![]() |
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự trận đấu chia tay thế hệ vàng bóng đá VN ngày 3-9-2005 - Ảnh: T.T.D. |
Ông Phạm Văn Hùng (nguyên Trưởng ban tổ chức Thành ủy TP.HCM, thư ký cho ông Sáu Dân từ 1973-1979), mỉm cười nhắc: tiếp quản thành phố, làm việc trong hòa bình nhưng công việc đa đoan hơn nhiều. Cứ 6g30 là toàn bộ các bộ phận của thành ủy, các sở, ban ngành đã tập hợp ở nhà anh Sáu Dân (cũng là trụ sở làm việc của thành ủy), vừa ăn sáng vừa họp. Cứ vậy rồi thành nếp quen, cả lãnh đạo các quận huyện cũng đến, không cần chuẩn bị ăn sáng trước ở nhà, cứ tới là ăn, là vào việc thôi.
Đến bữa trưa, bữa tối thì ngoài thư ký, trợ lý còn có thêm các nhà báo. Bữa cơm ở nhà ông Sáu Dân là trung tâm thông tin nên các nhà báo tới rất đông, có người ngày nào cũng ghé. Ông coi tất cả như người nhà, hoạch định kế sách cũng để nhà báo cùng nghe. Có người bảo không nên, ông giải thích: báo chí song hành với sự phát triển xã hội, thúc đẩy phát triển thành phố. Phải gắn báo chí với từng công việc.
Ông Trần Hữu Phước (thư ký của ông Sáu Dân những năm 80) kể thêm: ban thư ký của ông Sáu có 5 người, chia ra làm việc 4 ca một ngày, nói vậy đủ thấy sức làm việc không mệt mỏi của ông. Khách từ các ban ngành, khách từ các tỉnh tới rần rần, nhà lúc nào cũng như nhà dân miền Tây có đám giỗ. Mỗi lần ông ra Bắc làm việc, nhà vắng vẻ hẳn. Ông về, mọi người lại kéo tới, Nam, con ông, nhại một câu hát trêu ba “người về lại đông vui, người về lại no ấm”.
Ông Phước trầm ngâm: bữa cơm nhà ông Sáu không chỉ là do tính cách Nam bộ, cũng không chỉ nhằm tiết kiệm thời gian, mà là gắn bó tình thân mật giữa các anh em. Chính những bữa cơm thường xuyên giữa ông với các nhà khoa học, trí thức, giới văn nghệ sĩ là những buổi mọi người trình bày tư tưởng, sáng kiến, hiến kế, phản biện để ông lắng nghe, chắt lọc và từ đó những quyết sách nảy sinh.
Cũng trong những bữa ăn, những câu chuyện trà dư tửu hậu mà ông ghi nhớ từng tâm tư, hoàn cảnh của mọi người để rồi sau đó có những động tác chăm sóc, giúp đỡ rất tế nhị, khéo léo. Bao gạo lúc cuối tháng, ký lạp xưởng, xấp vải khi Tết về trong thời bao cấp đã là quí, cái thiện tâm “chiêu hiền đãi sĩ”, cái tình chân thật của ông còn quí hơn bội lần. Vì thế mà những nhà khoa học nổi danh như Chu Phạm Ngọc Sơn, Ngô Viết Thụ, Nguyễn Xuân Oánh, Bùi Thị Lạng, những nghệ sĩ tiếng tăm như Trịnh Công Sơn, Phùng Há, Út Trà Ôn đều rất mến mộ ông, ở lại với khó khăn để góp tay cùng ông.
Ông Phước cười “Lúc làm Chủ tịch thành phố, mỗi khi về thăm quê hay đi công tác vùng đồng bằng sông Cửu Long về, xe của ông luôn chở đầy gạo, có khi là thịt heo. Đó là ông xuất tiền mua để rồi anh em chúng tôi sẽ có nhiệm vụ mang đến cho những người đang gặp khó khăn, không chỉ giới trí thức hay gia đình chính sách, mà cả công nhân, cả nữ tu. Ông Sáu Dân khi đó như là “Mạnh thường quân” ở Sài Gòn. Khi quyết tâm thực hiện “tháo gỡ, cởi trói” cơ chế bao cấp, cũng đích thân ông đi mua chuyến gạo đầu tiên về trang trải cho bà con thành phố”.
Ông Hùng thì nhớ mãi một câu chuyện nhỏ: “Có lần đến thăm bệnh viện Bình Dân, ông Sáu Dân thấy GSBS Phạm Biểu Tâm hớt hải chạy xe máy vào để kịp ca mổ, súyt bị tai nạn. Ông hỏi, BS Tâm bảo trước giải phóng ông quen lái ôtô riêng nhưng nay thì không đủ xăng để đi. Ông Sáu về bảo tôi chuyển mỗi tháng chục lít xăng để bác sĩ có thể đi ôtô cho an toàn”.
Bản thân tôi là một kẻ hậu sinh, chỉ biết nhìn đến tầm vóc con người và sự nghiệp của bác Sáu Dân với một sự ngưỡng vọng, thế nhưng tôi lại cũng đã mấy lần được chú Sáu Dân tiếp chuyện, lại cũng đã một lần được cùng dự bữa cơm thân mật tại phòng khách của ông cùng các nhà khoa học đầu ngành. Bữa cơm ngày giáp Tết hôm đó mọi người bàn thảo về những công trình lớn của thành phố, của quốc gia, và ông nói “Tôi thôi làm việc rồi, nhưng sẽ khuyến khích, nhắc nhở các anh lãnh đạo tham khảo ý kiến các nhà khoa học trước mỗi lần quyết định. Không có khoa học thì không làm được gì. Phần các nhà khoa học là phải lao vào công việc một cách thật trong sáng”.
Tôi không thể quên bữa cơm hôm ấy, các nhà khoa học như GS Lê Huy Bá hôm nay khi đến viếng ông Sáu Dân sớm cũng nhắc lại rằng sẽ không bao giờ quên những gửi gắm, hy vọng, nhiệt huyết được cống hiến đến say mê mà ông đã truyền lại một cách chí tính, chí nghĩa qua những bữa cơm chung ấy.
Vĩnh biệt chú Sáu Dân Ai cũng bàng hoàng lẫn tiếc thươngSáng nay trời đất bỗng u buồnMưa rơi tầm tã trên đường phốNhư khóc người con đất Vĩnh Long Vũng Liêm thuở ấy còn đen tốiNốp giáo vai mang chú lên đườngTừ đó vượt qua bao sóng gióĐem lại quê nhà những chiến công Chú từ Khu Chín lên Khu BốnĐương đầu trong hang ổ quân thùPhong trào đô thị lên cuồn cuộnBất chấp đạn bom với ngục tù Nhớ đến thời gian còn bao cấpChú nguyện tiên phong để "xé rào"Mở đường đổi mới và hội nhậpLàm cho nước mạnh với dân giàu Con đường đi tới đã chọn rồiHết lòng vì nước cả cuộc đờiNhư chín dòng sông cùng hợp lạiGiữ vững tay chèo trước biển khơi Còn bao công việc chứa trong lòngChú đi, chưa hết nợ non sôngNgày đêm trăn trở và mong mỏi"Đoàn kết, đoàn kết mới thành công" Công chú mai sau mãi khắc ghiCuộc đời như những trang sử thiThúc giục mọi người lên phía trướcTiếp tục làm nên chuyện thần kỳ Nén lòng tiễn Chú về theo BácTưởng chừng Chú vẫn còn đâu đâyKêu gọi chung tay và gắng sứcXây dựng thành công sự nghiệp này. TP.Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 6 năm 2008 |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận