Làng nghề dệt choàng Long Khánh có thêm nhiều sản phẩm đa công dụng - Ảnh: NGỌC TÀI
Trải qua bao thăng trầm, những nghệ nhân làng dệt choàng Long Khánh (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự) không chỉ giữ nghề, mà còn đưa những chiếc khăn trở thành món quà lưu niệm không thể thiếu mỗi khi ghé về quê hương Đồng Tháp.
Nếu như trước đây, làng dệt choàng chỉ bám víu vào hai mùa lúa bán khăn rằn cho bà con nông dân, thì nay mỗi ngày làng sản xuất hàng ngàn chiếc khăn.
Không chỉ vậy, khách thập phương, kể cả khách nước ngoài, cũng biết đến chiếc khăn choàng cổ Long Khánh nhiều sắc màu, rồi cà vạt, túi xách, quần áo cũng lần lượt ra đời.
Chăm chút mẫu mã, đa dạng sản phẩm giúp nhiều nghệ nhân ở làng nghề sống khỏe lại vừa có thể lưu giữ nghề truyền thống của ông bà. Trong ảnh bà Kim Chiều, nghệ nhân làng nghề, cùng con gái chuẩn bị sản phẩm tham gia hội chợ xúc tiến thương mại - Ảnh: NGỌC TÀI
Bà Nguyễn Thị Kim Chiều, một nghệ nhân có kinh nghiệm, chia sẻ việc thương mại hóa sản phẩm từ khăn choàng cũng được chăm chút từ mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu…
Nhiều bạn trẻ của xứ cồn Long Khánh cũng miệt mài trở thành những đại sứ thương hiệu tự hào giới thiệu với bạn bè sản phẩm quê mình.
Hiện nay, làng nghề có khoảng 50 hộ sản xuất với 150 khung dệt. Ông Nguyễn Văn Khơi, chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, chia sẻ chính sách phát triển làng nghề luôn được huyện quan tâm.
Ngoài nhà trưng bày sản phẩm, sắp tới huyện sẽ đầu tư cầu tàu để các tàu du lịch thuận tiện cặp bến tham quan cồn, tham quan làng dệt, mua sắm các sản phẩm của làng dệt choàng trăm tuổi này.
Ngày càng nhiều đoàn khách du lịch đến làng nghề dệt choàng Long Khánh tham quan, mua sản phẩm - Ảnh: NGỌC TÀI
Du khách thích thú với những chiếc khăn vừa mới chọn mua - Ảnh: NGỌC TÀI
Nâng cao giá trị sử dụng của sản phẩm dệt choàng bằng những phẩm tiện ích, đẹp mắt như chiếc nón trẻ em này đang rất được ưa chuộng - Ảnh: NGỌC TÀI
Trang phục cưới của người con gái Long Khánh là những chiếc áo dài làm từ sản phẩm làng nghề dệt - Ảnh: THÁI KHÔI
Bà Lê Thị Nài, một nghệ nhân dệt choàng từng trăn trở với sứ mệnh giữ nghề truyền thông, nay đã thỏa nguyện vì làng nghề được vực dậy, nhộn nhịp - Ảnh: NGỌC TÀI
Làng nghề nằm ở huyện đầu nguồn. Những gian nhà sàn chống lũ thường được tận dụng mỗi góc nhỏ để sản xuất khăn choàng. Gia đình bà Phạm Thị Mận chia nhau làm các công đoạn nấu, nhuộm màu, phơi khô, quay chỉ, móc cửi, dệt - Ảnh: NGỌC TÀI
Làng nghề hồi sinh nhiều hộ sản xuất cũng có thu nhập ổn định - Ảnh: NGỌC TÀI
Máy dệt đáp ứng nhu cầu sản xuất số lượng lớn của làng nghề - Ảnh: NGỌC TÀI
Thế nhưng những khung cửi dệt tay vẫn còn được ưa chuộng vì sản phẩm thủ công luôn có giá trị với nhiều người - Ảnh: NGỌC TÀI
Quay chỉ một trong những công đoạn sản xuất để làm ra một sản phẩm dệt choàng - Ảnh: NGỌC TÀI
Sau khi hồ, chỉ được phơi khô dưới nắng để gia tăng độ bền và mềm mại - Ảnh: NGỌC TÀI
Khăn rằn vẫn giữ một vị trí quan trọng trong bộ sưu tập sản phẩm làng nghề dệt choàng Long Khánh. Chúng vừa mang giá trị truyền thống, vừa là sản phẩm nuôi sống làng nghề một thời - Ảnh: NGỌC TÀI
Công xưởng quay chỉ nhiều sắc màu của bà Lê Thị Nài - Ảnh: NGỌC TÀI
Những chiếc khăn choàng có màu sắc đa dạng, bắt mắt - Ảnh: NGỌC TÀI
Cũng là những chiếc khăn rằn ngày nào, nay được tết chỉ ở đầu và cuối khăn, phù hợp làm khăn choàng cổ - Ảnh: NGỌC TÀI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận