Nhìn chú Sáu Dân, soi lại chính mình
Chú Sáu Dân, tôi gọi đồng chí nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt như vậy từ lần gặp chú ở Trung Ương Cục Miền Nam năm 1974. Tôi, chị Mai Phương và chị Kim Hồng được chú gọi sang hỏi thăm tình hình miền Trung nam bộ, đặc biệt chú hỏi nhiều về thanh niên đô thị, tình hình vận động thanh niên chống bắt lính, chống đi phòng vệ dân sự, chống văn hóa đồi trị ngoại lai, v.v…
Phóng to |
Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt cùng các thanh niên xung phong năm 1977 |
Chú đưa ba chị em tôi ra vườn cây của chú trong khu rừng già Dương Minh Châu. Tôi rất ngạc nhiên vì luôn nghĩ trong rừng làm gì có cam, quít, ổi, vậy mà vườn của chú đều có hết. Chú chỉ vào đám mía thanh diệu màu tím rịm ngon ơi là ngon, bảo anh bảo vệ “Mày lấy dao chặt cho mấy đứa con gái một mớ mía nó vác về bên TW Đoàn nó ăn”. Chúng tôi vừa mừng vì được ăn mía ngon, vừa sung sướng và cảm động vì sự bình dị, dễ gần của người lãnh đạo.
Tới kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI tôi gặp lại chú và liên tiếp khóa VII và khóa IX (chú không tham gia khóa VIII), tôi vinh dự đuợc ngồi cùng hội trường Ba Đình với chú. Tôi chắc nhiều đại biểu quốc hội khóa IX còn nhớ một việc rất thú vị. Ấy là tại hội trường Ba Đình, nhiều ĐBQH phát biểu rằng trên thế giới này không có nước nào có quốc hội mà không có nhà quốc hội, ngay cả hội trường Ba Đình quốc hội họp một năm hai lần mỗi lần hơn một tháng mà cũng không được coi là nhà của quốc hội.
Luật gia Ngô Bá Thành, một người phụ nữ rất bản lĩnh và sắc sảo thẳng thắn đề nghị “Tôi đề nghị Thủ tướng chính thức giao hội trường Ba Đình cho quốc hội làm chủ”. Trước ý kiến đột ngột của ĐB Ngô Bá Thành, gần một ngàn bàn tay vỗ lên như pháo nổ liên hồi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lập tức đứng lên tuyên bố “Kể từ hôm nay Chính phủ chính thức giao hội trường Ba Đình về Quốc hội, do văn phòng QH quản lý, sử dụng". Như vậy là nguyện vọng tha thiết của ĐBQH được đáp ứng.
Thật là tinh thần quyết liệt trong kháng chiến vẫn sục sôi trong tâm não của người lãnh đạo. Việc gì xét thấy hợp tình, hợp lý, hợp lòng dân là ông quyết, không phải đợi “trình bẩm”. Thảo luận để đạt nhất trí cao trong tập thể là nguyên tắc, nhưng việc nào cũng chờ, cũng đợi đôi khi trở thành thói quen dựa dẫm, không dám chịu trách nhiệm là một tật xấu, một lực cản cho sự phát triển. Đường dây 500KW là một ví dụ vừa đảm bảo nguyên tắc (chính phủ trình quốc hội) vừa quyết đoán của người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất.
Câu chuyện thủy lợi ở khu vực Đồng Tháp Mười thật là một “chuyện dài nhiều tập”, tôi đã trực tiếp nghe bộ đổ lỗi cho địa phương, địa phưong đổ thừa trách nhiệm lên bộ, tỉnh này xả phèn qua tỉnh kia, căng kéo nước ngọt của dòng sông Cửu Long hằng bao nhiêu năm trời. Là người con của đất Chín Rồng, Thủ tướng Vỏ Văn Kiệt sau bao ngày tháng lặn lội tìm phương các tránh lũ, né lũ, đã trăn trở và quyết tâm phải sống chung với lũ. Từ đó, các nhà khoa học, các cơ quan chức năng tìm mọi cách để người dân vùng Đồng Tháp Mười được sống chung với lũ và tận dụng nguồn lợi từ lũ.
Bằng ấy chứng minh ý chí quyết đoán của người lãnh đạo là cực kỳ quan trọng. Nhìn vẻ bề ngoài cũng như trong tư tưởng chỉ đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, người ta có thể cảm nhận Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người chỉ “thiên” về kinh tế. Là một người quan tâm các vấn đề xã hội, tôi nhận thấy nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người rất xã hội, đầy tính nhân văn. Nhớ ngày rằm tháng bảy năm kia, ngày vu lan xá tội vong nhân, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết bài báo đậm đà tình nhân ái, nghĩa đồng bào. Mùa mưa lũ năm ngoái, nhận chìm miền Trung trong nước, đồng chí Võ Văn Kiệt đã suy nghĩ về một chiến lược phòng tránh mưa lũ cho miền Trung và cho cả nước.
Chắp nối nhiều câu chuyện về đồng chí Võ Văn Kiệt, ta có thể rút ra tấm gương của lòng quả cảm, óc thông minh, sáng tạo, trọn vẹn cuộc đời vì đất nước, vì nhân dân. Hãy nhìn tấm gương VÕ VĂN KIỆT để soi lại mình.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và "dân tộc biển" quê tôi
Vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ 20, thời kỳ mở đầu của công cuộc đổi mới, Hà Tĩnh vừa mới tách tỉnh, khó khăn bộn bề nhưng khó nhất là định hướng phát triển. Thủ tướng đã dành thời gian nhiều lần vào khảo sát thực địa ở một số vùng dân cư trong tỉnh cho đến mỏ sắt Thạch Khê, cảng Vũng Áng, vùng quốc lộ số 8 đi qua.... để chỉ rõ hướng đi lên cho nhân dân Hà Tĩnh.
Tôi nhớ hôm Thủ tướng vào khảo sát mỏ sắt Thạch Khê, lúc đó chưa có đường ô tô đến vùng mỏ, tỉnh phải mượn xe Land Cuize mới vượt qua được bãi cát dài 4-5 km. Lãnh đạo tỉnh xin để Liên đoàn Địa chất 4 trình bày trên bản đồ, Thủ tướng dứt khoát phải đi đến vùng mỏ và gặp dân ở đó. Bao nhiêu lần xe hì hục dừng lại giữa đường, cuối cùng cũng đến nơi. Thấy Thủ tướng đến, nhân dân Thạch Hải ra vây quanh, Thủ tướng thân ái thăm hỏi chuyện làm ăn, sinh sống của bà con ở đây.
Phóng to |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà con dân tộc huyện Chư Pả, Gia Lai năm 1996 - Ảnh tư liệu |
Một người dân hóm hỉnh: “Thưa Thủ tướng chúng tôi ở đây là dân tộc thiểu số”. Thủ tướng hỏi dân tộc gì? Bà con trả lời là “dân tộc biển". Thủ tướng cười thân thiện và hỏi tại sao lại nói dân tộc biển, bà con kể: nơi này chỉ cách thị xã 6 km theo đường chim bay, nhưng điện không có, nước không có, đường không có, lần đầu tiên thấy được ô tô của Thủ tướng đến đây, rõ ràng cũng y như đồng bào dân tộc thiểu số ở trên vùng cao, nhưng vì chúng tôi ở biển nên gọi là dân tộc biển. Thủ tướng cười vui vẻ và nói với mọi người: Chính phủ sẽ cùng với nhân dân làm cho vùng này không còn là “dân tộc biển”.
Thấu hiểu được cuộc sống và nổi lòng của người dân, những lần làm việc với tỉnh, Thủ tướng đặc biệt nhắc nhở lãnh đạo tỉnh đồng thời với các chương trình dự án lớn phải đặc biệt chăm lo xây dựng đường giao thông, điện, nước sạch ở nông thôn, gắn liền với phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển kinh tế biển cho nhân dân sớm thoát khỏi "dân tộc biển". Những năm đã về hưu, nguyên Thủ tướng vẫn luôn theo dõi động viên về những việc đã làm được, nhắc nhở những việc còn yếu kém, và không quên hỏi việc lo cho “dân tộc biển” đến đâu rồi?.
Hiện nay cảng Vũng Áng đã đi vào sử dụng có hiệu quả, mỏ sắt Thạch Khê đang chuẩn bị khai thác, Hà Tĩnh nói chung và Thạch Hải nói riêng đã có đường nhựa đến tận thôn, có điện, có nước sạch. Nhân dân luôn nhắc đến một vị Thủ tướng đã nhiều lần đến và trò chuyện với dân một cách cởi mở, thoải mái, cùng nghĩ với cái nghĩ của dân, cùng lo với cái lo của dân, để dân được nói những điều từ đáy lòng mình mà không một chút dè dặt, quan ngại. Và lời hứa của Thủ tướng đã biến thành hiện thực, nhân dân ở đây không những không còn là “dân tộc biển” mà sản xuất, đời sống đã ngày một khá hơn.
Xin nhắc lại câu chuyện ngắn trên đây, như đựợc thắp một nén hương để tỏ lòng ngưởng mộ và thương tiếc vô hạn một vị Thủ tướng trong lòng dân.
Ông đã đối với tôi như người trong gia đình
Tôi có vinh dự được phiên dịch cho đồng chí Võ Văn Kiệt gần 30 năm trước trong lần đầu tiên đồng chí sang thăm Liên Xô, khoảng năm 1979-1980. Đồng chí Võ Văn Kiệt khi đó là Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, dẫn đầu đoàn đại biểu của thành phố sang thăm Leningrad. Do Leningrad khi ấy chưa tìm được phiên dịch tiếng Việt nên tôi, lúc đó là biên tập viên và phát thanh viên Ban Tiếng Việt Đài Tiếng nói Moskva, được cử làm phiên dịch cho đoàn.
Trong chương trình ở Leningrad có buổi tham quan Cửa hàng quốc tế. Phải nói rằng hồi đó "tiết mục" đi cửa hàng quốc tế ngay cả đối với người dân Liên Xô cũng là một cơ hội ít có, vì trong đó có nhiều loại hàng hóa ngoài thị trường không dễ gì mua được. Đồng chí Võ Văn Kiệt từ chối chương trình này, vì vậy anh em trong đoàn cũng chả có lý gì tự đi đến đó cả. Khi thấy các nhân viên Liên Xô tháp tùng đoàn hơi "buồn" trước quyết định trên, anh thư ký của đồng chí sau đó đã hỏi tôi nguyên nhân. Khi biết nội tình chắc là anh đã báo cáo, nên khi đoàn tới Moskva, khi thấy trong chương trình cắt mục "Cửa hàng quốc tế" thì đồng chí bảo: Tôi không đi, nhưng nên có chương trình đó cho anh em. Quả thật là chúng tôi vừa vui, lại vừa cảm động...
Tôi còn có một kỷ niệm nhỏ nhưng cũng rất sâu sắc về đồng chí Võ Văn Kiệt. Khi đoàn về nước, đồng chí mời tôi: "Tanhia, khi có dịp sang Việt Nam, vào thành phố Hồ Chí Minh, nhất định cô phải đến chơi nhà tôi đấy nhé!". Tôi rất cảm ơn lời mời đó, nhưng thật lòng trong thâm tâm không hề nghĩ có lúc nào dám phiền đến một vị lãnh đạo cao cấp. Thế rồi sau đó gần một năm sau tôi được sang Việt Nam công tác ngắn hạn theo lời mời của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
Tôi ở Hà Nội rồi vào thăm TP.HCM, được mời đến Đài truyền hình thành phố tham dự một buổi gặp gỡ phỏng vấn có ghi hình... Thế rồi hôm sau tôi nhận được điện thoại của thư ký đồng chí Võ Văn Kiệt, chuyển lời ông mời tôi đến nhà chơi. Tôi không dám tin vào tai mình. Buổi gặp gỡ gia đình ông, bữa cơm thân mật cùng cả nhà, cùng xem một bộ phim vui, để lại trong tôi tình cảm không bao giờ phai mờ. Đó là cuộc gặp mặt giữa những người thân quen, thân mật, ấm cúng như trong một gia đình.
Hôm nay khi nhận được tin đồng chí Võ Văn Kiệt từ trần, bên tai tôi còn văng vẳng giọng nói của ông trong bữa cơm gia đình năm ấy: "Cô Tanhia ăn tôm đi, tôm sông Sài Gòn ngon lắm đấy...", và tôi trào nước mắt...
Câu chuyện nhỏ của tôi
Tháng 12-1984 có một sự kiện thu hút khá nhiều sự quan tâm của bạn đọc Tuổi Trẻ: một học sinh lớp 12 trường PTTH Lê Hồng Phong từ chối xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình. Cô học trò nhỏ đó đã viết thư gửi cho đồng chí Võ Văn Kiệt, bấy giờ đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, để kể về những tâm tư của mình. Người học sinh đó giờ là phóng viên Báo Tuổi Trẻ. |
Bạn tôi, Trúc Lam, nói "Tuyền viết thư cho chú Võ Văn Kiệt đi. Chú ấy rất được thanh niên thành phố yêu mến. Lam gửi đi cho". Cần phải nói rằng ngày ấy, tôi không có tivi trong nhà, không tiền mua báo. Tôi có nghe phong thanh về "chú Võ Văn Kiệt" nhưng không biết chức vụ của chú là gì!
Khi chị Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và anh Nguyễn Đông Thức, nay là trưởng Phòng Xuất bản của Báo Tuổi Trẻ, đi tìm tôi theo sự ủy thác của chú Sáu Dân (chú Võ Văn Kiệt), tôi như vừa thấy một mảng trời xanh non ngăn ngắt hé mở trên cao, nơi tôi có thể trông lên mà cảm giác về một cuộc sống bao la từ cái góc tù ngục mà tôi đang sống. Trong buổi đầu "làm quen" với nhau đó, chị Kim Hạnh rút từ giỏ ra một tấm ảnh của chú Sáu Dân cho tôi giữ làm kỷ niệm. Tấm ảnh đó, tôi vẫn giữ cho đến tận bây giờ.
Tôi vào trường tạm trú trong thời gian học lớp 12. Một ngày nọ, các anh chị báo Tuổi Trẻ báo tin chú Sáu Dân nhắn hỏi tôi có muốn đi chơi với chú không. Giờ xuất phát là năm giờ sáng. Một đoàn xe đến trường LHP để đón tôi và cô Hồng Ánh, bí thư Đoàn trường bấy giờ, vì tôi muốn cô đi cùng tôi, và vì cô là người gần gũi và chăm lo cho tôi nhiều nhất bấy giờ. Chú Sáu muốn tôi ngồi cạnh trên xe riêng chở chú. Suốt dọc đường đi, chú hỏi tôi về nhiều thứ và tôi cũng được dịp nghe chú trao đổi công việc với những người chung quanh.
Đó là một chiếc xe jeep. Đường đi đến Trị An bụi đỏ tung đầy. Đến nơi, nắng đã cháy ở trên cao, tôi nhìn lên ông mặt trời, díp mắt lại và thấy rằng cuộc sống cũng lồng lộng, vươn dài như buổi sáng ấy. Chú Sáu giới thiệu tôi với con ruột của chú là chị Hiếu Dân, "để nói chuyện với tôi" trong khi chú đi thị sát. Năm đó, chị khoảng 26 tuổi. Tôi nhớ chị nói giọng Nam bộ và đã cho tôi những cảm giác hiền hòa. Điểm đến kế đó là nông trường Nhị Xuân. Đối với tôi bấy giờ, buổi "đi chơi" ấy quả là một món quà bất ngờ và độc nhất vô nhị.
Những trang giáo khoa lịch sử sinh động
Đây là những trang giáo khoa lịch sử sinh động nhất: Tuổi trẻ nước ta ít hiểu biết lịch sử nước nhà, các em học sinh khổ sở phải thuộc lòng môn sử khô khan, người lớn chúng ta cũng phát chán với những thống kê sự kiện. Thế nhưng, đọc những trang ghi chép về bác Kiệt sao thấy hào hứng vậy, thấy say mê quá; hết số báo này cứ ngóng chờ số sau. Người nghỉ hưu như tôi đã có phần ngại đọc, thế mà cứ khao khát được đọc tiếp về bác Sáu Dân.
Tôi nhận ra rằng chuyện đời bác chính là những nét minh hoạ sinh động về Nam Bộ kháng chiến, về chống Mỹ cứu nước, về công cuộc đổi mới. Đấy chính là một trang sinh động của sách giáo khoa lịch sử. Xin trân trọng cảm ơn tác giả và báo Tuổi Trẻ; mong rằng loạt bài này sẽ in thành sách để con cháu chúng tôi đọc tiếp.
Điện chia buồn của Hội Hữu nghị Nga-Việt Chúng tôi rất đau buồn khi biết tin đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyên Ủy viên Bộ chính trị TƯ Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyên Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, người bạn lớn của Liên Xô và Liên bang Nga đã từ trần. Tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách thống trị ngoại xâm từ khi còn trẻ tuổi, đồng chí Võ Văn Kiệt suốt đời trung thành với nghĩa vụ của mình: trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như thời kỳ chống sự xâm lược của Hoa Kỳ, vì sự nghiệp giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển các mối quan hệ giữa hai nước chúng ta; tên tuổi đồng chí gắn liền với giai đoạn hợp tác song phương được mở ra bằng việc ký kết Hiệp định về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ Liên bang Nga - Việt Nam vào năm 1994. Đồng chí Võ Văn Kiệt mất đi là một tổn thất không gì bù đắp được với nhân dân Việt Nam và cả loài người tiến bộ- những người trân trọng lý tưởng tự do và độc lập của tổ quốc. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt còn mãi trong trí nhớ của những người bạn Nga. Kính nhờ chuyển đến gia đình và những người thân của đồng chí lời chia buồn chân tình của chúng tôi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận