29/07/2013 23:00 GMT+7

Những chuyến tàu đêm

HOÀNG THỊ ÁI TUYÊN (ĐH Quảng Bình)
HOÀNG THỊ ÁI TUYÊN (ĐH Quảng Bình)

AT - Chị ơi lại một chuyến tàu đi qua rồi!

7FRKyeku.jpgPhóng to
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh

- Ừ! Cũng phải tới 15, 16 toa ấy nhỉ!

- Dạ, con tàu này dài thật, mà chị này...

- Ừ!

- Buổi tối nên mình không thể thấy cái cột quay quay gật gật mỗi khi có chuyến tàu đi qua nữa chị nhỉ.

- Ừ, ngày mai trời sáng cũng có những chuyến tàu đi qua rồi em sẽ thấy lại thôi.

Đó chính là những chiếc cột ghi ở hai phía nhà ga để đón tàu và chỉ định đường đi. Ấy vậy mà hồi còn bé tôi cứ cảm thấy đó là thứ gì xa xôi, thần kỳ lắm, nó biết gật gật giống như cúi chào mỗi đoàn tàu đi qua...

Tuổi thơ tôi đã trôi qua với những tò mò, háo hức như vậy đối với đường tàu cách nhà khá xa, gần như cuối tầm mắt.

Thời gian cứ trôi và tôi đã lớn lên cùng ruộng đồng ao cá. Những buổi trời mưa cầm đèn pin đi bắt ếch, bắt cua... Những công việc ấy cũng lớn dần theo tôi để đôi khi tôi dần lãng quên cái thú vui chạy thật nhanh từ trong nhà ra để nhìn chiếc cột ở đằng xa cúi chào đoàn tàu trong vài giây rồi trở vào thỏa mãn, lãng quên những chuyến tàu đêm...

Cho đến một ngày khi tôi là học sinh lớp 11. Trời lại đổ mưa như trút trên mảnh đất êm ả, hài hòa suốt đời cam chịu thiên nhiên, và chúng tôi lại ra đồng bắt ếch bắt cua. Nhiều khi nghĩ mình giống như cô Tấm đáng thương bị dì ghẻ đày đọa, chỉ khác điều là không có Cám mà là hai cô Tấm và dì ghẻ. Tôi và chị tôi.

Hôm ấy mưa nhiều nên cũng có nhiều người làng ra đồng giống chúng tôi, bởi vậy tôi và chị cố gắng đi xa hơn một chút. Đi dần, đi dần cho đến khi một chuyến tàu đi qua tôi mới biết mình đã ở gần phía đường tàu. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm trẻ thơ trôi qua cảm xúc ấy lại trở về trong tôi, đầy đủ nhưng mãnh liệt hơn nhiều bởi lần này là một chuyến tàu đi qua mắt tôi được cận cảnh nhất, lần đầu tiên tôi biết con tàu to hơn tôi tưởng và có rất đông người trên đó. Nó giống như ngôi nhà vậy! Đoàn tàu cứ thế lướt qua mắt tôi với tiếng ồn, với ánh sáng vụt thoáng qua để lại trong tôi nhiều cảm xúc lắng đọng. Rồi con tàu sẽ về đâu nhỉ? Và nó sẽ dừng lại ở đâu?

Bỗng nhiên... Bụp... A... á...!

Dòng suy nghĩ đã bị cắt đứt bởi tiếng động chỗ chiếc cột biết chào. Tôi tiến lại gần và kịp nhận ra đó là chiếc cột to cao với những chiếc đèn nhỏ và bên dưới... là một người áo xanh đang nằm trống trơ.

- Ối! Chú có sao không ạ?

- Hẳn là có sao đấy cô bé! Máu ra rất nhiều và tôi cần cô giúp.

Tôi đến gần hơn và bàn chân chú đầy máu bởi bị đá cắt mạnh khi ngã trên cột xuống. Tôi vội vã hái lá cầm máu và dìu chú vào phòng gần đó (sau này tôi biết đó là phòng dành cho người gác ghi tàu). Khi đã cầm được máu, tôi lấy chiếc khăn tay buộc vết thương cho chú.

- Thật may là chỉ bị ngoài da, chú không sao nữa chứ? - Tôi nói sau một hồi loay hoay sơ cứu bàn chân và ngẩng đầu lên nhìn chú. Thật bất ngờ là chú chẳng phải già như tôi tưởng, nếu không nói là chỉ xứng tuổi làm anh, chỉ có một ít râu ở cằm vì lười cạo và đôi mắt thoáng chút buồn giống tôi.

- Sao nhìn chú chằm chằm vậy bé? Chắc đã biết chú không đến nỗi già để làm chú của bé chứ? Hì...

- Sao chú không trả lời? Chú không sao nữa chứ? - Tôi nói lảng.

- Ừ chú không sao! Cảm ơn cháu, mà thôi cháu về đi, ban đêm ở một mình với người lạ là không tốt, mà lỡ ai thấy thì không hay cho cháu đó.

Tôi bước ra khỏi đó với bao cảm xúc hỗn độn, lần đầu tiên nói chuyện với người đàn ông trong đêm, lần đầu tiên được nhìn cận cảnh con tàu lấp lánh trong đêm và chiếc cột biết chào của tuổi bé thơ, và băn khoăn vì sao trong đêm lại có người đàn ông áo xanh ngã từ chiếc cột...

- Đi đâu để chị tìm mãi vậy em?

Tôi nhận ra ngay đó là tiếng của chị, giờ mới nhớ là mình lạc chị lúc nào không hay.

- À em theo nhìn con tàu chạy qua và... - Chợt như tự nhủ mình không nên nói, tôi cười và bảo chị về thôi.

Những đêm sau đó tôi lại tạo thói quen ra trước cửa nhà nhìn những chuyến tàu đêm, đó là lần trở lại ký ức từ khi mẹ tôi ra đi. Những chuyến tàu đêm lại vụt qua, nhưng không phải là sự háo hức thèm muốn được nhìn thứ gì hay hay lạ lạ nữa mà là một nỗi buồn chợt thoáng qua, chuyến tàu ồ ập đi qua để lại một người trong đêm tối âm thầm và lặng lẽ. Bỗng nhiên tôi thấy nhớ chú mặc áo xanh, liệu bây giờ chú có còn ở đó hay không?

- Gì mà chăm chú vậy bé? - một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi từ phía sau. Tôi gần như giật mình nhưng cũng cùng lúc ngạc nhiên nhận ra giọng nói từ tốn ấm áp mà quen quen. Thì ra chính là chú áo xanh. Chú bảo tìm đến tôi để cảm ơn và trả chiếc khăn tay, đó là chiếc khăn mẹ tôi tặng tôi hồi còn nhỏ, trên đó có thêu tên tôi - LY HẠNH...

- Ly Hạnh! Cái tên thật buồn nhưng cũng vì nó mà chú tìm được cháu!

Với người đàn ông lần thứ hai gặp nhưng lại là người tôi được gặp từ chiếc cột biết chào của tuổi thơ, tôi không cảm thấy xa lạ gì với chú mà nói chuyện rất nhiệt tình, chân thật. Về cái tên báo hiệu hạnh phúc gia đình của tôi, đứa con gái thứ hai của một gia đình trưởng tộc, vì mẹ không thể sinh được con trai nên tôi là đứa con Ly Hạnh, và sau đó mẹ phải bỏ đi vì sức ép của gia đình chồng, bỏ lại tôi và chị, hai cô Tấm cùng bố và dì ghẻ... Tôi nói với chú về những ngày trẻ thơ thích ngắm nhìn những chuyến tàu và chiếc cột biết chào kia. Tôi đem tất cả thắc mắc nói cùng chú và chú trả lời tất cả, đó là công việc của chú, đón tàu và quay cột ghi. Thì ra nó không phải điều thần kỳ mà bởi có một người luôn túc trực ở đó với những chuyến tàu. Hôm đó chú quay ghi và không may trật chân bị ngã... Những câu chuyện cứ thế diễn ra. Cả tôi và chú đều tìm thấy sự thoải mái, yên vui từ cuộc chuyện trò ấy. Đều đặn cách một đêm chú lại tìm đến tôi và trò chuyện. Có đôi khi cãi nhau với dì, bị dì mắng tôi lại tủi thân tìm đến chú và kể lể, chú lại cầm tay tôi an ủi chở che và tình cảm ấy đến với tôi lúc nào không hay. Đó là việc mong mỏi được gặp chú, được kể lể, khóc lóc với người biết lắng nghe là chú và biết nhớ mỗi khi muốn gặp nhưng không được. Mỗi tháng chú đều phải về quê chú vì cha mẹ già cần được chăm sóc, những lúc như vậy lòng tôi cồn cào nỗi nhớ. Tôi hỏi chú mỗi chuyến tàu đi qua chú có cảm thấy buồn không? Chú bảo đó là cảm giác cô đơn, trơ trọi khi tất cả những ồn ào sáng sủa vụt qua trong chốc lát, chú lại một mình giữa mịt mù không gian và nỗi cô đơn chực tràn. Nghe vậy trái tim tôi quặn thắt vì thương chú, một người làm việc xa nhà, cô đơn nhỏ bé trước những con tàu vô tình vụt qua. Tôi bảo khi cháu trưởng thành hơn một chút, khi cháu đủ tự tin cháu sẽ lên đó đón tàu cùng chú nhé! Chú cười nhưng thấy ánh mắt chân thật của tôi, chú bảo: Ừ nhưng với điều kiện là phải gọi chú bằng anh kia nếu không người ta lại nghĩ chú già rồi dụ dỗ trẻ con, dù sao chú cũng hơn bé bảy tuổi thôi nhá! Tôi chỉ biết cười và tưởng tượng xa xăm...

Rồi một ngày sau chuyến về quê dài ngày khiến tôi phải nóng lòng chờ đợi, chú không vui khi gặp tôi như tôi đang tưởng tượng mà đôi mắt trũng sâu hơn, tôi đọc được ở đó một nỗi buồn. Chú bảo ba mẹ chú ốm nặng và chú phải chuyển chỗ làm, chú xin về quê chú để tiện bề chăm sóc. Trước mắt tôi bầu trời như sụp đổ, như cảm giác sáng lòa rồi vụt tắt từ một chuyến tàu nhanh, trơ trọi lạnh lẽo và thất vọng. Chú phải xa tôi, còn tôi chỉ là một học sinh chưa trưởng thành. Biết làm sao được khi định mệnh chợt đến rồi chợt đi. Chú đã quyết định xa tôi, xa đoạn đường cô đơn này đến với đoạn đường khác đón đợi những con tàu. Còn tôi ở lại với những kỷ niệm khó phai mờ.

Chú ơi! Một chuyến tàu đi qua để lại trong chú sự trơ trọi, hụt hẫng trống vắng. Cháu biết! Nhưng với cháu chú cũng giống những chuyến tàu đêm, chợt lóe lên trong cháu và cũng chợt đi.

Những chuyến tàu đêm lại vụt qua trước mắt nhưng tôi chỉ nghĩ đến đoạn đường nó sắp đi qua... một đoạn đường ở nơi xa. Có điều tôi chưa kịp trưởng thành để gọi chú một tiếng "anh" và được một lần đón những chuyến tàu đêm.

QQJxCoeQ.jpgPhóng to

Áo Trắng số 13 ra ngày 15/07/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HOÀNG THỊ ÁI TUYÊN (ĐH Quảng Bình)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên