08/03/2006 05:04 GMT+7

Những câu chuyện nửa đêm về sáng...

NGUYỄN BÌNH
NGUYỄN BÌNH

TT - Tôi đã có nhiều đêm thức trắng cùng những phu xe ở khu trung tâm TP.HCM. Và những câu chuyện lúc nửa đêm đâu chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền của một vòng đời lam lũ. Tôi còn gặp những cuộc đời với những số phận kỳ lạ...

V0GdWz3A.jpgPhóng to
Ông Trần Huy Lai: "Tôi không trách số phận đẩy tôi từ triệu phú đến với chiếc xích lô..."
TT - Tôi đã có nhiều đêm thức trắng cùng những phu xe ở khu trung tâm TP.HCM. Và những câu chuyện lúc nửa đêm đâu chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền của một vòng đời lam lũ. Tôi còn gặp những cuộc đời với những số phận kỳ lạ...

Có một người chaTôi cũng đạp xích lô

Triệu phú xích lô!

0 giờ, đường phố Sài Gòn đã chìm sâu vào giấc ngủ say sau một ngày náo nhiệt. Bên cạnh cổng chợ Bến Thành tôi bắt gặp một cụ già đang ngồi chờ khách trên chiếc xích lô cũ kỹ. “Bác chở giùm cháu đi Bình Thạnh bao nhiêu?”, tôi hỏi giá.

Ông già trả lời giọng nhẹ như làn khói: “Chú muốn cho bao nhiêu thì tùy, tiền không quan trọng, khuya rồi”. Tôi bước lên xe, chiếc xích lô nhích từng chút đầy mệt nhọc. Tôi ái ngại hỏi thăm ông: “Sao bác già rồi không nghỉ cho khỏe, con cháu đâu mà để bác khổ sở thế này?”.

Như chạm vào “vết thương” ông già lảo đảo và ho khù khụ. Tôi đề nghị ông tấp vào một quán nước bên đường. Ngồi trên vỉa hè, nhấm nháp ly cà phê nóng, giữa đêm khuya những ký ức của cuộc đời ông đã hiện về...

Hơn 50 năm trước, chàng trai trẻ Trần Huy Lai có đầy đủ mọi thứ trên đời mà thanh niên thời bây giờ cũng khó sánh bằng: đi xe hơi láng cóng, ở căn biệt thự to đùng. Trần Huy Lai từng là nhà thầu lớn, có uy tín, đã có lúc đứng ra thầu liền ba cái chợ.

Chàng trai trẻ bắt đầu vung tiền, cái gì cũng chơi cho thỏa mùi đời. Tiền bạc đội nón ra đi, công trình cũng thưa dần, nhưng với tiền triệu trong tay cho đến sau ngày giải phóng ông Lai vẫn còn gom góp được một khối vốn liếng lớn để sang Campuchia, Thái Lan buôn bán.

Sau một phi vụ lớn ở biên giới Thái, ông bị cảnh sát bắt giữ, ở nhà vợ ông tưởng ông mất tích hay vượt biên nên đưa đơn ra tòa ly dị. Đến ngày được tự do trở về quê hương thì nhà cửa ly tán, tiền bạc không còn một xu...

Ông Lai kể: “Đã lên voi giờ lại xuống chó, tôi làm đủ việc, từ buôn bán nhỏ, chạy chợ, đến làm công nhân, rồi làm thợ hồ, mua bán ve chai... và cuối cùng là xích lô”.

Các con ông giờ đây đã thành gia thất, có công ăn việc làm ổn định và đã nhiều lần tìm đến tận nơi năn nỉ ông về nhưng ông vẫn không đồng ý, với lý do “không thích làm người ăn bám con cháu”.

Nghề xích lô đến với ông cũng bất ngờ. Lúc ấy ông đang lượm đồng nát thì hay tin thằng cháu qua đời, ông tìm tới viếng, nghe người nhà nói đứa cháu bị đột tử khi đang đạp xe xích lô lên dốc cầu Sài Gòn. Thương cháu quá, ông lấy chiếc xe về đạp thử, thấy hay hay nên chọn làm nghề mưu sinh cuối đời...

“Nghề xích lô tưởng chừng đơn giản nhưng vất vả phải biết, chạy ngày thì phải “né” giao thông, còn chạy đêm thì sợ đám choai choai nó lừa”.

Ông Tư Lai kể mới cách đây vài hôm ông chở ba “chú nhóc” đáng tuổi cháu nội mình đi từ trung tâm Sài Gòn về Bến Vân Đồn, quận 4, đến nơi chân tay còn run rẩy vì mệt thì chúng đã ù té “hô biến”, tội nghiệp ông già chỉ biết đứng nhìn mà kêu làng bớ xóm chứ chẳng dám đuổi theo vì sợ mất xe. Ông đã từng mất hai chiếc xe với chiêu lừa như thế.

Hiện nay, ông được bà con ở hẻm số 9 Đặng Trần Côn, Q.1 thương tình cho tá túc dưới mái hiên trong con hẻm. Đêm đến, ông đưa xe ra khu vực Sài Gòn chạy, còn ban ngày ông đậu ngay trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Du đón khách.

Khách “mối” của ông ban ngày thường là các cháu học sinh. Khi được hỏi chạy “mối” thu nhập có khá không, ông tâm sự: “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, cha mẹ lo đi làm không có điều kiện đưa đón. Tôi dù già nhưng vẫn còn chạy được, ráng đưa đón tụi nhỏ đi học chứ để đi bộ lang thang dễ bị đám bạn xấu lôi kéo, la cà đi chơi rồi đâm ra hư hỏng, chứ chở tụi nhỏ có được là bao đâu”.

Ông Tư Lai còn giới thiệu cho tôi gặp một đồng nghiệp mà ngày trước cũng “giàu cỡ triệu phú như tôi chứ không chơi đâu”. Đó là ông Từ Tô.

Trước giải phóng, gia đình ông có nhiều cửa hàng, hiệu buôn ở khu trung tâm thành phố, bản thân ông cũng là một bác sĩ quân y của chế độ cũ, một bước ra đường là có người đưa kẻ đón, nhưng số phận đã đưa đẩy ông trở thành một phu xích lô từ gần 30 năm qua.

o0zcVb7K.jpgPhóng to
Ông Từ Tô trong đêm tìm khách
“Chiếc xe này theo tôi mấy chục năm nay rồi đó”, ông Từ Tô vừa nói vừa chỉ tay về phía chiếc xe cũ đến mức khó tìm được chiếc nào cũ hơn. Trước đây do ngại ngùng, mặc cảm nên ông chỉ chạy xích lô thồ hàng ở khu vực cảng Tân Thuận; nhưng từ khi du khách nước ngoài đến thành phố nhiều, ông quyết định ra khu vực này chở khách.

Ông nói: “Chở khách tuy có thất thường nhưng cũng đỡ hơn chở hàng, vừa nặng nhọc lại dễ bị giao thông bắt. Mình chở du khách, lỡ đi vào đường cấm người ta cũng dễ thông cảm, vả lại bây giờ cũng đã ngoài 70 rồi còn gì để mất nữa”. Gặng hỏi mãi nhưng ông không nói vì sao không làm nghề y mà sinh sống, ông chỉ khẽ khàng: “Chuyện quá khứ nhắc tới làm gì chú ơi”.

“Lúc bà nhà tôi còn sống, vợ chồng tôi cũng có cuộc sống ổn định, bả buôn bán lóc cóc vỉa hè cũng đủ tiền nuôi hai đứa nhỏ. Tôi già như vầy nhưng con tôi còn nhỏ xíu hà, một đứa 14, còn một đứa 17 tuổi. Cách đây ba năm bà ấy qua đời, chiếc xích lô này không nuôi nổi ba miệng ăn nên gia đình ly tán, đứa út đành phải gửi vào Trường mồ côi Ánh Sáng, còn đứa lớn về Mỹ Tho làm ruộng với gia đình cô nó” - ông tâm sự khi được hỏi về gia cảnh hiện nay của mình.

Năm nay, dù đã ngoài cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Tô vẫn còn minh mẫn, với vốn tiếng Anh của mình ông thường được các đồng nghiệp nhờ “đàm phán” với khách nước ngoài, dần dà giới xích lô đêm ở Sài Gòn đặt cho ông biệt danh là “chú Hai thông ngôn”.

Đang trò chuyện với ông Từ Tô thì một đội tuần tra trờ đến, ông và đồng nghiệp vội kéo xe chạy về phía công viên 23-9, trông ông lúc này cũng nhanh nhạy không kém những đồng nghiệp trẻ khác...

“Độc thủ đại phu”

Chiếc xích lô trông đơn giản vậy, tôi đã leo lên thử vài lần nhưng để chạy được thì thật không dễ dàng chút nào. Vậy mà giới trẻ đạp xích lô đêm cho tôi biết có một người phu xe đã mấy mươi năm hành nghề xích lô chỉ với một cánh tay và họ gọi anh bằng một biệt danh “độc thủ đại phu”.

Anh tên Trương Văn Bé, ngụ ở quận 8. Năm 14 tuổi, một trái nổ đã cướp đi của Bé một cánh tay; 17 tuổi, mặc cảm tật nguyền đã đưa Bé từ vùng quê hẻo lánh Hồng Ngự, Đồng Tháp lên tận Sài Gòn. Ngay từ khi xuống xa cảng, chiếc xích lô của đất Sài Gòn đã được anh Bé chọn làm nghề mưu sinh cho tới giờ cũng đã hơn 40 năm.

vkLZzitP.jpgPhóng to
Anh Trương Văn Bé đợi khách lúc nửa đêm
Anh Bé xem chiếc xích lô như một người bạn tri ân, tri kỷ. “Ngày lên Sài Gòn, với tôi - một người tật nguyền, đó là chuyến đi vô định. May mà có chiếc xích lô này nuôi sống tôi, cho tôi chút đỉnh tiền cưới được vợ rồi nuôi được con”.

Trong căn nhà nhỏ thuộc phường 1, quận 8, ngày ngày người ta vẫn thấy hai đứa trẻ quần áo tươm tất ngồi trên chiếc xích lô do một người phu xe cụt tay điều khiển, đó là hình ảnh của cha con anh Bé. Dù khó khăn đến mấy, vợ chồng anh vẫn cố gắng chăm lo cho hai đứa con mình được ăn học.

“Bản thân tôi đã tật nguyền lại ít học nên không tìm được cho mình một nghề nào nhẹ nhàng hơn nghề đạp xích lô, do vậy tôi và “má sắp nhỏ” phải cố lo cho tụi nhỏ ăn học được cái chữ để sau này chúng đỡ cực” - câu nói ấy của anh như một lời hứa đối với chính bản thân mình.

Còn chuyện “độc thủ đại phu”? “Đám trẻ hiếu kỳ nên bảo như vậy, chứ tôi thấy bình thường vì tôi chỉ có một cánh tay thì làm sao bắt tôi chạy xe bằng hai tay như chúng nó! Tất nhiên, chạy xích lô bằng một tay cũng có nhiều cái bất tiện, như khi phải hãm thắng bằng khuỷu tay”.

Anh còn nhớ như in có lần chở ba giỏ trứng vịt cho một khách quen từ bến xe Chợ Lớn về Q.8, đường đông xe, cánh tay duy nhất của anh giữ càng xe, lúc giỏ trứng vịt bị nghiêng sắp rớt anh đưa tay chụp lại giỏ trứng, chiếc xích lô lủi vô lề, gần trăm trứng vịt bị bể báo hại anh phải mua rẻ số trứng ấy về chia cho hàng xóm ăn mãi mới hết...

Cũng như nhiều phu xe khác ở khu vực này, anh Bé chỉ chạy xe đêm, bởi ban ngày anh còn phải lo quán xuyến chuyện nhà, chuyện con cái cho vợ chạy chợ kiếm thêm.

***

Ánh hồng đã ửng dần phía đông chân trời báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu. Chia tay ông Tư Lai, tôi cứ luẩn quẩn mãi với câu nói của ông: “Tôi không trách số phận đã đưa đẩy tôi từ một triệu phú trước đây giờ phải bữa đói bữa no với chiếc xích lô thấp hèn. Có trách là trách bản thân tôi hồi còn trẻ không biết giữ mình, vung tay quá trán, để giờ có tiếc cũng đành”.

Còn nói như anh Trương Văn Bé thì chính chiếc xích lô đã giúp anh xóa đi mặc cảm của cuộc đời, và thấy mình là người có ích cho xã hội mặc dù nghề xích lô vẫn là nghề “một đêm thức trắng không đổi được ngày no” và bóng dáng xích lô ngày càng thưa dần trên đường phố...

Kỳ sau: Ông Mười và “ngôi nhà xích lô”

NGUYỄN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên