![]() |
Minh họa: Nguyễn Thành Trung |
Ở Huế có một lời nguyền về chùa Thiên Mụ, chuyện kể rằng từ ngày xưa có một cô gái con nhà danh giá đem lòng yêu một chàng trai mồ côi. Chuyện tình duyên của họ gặp rất nhiều trắc trở khi bị cha mẹ cô gái ngăn cản quyết liệt. Để được ở bên nhau, hai người quyết định nhảy sông Hương tự tử vì họ nghĩ rằng nếu cùng chết thì sẽ được ở bên nhau. Nhưng cuộc đời trớ trêu, chàng trai kia chết chìm dưới đáy sông sâu, còn cô gái trôi dạt vào bờ và sống sót. Thời gian qua đi, cô gái cũng nguôi ngoai tình cũ và chấp nhận theo sự sắp đặt của cha mẹ, lấy chồng. Linh hồn chàng trai dưới đáy sông chờ người yêu mãi không thấy, quá uất hận cho số phận của mình, linh hồn chàng lang bạt và dạt vào chùa Thiên Mụ nằm bên bờ sông Hương. Chàng đau khổ, tuyệt vọng tự nhủ với lòng sẽ trả thù đời bằng cách phá hoại những đôi đang yêu nhau. Từ đó, những người chưa có duyên đến chùa cầu duyên sẽ gặp được người thương, còn những đôi đang yêu đưa nhau đến chùa không sớm thì muộn cũng sẽ chia tay nhau…Và dù tôi không đến chùa cầu duyên nhưng tôi gặp anh trong một lần vãn cảnh chùa.
Anh là con trai miền Nam, còn tôi là cô gái Huế. Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi chỉ là một cuộc gặp gỡ giữa người nhặt được của rơi và một người bị mất của, ấy vậy mà chẳng biết như thế nào lại có cảm tình trong nhau. Ngày ấy, tôi chỉ mới là cô học trò học lớp 11, còn anh đã là chàng sinh viên năm tư với hành trình của một cuộc thi trí tuệ phía trước. Anh là người dựng nên cây cầu Ô Thước để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau trong cuộc thi Robocon.
Hôm ấy tôi gặp anh để trả lại chiếc ví là buổi chiều cuối cùng anh và gia đình ở Huế. Trời tháng bảy nắng chan chát, nhưng chiều thường có mưa dông. Những cơn dông ầm ầm, mây vần vũ rồi trời đổ mưa như trút. Tôi đạp xe đi dưới cơn mưa tới điểm hẹn. Khi vừa tới quán cà phê, người tôi đã ướt nhẹp, mắt đỏ hoe vì nước mưa. Anh nhìn tôi mỉm cười dịu dàng, rồi anh đưa cho tôi cái khăn tay. Cái khăn rất thơm.
Tôi thích giọng miền Nam và khi nghe anh nói bằng cái giọng miền Nam, tôi như bị cuốn hút. Tôi gặp anh không đủ lâu để nhớ khuôn mặt anh và dù có thích cái giọng miền Nam “không đoán được tuổi tác” ấy, thì tôi cũng chỉ là một cô bé, nhà nghèo, học hành chưa đến đâu. Tôi nào dám mơ mộng viển vông, nào dám có một người cho tim mình thầm thương trộm nhớ.
Hôm ấy, trước khi chia tay anh, anh nhìn tôi rồi nói rằng
- Em cho anh địa chỉ liên lạc nhé. Vào Sài Gòn nếu có điều kiện anh sẽ liên lạc với em. Với lại, anh cũng chưa trả được ơn cho em vì chuyện này nè.
Tôi mỉm cười. Lúc ấy không cười cũng không được, mặc dù tôi đâu cần anh phải trả ơn cho tôi. Tôi cho anh địa chỉ liên lạc, còn số điện thoại là của nhà hàng xóm, vì lúc ấy nhà tôi vẫn chưa có điều kiện lắp điện thoại. Mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó. Chỉ ở đó thôi. Và tôi ra về khi nắng chiều sau cơn mưa mượt mà đến rạo rực ùa xuống phố.
Hai tháng sau, bất ngờ tôi nhận được thư anh. Lần đầu tiên tôi nhận thư tay của một chàng trai. Bà nội đưa lá thư cho tôi rồi thở dài quở trách. Bà bảo:
- Mi không lo mà học hành đi, thư với từ, lo mà thi đại học cho đậu chớ đừng có yêu với đương.
Mặt tôi tiu nghỉu chẳng hiểu vì sao bà lại nói như vậy. Hóa ra lá thư đã được bóc trước khi đến tay chủ nhân của nó. Chắc chắn tôi không phải là người thứ hai đọc nó, hay ít nhất là sẽ còn một người nữa đọc cho bà nghe, vì bà không biết chữ.
Tôi cầm lá thư rồi trèo lên cây đào, vừa đọc thư vừa nhai đào. Sau khi đọc xong, tôi vội vàng tụt xuống, chạy vào nhà. Bà đang chuẩn bị nhóm lửa trong bếp. Tôi tiến lại gần và nói với bà rằng việc đọc thư người khác là vi phạm pháp luật, rằng nếu lần sau có thư thì bà đừng đưa cho ai đọc nữa.
Lá thư anh viết chẳng có gì là yêu đương hay mùi vị yêu đương gì cả, chỉ là lời cảm ơn và giới thiệu nhiều hơn về anh mà thôi. Tối đó, sau khi học xong tôi viết thư trả lời anh. Thời đó, một lá thư chuyển tới tay người nhận mất hơn nửa tháng... Và cũng kể từ đó, người đưa thư trở nên quen thuộc với tôi đến kỳ lạ. Thậm chí, với cái tính thích làm thơ, tôi từng làm thơ tặng người đưa thư đó.
Cũng kể từ đó, anh và tôi thường xuyên viết thư cho nhau. Thỉnh thoảng một tuần anh gọi cho tôi một lần số điện thoại nhà hàng xóm. Mỗi khi nghe bác hàng xóm kêu “Bé ơi, có điện thoại” là tôi co giò chạy như bay xuống để chỉ nghe anh hỏi thăm vài câu, chỉ để nghe cái giọng miền Nam dễ thương. Thỉnh thoảng, tôi cũng gọi cho anh. Có hôm mẹ anh bắt máy và hỏi thăm tôi rất nhiều. Tôi thấy rất vui, vì ít nhất tôi hiểu chúng tôi thư từ với nhau anh có kể cho mẹ nghe. Tôi cứ nghĩ rằng khi một chàng trai nói với mẹ về cô bạn gái của mình, nghĩa là cô bạn đó rất có ý nghĩa, rất quan trọng với chàng trai kia. Tôi mặc định về anh như vậy, khi tôi được mẹ anh hỏi thăm. Và chỉ duy có điều ấy thôi đã làm tôi vui ngây ngất.
Tôi sắp thi đại học. Và anh là người luôn luôn bên cạnh cổ vũ tôi học hành. Anh nói với tôi về việc chọn thi đại học ở Sài Gòn để chúng tôi có cơ hội được ở bên cạnh nhau nhiều hơn. Tôi đã thử suy nghĩ, đã xin phép ba mẹ và được đồng ý. Năm ấy, tôi đi Sài Gòn dự thi.
Tôi đến Sài Gòn vào một buổi sáng sớm, khi ánh nắng hắt những tia nắng đầu tiên lên thành phố. Đoàn tàu đi chầm chậm vào sân ga, đi qua phía sau những ngôi nhà thấp cũ. Tôi chưng hửng. Sài Gòn trong tôi không phải như thế. Trong tôi, Sài Gòn đẹp hơn nhiều, giàu hơn nhiều, chứ không phải là những ngôi nhà cấp bốn xơ xác như làng quê. Khi bước chân xuống sân ga, nhìn quanh, tôi mới nhìn thấy những cảnh như tôi tưởng tượng, là nhà cao tầng, là phố san sát phố, là đường nườm nượp xe. Có thể Sài Gòn bây giờ còn đổi thay nhiều hơn nữa, bởi trong tôi cơn mưa này đã ở lại đến hơn mười mùa thu rồi.
Bác tôi đón tôi ở sân ga và chở tôi qua phố phường để về nhà, nhà bác ở tận Hóc Môn. Chắc xa lắm, bởi cho đến bây giờ tôi vẫn chưa định hình được nhà bác tôi cách trung tâm bao xa, địa điểm thi của tôi nằm tận bên quận 4. Bác nói rằng từ nhà qua đó, nghĩa là từ bên này Sài Gòn đi qua phía bên kia Sài Gòn. Tôi vẫn không thể hình dung ra được. Như Huế tôi thì khỏe, bờ Bắc và bờ Nam. Bờ Bắc là bên kia cầu Trường Tiền, bờ Bắc là có kinh thành. Còn bờ Nam là đi vào phía Nam. Huế nhỏ nên cũng khỏe, tôi ở Huế lâu nên cũng dễ định vị. Còn Sài Gòn với tôi xa lạ lắm.
Sài Gòn xa lạ nhưng anh lại gần. Anh gần bởi những lá thư anh đã gửi tôi, bởi những đợi chờ, bởi những yêu thương… Anh gieo mầm cho tôi một giấc mơ mới, một giấc mơ có anh, có tôi, có Sài Gòn và có một tình yêu vô bờ bến. Nhưng hạt mầm gieo vào đất, dù mặt đất có màu mỡ đến thế nào đi nữa, nếu là hạt mầm sâu thì cây chẳng bao giờ mọc được.
Những ngày tôi ở nhà bác học thi, tôi và anh vẫn liên lạc với nhau bằng điện thoại, anh hứa sẽ đi thăm tôi khi nào tôi thi xong. Nhưng chẳng biết như thế nào, tôi lại có cảm giác xa cách. Không biết vì cái gì nữa, chỉ là linh cảm vậy thôi.
Cuối cùng tôi cũng thi xong, thở phào nhẹ nhõm với hi vọng mình sẽ trở thành cư dân Sài thành trong nay mai. Hôm đó, anh gọi điện cho tôi và hứa sẽ đến nhà bác tôi chơi như đã hẹn.
Đó là một buổi chiều mưa như trút, những cơn mưa bắt đầu mùa mưa. Tôi đứng nép dưới mái hiên của một ngôi nhà trên đường đi chợ về cùng với người chị họ. Tiếng mưa ầm ào trên mái, rồi gió hất tung đám lá vàng còn muốn bám víu trên cây xuống mặt đường. Tôi đứng nhìn mưa, quần áo đã ướt nhẹp và lo lắng cho anh. Nếu anh đã ra khỏi nhà, đang di chuyển trên đường, có lẽ anh cũng đang đi trong mưa.
Anh đến nhà bác tôi khi cơn mưa chỉ còn nho nhỏ, trời tối sầm sập ngay trước mặt. Tôi và anh ngồi ở phòng khách. Lần đầu tiên sau hơn một năm chúng tôi gặp lại nhau, anh cũng chẳng thay đổi gì nhiều, mặc dù anh đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Chúng tôi ngồi nói chuyện, những câu chuyện vu vơ về thời tiết và anh bảo rằng mưa to quá, đường ngập lên quá nửa bánh xe, đi chỉ sợ xe tắt máy giữa đường. Tôi chẳng biết nói gì, trên tivi, chương trình ca nhạc đang chiếu bài hát Only love của Trade Mark.
Tôi không ngờ cuộc gặp gỡ lại diễn ra tẻ nhạt đến vậy, vậy mà tôi cứ tưởng chúng tôi đang yêu, vậy mà tôi cứ tưởng khi biết tin tôi vào Sài Gòn thi đại học, chắc anh sẽ vui và muốn gặp tôi ngay… Nhưng dường như chỉ là tôi tưởng tượng mà thôi.
Hôm tôi đến sân ga để về nhà, tôi đã nói trước cho anh biết, nhưng hôm đó tôi thấy mình như con điên, cứ ngóng chờ rằng anh sẽ ra sân ga tiễn tôi, rằng khi tôi trở về Huế anh sẽ viết thư cho tôi như trước đây. Rằng giữa chúng tôi vẫn bình thường và tình cảm vẫn tốt đẹp. Tôi tự đánh lừa bản thân mình, trong khi mọi chuyện đã thật sự vỡ như mưa. Hôm đó, điện thoại của anh, cả ngày, chỉ có mỗi một điệp khúc quen thuộc “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...” và tôi biết thừa anh đã tắt máy vì lảng tránh tôi.
Nếu như chuyến tàu lúc tôi vào Sài Gòn làm tôi khóc từ Huế tới Bình Định vì thấy thương dáng hình ba tôi hôm tiễn tôi ở sân ga, thì chuyến tàu từ Sài Gòn ra Huế tôi cũng đã khóc. Tôi khóc vì những tiếc nuối mà tôi đã dành cho anh suốt một thời gian dài, tình cảm đó đẹp lắm, đẹp lung linh… bởi lần đầu mình biết mơ những giấc mơ xa và lần đầu tiên dám cả gan nhớ thương một ai đó. Tôi đã khóc, khóc cho những vụn vỡ được báo trước.
Nửa tháng sau khi về nhà, tôi nhận được thư anh. Anh nói rằng anh không còn thương tôi nữa, anh đã thương người khác, rằng tôi chẳng có gì cả, tôi chưa vào đại học, tôi cũng ở xa anh nữa… Anh đã đưa ra rất nhiều lý do để đẩy tôi ra xa. Lúc ấy tôi thật sự thấy hụt hẫng, tôi không biết phải làm gì. Lần đầu tiên, tôi cho phép mình đi nghe nhạc rock và uống hai ly rượu rhum như uống nước lọc. Vậy mà tôi chẳng say.
Tôi đạp xe về nhà khi trong người có chút hơi men của sự liều lĩnh và giữa tiết trời Huế mưa, mưa nhẹ thôi, chỉ là lất phất thôi, nhưng mưa rất lâu. Tôi đã đi dưới mưa, đã khóc, đã đau đớn bởi những tổn thương không định hình được trong lòng. Tất cả đã vỡ vụn hết rồi.
Tôi không từ bỏ giấc mơ Sài thành, nhưng dường như tôi không có duyên với nó. Tôi nặng nợ với Huế bởi có thể tình yêu tôi dành cho Huế lớn hơn cả tình yêu ban đầu tôi dành cho anh. Và tôi vẫn ở đây, giữa đất Huế này, ngạo nghễ chứng minh cho anh thấy tôi sẽ có mọi thứ, tôi sẽ tìm trong tấm bằng đại học có cái gì và nhiều thứ khác nữa…
Hơn mười năm đã trôi qua, giờ nhìn anh tôi chẳng còn thấy tim mình lỗi nhịp nữa. Tôi đã có thể chúc mừng sinh nhật anh trên Facebook, tôi có thể like hình vợ và con anh. Và tôi cũng biết anh chẳng dõi theo tôi như tôi đã từng. Tôi cũng biết ban đầu tôi đi từ quyết tâm này đến quyết tâm khác là bởi tôi muốn anh nhìn thấy tôi đã cố gắng có được những thứ mà anh nói rằng tôi chưa có, nhưng rồi có lẽ tôi làm tất cả những điều ấy là vì chính tôi. Niềm yêu thương khi thành nỗi đau cũng là động lực để con người ta làm những việc khác những điều mình đã làm. Và tôi chợt nhận ra cái mà tôi đã tặng cho nó hai chữ "tình đầu" thật ra chỉ như là một cơn mưa mà thôi.
Anh quay lại Huế, đi cùng vợ và con mình. Tấm hình trên Facebook anh chọn làm avatar là hình anh chụp cùng con trước cổng chùa Thiên Mụ. Chẳng biết khi đến đây, anh có ngờ ngợ nhớ ra chuyện ngày xưa hay không. Còn tôi, tôi nhìn tấm hình đó và mỉm cười. Có lẽ tôi nên tắt máy, đi nấu cơm chiều và chờ chồng về ăn cơm thôi.
Áo Trắng số 18 ra ngày 1/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận