Ali Hoàng Dương gần đây trở thành cái tên bị vướng vào tranh cãi về lượt xem trên YouTube - Ảnh: GIA TIẾN
Ở Việt Nam, nhạc thì tải lậu, các kênh radio âm nhạc không phổ cập, các nghệ sĩ thì bán nhạc nhỏ giọt, làm gì có thước đo chung nào ngoài lượt xem YouTube?
Vừa qua, Ali Hoàng Dương, quán quân The Voice 2017, ra mắt mini album Xinh lung linh, hợp tác cùng nhạc sĩ Lưu Thiên Hương.
Đã lâu rồi mới có một nghệ sĩ Việt trẻ dám ra mắt một mini album. Vậy mà chưa kịp vui khi nghệ sĩ thông báo MV của một ca khúc trong album đạt 1 triệu lượt xem, anh bị cư dân mạng chê bôi: chỉ có mỗi 1 triệu lượt xem, flop (thất bại) quá!
Ngay sau đó, Ali Hoàng Dương chia sẻ MV Không ai hơn em đâu anh của Tóc Tiên, và viết thế này: "Rồi bây giờ lượt xem của Ali cao hơn chị Tiên là Ali hơn chị Tiên ư? Rồi chị Tiên flop à? Âm nhạc là con đường của mỗi người, đừng lấy lượt xem ra so sánh".
MV của Tóc Tiên đúng là có vỏn vẹn hơn 800.000 lượt xem vào thời điểm đó.
Nhưng động chạm tới đàn chị, Ali lại hứng chịu thêm chỉ trích. Ali Hoàng Dương có thể còn vụng về, nhưng nếu để ý kỹ hơn lời nói của anh đã điểm đúng "tử huyệt" của Vpop thời 4.0: sự thống trị của lượt xem YouTube như là thước đo thành công duy nhất của một ca khúc.
Không Ai Hơn Em Đâu Anh (KAHEDA) - Tóc Tiên
Sự lệch pha so với thị trường quốc tế
Thứ ba hằng tuần, giới mộ điệu quốc tế lại ngóng chờ kết quả của bảng xếp hạng âm nhạc Billboard không khác gì chờ kết quả xổ số.
Thương hiệu Billboard xuất hiện lần đầu từ 125 năm trước, khi ấy chỉ là một tạp chí quảng cáo.
Phải đến khi tờ tạp chí này phá sản, nó mới được mua lại và chuyển hướng sang âm nhạc. Từ đây, đế chế Billboard khởi nguyên, và âm nhạc cũng bắt đầu làm quen với khái niệm "thứ hạng".
Sự ra đời của tab thịnh hành YouTube chẳng khiến vị trí của bảng xếp hạng Billboard lung lay.
Nếu ví Billboard hot 100 là Bố Già thì lượt xem YouTube chỉ là thư ký tư vấn Tom Hagen mà thôi. Như nếu tính lượt xem YouTube, Me! của Taylor Swift hơn đứt Old town road của Lil Nas X.
Taylor Swift - Me!
Vậy mà nữ hoàng nhạc pop không cách nào đoạt được vương miện Billboard hot 100 của chàng cao bồi tỉnh lẻ.
Hay ai cũng biết người hâm mộ Kpop giỏi "cày view" cho các thần tượng. Nhưng "cây đèn thần" YouTube cũng không hiện thực hóa được mọi ước muốn của BTS hay BLACKPINK.
Boy with luv của BTS chỉ đạt tới hạng 8 của Billboard hot 100, còn Kill this love của BLACKPINK rơi tận thứ... 41.
Vậy Billboard tính điểm dựa trên cái gì? Có 3 yếu tố chính là lượt streaming, lượt phát radio và doanh số tải nhạc.
Lượt xem YouTube nằm trong streaming, nhưng chiếm tỉ lệ điểm rất nhỏ so với lượt nghe trên Apple music, Amazon, Spotify.
Bởi đó là những nền tảng có trả phí, còn YouTube thì cho không. "Của rẻ là của ôi", câu này vẫn đúng với Billboard và nhiều bảng xếp hạng uy tín khác.
Nhưng ở Việt Nam nhạc thì tải lậu, các kênh radio âm nhạc không phổ cập, các nghệ sĩ thì bán nhạc nhỏ giọt, làm gì có thước đo chung nào ngoài lượt xem YouTube?
Nhìn thống kê của Spotify Việt Nam năm 2018, năm nam ca sĩ được stream nhiều nhất ở Việt Nam chỉ có đúng Sơn Tùng M-TP là người Việt, bên phía nữ thì có đúng Mỹ Tâm.
Dường như khi phải trả phí, người Việt chẳng ưu tiên dùng hàng Việt nữa thì phải?
LẠC TRÔI của SƠN TÙNG M-TP
Xã hội âm nhạc không tưởng
Khi thị trường âm nhạc bị điều tiết bởi một nền tảng mạng xã hội kiếm tiền bằng quảng cáo như YouTube thì có thể nói nó cũng không khác gì quốc gia được cai trị bởi vị hôn quân. Đó cũng là lý do có những bài hát rất nhạt vẫn vào tab thịnh hành YouTube.
Nhìn riêng một ca sĩ thôi, Vợ người ta của Phan Mạnh Quỳnh có đến hơn 100 triệu lượt xem, còn những ca khúc trưởng thành của anh, Có chàng trai viết lên cây chỉ 11 triệu, Huyền thoại gần 6 triệu. Cùng là một kiểu thứ hạng, nhưng lại tạo cảm giác không thuyết phục.
Mỹ Tâm cũng chọn Phan Mạnh Quỳnh sáng tác một số ca khúc trong phim - Ảnh: ĐPCC
Đây là vòng tròn luẩn quẩn của một thị trường chỉ có thể lôi "lượt xem" ra để nói chuyện. Không thể có lợi nhuận từ streaming hay tải nhạc, bán đĩa, mọi ca sĩ đánh đổi mọi cách để lượt xem tăng vọt, từ phát ngôn gây sốc đến hình ảnh phản cảm bởi con số ấy minh định rằng: họ không "flop".
Còn khán giả, họ không phải trả phí nên cũng vô trách nhiệm với đôi tai của chính mình.
Tất nhiên ngay cả Billboard cũng sẽ phản ánh không chính xác giá trị thực sự của một nhạc phẩm, như Don't know why của Norah Jones từng chỉ vươn tới hạng 30. Nhưng ít ra, nền âm nhạc thế giới luôn có rất nhiều vòng để tuyển lựa, chắt lọc xem cái gì sẽ còn lại cuối cùng.
Còn ở Việt Nam, lượt xem là "tiền tệ" duy nhất của sự nổi tiếng. Hào quang của YouTube tạo ra những giá trị ảo. Song, một khi giá trị thật bất khả đong đếm thì nghiễm nhiên, nhìn cả thị trường, chỉ thấy thứ duy nhất lấp lánh là kim cương giả.
YouTube không phải là thước đo chuẩn
Nhạc sĩ Dương Cầm:
Lượt xem (view) ảo rồi có lúc sẽ giết chết người nghệ sĩ. Và chúng ta không thể lấy view để đánh giá một sản phẩm âm nhạc xem nó có thật sự hay và chất lượng hay không.
Tuy nhiên, tôi không phủ nhận rằng lượt xem có một giá trị riêng. Có điều, nó không đại diện cho toàn thể khán giả mà chỉ thể hiện thị hiếu của một bộ phận khán giả.
Ca sĩ Hoàng Bách:
View trên YouTube là một thước đo đánh giá sự quan tâm của khán giả thôi chứ không phải là thước đo chuẩn đánh giá một sản phẩm âm nhạc. YouTube là một kênh truyền thông giúp sản phẩm được truyền bá rộng rãi, có mặt tích cực.
Tôi nghĩ các bạn ca sĩ trẻ đang tận dụng kênh này rất tốt và họ làm thế không có gì sai cả. Mỗi một sản phẩm ngày nay ra mắt đều phải có chiến lược truyền thông đi kèm. Chi phí truyền thông bây giờ đã cao hơn ngày xưa rất nhiều.
Có những sản phẩm chất lượng thấp nhưng do truyền thông tốt nên view cao.
Chúng ta đang trong giai đoạn mới bước vào lĩnh vực này nên sẽ không tránh khỏi những lộn xộn như việc mọi người tận dụng lỗ hổng công nghệ để tăng view, fan cày view.
View trên YouTube không tốt, không xấu, nhưng cũng không phải là tiêu chí để tán dương thái quá. Quan trọng là chúng ta có đủ nhận thức để hiểu chất lượng sản phẩm phải dựa trên những tiêu chí nào.
NGỌC DIỆP ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận