Sân Tiền Giang có hai khán đài A và B với 12.000 chỗ ngồi, từng là “thánh địa” của đội bóng sông Tiền trước năm 2007. Đây từng được xem là một trong những sân bóng đá có mặt cỏ đẹp nhất khu vực ĐBSCL, đủ điều kiện tổ chức các trận bóng đá quốc tế.
Tiền tỉ phơi mưa
Năm 2005, CLB Tiền Giang đá tưng bừng và về nhì Giải hạng nhất, giành quyền lên chơi V-League 2006. Trong hai năm đó, sân này luôn chật kín khán giả.
Để chuẩn bị các giải bóng đá lớn sau này, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư nâng cấp khán đài, lắp đặt giàn đèn, bảng điện tử, đường chạy quanh sân đạt tiêu chuẩn quốc gia với số tiền khoảng 20 tỉ đồng. Tuy nhiên sự vui mừng của khán giả chẳng kéo dài được bao lâu thì CLB Tiền Giang bị đánh bật khỏi V-League, rồi tiếp tục biến mất khỏi Giải hạng nhất.
Từ năm 2010 đến nay, đội bóng đá Tiền Giang chỉ duy trì cầm chừng để đá Giải hạng nhì - một giải phong trào đúng nghĩa. Và do không có kinh phí đầu tư nên lãnh đạo Sở VH-TT&DL cũng không đặt chỉ tiêu cho đội lên hạng. Giàn đèn hơn chục tỉ đồng vì thế buộc phải chịu cảnh “dãi nắng, dầm mưa” suốt từ đầu năm 2010 đến nay. Mặt sân ngày càng xuống cấp vì chỉ được cắt cỏ phục vụ đội bóng tỉnh nhà thi đấu Giải hạng nhì mỗi năm vài trận, giải Cúp truyền hình Tiền Giang đầu năm mới, đại hội TDTT...
Trong khi đó, sân Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) từ bốn tháng nay cũng rơi vào cảnh đìu hiu vì đội TĐCS Đồng Tháp ngừng tập luyện. Ngày 6-11 có mặt tại sân này, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy các khán đài rêu phong loang lổ trông chẳng khác gì một sân bóng cấp huyện bởi lâu ngày không được sơn lại. Một số ghế trên khán đài A bám đầy bụi, có cái hư hỏng. Đường chạy hỏng nặng, nham nhở. Mặt cỏ trên sân rất dày do nhiều tháng không được cắt.
Một nhân viên quản lý sân thở dài: “Tiền mua xăng để cắt cỏ trước đây còn nợ nên bây giờ người ta cắt rồi và không bán thiếu nữa. Do đó, dù tôi có muốn cắt cỏ sân để hạn chế xuống cấp cũng không được. Mấy tháng trước, mỗi buổi chiều luôn có cả trăm người hâm mộ đến sân xem đội bóng tập luyện, gần đây chẳng còn ai đến nữa. Sân bóng vắng như chùa Bà Đanh vậy”.
Còn nhớ những trận đấu trên sân nhà của TĐCS Đồng Tháp trước đây, bất kể ở V-League hay Giải hạng nhất, trên khán đài 20.000 chỗ ngồi luôn chật kín khán giả với một màu vàng rực. Nhưng từ bây giờ sân Cao Lãnh trở thành bãi đất trống lạnh tanh, vì chẳng còn giải bóng đá đỉnh cao nào được tổ chức bởi lãnh đạo tỉnh tuyên bố đội Đồng Tháp chỉ đá các giải phong trào.
Tiếc cho sân khi rơi vào cảnh đìu hiu
Một lãnh đạo Trung tâm TDTT Tiền Giang - đơn vị quản lý sân Tiền Giang - cho biết mỗi tuần trung tâm đều bật cầu dao điện cho giàn đèn hoạt động chừng 15 phút để “duy trì sự sống” của các bóng đèn.
Cuối năm 2014 sân Tiền Giang sẽ tổ chức giải bóng đá tranh Cúp truyền hình Tiền Giang. Sẽ có một số trận thi đấu ban đêm để giàn đèn có cơ hội hoạt động. Thời gian còn lại sân bóng chủ yếu phục vụ các giải phong trào và các đội trẻ tập luyện chứ không có chủ trương cho người dân thuê tập luyện, thi đấu.
Một HLV tuyến trẻ cho biết các hoạt động được tổ chức trên sân bóng này hằng năm không được bao nhiêu ngày. “Tôi chỉ mong đội Tiền Giang sớm trở lại Giải hạng nhất rồi V-League thì người dân mới đến sân xem chứ đá cầm chừng như bây giờ hoài thấy tiếc tiền đầu tư cho sân quá” - một HLV tâm sự.
Sân Kiên Giang mỗi năm cũng chỉ sáng đèn vài lần sau khi đội bóng Kiên Giang giải thể năm 2013 vì không tìm được nhà tài trợ. Ông Trần Trương Hiển - giám đốc Trung tâm huấn luyện TDTT Sở VH-TT&DL tỉnh Kiên Giang - cho biết sau khi đội bóng giải tán, toàn bộ cơ sở vật chất đã trả lại cho trung tâm này tiếp nhận, quản lý. Theo ông Hiển, do không còn V-League nên sân chủ yếu cho đội năng khiếu tập luyện và tổ chức các giải bóng đá phong trào. Riêng giàn đèn được đầu tư 16 tỉ đồng chủ yếu dùng phục vụ chiếu sáng các sự kiện lớn của địa phương.
Ông Hiển cũng cho hay do mỗi giờ chiếu sáng giàn đèn tiêu tốn tiền điện cả triệu đồng nên chỉ bật khi thật sự cần thiết và phải có chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Một cán bộ Sở VH-TT&DL Kiên Giang cho rằng việc đầu tư giàn đèn hoành tráng rồi mỗi năm chỉ sử dụng một, hai lần là quá lãng phí trong khi hằng tháng vẫn phải tốn tiền duy tu, bảo dưỡng hàng chục triệu đồng.
Với sân Cao Lãnh, đến giờ cũng không ai biết số phận và hoạt động của nó sẽ ra sao vì còn chờ Sở VH-TT&DL lập phương án trình UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt. Mặc dù chưa biết ai sẽ quản lý, khai thác sân Cao Lãnh nhưng nhưng chắc chắn một điều là người dân không thể vào sân này tập luyện, thi đấu, dù đang bỏ hoang, xuống cấp.
[box]Xây mới sân Long Xuyên
Ông Nguyễn Văn Lên - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang - cho biết sau khi đội bóng giải thể, An Giang tập trung đầu tư cho bóng đá phong trào và các đội tuyển thanh thiếu niên để tham gia các giải bóng đá trẻ.
Hiện sân Long Xuyên làm nơi thi đấu các giải bóng đá do tỉnh tổ chức và là nơi tập luyện cho các đội bóng năng khiếu cùng một số môn điền kinh, thể dục... Do sân chỉ có sức chứa 10.000 chỗ ngồi và nằm trên trục giao thông chính giữa trung tâm thành phố nên trước đây tỉnh An Giang đã quy hoạch xây dựng một sân vận động mới với 20.000 chỗ ở P.Mỹ Hòa. Sân vận động cũ sẽ chuyển đổi công năng, cho khai thác quỹ đất làm nhiều công trình và loại hình dịch vụ khác.
ĐỨC VỊNH[/box]
[box]Sân Ninh Bình đóng cửa chờ... lứa U-19!
HLV Nguyễn Văn Dũng cho biết từ lúc CLB Ninh Bình có mặt ở V-League, Sở VH-TT&DL Ninh Bình đã chuyển giao quyền quản lý sân vận động của tỉnh cho CLB.
Sau lúc xảy ra sự cố dàn xếp tỉ số ở AFC Cup 2014, đội bóng giải tán, sân này đã đóng cửa. Tuy nhiên, việc bảo dưỡng sân bãi vẫn được tiến hành đều đặn. Hiện tại sân này trở thành nơi tập của các đội năng khiếu. Ông Dũng cho biết: “Sân Ninh Bình đóng cửa... chờ ngày đội U-19 của Vissai Ninh Bình được đôn lên chơi Giải hạng nhất rồi V-League như lời hứa của bầu Trường”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng Thái - chủ tịch CLB Nam Định - cho biết đã gần bốn năm đội Nam Định (rớt xuống hạng nhì và vừa giành quyền thăng hạng nhất vào tháng 8 vừa qua) dù không xuất hiện với bóng đá đỉnh cao nhưng sân Thiên Trường vẫn sáng sủa. Ông nói: “Chúng tôi có tổ phục vụ sân bãi với tám thành viên là nhân viên hợp đồng để hằng ngày duy tu đường chạy, quét dọn vệ sinh khán đài và chăm chút mặt cỏ. Chúng tôi không cho thuê sân để chơi bóng đá phong trào vì tiền thu không đủ chi phí cho thiệt hại khi người vào chơi đông. Sân Thiên Trường được dành riêng cho đội tuyển của tỉnh tập luyện, các lớp năng khiếu thì tập ở sân phụ”.
S.H.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận