Gửi đến ba Trần Đức Tuấn! Đây là những dòng tâm sự mà ngày thường con không đủ can đảm để nói
Biết làm sao được, con là như vậy mà. Ra khỏi nhà, con là một cô bé vô tư, lúc nào cũng cười, ít ai thấy con buồn. Về lại nhà, con lại là chính mình, luôn có những ưu sầu không ai biết. Chẳng biết có phải vì con sống nội tâm không, nhưng con là người chẳng bao giờ biểu lộ tình cảm bên ngoài, con như kẻ dửng dưng trong gia đình, đến ba mẹ cũng chẳng nói yêu thương lần nào. Nhưng đừng nghĩ con không thương ba nhé, ba là người đàn ông tuyệt vời nhất với con!
Ai cũng nói là con út được cưng nhiều hơn, nhưng tôi chẳng thấy vậy. Với tôi, như thế là quá đủ. Em sinh sau tôi tám năm, khoảng thời gian đó tôi đã được cưng chiều rồi. Đôi lúc tôi cũng ganh tị, nhưng không giành với em đâu. Em còn nhỏ mà!
Từng giai đoạn phát triển của tôi, ba mẹ đều theo sát. Đôi lúc vì hỏi quá kỹ, tôi đâm ra cáu gắt với ba. Ba nạt tôi, sau đó ba thường kể chuyện lúc nhỏ cho tôi nghe: “Ngày xưa ba đi học, ông bà nội lo làm kiếm tiền, chẳng quan tâm gì đến chuyện học hành của ba và các cô chú cả, nên ba có chút tủi thân và chẳng học hành đàng hoàng. Bây giờ ba không muốn con như ba, phải sống tốt hơn chứ!”.
Vậy đấy, ba luôn muốn tôi được những gì tốt nhất. Lúc nhỏ, ba thường kể chuyện cho tôi nghe, mỗi lần ba kể một chuyện thôi, nhưng tôi đã chắp vá được khá nhiều. Nhà ông bà nội tôi khó khăn, là anh cả, ba tôi ngày hai buổi, một buổi phải đi làm ruộng, xách nước từ sáng tới trưa. Về nhà ăn bữa cơm mà ngô độn, khoai độn nhiều hơn cơm.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, ba phải ôm cặp cuốc bộ bảy, tám cây số mới có thể đến trường. Bây giờ tôi đi học xa nhưng đã có xe điện, sướng hơn ba nhiều lần, vậy mà tôi thường hay than mệt, đi về nhà toàn là học và ngủ. Ba hay la tôi làm biếng nhưng la thế thôi, ba vẫn giúp tôi làm công việc nhà. Tôi thương ba nhất!
Còn trẻ, vừa học vừa làm, ba tôi thường nhín lại chút ít tiền gửi bà nội tôi để chi tiêu sau này, và ba tôi đã cưới mẹ tôi. Thế nhưng khi đám cưới, hỏi bà nội thì do nghèo quá, bà nội đã lấy dùng hết. Thế là ba phải chạy vạy tiền để làm đám cưới. Sau lễ, tiền mừng cũng đủ trả nợ, ba mẹ tôi bắt đầu bằng hai bàn tay trắng. Ba mẹ tôi đã phải làm việc cật lực, chi tiêu dè sẻn, không dám sắm sửa gì nhiều.
Khi tôi ra đời, đồ đạc trong nhà cũng nhiều lên, toàn để chăm sóc cho tôi thôi. Có lẽ vì thế mà giờ đây khi được hỏi vể “tuổi tác” của những đồ vật xưa cũ trong nhà, ba toàn lấy tuổi tôi ra làm mốc và nói bằng giọng đầy tự hào rằng chính mình đã dùng sức của mình mua những đồ dùng ấy chăng?
Chuyện ngày xưa nhiều lắm, tôi chỉ nhớ có thế thôi. Trong những câu chuyện ba kể, có thể bạn thấy bình thường lắm nhưng với tôi lại khác, nó mở ra rất nhiều ký ức, rất nhiều tưởng tượng cũng như tình thương ba. Đặc biệt ba đã dạy cho tôi phải biết nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống, không để khó khăn cản trở thành công của mình.
Ba tôi không khéo ăn nói, tính ông rất thẳng thắn lại dễ nổi nóng nên hay làm mất lòng nhiều người. Thế nhưng ai quen mới biết ba chỉ nói vậy câu trước câu sau là quên mất, chẳng để bụng. Tôi hỏi ba sao ba hay nói những lời như thế. Ba nói rằng ba nghĩ sao nói vậy, không e dè, không sợ sệt gì cả, làm người thì phải luôn sống chính trực, ngay thẳng để sau này không có gì để hối tiếc.
Ba là vậy. Không giỏi ăn nói, không giỏi học hành thế nhưng ba tôi vẫn là nhất. Ông luôn là một con người cương trực, chịu thương chịu khó, luôn nghĩ cho người khác trước mình, dạy tôi những bài học quý giá, là hành trang giúp tôi đứng vững trên con đường đời đầy chông gai, cạm bẫy này. Với tôi, ba là người thầy đầu tiên và cũng là người thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận