Phóng to |
Sau gọng kính này, bạn hãy là người năng động |
Trần Văn Thắng là sinh viên năm thứ hai ĐH Bách khoa Hà Nội. Tuy mới đôi mươi mà cậu đã có lắm thứ bệnh: nào cận thị, nặng tai, đau bao tử, lại còn viêm cột sống... Đi đến đâu, Thắng cũng phải tìm cho mình "một điểm tựa" rồi mới có thể "an toạ".
Đi liên hoan với bạn bè, trong khi chúng bạn hồn nhiên ăn uống thì cậu lại phải săm soi từng món xem có chất gì ảnh hưởng tới dạ dày không. Ngoài những vật dụng của một sinh viên bình thường, những "phụ kiện" không thể thiếu của Thắng là đôi kính cận, cái tai nghe và một túi thuốc đau bao tử. "Mỗi khi đi đâu mà quên một trong ba thứ này là khó mà vui vẻ được", Thắng than thở.
Nguyên nhân của chuyện này là do từ nhỏ cậu đã không có thói quen ăn ngủ đúng giờ và lười luyện tập thể thao. Suốt ngày cậu chỉ chúi mũi vào những cuốn truyện tranh và những trò chơi điện tử. Cha mẹ cậu thì mải làm ăn, buôn bán, chỉ mong sao thằng con không chạy ra ngoài chơi là được.
Để con yên tâm trông nhà, bao nhiêu cuốn truyện tranh và những trò chơi điện tử mới nhất, Thắng chỉ cần nói một câu là được đáp ứng. Cậu say mê trò chơi đến quên ăn quên ngủ. Bữa nào cậu cũng chỉ ăn uống qua quýt rồi lại chuồn lên phòng riêng tiếp tục với bộ bàn phím và những nút bấm. Một thời gian dài như vậy, khi mà cậu thấy đôi mắt, lỗ tai, cái dạ dày cùng cột sống của mình "có vấn đề" thì đã muộn.
Phùng Mạnh Tuấn, lập trình viên cho một công ty phần mềm, cũng mới có hơn hai mươi tuổi đầu mà trông đã như ông cụ sáu, bảy mươi. Mỗi khi đứng, ngồi lúc nào lưng cậu cũng còng như một dấu chấm hỏi. Lúc đi, cậu bước từng bước chậm chạp. Nhiều khi đi làm muộn, trong khi bạn bè dấn bước cho nhanh thì cậu vẫn đủng đỉnh. "Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây", cậu biện hộ.
Khi ăn, Tuấn luôn tôn trọng triệt để quy tắc: "Ăn chậm, nhai kỹ". Ăn một mình thì không sao. Mỗi khi ăn với chúng bạn, cậu thường phải phồng mang trợn mắt lên nhai mà vẫn luôn là người đứng dậy cuối cùng.
Lũ bạn biết tính cậu nên những cuộc vui nào có ăn uống là hoặc không mời cậu, hoặc phải tổ chức thật gọn nhẹ. Bạn bè phàn nàn thì cậu giải thích: "Trời đánh còn tránh miếng ăn", việc gì phải vội!". Bạn bè Tuấn nhận xét: "Thằng đó cũng vui vẻ, tốt tính. Song phải mỗi cái tội chậm chạp hơn cả cụ ông 80 của tao ở nhà. Oải!"
Những cố tật của Tuấn cũng một phần do ngày còn nhỏ không được chăm sóc đúng phương pháp. Khi học hành, cậu thường ngồi vào bàn của anh, chị. Tới lớp, cậu cũng ngồi học chung bàn ghế với các anh chị lớp trên. Bên cạnh đó, cậu cũng không được ai uốn nắn, chỉ bảo. Thành ra bây giờ, lúc nào lưng cậu cũng phải có chỗ tựa. Không bao giờ cậu đứng thẳng được quá năm phút.
Một căn bệnh mãn tính của thanh niên, sinh viên thời nay là bệnh lề mề. Bất cứ khi nào, đi học, đi chơi, đi dự hội nghị... nhiều người trẻ đều thường xuyên đến muộn. Thôi thì họ có đủ thứ lý do để biện hộ cho sự không đúng giờ của mình. Nào là tắc đường, hỏng xe, đang đi thì gặp "cố nhân", phải đứng lại "buôn dưa lê" một lúc... Thậm chí, có bạn khi được hỏi còn hồn nhiên trả lời: "Cái đồng hồ báo thức của tớ tự nhiên bị chết!". Thuật ngữ "giờ cao su" được sử dụng phổ biến đến mức nhàm chán.
Trần Phương Anh, cô sinh viên xinh xắn khoa Báo chí - Phân Viện báo chí và tuyên truyền, lẽ ra đã rất được nhiều người quý mến nếu cô sửa được cái thói lề mề của mình. Học sáng cũng như học chiều, chẳng lúc nào cô đến lớp trước khi chuông reo vào tiết hai. Hẹn nhau đi chơi, các bạn của cô thường phải đẩy thời gian hẹn lên khoảng một tiếng thì mới mong cô đến đúng giờ. Rồi những dịp quan trọng như báo cáo khoa học, họp chi đoàn, cô vẫn chứng nào tật nấy.
Căn vặn thì cô bảo: "Cũng chả phải mỗi mình tớ đến muộn, nhiều bạn khác cũng "cao su" có kém gì ?". Cũng thật khó bắt bẻ Phương Anh vì tình hình diễn ra đúng như vậy.
Không chỉ dừng lại ở chuyện "giờ cao su", không ít những bạn trẻ còn mang tâm lý nặng nề của những "bô lão". Nguyễn Văn Dũng, nhân viên tiếp tân cho một khách sạn lớn ở Hà Nội, tuy cũng chưa tới ba mươi cái xuân xanh mà cứ tưởng mình đã già lắm rồi.
Ngoài lúc làm việc ra, còn thời gian rảnh rỗi, cậu thường lôi bộ cờ tướng với ấm trà tàu ra mời những cụ hàng xóm vừa đánh cờ, vừa nhâm nhi. Và trong thời gian đó, Dũng trầm ngâm ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời mình như thể đã từng trải lắm. Cậu thường đưa ra những triết lý về cuộc đời, về thời thế mà không ai hiểu nổi.
Nguyễn Hoàng, sinh viên trường Mỹ thuật Công nghiệp, cũng được bạn cùng lớp gọi là một "cụ ông" trước tuổi. Giống Dũng, Hoàng cũng cảm thấy mình sắp "lên lão" đến nơi rồi. Vậy nên không thể trẻ con như bọn cùng lớp được.
Hoàng thường bỏ học để ra các quán nước ngồi. Ở đó, Hoàng vừa đốt thuốc, nhâm nhi ly cà phê 2 không (không đường, không đá) để ngẫm về sự đời. Trong khi bạn bè cùng lứa vui vẻ đi học đi chơi, Hoàng vẫn một mình một phong cách. Thậm chí, cậu còn cho bọn kia là trẻ ranh, không thèm chấp. Không những thế, Hoàng còn tập hút thuốc lào. Sau nhiều lần choáng váng vì say thuốc, bây giờ Hoàng đã có thể rít kêu như ai, vừa nhả khói vừa mơ màng ra dáng ông cụ lắm rồi.
Những nỗi bực mình do thân thể ốm yếu của Thắng, Tuấn là điều thường xuyên xảy ra. Không ít lần, Thắng phải bụng đói về nhà sau khi dự những bữa tiệc mặn mà cái gì cũng có thể làm cho dạ dày của cậu quặn lại nếu ăn dù chỉ một miếng. Tuấn cũng không ít lần phải sớm nói lời chia tay với những bữa tiệc đứng bởi căn bệnh mãn tính của mình.
Song như vậy cũng chưa nghiêm trọng bằng Phương Anh. Khi đang thực tập tại một tòa soạn báo, triển vọng sẽ được giữ lại làm phóng viên của cô đang rất sáng sủa. Nhưng do tác phong lề mề của mình mà cô đã bị tổng biên tập loại thẳng cổ vì làm lỡ hẹn của ông với một vị quan chức chính phủ. Cô chỉ biết tự trách mình đã tự bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng vì những thói quen từ thời học đại học.
Còn với Hoàng, do quá say mê với những triết lý của mình mà đã hai lần phải nói lời tạm biệt với những chiếc xe máy yêu quý. Dũng cũng suýt bị sa thải vì những lơ đễnh của mình trong khi làm việc.
Nhưng cái tai hại nhất chính là sự trì trệ về tác phong và lạc hậu trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ. Điều đó dẫn tới sự sụt giảm lòng tin giữa họ với nhau và giữa họ với cấp trên, đối tác. Tuổi trẻ vốn có nhiều thời gian nhất, song cũng dễ tiêu phí nó nhất. Một phút có khi không là gì. Song cũng có nhiều khi, lỡ một phút cũng đã lỡ làng cả cuộc đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận