếng róc rách của suối chảy? Thay vào đó là tiếng xe máy, tiếng máy cắt cỏ, tiếng karaoke chói lói? Hạt phó Hạt kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên Lưu Văn Hào nửa buồn nửa vui thông báo: Nghe nói đang có dự án làm đường và kéo điện về thôn, bên vùng tê giác. Sẽ ra sao khi mỗi gia đình ở đây có tới 10 đứa con? Những đứa con ấy sẽ lại sinh sôi mãi ở nơi này theo cấp số nhân? Vùng tê giác sẽ còn được bao nhiêu? Rừng sẽ còn được bao nhiêu?... Anh Hào bức xúc: “Chính sách là chính sách. Bảo tồn là bảo tồn! Không khéo đất cũng mất mà tê giác cũng mất!”.

————-

Không tái định cư được cho dân, người ta đang tính chuyện "sống chung với tê giác"! Loài tê giác sắp tuyệt chủng ở VN cũng như những nhà bảo tồn với các dự án bảo tồn tê giác bị “treo” đang khẩn cầu.

Kỳ tới: Trả rừng cho tê giác

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên