01/10/2010 20:11 GMT+7

Nhóm ngành kiến trúc - xây dựng

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

AT - Hàng loạt công trình xây dựng khắp mọi miền đất nước đang cần một lực lượng lớn nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Đây là nhóm ngành phù hợp với những người thích làm việc một cách có hệ thống, ưa thích kỹ thuật, máy móc…

1. Ngành quy hoạch đô thị

Giảng dạy các môn chuyên ngành như kết cấu công trình, địa chất thủy văn, quy hoạch mạng lưới đường, quy hoạch mạng lưới cấp nước, quy hoạch lưới điện, kinh tế & chính sách phát triển đô thị, bảo vệ môi trường đô thị: kiến trúc phương Tây, kiến trúc phương Đông & Việt Nam, lịch sử đô thị, xử lý chất thải đô thị...

Sau khi ra trường, sinh viên có thể làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước như: phòng quản trị đô thị các quận huyện, sở nhà đất, văn phòng kiến trúc sư trưởng thành phố. Bạn cũng có thể làm ở công ty kinh doanh nhà đất để làm công tác thiết kế quy hoạch, làm ở bộ phận thiết kế bản vẽ cho các công ty xây dựng, ở phòng quản lý đôi thị các quận huyện, ban quản lý công trình, sở kế hoạch - đầu tư, văn phòng kiến trúc nhà nước hoặc tư nhân...

2. Ngành kiến trúc công trình

Đào tạo kiến trúc sư có thể thiết kế các công trình nhà ở, công trình công cộng.

Tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở các phòng thiết kế các công ty xây dựng, các trung tâm tư vấn xây dựng, công ty giám định công trình. Ngoài ra, kiến trúc sư công trình còn có thể làm việc ở một số cơ quan nhà nước: sở tài nguyên - môi trường, ban quản lý các dự án công trình công nghiệp.

3. Ngành kỹ thuật công trình

Trang bị cho sinh viên kiến thức để trở thành các nhà kỹ thuật điều khiển thi công ở các công trình nhà ở, công trình nhà máy công nghiệp. Ở các trường khác nhau, ngành kỹ thuật công trình có thể được đào tạo trong các chuyên ngành sâu hơn bao gồm:

+ Chuyên ngành xây dựng dân dụng - công nghiệp: Đào tạo các kiến thức liên quan đến sức bền vật liệu, trắc địa, kiến trúc, địa chất công trình, vật liệu xây dựng, nền móng cơ học, thủy lực, kết cấu bêtông cốt thép, cấp thoát nước, thủy văn công trình, kỹ thuật tổ chức thi công, quy hoạch đô thị.

Tốt nghiệp ngành này được cấp bằng kỹ sư xây dựng có thể làm công tác kỹ thuật điều khiển thi công các công trình nhà ở, công trình nhà máy công nghiệp... Vị trí công việc đúng chuyên môn của ngành này là các công ty thi công, thầu xây dựng nhà ở; phòng, sở xây dựng; các công ty tư vấn, thẩm định xây dựng...

+ Chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị: sinh viên tốt nghiệp ngành này được cấp bằng kỹ sư có kiến thức về quy hoạch thiết kế kỹ thuật đô thị, quản lý phát triển đô thị. Chương trình đào tạo gồm các chuyên ngành: cấp thoát nước, cấp điện, giao thông, san nền tiêu thủy, môi trường.

Có thể làm công tác thiết kế kỹ thuật ở các công ty cấp thoát nước, công ty quản lý mạng lưới điện, các công ty công trình giao thông đô thị; chuyên viên kỹ thuật các cơ quan quản lý nhà nước, sở giao thông công chính, phòng quản lý đô thị các quận huyện, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng quy hoạch đô thị...

4. Ngành xây dựng cầu đường

Đào tạo kỹ sư có khả năng lập các dự án xây dựng, thiết kế và tổ chức thi công; có kiến thức tin học và tiếng Anh tốt, đủ khả năng tiếp cận với công nghệ mới; tham gia nghiên cứu, giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ...

Chương trình đào tạo gồm ba phần chính: các kiến thức về khoa học cơ bản.; các kiến thức về kỹ thuật cơ sở: sức bền vật liệu, cơ học đất, cơ học kết cấu, vật liệu xây dựng, kết cấu bêtông, kết cấu thép, gỗ...; các kiến thức chuyên ngành: kiến trúc nhà dân dụng, kết cấu cầu, kỹ thuật thiết kế đường, nền móng công trình, kỹ thuật thi công, cấp và thoát nước...

Tốt nghiệp ngành này, sinh viên là kỹ sư xây dựng có khả năng thiết kế, tính toán các bộ phận kết cấu, hạng mục công trình cầu đường, tổ chức thi công, giám sát chất lượng công trình cầu đường.

+ Chuyên ngành công trình giao thông thành phố: Đào tạo kỹ sư cầu đường chuyên sâu về nghiên cứu, thiết kế, tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác công trình giao thông trong thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông tại các đô thị. Chuyên ngành này nhằm đào tạo kỹ sư chuyên về cầu, đường ôtô, đường sắt trong thành phố, hầm giao thông trong thành phố, đường ôtô các cấp, các tuyến đường sắt trên cao, metro, nút giao thông lập thể nhiều tầng...

Sau khi tốt nghiệp, người học sẽ được cấp bằng kỹ sư ngành xây dựng cầu đường, có thể đảm nhiệm công tác nghiên cứu, thiết kế, tư vấn giám sát, quản lý dự án, thi công xây dựng các công trình cầu, đường, hầm trong thành phố nói riêng và các công trình giao thông đường bộ nói chung...

5. Ngành vật liệu và cấu kiện xây dựng

Ngành vật liệu và cấu kiện xây dựng đào tạo theo diện rộng với các nhóm chuyên môn như công nghệ chế tạo bêtông và bêtông cốt thép đúc sẵn; công nghệ sản xuất các sản phẩm gốm xây dựng như gạch ngói, gạch ốp trang trí, sứ...; công nghệ sản xuất chất kết dính. Ngoài những kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành này còn được trang bị những kiến thức chung về ngành xây dựng. Ngành vật liệu và cấu kiện xây dựng đào tạo theo hướng nghiên cứu chế tạo vật liệu xây dựng trong khi ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp đào tạo kỹ sư theo hướng thi công.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm về vật liệu xây dựng, các nhà máy sản xuất vật liệu ngành xây dựng.

6. Ngành xây dựng cảng - công trình biển

Đào tạo kỹ sư chuyên ngành xây dựng các công trình cảng, công trình thủy công thuộc công nghiệp đóng tàu biển, xây dựng các bến cảng hiện tại trên sông, trên biển, tính toán thiết kế hệ thống dầu khoan, xây dựng công trình chỉnh trị cửa sông, cửa biển và hải đảo cùng công trình phục vụ các ngành kinh tế hàng hải, dầu khí...

7. Ngành thủy lợi - thủy điện và cấp thoát nước

Đào tạo kỹ sư có khả năng thiết kế, tư vấn, thi công, giám sát và vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện và cấp thoát nước: hồ chứa cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, phát điện, nhà máy thủy điện, trạm bơm nước; hệ thống cấp nước và thoát nước đô thị (mạng lưới đường ống, nhà máy xử lý,...); các công trình chỉnh trị sông (chống sạt lở bờ sông, điều chỉnh dòng chảy...); công trình kiểm soát lũ (ở ĐBSCL, miền Đông Nam bộ...).

8. Ngành công trình thủy lợi

Đào tạo các kỹ sư có khả năng tham gia thiết kế, lập phương án thi công và trực tiếp tổ chức chỉ đạo thi công công trình thủy lợi - thủy điện, công trình trên sông và ven biển như: đập, cống, trạm bơm, đập tràn xả lũ...

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành này có thể thiết kế, thi công các công trình thủy lợi, thủy điện, xây dựng và phát triển nông thôn ở vùng đồng bằng, miền núi, ven biển.

J8e46EGX.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18 (ra ngày 1-10-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên