29/05/2005 08:10 GMT+7

Những chung cư "ổ chuột mới"

HOÀI TRANG - TỰ TRUNG thực hiện
HOÀI TRANG - TỰ TRUNG thực hiện

TTCN - Thực trạng tái định cư vừa qua đã và đang làm phiền lòng người dân và đau đầu Nhà nước. Làm sao để đạt được mục tiêu tái định cư: nâng cao đời sống người dân và phát triển đô thị?... Với hàng trăm ngàn hộ dân đang ở trong vùng cần giải tỏa để nâng cấp đô thị, mô hình nhà ở nào là thích hợp để tái định cư?

fmeEthho.jpgPhóng to

Một góc chung cư Huỳnh Văn Chính (P.19, Q.Tân Bình) với rác rến và các sào quần áo cố thủ

Nếu là chung cư thì phải là những chung cư như thế nào để có thể thích ứng, đáp ứng được nhu cầu của người dân và mục tiêu phát triển của đô thị trong tương lai? Mới dọn về ở vào cuối tháng tư, đầu tháng 5-2004, nhà còn hăng mùi vôi vữa thì ngay những trận mưa đầu mùa đầu tiên các căn hộ ở lầu 4, lô E chung cư Bình Đăng (quận 8, TP.HCM) đã bị thấm dột và tạt tan nát. Bà Tư Phượng, chủ căn hộ B4.2E, nói: “Nước từ trên mái nhà cứ theo vách, theo ôvăng, theo từng lỗ đinh chảy xuống thành dòng, dột quá trời dột. Mọi người đang ngủ phải quáng quàng di tản mùng mền chiếu gối, ở trong nhà mà cứ như ngoài sân”.

Nhiều hộ như hộ chị Phụng, bà Vân đã phải lủ khủ đủ thứ xô thau để hứng mà ở các cửa sổ nước vẫn cứ thoải mái tràn vào nhà... Năm nay, mới đón mấy cơn mưa đầu mùa chưa đủ mát đất, các hộ chung cư này đã lại hì hụi ràng, buộc phên, bạt che mưa, chuẩn bị đón mùa mưa thứ hai. Chị Phụng nói: “Phải tự cứu mình trước thôi chứ không cứ cơn mưa nào cũng phải đội áo mưa đi kiếm... dịch vụ công ích. Mà có kiếm được rồi, đơn từ đâu đó xong xuôi rồi cũng... thôi. Chung cư gì mà dột là tràn lênh láng trong nhà, cái gì cũng phải di dời, khổ sở hết mức!”.

6EsOieaV.jpgPhóng to a2OBz9e4.jpg
5Khoảng thông gió chung của chung cư Bình Trưng Đông (Q.2) đã bị các hộ dân tự che chắn làm chỗ giữ xe và sinh hoạt

Một phần nền của lô E, chung cư Bình Đăng (Q8) đã bị nứt lún

Thế nhưng, không chỉ đợi trời mưa, hầu hết các căn hộ ở tất cả các lô A, B, C, D, E của chung cư Bình Đăng đều bị chung tình trạng thấm dột theo hệ thống ống nước thải, nước trên sàn nhà vệ sinh của nhà trên cứ thoải mái nhỏ thành giọt ngày này qua tháng khác xuống nhà dưới.

Nhiều người cho biết từ ngày về đây ở họ có thói quen... đội nón khi vào nhà vệ sinh, “vì có trời mới biết được thứ nước chảy từ tầng trên xuống ấy là thứ nước gì”! Không chỉ thấm từ trên xuống, nước còn theo đường hầm nước ngầm thấm ngược lên tường, vách của các căn hộ. Chỉ bức tường trong phòng ngủ bị thấm nước một mảng lớn, anh Nam và anh Hải ở căn hộ B.02C cho biết đã phải nhiều lần sửa sang, sơn phết lại nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy.

Mới sử dụng nhưng nhiều nền gạch ngoài các hành lang đã bị nứt toác, bong tróc lỗ chỗ. Đáng lo hơn, ở tầng trệt lô E nhiều mảng nền ximăng, gạch hở hàm ếch và lún đến cả nửa tấc. Nhiều người dân đã phải tự bỏ tiền ra lát sàn, làm cửa, sửa chữa lại căn hộ mới có thể vào ở được.

SYJPVCVO.jpgPhóng to us1eKe4h.jpg
Khoảng thông gió và sân sau của hai chung cư 327/8 và 327/9 Nơ Trang Long (Bình Thạnh) ngập trong sình lầy và rác Bị lún đến 0,8m, gầm cầu thang ở chung cư 327/8 Nơ Trang Long giờ chỉ đủ để... chui ra chui vào!

Ở căn hộ B.02D do bà Huỳnh Thị Hồng Nga thuê lại của chủ nhà để làm quán ăn mấy tháng nay thì tình trạng còn thảm hơn. Giữa trưa nắng nhưng sàn nhà vệ sinh vẫn lênh láng nước và nước bẩn từ cống cứ sôi lên ùng ục. Bà Nga nói mấy tháng nay nhà tắm đều bị ngập suốt như vậy, mỗi lần muốn đi vệ sinh phải lội bì bõm!

Chuyện thấm dột và xuống cấp nhanh chóng, dễ dàng đã trở thành căn bệnh của hầu hết các chung cư. Mới đưa vào sử dụng không lâu để tái định cư dân ở dự án xa lộ đông tây, nhưng một số lô của chung cư Bình Trưng Đông (quận 2) cũng đã phải qua một cuộc “đại sửa chữa” vào đầu năm nay cũng vì tình trạng này.

Nhiều chung cư thuộc dự án tái định cư Nhiêu Lộc - Thị Nghè như Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Bình Thạnh), A2 Phan Xích Long (Phú Nhuận), Phước Định (P.16, Bình Thạnh), Huỳnh Văn Chính (P.19, quận Tân Bình)... dân mới đến ở cũng đều chịu cảnh thấm dột trầm trọng, nứt tường, bong gạch, hồ nước bị nhiễm bẩn; chung cư Phước Định (trước đây dùng cho dân tạm cư) thì nền nhà còn thấp hơn nền sân.

Ở các khu chung cư Nhiêu Lộc - Thị Nghè P.16 và 18, Q. Tân Bình (cũ), Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) thậm chí còn chưa có cơ sở hạ tầng, không nước sinh hoạt. Hệ thống thoát từ hầm phân được cho thẳng ra... ao rau muống. Một người dân ở chung cư P.16, Tân Bình kể lại: cứ mỗi khi mưa lớn, nước thải từ tầng trên không thoát kịp cứ vô tư tràn luôn vào tầng trệt làm ai cũng kinh hoàng, ô nhiễm đến mức cả những người dân quen sống trong những điều kiện sống tồi tàn nhất cũng không chịu đựng nổi...

Riêng chung cư 327/8 và 327/9 Nơ Trang Long thì gần như đã giữ kỷ lục về “sự cố” bởi mới đưa vào sử dụng đã bị lún, và lún đến cả... 8 tấc! Sự việc vỡ lở, chủ đầu tư đã phải giải quyết bằng cách ép cọc bêtông gia cố chống lún.

Chủ một căn hộ ở tầng trệt cho biết nhiều người đã bỏ đi hoặc trả nhà lại, còn ông vì quá khó khăn nên phải cắn răng ở! Bà Sáu, một người dân ở tầng hai chung cư 327/9, nói là một trong những hộ đầu tiên hăng hái lên chung cư nhưng bà quá thất vọng. Tám cái tết ở chung cư thì đã có đến bảy cái tết ngập nước, nước ngập từ ngoài đường vào tận trong chung cư, nhiều lúc ngập đến 7-8 tấc. Hiện tại, nhiều người dân quả quyết chung cư này không những lún mà còn đang nghiêng!

Ở các tầng trệt của chung cư Huỳnh Văn Chính, dân thản nhiên cơi nới, chiếm đóng thành nơi chứa đồ đạc, sinh hoạt, buôn bán bát nháo. Quán cà phê và những nhà xe xập xệ chiếm lĩnh hầu hết các không gian chung bên dưới các căn hộ. Ở ngay phía sau lô D là một bãi rác khổng lồ. Dân ở tầng trệt chung cư 327/8 Nơ Trang Long bấy lâu nay đã khổ sở bởi chuyện xả rác và đổ nước bẩn thoải mái từ một số hộ lầu trên.

Khoảng thông gió chung giữa hai chung cư biến thành chỗ chứa rác thải đầy bùn sình, nước bẩn. Nhiều khoảng thông gió lấy sáng cho các căn hộ ở chung cư Bình Trưng Đông bị nhiều hộ dân ở tầng trệt phủ bạt, che chắn làm bãi giữ xe. Mặt sau chung cư 300 Bến Chương Dương thì trở thành nơi... tiểu tiện, phóng uế và tụ tập tệ nạn xã hội.

Tháng 4-2005, Bộ Xây dựng có một đợt kiểm tra chất lượng nhà chung cư, đặc biệt là chung cư tái định cư tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, chất lượng của một số công trình không cao (do công tác hoàn thiện), không tốt nên xảy ra tình trạng lún nền, thấm dột, cong vênh cửa...

Các nhà để xe không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Một số chung cư không đảm bảo điều kiện thoát nạn khi có cháy, nổ. Theo báo cáo về công tác quản lý chất lượng công trình của Sở Xây dựng, các chung cư thường sử dụng vật tư thiết bị có chất lượng không cao ngay từ khi xác định suất đầu tư.

Điều quan trọng không kém là hầu hết các chung cư đều không được quản lý tốt, chưa có biện pháp bảo trì, thiếu nhân viên kiểm tra sửa chữa kịp thời cộng với ý thức sử dụng của người dân không cao nên các thiết bị dễ hỏng. Trong bốn chung cư tái định cư (TP.HCM) được bộ kiểm tra lần này là chung cư An Dương Vương, Bùi Minh Trực, Bình Đăng, Nguyễn Tri Phương thì đã có đến ba chung cư có vấn đề về chất lượng.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát tại 33/38 chung cư tái định cư cho người dân bị giải tỏa từ dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè của Sở Xây dựng, chỉ 22,5% chung cư có chất lượng kém. Theo đánh giá chất lượng của tổ kiểm tra liên ngành, các chung cư được xếp loại khá, trung bình và tốt đều có tình trạng thấm, nứt, gạch lát bong tróc...

Còn theo tài liệu khảo sát - thiết kế - thi công xây lắp và nghiệm thu, hoàn công, rất nhiều chung cư không có biên bản nghiệm thu hồ sơ khảo sát, thiết kế, không nghiệm thu cấu kiện bêtông, không có quan trắc lún, không nghiệm thu chống sét, phòng cháy chữa cháy, môi trường... và rất nhiều chung cư sử dụng vật liệu không rõ nguồn gốc. Theo người trong nghề xây dựng, “chỉ có... trời mới biết thực chất chất lượng của công trình đó”.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, phó giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng TP.HCM gặp không ít khó khăn trong việc quản lý chất lượng các chung cư bằng nguồn vốn vay, vốn của các doanh nghiệp huy động và nhất là của các cơ quan trung ương trên địa bàn... Các doanh nghiệp này thường bỏ qua khâu trình hồ sơ chất lượng cho các cơ quan nhà nước kiểm tra, trong khi lực lượng của các cơ quan này lại quá mỏng nên không đủ sức kiểm tra toàn bộ các công trình.

Saaoo5Vr.jpgPhóng to

Sau khi sang nhượng căn hộ ở chung cư Huỳnh Văn Chính 1, bà Nga phải thuê lại một góc nhỏ ở chân cầu thang (dùng làm tủ điện) để ở...

Từ 30 năm qua, toàn thành phố đã nỗ lực xây dựng gần 100 chung cư các loại nhằm cải thiện đời sống cho người có thu nhập thấp, trong đó có gần 40 chung cư nhằm tái bố trí các hộ dân bị giải tỏa trắng từ các dự án thoát nước, chỉnh trang đô thị và các dự án giao thông…

Thế nhưng, vòng qua các chung cư, đi đâu người dân cũng than: “lo miếng ăn còn khó, lấy đâu tiền trả góp”. Chính vì vậy, không ít hộ dân đã sang nhượng căn hộ dù chưa trả góp xong đê cuốn gói ra đi. Hầu hết các chung cư đều xảy ra tình trạng sang nhượng như “làn sóng ngầm” chuyển dịch cơ cấu tái định cư. Người dân tái định cư lại trở về những khu nhà ổ chuột hoặc dựng một góc nào đó ở chung cư để sinh sống qua ngày.

Tại chung cư Huỳnh Văn Chính 1, ít nhất 30 hộ dân được tái định cư phải sang nhượng căn hộ ra đi. Trường hợp bà Nguyễn Thị Cao, từ năm 1995 khi rời kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè vui mừng về sinh sống trong căn hộ khang trang, thế nhưng không có việc làm để giải quyết mưu sinh nên số tiền dư từ lúc giải tỏa được sử dụng để đóng tiền nhà trả góp.

Khi số tiền không còn cũng là lúc phải sang nhượng căn hộ. Đến nay bà phải thuê lại chính căn hộ mình đã bán với 400.000 đồng/tháng, sau đó ngăn ra thêm hai phòng nữa để cho thuê lại, còn phòng khách phía trước làm nơi ăn, ở, sinh hoạt của bốn bà cháu.

Bà Cao tâm sự:không còn tiền lại bị bệnh tật, dự kiến tháng 7-2005 quay về quê sinh sống sau hơn 40 năm ra đi. Còn bà Nguyễn Thị Nga cũng không kém, khi sang nhượng căn hộ phải thuê lại ban quản lý chung cư một góc ở chân cầu thang với giá 300.000 đồng/tháng. Hằng ngày trông chờ vào xe hủ tiếu rong ruổi khắp chung cư. Bà Nga nói: ”Mỗi ngày kiếm cũng được 20.000 - 30.000 đông lo cơm nước. Bữa nào trời mưa, hay bị công an rượt coi như cả nhà đói”.

Còn vợ chồng ông Nguyễn Văn Tỷ ở chung cư Huỳnh Văn Chính 2, giải tỏa rạch Hàng Bàng, cũng đang sinh sống bằng gánh nước trước cửa nhà. Mỗi ngày kiếm được khoảng 15.000 - 20.000 đồng nhưng hằng tháng phải trả tiền điện, nước, rác… cũng hết 300.000 - 400.000 đồng. Trong khi đó gia đình ông phải trả góp môi tháng 4,7 chỉ vàng (gần 4 triệu đồng/tháng) trong thời hạn 60 tháng.

HOÀI TRANG - TỰ TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên